Bài học dễ hiểu mà sâu sắc khi Đức Phật dạy con về tính trung thực và lòng từ bi | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bài học dễ hiểu mà sâu sắc khi Đức Phật dạy con về tính trung thực và lòng từ bi

Kinh điển không đề cập nhiều đến mối quan hệ cha-con giữa Đức Phật và La Hầu La, nhưng đâu đó có để lại những điển tích thú vị đáng lưu ý về việc Đức Phật đã dẫn dắt con mình như thế nào trên con đường tu tập giác ngộ. Phần lớn những chi tiết về các bài học Đức Phật dạy con nằm trong ba bài pháp mà nếu ta gom cả lại với nhau, thì đó chính là một tiến trình liên tục của con đường dẫn tới giác ngộ: Khi La Hầu La 8 tuổi, Đức Phật dạy con về đạo đức; lúc La Hầu La 10 tuổi, Đức Phật dạy cho con thiền định; và lúc 20 tuổi, Ngài dạy về tuệ giác giải thoát. Quá trình trưởng thành của La Hầu La, vì vậy, đi đôi với tiến trình giác ngộ của Đức Phật.

La Hầu La xuất gia khi tuổi còn quá nhỏ lại có gốc gác vương giả nên khó có thể tu hành được như người lớn đã đủ trải qua thăng trầm của cuộc sống. Lúc này, La Hầu La khoảng 8 tuổi, rất ngỗ nghịch, khi ở thành Vương Xá, một đôi lần vào dịp có quan đại thần, trưởng giả hay cư sĩ đến hỏi thăm Đức Thế Tôn hiện ở đâu thì Tôn giả nói dối để đùa vui.

Bài Kinh Giáo Giới La Hầu La (Trung Bộ Kinh, 61) kể rằng sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm con. La Hầu La lấy ghế mời cha ngồi, rồi mang đến một thau nước cho cha rửa chân, theo phong tục thời ấy. Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi:

“Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?”

“Dạ, con có thấy” – La Hầu La thưa.

“Đời của một người tu cũng chỉ đáng bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.”

Sau đó, Đức Phật hất đổ hết nước trong thau ra và nói: “Đời của một người tu cũng đáng vất bỏ đi như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.”

Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói: “Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy nếu như người đó cố tình nói dối”.

Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói: “Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này nếu như người đó cố tình nói dối.”

Sau đó Ngài dạy con: “Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa”.

Câu chuyện trên đây có thể giúp nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận với con.

Đức Phật lại hỏi tiếp: “Cái gương dùng để làm gì?”

“Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi” – La Hầu La đáp. Đức Phật lại dạy:

“Trong khi chuẩn bị làm điều gì bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.”

Thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, Đức Phật đã dạy cho con suy ngẫm về điều có lợi và có hại cho mình và cho người khác. Điều này đòi hỏi cả khả năng tự nhận thức (self-awareness) lẫn lòng bi mẫn. Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” giúp giải thoát đời sống đạo đức của chúng ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm. “Có lợi” và “có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu trong mỗi hành động của mình. Những điều ta làm sẽ trở thành hoặc là nghịch duyên, hoặc là thuận duyên trên con đường ta đi.

Phương pháp giáo hóa của Đức Phật khiến các bậc cha mẹ tin tưởng thêm rằng chúng ta cần gieo vào nơi tâm hồn con trẻ những hạt giống của lòng bi mẫn, những hạt giống của ý thức về việc mỗi hành động của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu về lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi!”. Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ.

Đức Phật cũng dạy cho La Hầu La hãy xem xét sau khi làm một việc gì đó, nó có gây tổn hại gì không. Nếu có, thì phải đến gặp một người có tuệ giác và sám hối để tránh lặp lại lỗi lầm trong tương lai. Bạn hãy hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tuỳ thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ soi xét lỗi lầm của con mình ra sao. Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ: nếu cha mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng mình được, là mình chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với cha mẹ của chúng hơn.

(Tác giả: Tiến sĩ Gil Fronsdal

Insight Meditation Center)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757828
Số người trực tuyến: