Kinh Di Giáo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Kinh Di Giáo

PHẬT DI GIÁO

Ta ở lại đời dù cả đại kiếp cũng không ích gì. Vì đã hợp mà không tan là điều không thể có. Chính pháp tự lợi, lợi tha ta đã nói đủ. Nhân thiên đáng độ ta đã độ rồi. Ai chưa đủ khả năng, ta cũng đã tạo yếu tố nhân duyên để sau này sẽ được hóa độ. Đệ tử của ta triển chuyển thực hành, như thế là Pháp-thân ta thường trụ bất diệt.

Này các thầy Tỳ-kheo phải ý thức vô thường, có hợp có tan, không nên lo buồn. Chỉ nên nỗ lực tinh tấn, sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Thế gian mong manh không chi bền bỉ. Ta nay diệt độ như thoát ác bệnh. Thân này đáng chán sanh già bệnh chết, chìm ngập trong biển khổ đau, ai người trí tuệ lại không vui mừng khi trừ bỏ được kẻ thù.

Các thầy Tỳ-kheo hãy thường nhiếp tâm nỗ lực cầu tuệ giải thoát. Vạn pháp động hay bất động đều vô thường không an. Thôi, đại chúng hãy yên lặng, ta vào Niết-bàn.

Trên đây là lời giáo huấn tối hậu của ta.

---

KINH DI GIÁO

Đời Dao Tần, Tam tạng Pháp sư

Cưu Ma La Thập dịch

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên hóa độ tôn giả Kiều Trần Như, thuyết pháp lần cuối cùng hóa độ tôn giả Tu Bạt Đà La. Những người có thể hóa độ đã hóa độ, hôm nay trong rừng Ta La, giữa cây song thọ, ngài sắp Niết-bàn. Trời đêm yên lặng, Ngài vì đệ tử sơ lược để lại giáo huấn tối hậu, toát yếu một đời thuyết pháp.

I. TU TẬP CÔNG ĐỨC ĐỐI TRỊ TÀ NGHIỆP

1. GIỚI CĂN BẢN THANH TỊNH:

Các thầy Tỳ kheo hãy trân trọng cung kính tịnh giới như người mù được mắt  sáng, như nghèo nàn được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là Thầy của các ngươi như ta ở đời không khác.

2. GIỚI PHƯƠNG TIỆN THANH TỊNH:

Thân: Giữ tịnh giới không được buôn bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi tôi tớ và súc vật, gieo trồng cày cấy, kinh doanh tiền của. Hãy tránh xa những việc này như tránh hố lửa. Cho đến không được chặt phá cỏ cây, đào cuốc đất đai. Hòa chế thuốc thang, coi bói tốt xấu, ngước xem thiên văn, suy đoán thời tiết, đoán tính lịch số đều không phải là việc của Tỳ-kheo. Các Thầy phải tiết chế  cơ thể, ăn uống đúng giờ, sinh sống trong sạch.

Khẩu: Không được tham dự thế sự, liên lạc sứ mạng, chú thuật, thuốc tiên, giao hảo quyền quý sinh ra hèn hạ, ngạo mạn.

Ý: Phải tự đoan tâm chính niệm. Không được che giấu lỗi lầm, lập dị để mê hoặc quần chúng. Đối với bốn sự cúng dường phải tự lượng biết đủ, không nên tích chứa.

3. CÔNG ĐỨC TỊNH GIỚI:

Tịnh giới chính thuận với giải thoát nên gọi là Ba-la-đề mộc-xoa. Nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ, nhân tuệ giải thoát thống khổ. Cho nên các Tỳ kheo phải giữ tịnh giới, đừng hủy phạm thiếu sót. Ai có tịnh giới là có thiện pháp. Không có tịnh giới thì chẳng công đức nào có thể phát sinh.

Tịnh giới là yên ổn, là cội gốc của vạn đức.

II- TU TẬP CÔNG ĐỨC ĐỐI TRỊ CÁC KHỔ

1. ĐỐI TRỊ 5 THỨC TRƯỚC: Các thầy Tỳ kheo phải chế ngự năm giác quan, không cho phóng túng chạy theo dục lạc. Như kẻ mục đồng tay roi tay giàm, không cho con trâu phạm vào lúa mạ của người. Buông lung năm giác quan, không thể cầm chế thì tai họa sẽ không bờ mé. Như ngựa hung hăng sẽ đưa người cưỡi về nơi nguy hiểm. Giặc cướp chỉ làm hại một đời, năm giác quan buông lung tai họa nhiều kiếp, không thể không cẩn thận. Người trí tuệ phòng ngự năm căn như giữ giặc. Nếu buông lung năm căn thì chẳng bao lâu, ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả.

2. ĐỐI TRỊ Ý THỨC: Này các Tỳ kheo, năm giác quan do tâm chủ động, cho nên phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm đáng sợ hơn rắn độc. Thú dữ, giặc thù, lửa dữ chưa đủ để thí dụ cái hại của tâm. Như kẻ tay bưng bát mật, chân chạy nhảy, mắt đăm đăm nhìn bát mật thì làm sao thấy hố sâu ở dưới gót. Như voi điên không móc sắt, như vượn khỉ trong cây rừng, khó khăn mà ngăn cản. Các Thầy phải cấp tốc tỏa chiết, đừng buông lung. Buông lung tâm niệm thì tan nát hết thiện nghiệp. Chế ngự tâm một chỗ thì không việc gì không xong. Cho nên hãy nỗ lực tinh tấn chiết phục tâm mình.

3. ĐỐI TRỊ THAM ĂN: Thọ dụng ăn uống coi như thuốc hay, ngon không ham, dở không chê, chỉ cần duy trì cơ thể để đỡ khổ đói khát. Như ong hút hoa, chỉ lấy hương vị không tổn sắc hoa. Người xuất gia thọ dụng không hủy phá thiện niệm của người. Hãy khôn ngoan lượng sức con trâu của mình đừng dùng quá sức đến nỗi kiệt lực.

4. ĐỐI TRỊ NHÁC NGỦ: Các Tỳ kheo ban ngày hãy nỗ lực tu tập thiện pháp đừng để thời giờ bỏ qua. Đầu đêm cuối đêm phải lo tụng niệm để tiêu trừ phiền não, sinh trưởng thiện pháp. Đừng vì ngủ nghỉ mà luống qua một đời. Lửa vô thường đang đốt cháy thế gian phải mau mau giải thoát.

Giặc phiền não đang rình giết ta, tại sao ta lại có thể yên tâm ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác? Phiền não nằm trong tâm chúng ta như rắn hổ mang màu đen đang nằm trong nhà. Các Thầy phải mau mau dùng móc sắt giới luật mà cấp tốc móc kéo nó ra. Rắn phiền não có ra rồi mới nên yên ngủ. Rắn chưa ra mà cứ ngủ thì thật là kẻ không biết hổ thẹn. Hổ thẹn là phục sức đẹp nhất, hổ thẹn có năng lực chế ngự tất cả phi pháp. Các thầy Tỳ kheo hãy luôn luôn tự biết hổ thẹn, tự biết sỉ nhục đừng bao giờ quên, dù chỉ tạm thời. Có hổ thẹn là có thiện pháp. Không hổ thẹn là không công đức, khác gì cầm thú.

5. ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO:

Sân: Các thầy Tỳ kheo, dù ai xẻ thân thể ra từng mảnh, phải tự kiềm chế, đừng khởi sân giận. Giữ gìn miệng lưỡi đừng thốt ra tiếng không lành. Sân giận hại đạo nghiệp, hư công đức. Trì giới và khổ hạnh, công đức chẳng thể sánh kịp nhẫn nhục. An nhẫn là sức mạnh của bậc thượng nhân. Kẻ nào chưa thể hoan hỷ tiếp nhận các thứ nhục mạ như uống nước cam lồ, thì chưa thể gọi là người có trí tuệ nhập đạo. Vì giận dữ phá hủy hết thảy thiện pháp, hiện tại và vị lai không ai muốn nhìn. Các thầy Tỳ kheo phải thường xuyên đề phòng lửa sân giận ác liệt. Giặc cướp công đức không chi hơn giận dữ. Người thế gian vì ham dục lạc, vì không tu hành nên  không có phương tiện để tự kiềm chế, mỗi khi nổi sân ta còn có thể tha thứ.

Người xuất gia đã bỏ dục vọng mà còn nổi sân thì có khác chi giữa bầu trời quang sáng mà có sấm sét nổi lửa. Thật là điều không thích đáng.

Kiêu mạn: Hỡi các thầy Tỳ kheo hãy tự xoa đầu, đã bỏ trang sức, mặc áo hoại sắc, tay cầm bình bát khất thực xin ăn mà còn kiêu ngạo là điều không thể có.

Dua nịnh: Các thầy Tỳ kheo, dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp nên phải ngay thẳng tâm mình, lấy đức chất trực làm căn bản.

III- THÀNH TỰU CÔNG ĐỨC XUẤT THẾ

1. Thiểu dục: Các thầy Tỳ kheo phải biết tham muốn nhiều thì khổ não cũng nhiều. Ít muốn thì ít tai họa. Chỉ có thế cũng đã phải cần tập đức ít muốn. Huống chi ít muốn còn đem lại các thiện hạnh và công đức. Người ít muốn đâu cần dua nịnh quanh co để được lòng người. Người ít muốn không bị ngũ dục lôi kéo nên lòng bình thản không lo sợ. Ở cảnh ngộ nào cũng thấy đầy đủ, không có cảm giác thiếu thốn. Có ít muốn là có Niết-bàn.

2. Tri túc: Các thầy Tỳ kheo muốn thoát khổ não thì hãy tập hạnh tri túc (biết đû). Biết đủ là giàu sang, vui vẻ và yên ổn. Biết đủ thì nằm trên đất vẫn vui, không biết đủ thì ở thiên đường cũng chưa vừa ý. Người biết đủ thì nghèo mà giàu, người không biết đủ thì tuy giàu mà nghèo. Người không biết đủ thì luôn luôn bị năm thứ dục lạc lôi kéo khiến cho người biết đủ xót thương.

3. Siêu thoát: Các thầy Tỳ kheo muốn cầu tịch tịnh vô vi an lạc, hãy một mình ở chỗ an nhàn, thoát ly tất cả ồn ào phiền não. Người an tĩnh được trời Đế thích và chư thiên tôn kính. Các Thầy hãy thoát ly đồ chúng, thanh thái ở nơi thanh vắng ngẫm nghĩ phương pháp cắt đứt gốc rễ của đau khổ. Có nhiều đồ chúng sẽ bị quấy phá như cây đại thọ có nhiều chim chóc tập họp, hẳn bị cái họa gẫy cành héo lá, như voi già sa xuống  bùn lầy, người bị ràng buộc sẽ bị chìm ngập trong thống khổ khó mong giải thoát.

4. Tinh tấn: Các thầy Tỳ kheo nỗ lực tinh tấn thì chẳng việc gì khó khăn. Giọt nước tuy nhỏ mà cứ chảy mãi cũng xuyên thủng đá. Người hành đạo biếng nhác như kẻ kéo lửa chưa nóng đã ngừng, thì dù thiết tha cầu lửa, lửa cũng khó mà có được.

5. Chính niệm: Các thầy Tỳ kheo cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trì, chẳng bằng không quên chánh niệm, hễ quên chính niệm thì giặc phiền não liền xâm nhập. Chính niệm vững mạnh thì dù ở trong đám giặc ngũ dục cũng không bị chúng sát hại, tựa như tướng sĩ ra trận đã có áo giáp còn sợ hãi gì.

6. Thiền định: Các thầy Tỳ kheo tập trung tâm lại thì sẽ nhập thiền định. Nhập thiền có thể thấu triệt pháp tướng sinh diệt của thế gian. Nên các Thầy phải thường tập thiền định, đừng để tâm tán loạn. Như người làm ruộng tiếc nước thì phải khéo đắp bờ. Tu sĩ phải tập thiền định để cô đọng nước trí tuệ.

7. Trí tuệ: Các thầy Tỳ kheo có trí tuệ thì hết đam mê luôn luôn tự thức tỉnh, tự dò xét, không để lỗi lầm phát hiện. Người này ở trong chính pháp của ta có khả năng giải thoát. Không thế thì chẳng phải xuất gia, chẳng phải thế tục, không còn biết gọi là gì. Trí tuệ chân thật, là chiếc thuyền chắc nhất vượt bể sanh lão bệnh tử, là ngọn đèn sáng nhất chiếu phá hắc ám vô minh, là thần dược chữa bệnh, là búa sắc chặt phiền não. Vì thế các thầy Tỳ kheo hãy dùng tuệ Văn Tư Tu mà tăng tiến lợi ích. Có trí tuệ soi chiếu thì dù còn mắt thịt cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất.

8. Không hý luận: Các thầy Tỳ kheo! Hý luận thì tâm trí rối loạn, tuy xuất gia mà chẳng giải thoát. Cho nên phải tức khắc trừ bỏ hý luận để thực hiện cái vui tịch diệt.

VĂN KẾT

Các thầy Tỳ kheo, hãy thường nhất tâm tu tập, đừng có phóng dật. Đại bi Thế Tôn đã nói chính pháp ích lợi tận cùng. Các Thầy chỉ còn việc nỗ lực tu hành. Hoặc nơi rừng núi, hoặc cạnh đầm vắng, dưới gốc đại thọ, hoặc trong tịnh thất. Các Thầy hãy thư thái thọ trì, chiêm nghiệm chánh pháp chớ để lãng quên. Thường gắng tinh tấn, đừng để hư sinh, sau này ăn năn. Ta như lương y theo bệnh cho thuốc, còn uống hay không, lương y không lỗi. Như người dẫn đường đã chỉ đúng đường, nghe rồi không đi, đạo sư không lỗi.

I- CHỨNG NHẬP QUYẾT ĐỊNH

“Này các Tỳ kheo, bốn diệu chân lý, ai còn hồ nghi thì xin hỏi ngay, không được hoài nghi mà không cầu giải”. Thế Tôn ba lần hỏi, đại chúng vẫn im lặng. Tôn giả A Na Luật Đà quan sát tâm trí chúng Tăng rồi bạch Đức Thế Tôn: “Mặt trăng có thể làm cho nóng, mặt trời có thể làm cho lạnh, bốn chân lý không thể sai khác. Phật đã dạy thế gian là khổ. Đúng như thế, không thể có vui ở thế gian. Ngài đã dạy Tập là gốc khổ. Đúng như thế, không còn nguyên nhân nào khác. Ngài đã dạy Diệt là hết khổ. Đúng như thế, nhân Tập đã diệt thì quả  Khổ cũng diệt theo. Ngài đã dạy Đạo là phương pháp diệt khổ. Đúng như thế, không còn đường lối nào khác.

Bạch đức Thế Tôn, các Tỳ kheo đây đã quyết định tin hiểu bốn chân lý, không còn hồ nghi gì nữa”. Tăng chúng lúc ấy những người việc làm chưa hoàn tất thì thấy Phật diệt độ hãy còn bi cảm. Những người mới vào chính pháp, nghe lời Phật nói liền được hóa độ như trong đêm tối mà điện chớp sáng thấy ngay đường đi. Những người việc làm đã hoàn tất, đã vượt qua bể khổ, thì chỉ nghĩ rằng: Thế Tôn diệt độ sao mà mau chóng thế.

II- TÁI HUẤN

Đức Phật đại bi muốn cho đại chúng đều được kiên định nên huấn dụ thêm: Ta ở lại đời dù cả đại kiếp cũng không ích gì. Vì đã hợp mà không tan là điều không thể có. Chính pháp tự lợi, lợi tha ta đã nói đủ. Nhân thiên đáng độ ta đã độ rồi. Ai chưa đủ khả năng, ta cũng đã tạo yếu tố nhân duyên để sau này sẽ được hóa độ. Đệ tử của ta triển chuyển thực hành, như thế là Pháp thân ta thường trụ bất diệt. Này các thầy Tỳ kheo phải ý thức vô thường, có hợp có tan, không nên lo buồn. Chỉ nên nỗ lực tinh tấn, sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Thế gian mong manh không chi bền bỉ. Ta nay diệt độ như thoát ác bệnh. Thân này đáng chán sinh già bệnh chết chìm ngập trong biển khổ đau, ai người trí tuệ  lại không vui mừng khi trừ bỏ được kẻ thù.

Các thầy Tỳ kheo hãy thường nhiếp tâm nỗ lực cầu tuệ giải thoát. Vạn pháp động hay bất động đều vô thường không an. Thôi, đại chúng hãy yên lặng, ta vào Niết-bàn. Trên đây là lời giáo huấn tối hậu của ta.

NĂM ĐỨC PHẢI ĐỦ

Kính Phước Điền nói Sadini phải đủ 5 đức:

1- Phát tâm xuất gia vì cảm hội Phật pháp.

2- Hủy bỏ hình đẹp vì thích ứng pháp y.

3- Cắt ái từ thân vì không còn thân sơ.

4- Coi thường thân mạng vì tôn sùng Phật pháp.

5- Chí cầu Đại thừa vì muốn hóa độ quần mê.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5670282
Số người trực tuyến: