Cách tiếp cận của Phật giáo về lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cách tiếp cận của Phật giáo về lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững

Phật giáo đã có mặt trên quả địa cầu trên 2500 năm, trải qua thời gian Phật giáo với nền giáo dục đạo đức, hướng thượng đã sớm nhận thức được sứ mệnh truyền bá chính pháp và nhanh chóng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tôn giáo toàn cầu. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua mỗi giai đoạn Phật giáo có những đóng góp giá trị trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ở các vai trò, vị trí và cấp độ khác nhau. Tư tưởng  nhập thế của Phật giáo đã đem lại hạnh phúc, an vui đến cho vạn loại chúng sinh, giáo lý đức Phật chỉ dạy cách đây hơn 2500 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị, dù chân lý đó được diễn giải theo nhiều cách khác nhau thì mục đích cuối cùng vẫn giúp con người trở về với bản tính “chân – thiện – mỹ”.

Tiếp cận qua tư tưởng và nhận thức

Một khi nói đến tính nhập thế của Phật giáo đối với xã hội đương đại, là chúng ta đang nói đến tính ứng dụng của giáo pháp Phật giáo trong cuộc sống, mục đích ra đời của đạo Phật là để khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, đem lại ánh sáng giác ngộ và tinh thần giải thoát cho vạn loại chúng sinh.

Chính vì vậy mà ngay từ khi mới du nhập vào nước ta, thông qua nguồn tuệ giác, tâm từ bi, vị tha, vô ngã và nhất là hạnh nguyện độ sinh của các bậc chân tu hoằng pháp, Phật giáo đã sớm hòa hợp, dung thông với văn hóa các dân tộc chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nhờ đó mà Phật giáo đã nhập thế độ sinh, gieo mầm đạo đức, nhân quả, ban rải tâm từ bi, yêu thương soi rọi ánh sáng Phật pháp thấm nhuần sâu rộng trong đời sống nhân loại.

Tiếp cận qua các vấn đề giáo dục

Giáo dục là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm trong bất kỳ thời đại nào, bởi vì giáo dục là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc, xây dựng xã hội hòa bình, xây dựng nhân gian tịnh lạc.

Trải qua hơn 2500 năm nhìn lại, những quan điểm về giáo dục Phật giáo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay giáo dục Phật giáo không những tập trung ở Tăng đoàn mà còn phát triển ra ngoài cộng đồng xã hội ở các tầng lớp từ các em thiếu niên nhi đồng đến tầng lớp thanh thiếu niên, người trung tuổi và người cao tuổi, có xu hướng tìm hiểu Phật giáo ngày càng tăng.


Các em học sinh trường Druk Padma Karpo - Ngôi trường của Tình yêu thương

Đường hướng giáo dục Phật giáo không đề cao, cổ vũ niềm tin mù quáng, ngược lại lấy chính trí, chính kiến làm nền tảng cho giác ngộ giải thoát, làm động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, cũng là nền móng cho sự thương yêu, cảm thông. Vì chỉ có trí tuệ và từ bi mới đẩy lùi những hành vi bất chính như các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, gia đình; tranh dành quyền lợi… vốn xuất phát từ vô minh.

Giáo dục Phật giáo rất giàu nhân bản, nhân quả luôn luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, có niềm tin chân chính, đem đến lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội, cùng cộng đồng chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng.

Giáo dục Phật giáo có thành công hay không chính là dựa vào đội ngũ tăng, ni phải ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi “giới – định – tuệ” để trở thành một vị tu sĩ có phẩm chất, đạo hạnh chân chính thì mới đem lại niềm hạnh phúc, an lạc cho mình và cho xã hội.

Phật giáo có thể đưa ra các nguyên nhân căn bản làm suy thoái đạo đức chính là bởi lòng “tham – sân – si”. Ba nguồn độc này đã dẫn các em đi vào các con đường sai lạc trong hành vi đạo đức. Vì vậy, ngoài việc giảng dạy chữ nghĩa ra, nhà trường cần phải dạy các em con đường đạo đức“tiên học lễ, hậu học văn”. Bằng cách đưa vào nhà trường những bài học hiếu thảo đối với cha mẹ, biết kính trọng thầy cô giáo, và cần hun đúc cho tâm linh các em bằng những phương pháp giáo dục của Phật giáo để đánh thức thiện tâm của các em.

Bản chất của nền giáo dục Phật giáo là từ bi hỷ xả, tất cả vì con người, vì hòa bình và an lạc cho mọi chúng sinh. Nói về giáo dục có thể hiểu thành hai phần đó là giáo dục về chuyên ngành và giáo dục về đạo đức. Giáo dục về kỹ năng, giáo dục về chuyên ngành, giáo dục về kiến thức khoa học thì phải cần giáo dục về đạo đức, khơi gợi tinh thần sáng tạo, khoa học, tư duy độc lập, thích nghi được với cuộc sống hiện đại, làm được như vậy chính là đang áp dụng chính kiến, chính  tư duy vào việc giáo dục.

Tiếp cận qua đời sống gia đình và xã hội

Đức Phật đặc biệt quan tâm đến đời sống hạnh phúc con người, Ngài đã có những bài pháp giảng về đời sống hôn nhân gia đình như trong kinh Đỉnh Lễ Sáu Phương - Ca Thi La Việt hay Singalovada đức Phật đã dạy: Chồng đối với vợ thì phải thương yêu vợ, chung thủy với vợ, săn sóc đời sống vật chất cho vợ, trao cho vợ quyền quản lý những công việc trong gia đình, kính trọng gia đình vợ; Còn vợ đối với chồng thì phải thương kính chồng, chung thủy với chồng, quản lý gia đình tốt, siêng năng làm việc, đối đãi thân thiện với gia đình chồng và bạn bè của chồng. Đấy là những phép ứng xử rất hợp tình hợp lý, là nếp sống đạo đức lành mạnh, là nhân tố tạo nên hạnh phúc trong đời sống hôn nhân gia đình.

Trong kinh Tăng Chi Bộ I (chương 4), đức Phật dạy: “Này các gia chủ, có bốn hạng người sống chung: Một là, người đàn ông thấp hèn sống chung với người phụ nữ thấp hèn. Hai là, người đàn ông thấp hèn sống chung với người phụ nữ cao thượng. Ba là, người đàn ông cao thượng sống chung với người phụ nữ thấp hèn. Bốn là, người đàn ông cao thượng sống chung với người phụ nữ cao thượng. Đức Phật kết luận, hạng người sống chung thứ tư, tương đồng phẩm chất tâm lý cao thượng là “đời sống nhiều hạnh phúc, chờ đợi hai người.”

Như vậy, giáo lý đức Phật dạy cách đây hơn 2500 năm đã có những bài pháp để xây dựng hạnh phúc gia đình. Bằng trí tuệ và lòng thương yêu, đức Phật đã chỉ dạy những vấn đề hết sức thiết thực và trọng yếu để tạo lập một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

Tiếp cận phát huy Giáo lý Phật giáo trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí và các thảm họa thiên tai

Chúng ta đang đứng trước nhiều thảm họa thiên tai, sự nóng lên của trái đất, môi trường ô nhiễm xảy ra liên tục trong những năm gần đây, hàng trăm người bị cướp đi sinh mạng do bão lũ, sạt lở đất, chất thải ngành công nghiệp hủy hoại hệ sinh thái trên diện rộng.

Khi môi trường thay đổi, các điều kiện khí hậu cũng sẽ thay đổi. Khi chúng thay đổi một cách mạnh mẽ thì nền kinh tế và rất nhiều  lĩnh vực khác cũng sẽ thay đổi theo. Thậm chí sức khỏe thể chất của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lý thuyết duyên khởi trong Phật giáo cho rằng sự sống là sự hỗ tương giữa các loài và vạn vật, thiên nhiên chính là một bộ phận cơ thể của con người, con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Nếu môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người sẽ bị hủy diệt.

Việc bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống của con người. Phật giáo tôn trọng sự sống của muôn loại chúng sinh, khuyến khích việc giữ gìn mối quan hệ thân thiện, sống hòa hợp bền vững giữa con người với vạn vật, với tự nhiên và vũ trụ là điều kiện để bảo vệ sự sống.

Đứng trước vấn đề môi trường đang xuống cấp như hiện nay, tính nhập thế của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường trước hết là khuyến khích tín đồ phật tử ăn chay, ăn chay ngoài việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân người ăn chay, còn là cách hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường sống; tổ chức các khóa tu với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường được chú trọng.

Song song đó giáo dục nhận thức rõ con người có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên và môi trường sống và đặc biệt là hướng dẫn mọi người thực hành nếp sống trên nền tảng đạo đức Phật giáo là hướng thiện, là tôn trọng sự sống của vạn loài; khuyến khích tín đồ sống gần gũi với môi trường, hòa mình với thiên nhiên, giảm thiểu các tác động trực tiếp đến môi trường. Tránh việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên bừa bãi để trục lợi làm giàu, điều này sẽ gây ra nhiều thảm họa thiên tai, gây ra khổ đau cho con người.

Phật giáo đã và đang làm hết sức mình để cùng cộng đồng xây dựng một xã hội an lành, con người được hưởng sự thanh bình và hạnh phúc, xây dựng một cõi cực lạc thực sự tại thế gian.

Tiếp cận Phật giáo trong các mối quan hệ quốc tế

Trong bối cảnh sự phát triển của thế giới, các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau nên việc giải quyết các vấn đề quốc tế và của mỗi quốc gia nó phụ thuộc vào mối quan hệ tương hỗ và nhân quả liên hoàn, không một quốc gia nào phát triển mà không phụ thuộc vào quốc gia khác.

Tóm lại, Phật giáo thông qua cơ chế toàn cầu cần phải đưa ra những vấn đề chọn lọc, giải quyết được bài toán thực tiễn trong đời sống của xã hội loài người. Bằng tinh thần nhập thế của Phật giáo qua giáo lý Bát chính đạo trong Tứ diệu đế và giáo lý Duyên khởi nhất định nhân loại sẽ có được cuộc sống an lạc và hạnh phúc bền vững.

(Trích bài tham luận Hội thảo VESAK 2019: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”

HT. Thích Gia Quang)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697180
Số người trực tuyến: