Hiểu đúng về Sự trì và Lý trì khi niệm Phật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hiểu đúng về Sự trì và Lý trì khi niệm Phật

"Lý" là lẽ phải, là điều suy luận, là cảnh giải ngộ, thuộc về phần tính. "Sự" là phương tiện, là công hạnh, là hình thức, thuộc về phần tướng. Tuy nhiên, đi đến chỗ cùng, Sự tức là Lý, tính tức là tướng, đồng một thể như thật tròn sáng dung thông. Trên đường tu, Lý và Sự làm trong ngoài cho nhau, phối hợp nhau, giúp đỡ lẫn nhau để thành tựu.

Có Lý, việc làm mới có căn cứ, có cương lĩnh, có mục tiêu để khởi sinh tác dụng. Có Sự, mới thực hiện được điều suy luận, chứng minh được chỗ lý giải, đi đến mục tiêu, và cuối cùng đoạt lấy kết quả. Lý như đôi mắt để nhìn đường. Sự như đôi chân để tiến bước. Không có mắt, hoặc mắt lờ lạc, tất dễ lầm đường. Không có chân, dù mắt sáng tỏ bao nhiêu, cũng chẳng làm sao đi đến nơi đến chốn. Lại, có Lý không Sự, như người có họa đồ, biết đường lối mà chẳng chịu đi. Có Sự không Lý, như kẻ tuy đi nhưng thiếu người hướng đạo, lộ tuyến mê mờ. Có Lý có Sự, như đã thông suốt đường lối, lại vừa cất bước hành trình, tất sẽ về nơi bảo sở.

Sự và Lý đã nương nhau như thế, nếu thiếu một tất chẳng có hy vọng thành công. Nhưng người tu tuy thiếu phần giải ngộ, song nếu chịu y theo lộ trình của bậc tiên đức đã chỉ dạy mà thật hành, cũng đi đến mục tiêu và sẽ thành công, đồng với cổ nhân không khác. Kinh luận, sự tích cùng các pho trứ tác của người xưa, hay lời chỉ dạy của bậc thiện tri thức đời nay, chính là lộ trình đích xác, nếu y theo mà thực hành, tất sẽ đạt thành kết quả.

Có Sự mà thiếu phần Lý giải chẳng đủ lo ngại

Đáng lo là những kẻ hiểu lý nhưng không thực hành, chỉ ngồi nói suông, dù có đàm huyền luận diệu thao thao, suốt đời vẫn chẳng tiến được nửa bước. Cứ thật mà nói, người thiếu Sự cũng quyết định không có Lý. Tại sao thế? Ví như kẻ đã biết nhà cháy, mà không chịu chạy thoát vẫn mãi ngồi yên, nào khác chi người không biết? Vì thế, Phật pháp có thể độ hạng ngu dốt chẳng thông một chữ, nhưng không phương độ kẻ thế trí thông biện, thiếu sự hành trì.

Thuở xưa, ngài Châu Lợi Bàn Đà ngu tối, đức Phật chỉ đem hai chữ "chổi" và "quét" bảo cố gắng tham chiếu. Ông tối tăm đến đổi hễ nhớ chữ này lại quên chữ kia, nhưng nhờ sức kiên trì không giây phút nào xao lãng, nên kết cuộc chứng được quả A La Hán. Còn Đề Bà Đạt Ma tuy thông minh đĩnh ngộ, thuộc sáu môn pháp tạng, luyện thành năm phép thần thông, nhưng bởi tham danh lợi chẳng thiết thật tu hành, nên kết quả bị đọa địa ngục.

Xem đây thì biết dù kẻ suốt thông tam tạng, song chẳng thật hành, tất nghiệp hoặc từ vô thủy vẫn còn nguyên không giảm được tơ hào, sự tri giải trở thành vô dụng. Sao bằng một bà lão dốt nát nơi nhà bếp, mặt mày lem lọ, nhưng thường chuyên niệm Phật, ngày kia tâm yên không loạn, ngồi ngự đài sen! Cho nên kẻ suốt đời chỉ cầu sự thông hiểu trên danh tướng lý luận, để mong thành một vị bác học về Phật pháp, không thiết thật tu hành; tất phải lâm cảnh kể thức ăn ngon mà mình chịu đói, đếm tiền kẻ khác mình vẫn nghèo nàn, kết cuộc hoàn toàn vô bổ. Nhà Phật đã ví những vị ấy như người điếc khảy đàn cho đại chúng nghe; kẻ quảy gánh đi khắp nơi rao bán đủ thứ thuốc hay, song quên hẳn chính mình đang mang nhiều chứng bịnh.

Niệm Phật có sự Sự trì và Lý trì

Theo Ngẫu Ích đại sư: "Sự trì là tin có cõi Cực Lạc và Phật A Di Đà, mà chưa đạt lý tâm này làm Phật, tâm này là Phật, chỉ quyết định cầu sinh, tha thiết thì niệm như con nhớ mẹ không lúc nào tạm quên. Lý trì là tin hiểu Phật A Di Đà ở Tây Phương, do tâm ta sẵn đủ, tâm ta tạo nên; đem câu hồng danh sẵn đủ và tạo nên của tâm mình làm cảnh buộc niệm, chẳng giây phút nào xao lãng".

Nói giản lược, Sự trì là cách trì niệm của kẻ không biết chi về nghĩa lý, chỉ tin có cõi Cực Lạc và Phật A Di Đà, rồi chí thành tha thiết niệm Phật để cầu tiếp dẫn vãng sinh. Lý trì là lối trì niệm của người cũng thật hành đồng như cách Sự trì ở trên, nhưng giải ngộ cảnh Tịnh Độ cùng Phật A Di Đà đều ở trong chân tâm, do công đức thanh tịnh của chân tâm hiện thành.

Như thế, Sự trì với Lý trì có gì sai biệt? - Tất nhiên là có. Bởi kẻ tu theo Sự trì thấy Phật ở ngoài tâm, thành ra có tướng năng sở đối đãi, chưa được dung thông. Người thật hành theo Lý trì, do giải ngộ chân tâm, nên tuyệt được tướng năng sở, tức niệm là Phật, tức niệm là tâm, dung hòa cùng tâm cảnh.

Có một lối nhận định sai lầm….

Nhiều người trọng Lý khinh Sự, thường chấp nê theo lý luận: "Tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh Độ," rồi phủ nhận cõi Cực Lạc và sự tiếp dẫn vãng sinh. Những người này lý thuyết hóa các kinh nói về Tịnh Độ và bảo: "Di Đà tức là bản tính Phật của mình; cõi Tịnh Độ là cảnh tịnh ở trong tâm, sao lại tìm bên ngoài?". Đây là điểm sai lầm rất lớn của thiên lý luận. Họ chấp Lý bỏ Sự, chuộng tính quên tướng, đem chân đế mà bác hiện tượng của tục đế, chẳng biết rằng song phương không thể rời nhau.

Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, chân tâm có hai phần: tính và tướng. Phần tính gọi là Chân Như môn, phần tướng là sinh diệt môn; Chân Như không rời sinh diệt, sinh diệt tức là Chân Như. Bởi thế Mã Minh Bồ Tát gọi phần Chân Như là Tạng Như thật không, phần sinh diệt là Tạng Như thật bất không; cả hai đồng chung một thể tính như thật. Ví như mặt biển to rộng, không thể chỉ chấp nhận phần nước mà bỏ phần sóng bọt; vì chấp như thế tức đã sai lạc với hiện tượng của biển, mà cũng chẳng biết biển là gì? Cho nên, bỏ sự tức lý không thành, bác tướng thì tính không đứng vững. Rất nhiều kẻ có chút học thức thế gian, khi nghiên cứu các kinh Đại Thừa nói về lý Bát Nhã, bởi không hiểu thấu đáo, nên thường mang chứng bịnh chấp "lý không" này. Do đó, họ đem các kinh nói về sự tướng, như các kinh Tịnh Độ hoặc Kinh Địa Tạng, mà lý thuyết hóa tất cả. Họ cho những kinh thuyết về sự tướng này là phương tiện để dẫn dắt hạng ngu thấp, những người tin có Tịnh Độ hoặc địa ngục, đều mê tín; nhưng thật ra, chính họ mới là kẻ lạc lầm! 

Cổ đức đã bảo: "Với môn Tịnh Độ, duy bậc trí huệ mới dung thông tính tướng hiểu đến chỗ tận cùng. Bằng không, thà chấp tướng tu hành, càng chấp lại càng mầu nhiệm!". Bởi càng chấp tướng, chí nguyện cầu sinh lại càng thiết tha, khi đã sinh về Tây Phương lo gì không chứng ngộ được thật tướng? Vấn đề sự lý tính tướng, nói ra vẫn không cùng, nhưng nếu hiểu được một sẽ hiểu tất cả. Mong các đồng nhơn khéo suy nghĩ, để tránh khỏi sự sai lạc trên bước đường tu.

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

HT. Thích Thiền Tâm

Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5695885
Số người trực tuyến: