5 điều kiện để được sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

5 điều kiện để được sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà

Những người bình thường chưa thành tựu giác ngộ vẫn có thể được tái sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Điều này không phải do chúng ta là những hành giả vĩ đại hay chúng ta đã miên mật thực hành mà đó là do chúng ta được nương vào công đức, nguyện lực và lòng từ bi vô bờ của đức Phật A Di Đà vì sự giác ngộ của tất cả chúng sinh hữu tình.

Nếu phàm phu chúng ta thường chỉ cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân mình, thì chư Bồ tát lại phát đại nguyện rằng: “Sau khi thành tựu giác ngộ, con xin phát nguyện mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh hữu tình được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà”. Nương nhờ nguyện lực mạnh mẽ của Đức Phật A Di Đà, mà các điều kiện vãng sinh Tịnh độ trở nên dễ dàng hơn đối với tất cả các chúng sinh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể vãng sinh Tịnh độ nếu chỉ trông chờ vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, phó thác hoàn toàn vào Ngài và yên tâm không làm gì cả. Nếu như vậy thì quy luật nhân quả không còn đúng nữa. Ví dụ, nếu có ai đó mất công nấu một món ăn ngon, nhưng bạn lại không bỏ công sức ra để đưa thức ăn vào miệng, thì lẽ đương nhiên món ăn không thể tự đi vào miệng bạn để bạn có thể thưởng thức vị ngon của nó. Một món ăn ngon là kết quả của cả công phu người nấu và cả việc bạn phải ăn nó, phải đưa thức ăn vào miệng.

1. Không phạm tội Ngũ nghịch

Đề Bà Đạt Đa lăn đá hại Đức Phật nên bị đọa địa ngục Vô Gián

Đức Phật A Di Đà dạy rằng, chúng sinh nào không phạm tội ngũ nghịch đều có thể vãng sinh Tịnh độ. Ngũ nghịch gồm 5 tội sau:

  • Giết cha

  • Giết mẹ

  • Giết bậc A-la-hán (một bậc giác ngộ) hay bậc Thầy

  • Làm thân Phật chảy máu (hoặc làm tổn hại trực tiếp đến chư Phật)

  • Phá hòa hợp Tăng (gây xích mích, mất hòa khí trong tăng đoàn và các truyền thống tâm linh).

2. Không phỉ báng chính Pháp

Nếu bạn phỉ báng hay phân biệt các truyền thống Phật giáo, các thừa (những “cỗ xe” hay phương tiện khác nhau để truyền tải giáo pháp) trong Phật giáo, đặc biệt nếu đó không phải là truyền thống mà bạn thực hành, đó là một trọng tội. Bởi điều này tước đi cơ hội cho rất nhiều người thực hành Phật pháp. Thật là mâu thuẫn vì một mặt bạn cầu nguyện được sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà để thực hành theo giáo pháp của Ngài, mặt khác bạn lại bất kính Pháp, điều này gây ra những hiểu lầm sâu sắc cho người khác.

Nếu không phạm phải các tội trên, thì những chúng sinh tầm thường nhất như chúng ta, vừa làm thiện hạnh, vừa tạo ác nghiệp như đôi khi chúng ta nói dối (tuy nhiên, không phải lỗi nói dối nghiêm trọng), uống một chút rượu bia, nhưng chúng ta thỉnh thoảng cũng có tu tập trì chân ngôn, chúng ta vẫn có cơ hội vãng sinh Tịnh độ nếu đáp ứng đủ những điều kiện cần thiết. Cơ hội vãng sinh Tịnh độ đó không phải do chúng ta tích lũy nhiều nghiệp thiện mà là nhờ vào đại nguyện lực và công đức tu tập miên mật của Đức Phật A Di Đà trải qua vô số kiếp cho đến khi thành tựu giác ngộ.

3. Phát khởi Bồ đề tâm mạnh mẽ

Điều đó có nghĩa rằng bạn nguyện vãng sinh về cõi Tây Phương không phải vì sự giải thoát cho bản thân. Hay với suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi, bạn không muốn những người mà mình thù ghét được vãng sinh Tịnh độ. Ngược lại, bạn cần cầu nguyện cho tất cả chúng sinh không phân biệt đều được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, được đón nhận giáo pháp của Ngài và thành tựu giác ngộ. Bởi nếu tái sinh làm người, chúng ta có thể có hoặc không có cơ duyên hạnh ngộ Phật pháp và sẽ phải trải nghiệm vô số khổ đau.

4. Tâm chí thành mạnh mẽ hướng đến Đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh độ của Ngài

Tâm chí thành và năng lực quán tưởng về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà trong khi thực hành là điều kiện rất quan trọng. Đức Phật A Di Đà dạy rằng khi chúng ta nhớ, nghĩ đến Ngài, cầu nguyện lên Ngài, Ngài đều lắng nghe và hiểu thấu tâm chúng ta. Thực hành quán tưởng giúp bạn làm quen với sự tồn tại của cõi Tịnh độ. Ví dụ, có một vài đứa đứa trẻ không thích đi nghe Pháp nhưng cha mẹ cứ đưa chúng đến. Có thể chúng không để tâm nghe nhưng dù sao chúng vẫn có một cái thân vật lý hiện hữu khiến chúng buộc phải ngồi tại nơi giảng pháp. Nhưng khi chết đi, thân xác không còn. Thần thức có thể du hành khắp nơi nào nó muốn. Lúc đó, nếu thần thức không tin vào cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, cho dù Ngài có đến đón thì thần thức cũng sẽ không chịu đi theo. Sau khi chết, chúng ta không còn thân xác nên thần thức sẽ không bị ngăn ngại bởi thân thể vật chất. Chính bởi tâm bám chấp sâu dày với thế gian mà chúng ta chỉ nhớ nghĩ về thế giới Sa bà, điều đó khiến chúng ta bị mắc kẹt trong luân hồi sinh tử hàng vô số kiếp.


Cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà

Vì vậy, vào thời điểm cái chết cận kề, nếu thần thức khởi tâm mong muốn được đến cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, thần thức có thể đến được đó ngay lập tức trong khoảnh khắc. Chúng ta càng thực hành quán tưởng miên mật về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, luôn nhất tâm nghĩ về cảnh giới thù thắng này khi còn sống, chắc chắn khi rời bỏ thân tứ đại, chúng ta sẽ có thể nghĩ ngay đến cõi này mà tái sinh về. Ví như khi bạn chỉ nghĩ về việc phải đi mua sắm, chắc chắn một ngày bạn sẽ thực hiện việc làm đó. Bởi tâm kiểm soát mọi hoạt động của thân và khẩu. Tương tự như vậy, nếu chúng ta luôn quán niệm về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, chúng ta sẽ biết chắc mình đi về đâu khi vô thường ập đến.

Chắc chắn tâm có đủ năng lực mạnh mẽ đưa chúng ta đến đó. Nếu chúng ta khởi tâm nghi ngại về sự tồn tại của cõi Tịnh độ, trong trường hợp có duyên lành được vãng sinh, dù có được nghe pháp 500 năm thì bông hoa sen chúng ta được sinh vào sẽ không bao giờ nở để chúng ta được diện kiến Đức Phật A Di Đà.

Đó là lý do thứ hai vì sao chúng ta cần có tâm chí thành và năng lực quán tưởng mạnh mẽ về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực lạc.

5. Hồi hướng công đức

Mỗi khi làm một thiện hạnh, chúng ta rất cần hồi hướng công đức để tích lũy thiện nghiệp. Nghiệp giống như nguồn năng lượng có thể sử dụng vào bất kỳ mục đích nào. Nếu bạn cầu giàu có, bạn sẽ trở nên giàu có nhưng lời cầu nguyện đó không giúp dẫn bạn đến cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Đó là lý do vì sao chúng ta rất cần hồi hướng công đức. Bạn cần định hướng những nghiệp mình tạo tác để được tái sinh về cõi thanh tịnh của Ngài. Ví dụ, khi cúng dàng đèn, bạn hãy phát nguyện hồi hướng công đức cúng dàng ngọn đèn này lên chư Phật để bạn và tất cả chúng sinh vào thời điểm cái chết xảy đến sẽ không hoang mang, mất phương hướng trong cảnh tăm tối mịt mùng của thân trung ấm, để ánh sáng trí tuệ của đèn bơ dẫn đường cho bạn và tất cả chúng sinh đi về miền Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.

Hãy luôn hiểu rằng nếu được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, với sự trợ giúp của Ngài cùng Đức Bạch Độ Mẫu, Đức Liên Hoa Sinh và vô số chư Phật, bạn sẽ có thắng duyên được đón nhận giáo pháp, trưởng dưỡng thực hành tâm linh vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình. Chính vì vậy, chúng ta hãy hồi hướng mọi công đức đã tích lũy để được vãng sinh về cõi Tịnh độ an lạc, thù thắng của Đức Phật A Di Đà. Hàng ngày, bạn hãy phát nguyện rằng: “Con xin nguyện được vãng sinh Tịnh độ vì lợi ích của tất cả chúng hữu tình và sớm thành tựu giác ngộ để dẫn dắt họ sinh về miền Cực Lạc”.

Năm điều kiện trên đây vô cùng quan trọng bởi tâm chúng ta hiện giờ đang còn nằm trong thân vật chất. Cho dù tâm không muốn thì đôi khi chúng ta vẫn có thể dùng thân để buộc tâm phải tuân theo. Khi chết, tâm hoàn toàn được giải phóng khỏi những ngăn ngại của thân nên nếu tâm tha thiết mong được tái sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, vong linh hoàn toàn có thể đi tới cảnh giới đó. Điều quan trọng là từ bây giờ chúng ta cần trưởng dưỡng tâm chí thành mạnh mẽ hướng đến Đức Phật A Di Đà. Vì vậy, hãy thực hành buông bỏ bám chấp vào hạnh phúc thế gian, tha thiết nguyện cầu vãng sinh Tịnh độ!

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5758311
Số người trực tuyến: