Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 2) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 2)

Đại thành tựu giả, Dịch giả Marpa Marpa (1012-1096) đản sinh ở vùng Chukhyer ở miền nam Tây Tạng. Ngài thụ nhận giáo pháp và học tiếng Phạn từ Thượng sư Drogmi Lotsawa. Không bằng lòng với tiến độ tu học của mình, Ngài bán toàn bộ gia sản và tới Ấn Độ để tìm cầu và đưa giáo pháp trở lại Tây Tạng. Mặc dù Ngài là bạch y cư sĩ, đã lập gia thất nhưng sự chứng ngộ của Ngài là vô song, thanh tịnh không chút nhiễm ô giống như hoa sen mọc lên từ bùn lầy. Đối với Ngài, Luân hồi và Niết bàn là bất nhị, hết thảy sắc tướng thế tục với Phật tính đều không khác. Ngài phiên dịch rất nhiều giáo pháp Đại Thủ Ấn Mahamudra, Kim cương thừa sang tiếng Tạng đồng thời hoằng dương giáo Pháp rộng khắp. Ngài đã chọn Đức Milarepa làm người kế tục Truyền thừa.

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị loạt truyện về cuộc đời của Đức Marpa, một tấm gương về một vị cư sĩ tuy sống trong cuộc đời trần luỵ mà vẫn chứng ngộ được Phật tính ngay trong một đời.

3 năm chờ đợi và khao khát cháy bỏng được hạnh ngộ Bậc Thầy

Chàng thanh niên trẻ tuổi Marpa đã phải ở lại Kathmandu, thủ phủ của Nepal tới 3 năm để làm quen với cái nắng nóng chói chang ở đây. Ba năm thấm thoắt trôi qua, Ngài đã học hết tất cả các pháp từ hai vị đệ tử của Đức Naropa. Cái nóng bên ngoài không thể nào so được với khao khát cháy bỏng như lửa đốt trong lòng Đức Marpa. Ngày ngày, chàng trai trẻ đều cầu nguyện để được gặp Bậc Thầy. Mãi tới một ngày cuối mùa hạ thứ ba, hai vị sư huynh mới đồng ý viết cho Đức Marpa một lá thư mang tới gặp Đức Naropa ở Ấn Độ. Người bạn ghen tỵ Nyo cũng đi cùng, nhưng tới nơi, một lần nữa Nyo lại đổi ý.

- Trước kia, Ngài Naropa đã từng là một bậc hiền trí, nhưng lại bỏ đi theo Ngài Tilopa, và đang thực hành thiền kusulu dành cho những kẻ có tâm trí đơn giản, thật là quá tầm thường. Ta sẽ không đến gặp một người như thế. Còn có rất nhiều Bậc Thầy vĩ đại như mặt trăng và mặt trời ở Ấn Độ, ta sẽ đi tìm họ. Và thế là một lần nữa, dù đã đến rất gần người thầy vĩ đại Naropa, Nyo vẫn bỏ đi.

Đức Marpa mang lá “thư giới thiệu” tới gặp Prajnasimha, một vị đệ tử của Đức Naropa, và thuật lại câu chuyện về 3 năm ròng rã rèn luyện dưới cái nóng của Nepal để được tới đất Ấn Độ. Sau bao ngày mong ngóng và cuộc hành trình dài vất vả, tới nơi, vị đệ tử của Đức Naropa thủng thẳng trả lời:

- Ngươi đến thật không đúng lúc. Đạo sư Naropa đang đi Labar vùng Tây Ấn, không biết khi nào Ngài mới trở về.


Đại thành tựu giả Naropa

Nghe vậy, dù là một người cứng rắn với lòng can đảm vô cùng, Đức Marpa vẫn khóc òa lên như một đứa trẻ. “Ta đã chờ đợi bao nhiêu năm để có hôm nay, sao lại có thể như vậy? Thầy đã rèn luyện cho bao học trò, dành cho họ bao tâm huyết, tại sao có thể bỏ rơi ta ở đây? Phải chăng ta không có duyên với Thầy? Phải chăng những thử thách này vẫn chưa đủ? Phải chăng nghiệp xấu của ta quá nhiều? Phải chăng ta chỉ là kẻ vứt đi không xứng đáng học Pháp...?”.

Bao nhiêu suy nghĩ quay cuồng trong đầu Đức Marpa. Không! Ta sẽ phải quyết chờ đợi và gặp được Thầy, xin Thầy dạy cho ta con đường giải thoát! Dù có phải chịu đựng gian khổ bao nhiêu đi chăng nữa, ta cũng phải giác ngộ để cứu mình, cứu mọi người thoát khỏi luân hồi vĩnh viễn và giác ngộ ngay trong kiếp người ngắn ngủi này.

Với quyết tâm còn nóng bỏng hơn cái nóng của mặt trời, Đức Marpa quyết định đứng ở ngoài cửa chờ cho đến khi thầy Naropa trở về. Chân Ngài tê rộp sưng phồng vì cái nóng của đất. Đầu, chân tay cháy rát vì cái nắng của trời. Cổ họng khô ran, đầu óc quay cuồng. Nhưng không gì lay chuyển được thân, khẩu, ý của Đức Marpa. Ngài nhất định phải hạnh ngộ được Bậc Thầy.

Cuộc hạnh ngộ Bậc Thầy bất ngờ sau khi chờ đợi đến kiệt sức

Đức Marpa chờ 7 ngày 7 đêm, lả đi vì kiệt sức, nhưng vẫn kiên định quyết chờ đợi đến cùng. Đến chiều ngày thứ 8, một vị đệ tử xuất hiện mang theo lời nhắn của Đạo sư Naropa cho Prajnasimha: “Một Phật tử người Tây Tạng đang ở cùng ngươi, hãy dẫn hắn đến Phullahari”.

Đức Marpa đi theo Prajnasimha tới một thành phố mang tên Cánh Đồng Hoa, tu viện Hoàng Sơn ở Phullaharri, và được dẫn vào gặp Đạo sư Naropa. Quang cảnh ở đây thanh tịnh và đẹp không bút nào tả xiết. Dù dưới cái nắng nóng như biển lửa, muôn hoa đua nở rực rỡ, tươi mới bên bờ hồ nước xanh biếc. Đạo sư Naropa ngồi đó, thong dong mà đĩnh đạc, mỉm cười hài lòng nhìn Đức Marpa. Đôi mắt Ngài đẫm lệ khi nhìn thấy Thầy. Đúng rồi, đúng rồi! Trong lòng chàng trai trẻ reo lên như đứa trẻ lạc cha đã bao năm tìm được đường về. Đức Marpa quỳ sụp xuống lễ lạy mãi không thôi. Đức Naropa nhìn Marpa và đọc bài thơ:

“Đúng như lời tiên tri của Thầy ta

Con trai của ta, Marpa Lodro,

Người con đến từ xứ Tuyết

Chào mừng con đến với cánh cổng của Pháp”.

Đức Naropa trao truyền cho Đức Marpa pháp quán đỉnh của Bản tôn phẫn nộ Hô Kim Cương (Sri Hevajra), Kim Cương Điện (Vajrapanjara) và mật điển Samputa. Trên không gian nắng rát bỗng ào rơi một cơn mưa mát lành. Mưa ngớt, những đám mây lùi xa mở rộng thênh thang một bầu trời quang đãng. Phía chân trời bỗng xuất hiện một cầu vồng rực rỡ. Marpa ngước nhìn bầu trời xanh, ôm trọn tất cả những gì đang diễn ra, cảm thấy biết ơn và ngập tràn niềm chí thành sâu sắc. Đó là một ngày rất đặc biệt của lịch sử, ngày Đại dịch giả Marpa xứ tuyết được thụ nhận lễ quán đỉnh từ Bậc Thầy vĩ đại Naropa, bắt đầu cuộc hành trình mang những kho báu của Phật Pháp từ Ấn Độ tới vùng Himalaya.

(Còn tiếp)

(Lược trích ấn phẩm “Kho tàng truyện cổ tích trong suốt”)

Tham khảo thêm

Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 1)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696164
Số người trực tuyến: