12. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

12. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Tâm Kinh: Bản kinh này nói pháp sở hữu của Tâm: A Lại Da Thức cũng như Như Lai Tạng Tính. Tâm Kinh làm nguồn gốc cả muôn pháp (chữ pháp là cả sự vật vô hình hữu hình); Tâm Kinh đây là điểm tinh giữa một Đại bộ Bát Nhã Kinh, nghĩa nó rất cao tột sâu xa, ít người tiến đến tận bờ kia, mà đức Bồ Tát Ngài xét soi (quán chiếu) đến tận nơi thâm u của Tâm Kinh một cách rất tự tại, Ngài có trí tuệ rất rộng lớn, nên với cảnh giới ấy Bồ Tát đã tự chứng rồi, lại sẵn sàng đem ra để chứng cho người, thành thử Ngài nói Kinh đây.

Song muốn giải thích kinh này, trước phải giải đề mục đã. Với phép giải đề mục, đây tuân theo Tổ Thiên Thai bằng cách thành lập ra 5 lớp nghĩa mầu:

1/ Thích danh

2/ Hiển thể

3/ Minh Tông

4/ Biện dụng

5/ Phân giáo.

---o0o---

Thích Danh

Thích Danh là giải rõ cái Danh đề của Kinh; Kinh này lấy riêng về Pháp để đặt tên. Bát Nhã: dịch là Trí huệ, có ba nghĩa:

1. Thật tướng Bát Nhã: Bát Nhã tức là: Trí huệ, hay Phật tánh và chân tâm chẳng hạn. Cái tướng chân thật của trí huệ là “tướng không” chứ chẳng phải “tướng có” nên gọi là “thực tướng” nghĩa là nó không hẳn những cái tướng: Sinh tử của sáu loại phàm, Niết bàn của bốn quả Thánh, và phi các hình tướng: Tròn, dẹp, lớn, nhỏ, thấp, cao, trắng, vàng, nam, nữ, ta, người, nay, xưa v.v...cho đến phi những cái tướng dại khôn, chúng sinh và Phật. Vì nó không phân biệt, không ngộ mê, bởi đã không cái “tướng có” lại phi cái “tướng không” và không luôn “cái không” nữa, thế gọi là thể tướng của “Thật tướng bát nhã”.

2. Quán chiếu Bát Nhã: Cái tướng xét soi của trí huệ. Lấy ánh tâm Trí huệ, để soi xét diệu lý của thật tướng, cái trí sáng, cái lý rõ, thì phá tan được những điều mê hoặc, để rõ bày tam Ðức diệu tâm ra:

- Pháp thân đức

- Bát nhã đức

- Giải thoát đức.

3. Văn tự Bát Nhã: cũng gọi là phương tiện Bát Nhã; bởi lý nó đã là cái vô hình, lại tiệt đường nói nghĩ, ắt phải nương văn tự để rõ nghĩa, do nơi nghĩa để hiểu lý, dần dần sẽ đặng với nghĩa và rõ đều quên, văn tự tánh nó vẫn không, thế thật tướng. Tỷ như đã được cá và thỏ rồi, thì nơm, rập đều bỏ. Số là lớp sơ học mà phi phương tiện, thì khó tiến vào Bát Nhã môn; văn tự nghĩa thú, là cái cảnh phương tiện, cái hiểu biết là trí phương tiện. Nếu buông nó ra, thì đâu có thể rõ đặng thật tướng ư?

Hỏi: Phương tiện Bát Nhã nó có khác gì với Quán chiếu Bát Nhã không?

Ðáp: Cũng có khác, cũng không khác. Nghĩa là: Với “Phương tiện Bát Nhã” là nơi chữ và nghĩa mà hiểu, đó là do cái trí phân biệt để phân biẹt về sự cảnh giới, tức là quyền trí đấy. Với “Quán chiếu Bát Nhã” là y nơi thật tướng mà xem xét, đó là do nơi cái trí không phân biệt để chiếu ngay vào lý cảnh giới, tức là thật trì đấy. Nghĩa có khác với nhau là thế.

Mặc dầu Quyền trí đối về sự, nhưng riêng không còn Quyền nào ở ngoài thật; tuy thật trí chiếu về lý, cũng chẳng còn Thật nào ở ngoài Quyền. Tức là Thật tức là Quyền, mà thể nó chẳng phải riêng làm hai, nghĩa cũng đồng nhau.

Như trong Văn kinh: Chữ “Chiếu kiến” đó, tức là nghĩa của “Quán chiếu Bát Nhã”. “Ngũ uẩn đều không”, “không tướng của các pháp” đó là là nghĩa “Thật tướng Bát Nhã”; “độ tất cả khổ ách” là “Phương tiện Bát Nhã”.

Lại thật tướng Bát Nhã tức là Pháp thân đức; Quán chiếu Bát Nhã tức là Bát Nhã đức; Văn tự Bát Nhã (Phương tiện Bát Nhã) tức là giải thoát đức, ba và một chẳng phải là riêng Bát Nhã tức là giải thoát đức, ba và  một chẳng phải là riêng làm hai, mà chính là nhất tâm sẵn sàng vẫn đủ của ta với người đấy.

Phạm ngữ Paramità, ta đọc Ba la Mật, dịch chữ: Bỉ ngạn đáo, nghĩa: Ðến bờ kia. Sinh tử là bờ bên đây, Niết bàn là bờ bên kia, phiền não là chính giữa  dòng sông mê bể khổ, trí huệ là thuyền bè.

Trong văn Kinh nói: Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không: Thân “ngũ uẩn” là sinh tử; trí “chiếu kiến” là thuyền bè; “giai không” là đáo bỉ ngạn. Nghĩa là “Hành đã thâm” thì liền chứng đến cảnh giới tịch diệt Niết bàn. Phải biết rằng: với cái thân năm uẩn đây đã không, hễ một cái này không, thì tất cả chi chi nữa cũng đều không, với cái không của tam đế được viên dung, là trọn nhờ nơi công, hành quán chiếu, mới tiến vào cảnh “chân không” của Ba La Mật môn.

Tâm (Tâm Kinh) làm chủ suốt bốn Thánh sáu phàm và gồm cả mười thiện mười ác; nói bằng cách ước lược thì có những: Tâm của thảo mộc, tâm của duyên lự, tâm chân như và cái tâm của tích tụ tinh yếu.

Tâm thảo mộc: cỏ cây nó chẳng thể có cái bản năng Duyên lự (Leo lo) cũng như liên tưởng, vì chữ Duyên: Liên lạc; chữ Lự: Tư tưởng. Mà nó vì có nghĩa sinh trưởng, nên nói tựa hồ có tâm, dù không giác tri.

Tâm duyên lự: Cũng kêu tâm lo biết, chính là cái tâm bằng “mỗi một niệm” hiện bây giờ đây của ta và người, nó hàm đủ những khả năng bằng Duyên lự là liên tưởng cả đến chín loại ở chín cõi. Nghĩa là: Cái tâm niệm hiện tiền đây, nếu có duyên về thập ác bằng thượng phẩm để làm tư lự, thế là cái tâm địa ngục: nếu nó duyên về thập ác bằng trung phẩm để làm tư lự, thế là cái tâm súc sinh; nếu nó duyên về thập ác bằng hạ phẩm để làm tư lự thế là cái tâm ngạ quỷ. Chung gọi là “Tam ác đạo”.

Tâm niệm lo nghĩ về mười lành bằng lực hạ, là tâm duyên lự của thân A Tu La; lo nghĩ về 10 lành bằng bực thượng là tâm duyên lự của các Trời, chung gọi là “tam thiện đạo”. Cả “thiện và ác trên, đều cộng chung là “lục đạo luân hồi”. Tức là sáu cảnh giới của phàm phu.

Tâm niệm nó duyên lệch cảnh không vắng lặng, để tư lự hoạt động, đó là tâm của các Thánh Thanh Văn; nó duyên theo cái tánh không pháp nhân duyên, để làm tư lự hoạt động, đó là tâm của các Thánh Duyên Giác; nó duyên pháp Lục độ đều tu để làm tư lự hoạt động của các Thánh Bồ Tát; nó duyên theo tánh pháp giới vô ngại, nên được bình đẳng giữa người với ta, vì đồng một bản thể thanh tịnh diệu minh, để làm tư  lự, đó là tâm chân như của Phật.

Duy cái tâm chân như của Phật, nói là trí vô phân biệt, vì giác ngộ đã hoàn toàn cứu cánh. Tất cả đều gọi là cảnh giới của tứ thánh nhân ở ngoài tam giới lục đạo.

Kinh Hoa Nghiêm bài kệ nói: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”: Nên xét tánh pháp giới, tất cả chỉ tâm (tâm duyên lự) tạo. Lại nói “Tâm như công họa sư, tạo chủng chủng ngũ ấm". Tâm như thợ vẽ khéo, tạo mỗi mỗi ấm thân. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Vạn pháp sở sinh, duy tâm sở hiện: Cảnh sở sinh của muôn pháp (sự vật) là cảnh sở hiện của duy tâm (Như Lai Tạng).

Song pháp tính (tâm chân như) nó vẫn hoàn toàn sáng suốt vốn chẳng óc những hiện tượng bằng thế giới chúng sinh; bởi vì với trên thể viên mãn quang minh đó, lững đi không tỉnh giác mà mỗi động lên một niệm (tâm duyên lự): hoặc vọng hoặc chân hay là mê với giác, nhiễm với tịnh cũng như ác niệm thiện niệm chẳng hạn, thành thử giữa “pháp giới tánh” mới có hiện thật ra những hiện tượng phân biệt bằng tứ thánh, lục phàm nơi mười phương: chúng sinh chẳng chịu nhận ngay nơi niệm để giác chiếu, nên mỗi niệm đều rượt theo cảnh lục trần để sinh vọng động luôn luôn, nhân đó tâm nó bị tạp loạn mãi mãi, không giờ nào thôi! Đó là cái ánh tư tưởng cũng như quan điểm điện tử, để chiếu bóng ra những hiện thực giữa lục phàm.

Trái lại, nên biết: với niệm trước mặc dầu nó đã sinh khởi bằng mê vọng, mà chỉ cốt lấy niệm sau quày xét lại bằng giác chân: Niệm nó chẳng có cái thật thể của nó, thể đã phi có, thì niệm do đâu sinh? Tỷ như đã không hột, không giống thì làm gì sinh ra cỏ, ra cây? Cứ mỗi một niệm nào, thường giác ngộ mỗi niệm nấy, mỗi niệm vẫn theo riết với giác tánh theo mãi cho đến cùng nguyên cực để, thì tự nhiên tiến thủ được cái tin tức của tâm chân như, mà trong Kinh thường bảo là “minh tâm kiến tánh” đến đó, từ đây chấn hưng lại cái giác phong (tâm ấn) của Phật tổ. Thể của Tâm chân như là: vơi vơi lộng lộng, mà chẳng lộ ra một mảy hình sắc gì, nên không mắc không buộc chi tất cả, thì với mỗi chỗ nào, đâu chẳng là chỗ tự tại, nơi đâu chẳng là “tướng không” của các Pháp, cũng như Phật tánh cả mọi loài. Như thế thì, đụng chạm đến chỗ nào cũng đều là “Tâm Kinh” rõ rệt cả.

Lại làm bài ca rằng: “Thử gia phong, thiên địa không, sinh tử khứ lai hữu hà tung, diêu không nguyệt lạc ba tâm lý, Phật dữ chúng sinh nhất tính trung”. Đây, chân tâm; Trời, đất.....không sống chết tới lui không hình tung, nguyệt trên không in rơi lòng sóng, Phật với chúng sinh trong tính chung”.

Tâm tích tụ tinh yếu: lòng chứa nhóm những tinh nghĩa cốt yếu. Nghĩa là: “Tâm Kinh” đây chính thực tính yếu giữa sáu trăm cuốn của bộ Ðại Bát Nhã Kinh. Lấy “Tâm” làm đề mục đó, là cốt muốn cho chúng sinh ngay nơi vọng tâm đổi ra cái chân tâm Bát Nhã, nếu nương theo trí Bát Nhã rồi, thì chính nơi vọng tâm của chín giới chúng sinh, nó tức là tâm chân như thanh tịnh của Phật giới, nên chính chỗ gọi rằng: một cuốn Tâm Kinh đây, là nguyên liệu để ta thành Phật có dư, thật thế.

Tu đa la, dịch chữ: Khế Kinh. Nghĩa: với trên thì khế họp tâm của chư Phật, với dưới khế họp cơ chúng sinh. Lại chữ Kinh, nghĩa là Pháp, là Thường: chúng sinh ở mười cõi đồng tuân, nên nói là Pháp; thời gian suốt ba đời không đổi, nên gọi là Thường. Với danh đề của Tâm Kinh, sơ lược giải thích rồi.

---o0o---

Hiển Thể

Hiển thể là rõ bày cái bản thể của Kinh này: Tâm Kinh nầy lấy thật tướng của bát nhã làm thể, thì nghĩa ấy đã giải thích như trước, tức là trong Kinh về những nghĩa của: các chữ Không các chữ Vô, và sáu chữ Bất trong mấy câu bất sanh bất diệt....đều là thể của Tâm Kinh này.

Thể ấy tức là Bát Nhã, thể Bát Nhã bao giờ nó cũng vẫn sẵn sàng rỡ rỡ, chẳng cần mượn công tu tập quán tưởng nhiên hậu mới có đắc chứng, vì nó vốn không thiếu không dư, nên dùng thể Bát Nhã là trí huệ để nói ra nó. Kinh đây riêng biệt nói rõ nghĩa không đó là: Với vũ trụ vạn hữu cũng như những hiện thật giữa thế gian, ta hiểu được một cái này (thân ngũ ấm) không thì cả thảy cái chi chi khác nữa cũng đều không, không “pháp giả”, không “pháp trung” mà chẳng là không, với giới chủ quan thì một tiêm, một hào nó cũng chẳng nhiễm, còn về giới khách quan thì lời nói ý nghĩ của người cũng chẳng thấu nỗi, nên nói là “thật tướng làm thể của nó”.

Kinh Pháp Hoa nói: Chỉ có Phật Thích Ca và chư Phật mới có thể xét thấu được “thật tướng của các Pháp”. Nên Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm đây, chuyên về lẽ quét sạch cả dấu vết của ngữ ngôn và tư tưởng, mới gọi là thanh tịnh như như.

---o0o---

Minh Tông

Minh Tông: là nói rõ cái tông chỉ của Kinh này: Kinh này lấy cái trí quán chiếu Bát Nhã làm tông chỉ, nghĩa đã giải ở trước, tức như Kinh đây về nghĩa của các: chữ quán, chữ chiếu kiến, và nghĩa của chữ y của câu “y Bát Nhã”....đều là chính tông chỉ của Tâm Kinh.

Tông: tông yếu, tông thú, nguyên bởi Chân không (chân như tâm) lẽ có là không hình tướng, không danh từ, chẳng phải dùng lời nói, để ý nghĩ mà có thể đúng đến đâu, chỉ cốt là cái “trí vô phân biệt” mới có thể soi xét thấu được.

Lại “Thật tướng Bát Nhã” là Lý Như Như “quán chiếu Bát Nhã” là Trí Như Như. Vì ngoài Trí không Như, ngoài Như không Trí, bởi ngay nơi Trí tức là Như, ngay nơi Như tức là Trí. Ðồng thời năng sở đều tuyệt, đối đãi cũng vong, đến tuyệt vong cũng đều phi, đó, chính nơi chân tông để rõ chân thể của Tâm Kinh hay là Chân Như Tâm.

---o0o---

Biện Dụng

Biện dụng là phân rành những tác dụng của Tâm Kinh này; Kinh này lấy “Phương tiện Bát Nhã làm diệu dụng. Phương tiện tức là Quyền Trí, vì Bồ Ttát dùng những cách phương tiện quyền xảo để tế độ chúng sinh. Chính trong kinh này về nghĩa của những câu: Ðộ nhất thế khổ ách, và năng trừ nhất thế khổ v.v.. đều là lực dụng của kinh này.

Lại, trước kia nói: Văn tự Bát Nhã, cũng tên là phương tiện Bát Nhã; ở đây nói lấy phương tiện bát nhã làm tác dụng thì đã thế, còn lấy “Văn tự Bát Nhã làm tác dụng là: bởi văn tự nó từ nơi “thật tướng” chân như tâm lưu lộ ra, cũng tỷ như nói: chữ nghĩa do nơi tâm trí của người  phát minh, chế biến, đặt để và giảng nói ra. Nay đây, là: y nơi văn nghĩa để dấy lên quán xét, là trở lại quán xét lấy “thật tướng – tâm” mà đắc lực dụng.

---o0o---

Phán Giáo

Phán giáo là phân phán ra cho biết Tâm Kinh đây nó thuộc về “giáo tướng” nào; đối với diệu chỉ: ngon nhất của Ðại thừa, thì, Tâm Kinh đây dùng thức ngon ấy tỷ như vị sữa chín để làm “giáo tướng”: lời của Phật giảng dạy cho lớp dưới gọi là giáo; với những lời giáo huấn như thế, phân ra làm năm thời, tám giáo gọi là tướng.

Từ khi mới thành đạo quả, cuối đến Niết bàn, Phật thuyết pháp kể có năm thời: Thứ nhất là thời Hoa Nghiêm, diệu chỉ của thời này tỷ như sữa. Thứ nhì là thời A Hàm, pháp vị của thời này tỷ như hơi mùi băng lạc và váng sữa. Thứ ba là thời Phương Đẳng, đạo vị của thời này tỷ như khí vị bằng sinh tô là dầu sữa. Thứ tư là thời Bát Nhã, giáo vị của thời này tỷ như mùi vị bằng thục tô là dầu sữa chín. Thứ năm là thời Pháp Hoa và Niết Bàn, nghĩa vị của thời pháp này tỷ như thượng vị đề hồ là đem dầu sữa chín chưng thành ra mỡ sữa.

Bát nhã Tâm Kinh này, ở về thời thứ 4, là nó lẫn suốt cả các pháp, vì để đào thải là đãi sạch hết tánh tình chấp pháp của các Phật tử. Song, có hai nghĩa Bát Nhã là: cộng và bất cộng, nghĩa là một phần thì có nghĩa cộng đồng với Tiểu thừa, một phần lại chẳng chung cùng với Tiểu thừa; giờ Tâm Kinh đây là nghĩa rất hay của Ðại thừa, thế thì bất cộng Bát Nhã: phần Bát Nhã này chẳng chung nghĩa với Tiểu thừa.

Lại, với trong bốn giáo, thời Bát nhã không nói đến Tạng giáo, chỉ kèm theo hai quyền lý là Thông giáo và Biệt giáo, mà chính nói về thật lý của Viên giáo.

Ba thời thuyết pháp trước, để thích hợp với căn cơ của Tiểu thừa: đến đây lòng chúng ham mộ về Ðại thừa nó càng tiến hơn, tâm đã dần dần thông thái, tỷ như sinh tô biến thành thục tô. Với “ngũ trùng huyền nghĩa” đã tường thuật sơ lược rồi.

Phụ chú:

Với Kinh Niết Bàn, Phật nói từ sữa đến để hồ là năm vị, để tỷ từ Hoa Nghiêm đến Niết bàn là năm thời. Tổ Thiên Thai Ðại Sư nhân đó chia định ra làm thứ lớp cho Kinh pháp của Như Lai đã nói trong một đời: một là để tỷ lớp lang năm thời giáo nảy nở; một là để tỷ thứ tự căn cơ thuần thục, là nói: so về giáo thì có sanh nhau, so về cơ thì đậm nhạt:

1. Nhũ vị: mùi sữa, mới từ nơi vú bò nặn ra. Ví Phật nơi ngưu, ban đầu Phật nói Hoa Nghiêm kinh, như sữa bò, bấy giờ căn cơ của nhị thừa chưa chín, lợt lạt quá, như là sữa sống.

2. Lạc vĩ: lấy từ nơi sữa sống ra, nghĩa là sữa lấy ra khỏi vú, để nguội, nó đóng váng, gợt lấy váng ấy, gọi Lạc. Ðể ví rằng: sau thời Hoa Nghiêm, Phật nói Kinh A Hàm, chúng nghe Kinh A Hàm, là làm cơ Tiểu thừa.

3. Sinh tô vị: Lại từ nơi lạc chế biến ra, nghĩa là lấy lạc nấu vừa nấu vừa khuấy một chặp, để nguội, đóng lớp mỏng trên mặt như tàu hũ ky, vớt lấy lớp váng đó, gọi là vị sinh tô. Ðể tỷ rằng: sau thời A Hàm, Phật nói Kinh Phương Đẳng, căn cơ Tiểu thừa đã thục, để tiến làm cơ về thông giáo của Ðại thừa.

4. Thục tô vị: lại là lấy sinh tô để chế luyện cho tinh thêm, để dụ sau thời Phương Đẳng, Phật nói Kinh Bát Nhã căn cơ của Thông giáo đã thục mà làm cái cơ biệt giáo của Ðại thừa.

5. Đề hồ vị: lại lấy vị thục tô để chưng chế mà thành vị đề hồ: từ chất sữa đem nấu chưng chế đến bốn lần là thành đề hồ. Ðể ví dụ rằng: sau thời Bát Nhã, Phật nói hai bộ Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, bấy giờ căn cơ của Biệt giáo đã thục, tiến đến làm căn cơ Viên giáo của Ðại thừa.

Kinh Niết bàn cuốn 14 nói: Tỷ như từ bò ra sữa, từ sữa chế thành ra lạc, từ lạc chế thành ra sinh tô, từ sinh tô chế thành ra thục tô, từ thục tô chế thành ra đề hồ, đề hồ là vị ngon tột bậc, hễ ai uống đến, bệnh gì cũng lành, vì dẫu có vị thuốc gì hay, cũng không ngoài diệu dược đề hồ.

Phật cũng như thế: Từ Phật xuất sinh ra 12 bộ Kinh, từ 12 bộ Kinh xuất sinh ra Tu đa la, từ Tu đa la xuất sinh ra Phương Đẳng Kinh, từ Phương Đẳng xuất sinh ra Bát Nhã Ba La Mật, từ Bát Nhã Ba La Mật xuất sinh ra đại Niết Bàn, dường như đề hồ. Các Thánh Thanh Văn tỷ như sữa; Các Thánh Duyên Giác tỷ như lạc; Người hành đạo Bồ Tát, tỷ như sinh tô thục tô; chư Phật Thế Tôn tỷ như đề hồ, đó là Nhân. Hoa nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, đó là Pháp, nên dụ ngũ vị có nhân và pháp.


Ngũ thời bát giáo: Ðấy là Thiên thai thành lập: Từ thời Hoa Nghiêm đến thời Niết bàn là ngũ thời; từ giáo hóa pháp và tứ giáo hóa nghi là bát giáo.

Hóa pháp bốn giáo:

1. Tam tạng giáo: 3 tạng kinh luật, luận, bộ loại riêng rành, nói về  pháp tứ đế bằng nghĩa nhân duyên sinh diệt, phần chính là để dạy hành Nhị thừa tức các Thánh Thanh văn, Duyên giác, phần phụ cập là để  dạy nói qua các Thánh mới tiến học bồ tát đạo

2. Thông giáo: nói về nghĩa bốn chân đế bằng lẽ tức không vô sinh, khiến cho thông với ba thừa để đồng học cả, nhưng lấy bồ tát làm chính căn cơ, Nhị thừa Thanh Văn Duyên giác làm bàng căn cơ

3. Biệt giáo: Với nhị thừa chẳng đồng trình độ, nên phải riêng biệtđối với bồ tát để nói pháp đại thừa vô lượng

4. Viên giáo: đối với các Bồ tát bậc tối thượng lợi căn, để nói pháp bằng sự lý viên dung nhau, kêu là Trung đạo thực tướng. Bốn giáo trên là: vì làm pháp môn để hóa độ chúng sinh được lợi ích, nên nói “Hóa pháp tứ giáo”.

Hóa nghi tứ giáo: Dùng Hóa pháp kia làm cái pháp nghi thức để khai thị cho chúng sinh, nên gọi là Hóa nghi tứ giáo:

1. Ðốn giáo: đối với căn cơ đốn đại, thì đốn thuyết những pháp lớn về biệt giáo, Viên giáo, như thời Kinh Hoa Nghiêm đấy.

2. Tiệm giáo: đối với tiệm cơ, phải dần dần theo thứ lớp để nói ra bốn giáo của Hóa pháp, như giáo tướng nói ba thời ở Lộc viên, Phương đẳng, và Bát nhã đấy

3. Bí mật giáo: đối với căn cơ của một hạng người, nói ra pháp bí mật; khiến cho người trong một hội tự tha đều biết lẫn nhau, đó là do nơi pháp lực bất tư nghì nói: thân, khẩu, ý của đức Như Lai.

4. Bất định giáo: với trong một pháp hội, nói ra một pháp, khiến cho mỗi người tuy đồng nghe mà lãnh hội thì mỗi người lại hiểu mỗi khác, hoặc có  đặng ít, hoặc không đặng ít.

Số là: Tứ giáo hóa pháp tỷ như vị thuốc, còn tứ giáo hóa nghi thì ví như một phương thuốc, họp thành bát giáo là thế. Sách chỉ quán nghĩa lệ nói: Ðốn cả tứ giáo là Hóa nghi của Phật, Tạng cả tứ giáo là Hóa pháp của Phật.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5756582
Số người trực tuyến: