Hai chiếc bị của đời người | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hai chiếc bị của đời người

Một người đàn ông vì bất mãn với cuộc sống nên muốn vào chùa xin thỉnh giáo một vị cao tăng:

– Thưa Thầy, xin Thầy chỉ dẫn cho con phương pháp tu tập.

– Quý vị muốn phương pháp tu tập với mục đích gì và tại sao lại chọn chúng tôi để đặt câu hỏi?

– Con thấy cuộc đời này sao mà khổ quá, như con đây cũng có trình độ học thức, có công ăn việc làm tốt, gia cảnh đầm ấm, nhưng vẫn thấy khổ tâm nhiều chuyện, nhiều lúc cảm thấy bất an đến độ ăn không ngon ngủ không yên, nhiều điều lo lắng, bực mình lắm! Con muốn được an tâm nên đì tìm phương pháp tu tập để thoát khổ.

– Trên đời này, người nào không có tâm cố chấp, không có tâm phân biệt, không mang nặng hình thức thế gian thì người đó sống đời an lạc với hạnh phúc xuất thế gian.

– Kính xin Thầy giảng rõ hơn.

– Người đời thường mang hai cái bị. Một cái trước ngực chứa đầy lỗi lầm của người khác. Một cái sau lưng chứa đầy lỗi lầm của chính bản thân. Do đó, người đời thường bực bội, bất an trước các lỗi lầm quá dễ thấy của người khác. Trái lại, với các lỗi lầm của chính bản thân, người đời thường che giấu, không muốn ai thấy, chính mình cũng không thừa nhận, không nhận ra, cho nên khó khá được, cho nên khổ dài dài. Muốn hết khổ, muốn bớt khổ, người đời nên đổi vị trí của hai cái bị nói trên. Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng chỉ trích nhục mạ người khác.

– Kính cảm tạ lời chỉ giáo của Thầy. Thực hay quá! Nhưng riêng con, con không muốn đổi vị trí của hai cái bị đó thì sao, thưa Thầy?

– À, quý vị không muốn đổi vị trí của hai cái bị, thì quý vị đổi nội dung của chúng cũng được mà.

– Con chưa hiểu rõ ý của Thầy?

– Nếu quý vị vẫn giữ vị trí của hai cái bị: Cái bị trước ngực quý vị chứa đựng toàn là ưu điểm của người khác. Cái bị sau lưng quý vị chứa đựng toàn là ưu điểm của bản thân.

– Con vẫn chưa tỏ tường?

– À, khi đó quý vị sẽ thấy ưu điểm của người khác quá nhiều, lắm khi vượt trội hơn mình, mình thực ra chẳng bằng nhiều người lắm. Từ đó, mình bớt đi tính phê phán, phỉ báng người khác – hãy thu mình lại, quan sát chính bản thân, quan sát chính bản tâm, mình sẽ được bình an ngay.

– Thực là quý hoá, con hiểu rồi. Nhưng, thưa Thầy, sao lộn xộn và rắc rối quá vậy? Lấy kéo cắt cái đáy bị là xong ngay. Chuyện hay dở của người, của ta, cho nó rơi mất đi, đeo chi cho nặng nhọc … Quăng bỏ hai cái bị, là đơn giản nhất ạ!

– À, như vậy quý vị đã giác ngộ rồi, Thầy còn gì để giảng dạy nữa.

Bạn thân mến!

Cái gọi là bản ngã thực chất là gì? Bản ngã chính là cách chúng ta hình dung về bản thân, đó là tất cả những nhãn mác ta tự gán cho mình, những trải nghiệm dễ khiến cảm xúc tuôn trào. Bản ngã chính là lăng kính, là bộ lọc để qua đó chúng ta nhìn thế giới.

Bản ngã dường như không thích sự thay đổi, nó thường nhìn nhận mọi điều bằng tư duy chủ quan cứng nhắc. Bởi vậy, chỉ một vài điều vặt vãnh đụng chạm đến niềm tin và định kiến cũng dễ khiến nó bị tổn thương. Và khi bản ngã đầy uy lực, chúng ta trở nên thích phán xét mình và người khác. Thế giới hiện đại tràn ngập định kiến, nó bảo ta phải hành động thế nào, hình thức ra sao, rằng bạn là người xấu hay tốt, thành công hay thất bại. Gia đình và xã hội luôn đặt kỳ vọng nơi ta, hay đôi khi chúng ta tự kỳ vọng vào chính mình để rồi liên tục bị phán xét và thường là bị thất vọng.

Khi chúng ta để bản ngã ngự trị, những bám chấp vào sở hữu của cải, vào con người và thậm chí vào chính những xúc tình tiêu cực sẽ ngày càng mạnh mẽ, biến thành xiềng xích cản trở chúng ta sống cuộc đời tự do và giản đơn. Bản ngã gắn liền với những nguyên nhân của khổ đau. Nó ngăn cản tuệ giác bên trong chúng ta lên tiếng. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi tầng tầng lớp lớp những suy diễn và ngụy tạo. Do vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của bản ngã để kiểm soát và từ bỏ nó.

(Tâm An biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698814
Số người trực tuyến: