Bạn đã bao giờ tri ân chướng ngại? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bạn đã bao giờ tri ân chướng ngại?

Tất cả các thứ chướng ngại và khó khăn mà bạn gặp phải trong cuộc sống chính là những món quà thấm đượm từ bi mà Đạo Pháp mang tặng mình. Các món quà ấy vừa là một sự thách đố quyết tâm của mình, vừa là một sự khích lệ mình trên đường tu tập, và có thể xem đấy như là một phần thưởng của mình. Các thứ chướng ngại ấy có thể là sự nghèo đói, các sự bất hạnh trong cuộc sống, các thứ bệnh tật trên thân xác, những nỗi khổ đau trong tâm thức, hoặc những nỗi xót xa se thắt tim mình khi trông thấy cảnh khổ đau của kẻ khác.

Cách thức tu tập trong lúc ẩn cư và trong cuộc sống thường nhật không nhất thiết là phải giống nhau. Sự hình thành của thân xác con người không thoát khỏi sự biến đổi (mutation/chuyển hóa, đổi thay, đột biến) bất tận của các thành phần cấu tạo ra vũ trụ hay còn gọi là tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Người ta có thể bảo rằng con người rốt cuộc cũng chẳng khác gì một thứ sản phẩm phát sinh từ sự tương tác giữa các thành phần ấy của vũ trụ. Vì thế sự cấu tạo thân xác vật chất và tâm thức bạn cũng theo đó mà biến đổi không ngừng. Có ngày thì bạn hăng hái và tinhh tấn nhờ dễ dàng đạt được sự chú tâm qua phép thiền định, có ngày thì lại là cả một thảm họa, mọi thứ bất mãn dồn dập nhau. Thế nhưng cũng không nên vì thế mà để cho những cảm nhận ấy tác động đến việc thực hành của bạn.

Dù việc tu tập đôi khi có tỏ ra dễ dàng đi nữa, cũng không phải vì thế mà bạn khởi tâm tự mãn và nghĩ rằng mình sẽ còn tiếp tục giữ được nguyên vẹn sự chú tâm ấy trong suốt quá trình tu tập của mình sau này. Bởi bạn nào có thể lường trước những tật trên thân xác, lo âu phiền muộn trong tâm thức, đổi thay trong cuộc sống, tất cả đang chờ đợi mình. Một bậc Thầy giác ngộ thường khuyên những hành giả không nên hành xử như một đứa trẻ con cứ ngây người ra trước một thùng đồ chơi đầy ắp vì không biết là phải chọn thứ nào (điều này ẩn dụ một sự thành công xảy đến bất ngờ trong khi tu tập, khiến mình "choáng váng" như một đứa trẻ con trước một thùng đồ chơi. Do đó, dù đạt được một chút tiến bộ thì cũng nên giữ sự khiêm cung, tức là một sự thận trọng và sáng suốt nào đó).

Trái lại mỗi khi gặp phải khó khăn trong việc tu tập, thì cũng không nên vì thế mà để cho sự quyết tâm của mình bị suy yếu hay sứt mẻ. Nếu phải đương đầu với nghịch cảnh hoặc chướng ngại, bạn nên xem đấy là một món quà thấm đượm từ bi mà Pháp mang tặng mình, tương tự như là kết quả có được từ việc tu tập của chính mình.

Việc tu tập nhất định sẽ làm chuyển hóa cuộc sống của bạn, và do đó biết đâu cũng có thể khiến bạn tự làm phát sinh ra các thứ chướng ngại cản trở mình. Ngay cả Đức Phật lúc sắp đạt được Giác Ngộ cũng đã khiến cho Ma Vương (Mara) nổi giận và tìm mọi cách để quấy phá. Do đó, khó khăn, chướng ngại chính là dấu hiệu cho thấy việc tu tập của bạn đã bắt đầu mang lại kết quả, vì thế bạn cũng nên lấy đó làm điều vui mừng. Hãy nắm bắt cơ hội đó để hoàn thiện đời sống, thay vì chất chứa thêm sân giận, muộn phiền.

Kiên trì – Chìa khóa thành công

Thông thường sự say mê khiến cho người tu tập choáng váng, tương tự như việc dùng thuốc "quá liều", khiến họ cảm thấy một sự thất vọng sâu kín mỗi khi cảm thấy mình không sao đạt được sự chú tâm hoặc không chủ động được tâm thức mình. Vì quá hăng say nên họ không sao duy trì đều đặn được sự tu tập, và thường là bỏ rơi sau vài tháng. Sau này dù có tu tập trở lại thì cũng phải khởi sự lại từ bước đầu. Nếu tu tập theo cách đó thì không sao thăng tiến được. Tốt nhất là nên nhìn vào bài học của con rùa (tuy chậm nhưng đến mức trước con thỏ). Mỗi bước cứ tưởng như là vô tận, thế nhưng bạn nên giữ sự kiên trì, không nên nản chí, phải giữ thật đúng các dự tính của mình.

Đấy chính là cách bạn khiến cho kẻ thù hung hãn nhất của mình là thói quen tự vật ngã chính nó. Thói quen bám chặt vào chúng ta như một con đỉa, càng lúc càng dai và càng bướng bỉnh, dù có rứt bỏ nó ra thì nó vẫn còn lưu lại cho mình một vết cắn rất khó chịu. Trái lại, nếu giữ được việc tu tập đều đặn, bạn có thể lợi dụng kẻ thù của mình để vật ngã chính nó (sử dụng thói quen để vật ngã thói quen). Đó là cách chuyển hóa những thói quen xấu trở thành những thói quen tốt trong quá trình tu tập.

Thói quen là các phản ứng thường là sai lầm mà mình không ý thức được, và chính là nguyên nhân đưa đến những hậu quả tai hại cho mình và cho cả người khác. Nhà sư Thanissaro Bhikkhu giải thích sự sai lầm ấy một cách thật cụ thể và giản dị như sau: nhận thức sai lầm về mọi sự vật là trông thấy sự bất biến từ những gì vô thường, thấy thích thú từ những gì khổ đau, thấy cái tôi từ những gì vô ngã, và thấy quyến rũ từ những gì xấu xí. Nói cách khác, chúng ta không quán thấy được bản chất đích thực của mọi sự vật hiện tượng mà chỉ trông thấy những biểu hiện bên ngoài của chúng. Đó chính là nguồn gốc mang lại mọi thứ khổ đau cho chúng ta.

Thế nhưng cũng có những thói quen tốt. Vậy các thói quen tốt là gì? Đấy là cách tập nhìn vào các thứ chướng ngại và khổ đau trong cuộc sống, từ bệnh tật trên thân xác, các thứ lo buồn trong tâm thức kể cả những nghịch cảnh hiện ra với mình, và xem đấy là những món quà từ bi mà Pháp đã dành riêng cho mình hầu nhắc nhở và khích lệ mình trong việc tu tập. Cách suy nghĩ tích cực ấy lâu ngày sẽ tạo ra những "thói quen tốt" mang lại cho mình một cuộc sống an vui, hân hoan và tin tưởng, giúp mình tiến nhanh trên con đường tu tập đạt đến giác ngộ.

(Lược trích ấn phẩm: “Chướng ngại là món quà của đạo Pháp”
Nguyên tác: “Les obstacles, un cadeau du Dharma”
Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Hoàng Phong)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5773927
Số người trực tuyến: