Cầu siêu để hương linh ông bà, tổ tiên đi về đâu? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cầu siêu để hương linh ông bà, tổ tiên đi về đâu?

Khi chết chúng ta sẽ đi về cõi nào? Mỗi khi có một ai đó qua đời chúng ta thường cầu nguyện cho người quá cố an nghỉ giấc ngủ ngàn thu hoặc về nơi cõi vĩnh hằng. Vậy cõi vĩnh hằng thật sự ở đâu và cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ có được lên thiên đường hay cõi Trời không?

Cõi vĩnh hằng có phải là cõi Trời?

Hầu hết các tôn giáo đều có niềm tin vào đời sống sau khi chết, niềm tin vào một linh hồn bất tử khi mà thân xác bị hủy hoại, sẽ sống vĩnh hằng ở trong một thiên đường hạnh phúc. Theo quan điểm Phật giáo, chúng sinh được cấu thành từ một tập hợp các yếu tố (ngũ uẩn) mà chúng phân tán khi chết và nhận lấy một hình thức đời sống mới, tương ứng với nhân quả nghiệp báo của họ. Chúng sinh tiếp tục như vậy mãi cho đến khi đạt được giác ngộ, giải thoát khỏi vòng quay của sinh tử luân hồi

Chúng sinh sinh lên cõi Trời, sung sướng thụ hưởng khoái lạc, không cần lao động mà đồ ăn thức uống đầy đủ, họ muốn điều gì chỉ cần nghĩ tới là mọi thứ đã có sẵn đủ, thọ mạng  dài lâu nhưng đến khi hết phúc báo, năm tướng suy xuất hiện (Quần áo dơ bẩn; Đầu tóc rối bời, hoa trên đầu tàn tạ; Thân thể hôi hám và nhơ nhớp; Dưới nách ra mồ hôi; Không thấy ưa thích ngai vị, chỗ ngồi của mình), họ phải trải nghiệm sự đọa lạc xuống ba cõi thấp.

Trong tất cả sáu cõi đều có một chư Phật cứu độ, tuy nhiên chúng sinh ở cõi Người không quá khổ đau chịu hình phạt tra tấn nghiệt ngã như ở Địa ngục, hay chịu cảnh đói khát như ở Ngã quỷ, quá si mê như loài Súc sinh. Chúng sinh ở cõi Người không quá sung sướng, mải mê lo hưởng thụ mà quên cả thực hành Phật pháp như ở cõi Trời vì thế Đức Phật dạy chỉ riêng ở cõi người có khả năng giác ngộ và thành tựu giác ngộ, nếu sinh lên cõi Trời là hiểm nạn chướng ngại của sự giải thoát, không nên cầu về. Vì vậy, sinh lên cõi Trời vẫn trong Lục đạo bị thiêu đốt trong vòng lửa luân hồi sinh tử và không phải là nơi tồn tại hạnh phúc vĩnh cửu như mọi người thường nghĩ.  

Cõi Tịnh độ chư Phật ở đâu?

Trong mười phương hư không có vô lượng vô số quốc độ với những cảnh giới khổ vui khác biệt. Nguyên nhân thành tựu các quốc độ sai khác ấy tuyệt đối không do một sức thần thánh hay một sự ngẫu nhiên nào tạo thành.

Quốc độ tuy nhiều, nhưng khái quát có thể chia thành hai loại:

1. Quốc độ do cộng nghiệp của chúng sinh duyên khởi: Cộng nghiệp ấy cảm thành quốc độ y báo chung, để chúng sinh tùy từng biệt nghiệp thiện hay ác mà thọ quả báo hoặc vui hoặc khổ. Vì nguyên nhân trong quá khứ, chúng sinh làm điều phúc đức ít, mà gây điều tội ác nhiều nên cảm báo thành quốc độ vui ít khổ nhiều. Quốc độ này gọi là uế độ.

2. Quốc độ do chư Phật và Bồ tát hóa hiện để dùng làm chốn đạo tràng độ sinh: Quốc độ này gọi là Tịnh độ.

Trong mười phương thế giới có hằng hà sa số chư Phật thì cũng có hằng hà sa số cõi Tịnh độ. Những chúng sinh nào được sinh về các cõi Tịnh độ đều do nhân duyên riêng và tại mỗi cõi đều có phương pháp tu hành riêng, phù hợp với từng căn cơ khác nhau của mỗi chúng sinh. Ai tu tập theo phương pháp của cõi nào cũng đều có thể tùy nguyện được vãng sinh ở cõi ấy.

Riêng đối với thế giới Cực Lạc Tây phương, Đức Phật đặc biệt tán thán và giới thiệu một cách tường tận hơn cả vì chúng sinh ở cõi Sa Bà lòng tham dục quá nặng, đức tin quá yếu nên tâm chí loạn động. Nếu giới thiệu nhiều cõi Tịnh độ khác thì e khó thành tựu giải thoát bởi việc vãng sinh vào cõi Tịnh độ của các đức Phật khác là vô cùng khó khăn. Nhưng với đại nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, những chúng sinh phàm tình nhất chưa đạt được giác ngộ vẫn có thể vãng sinh về cõi Tịnh độ của Ngài. Bởi vậy, cõi Tịnh độ Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà được xem là dễ dàng tiếp cận nhất đối với tất cả chúng sinh trong cõi Sa bà này.

Đối với chúng sinh biết tu tập tốt, có đủ phẩm hạnh giải thoát, phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo, phát nguyện niệm Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Hình ảnh đó được ví như người học trò giỏi, chăm học, được trúng tuyển thi cử là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, đối với chúng sinh ở đời tạo nhiều ác nghiệp nhưng nếu biết hồi tâm niệm Phật, cho dù chỉ thành tựu mười niệm danh hiệu Phật trước giờ lâm chung cũng sẽ được vãng sinh. Giáo lý đạo Phật gọi đó là “Đới nghiệp vãng sinh”, tức là chưa dứt hết phiền não mà vẫn được sinh về Cực Lạc quốc. Ở cõi Tây phương Cực Lạc, các chúng sinh hàng ngày được nghe Đức Phật A Di Đà và chư Phật thuyết pháp cùng những điều kiện thuận duyên, hoàn hảo nhất để thực hành Phật pháp, trưởng dưỡng tâm linh và thành tựu giác ngộ.

Ý nghĩa cầu siêu phả độ gia tiên

Cầu tức là cầu nguyện, siêu có nghĩa là thoát. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện để ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình, nếu giờ này còn đang lưu lạc ở địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì sẽ được siêu thoát, được giải phóng khỏi cảnh giới khổ đau để sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.

Đối với những chúng sinh đang ở trạng thái thân trung ấm, việc cầu siêu từ khi mất, tuần sơ thất cho đến chung thất có ý nghĩa và giá trị rất lớn, giúp hương linh có thể nương nhờ công đức (nhờ Phật lực gia hộ, chư Tăng chú nguyện, thân nhân thực hành tích lũy công đức) mà thức tỉnh, chuyển hóa nghiệp lực để siêu sinh Tịnh độ.

Đối với những chúng sinh sau khi chết đã trải qua thời gian 49 ngày nhưng vì oan nghiệp bất đắc kỳ tử, đột tử nên vẫn chưa tái sinh, hoặc phần lớn đã tìm được chỗ tái sinh nhưng do lúc sinh tiền tạo nhiều nghiệp bất thiện nên sinh vào ác đạo (địa ngục và ngã quỷ), họ vô cùng khổ đau, đói khát. Bởi chúng ta không thể biết giờ này ông bà cha mẹ, tổ tiên của chúng ta còn lưu lạc nơi đâu, theo lời chỉ dạy của Đức Phật, chúng ta rất cần làm các việc phúc thiện như phóng sinh, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, bảo vệ môi trường, thực hành thập thiện….để nương công đức đó hồi hướng cầu nguyện cho hương linh ông bà cha mẹ sớm được vãng sinh về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5756208
Số người trực tuyến: