Cảm ứng lời cầu nguyện Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cảm ứng lời cầu nguyện Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara

Vô số kiếp về trước, có một công chúa tên là Yeshe Dawa. Nhờ sự học và trí tuệ của mình, nàng có lòng tin kiên cố với Ba ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng. Nàng thấu hiểu đời sống bất như ý của bản chất luân hồi, do vậy nàng quyết định giải thoát khỏi tất cả mọi đau khổ. Do thấu hiểu tất cả chúng sinh cũng giống như mình đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ nên Công chúa Yeshe Dawa đã trưởng dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương hướng về mỗi chúng sinh. Nàng không thích lối sống xa hoa trong cung điện vàng ngọc, và đã phát lời nguyện dẫn dắt hướng đạo cho hàng nghìn chúng sinh trên con đường giải thoát mỗi ngày trước bữa ăn sáng, cho hàng nghìn chúng sinh trước bữa ăn trưa, và thậm chí nhiều hơn nữa trước khi đi ngủ. Vì nhân duyên này, công chúa được tôn xưng là Arya (Bậc tôn quý) có nghĩa là Ngài có thể chứng ngộ trực tiếp bản chất của thực tại và danh xưng đó biểu lộ các hạnh nguyện giải thoát của Ngài. 

Người dân thuộc dãy Himalaya đến ngày nay vẫn còn truyền kể cho nhau nghe hàng ngàn câu chuyện liên quan đến sự linh ứng cầu nguyện Đức Lục Độ Mẫu Tara. Trong đó có một câu chuyện xảy ra tại vùng núi Mathura.

Khi đó, có khoảng 500 vị tăng ni tu học tại khu vực này. Điều này làm một quỷ thần không hoan hỷ và y tìm mọi cách để quấy phá các hành giả thiền định. Quỷ thần này nghiên cứu nhược điểm từng người một và y sẽ hiện ra trong hình tướng mà mỗi hành giả sợ hãi nhất. Đối với các trí thức học giả thì quỷ nhỏ to rằng thiền định sẽ dẫn tới điên loạn và mất trí nhớ. Một vị Tăng sĩ rất dễ thương hiền hậu thình lình trở lên cộc cằn thô lỗ. Các vị khác thì sa vào thói rượu chè hay ác kiến. Các vị kiên trì nhất thì trở nên bệnh hoạn, thiếu tinh tấn.

Không bao lâu sau, không vị nào còn dám thực hành thiền định tại địa điểm này nữa. Sau đó, một vị sư già bỗng nhớ lại ngày xưa thầy mình có dặn dò một điều rằng, khi đạt tới một cấp độ sâu sa của thiền định thì phải nên tự buông bỏ bản ngã và đồng thời cầu nguyện Đức Lục Độ Mẫu giải thoát khỏi ác kiến của ma quỷ. Vị sư thực hành điều dặn dò đó và thấy được linh kiến về Đức Lục Độ Mẫu khai thị hướng đạo.

Vị sư liền tụ họp các bạn đồng tu, yêu cầu các đạo hữu cùng đi tìm tranh tượng của Đức Lục Độ Mẫu, gồm cả 21 hóa thân của Ngài. Từ các tu viện, tranh tượng của Đức Tara được tập hợp lại và các vị tu sĩ đi vào rừng, treo tất cả tranh tượng đó lên cây. Kết quả không phải chờ lâu. Kể từ lúc đó, dù quỷ thần muốn hiện hình gì thì hiện, nhưng các vị hành giả thiền quán không hề lay động, các vị đó xem mọi hành động, hình tướng của ma quỷ đều là như huyễn và về bản chất đều là hiện thân của Đức Lục Độ Mẫu Tara. Cứ an trụ nhất tâm như vậy, các vị không hề cảm thấy sợ hãi và không còn bị cuốn theo những tham ái bám chấp.

Vị quỷ thần nọ cũng không làm gì hơn được, vì tự tính sâu xa nhất của nó cũng chính là tự tính Tara, một Tính Không viên mãn toàn vẹn. Cũng nhờ đó mà tâm thức quỷ thần từ từ rời bỏ vỏ bọc quỷ của y, không còn tự đồng hóa với dạng hình của quỷ nữa. Khi hình tướng dưới dạng quỷ thần đó chết đi, tâm thức tái sinh trong một cõi khác và để lại vùng rừng vĩnh viễn an vui.

Kể từ đó, cuộc sống của người dân vùng Mathura bình yên và phồn vinh hẳn lên. Khắp vùng ai ai cũng tụng bài cầu nguyện 21 Độ Mẫu cho đến tận ngày nay.

(Lược trích ấn phẩm “Sư tử tuyết bờm xanh”

Nguyên tác: “The Snow Lion’s turquoise mane”

Việt dịch: Nguyễn Tường Bách

NXB Tổng hợp TP. HCM, 1997)

 

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5755814
Số người trực tuyến: