Nên thực hành pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara vào thời điểm nào? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nên thực hành pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara vào thời điểm nào?

Khi bạn đến chùa để thực hành, điều quan trọng là bạn vui hưởng việc thực hành và cảm thấy thanh thản, thoải mái. Sẽ rất lợi lạc khi bạn thực hành ở nơi có những biểu tượng giác ngộ nêu biểu thân, khẩu, ý của Phật. Nếu không có điều kiện đi chùa, bạn vẫn có thể thực hành tại nhà hay cơ quan. Nếu có những biểu tượng giác ngộ tại gia, điều đó sẽ rất tốt, nhưng nếu bạn không có thì đừng lo lắng về điều đó. Bạn có thể trì tụng chân ngôn Đức Phật Quan Âm Lục Độ Mẫu Tara trong khi nấu cơm, đi đường, trồng lúa hoặc trong bất cứ thời gian dù ban ngày hay buổi tối, tại bất cứ địa điểm nào. Bởi vì Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara không là gì khác ngoài tự tính của chúng ta.

Bạn không nên cảm thấy bị áp lực khi thực hành Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara. Bất kỳ khi nào bạn quyết định thực hành pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, điều đó chỉ có thể mang lại lợi ích, điều đó chỉ có thể tốt lành.

Theo truyền thống Kim Cương thừa, điều tối quan trọng là bạn cần thụ nhận quán đỉnh. Đây chính là ngưỡng cửa và là đặc trưng của Kim Cương thừa để hành giả có thể thực hành nghi quỹ tu trì theo một Bản tôn nhất định (ví dụ Đức Quan Âm, Đức Dược sư hay Trí Tuệ Văn thù...).

Tuy nhiên, một số pháp tu do Đức Phật Thích Ca truyền cho đại chúng không tuân theo quy định này. Tất cả các pháp môn trong Kinh thừa chắc chắn chứa đầy ân đức gia trì của Đức Phật rồi nên bất kỳ ai mong muốn đều có thể thực hành theo, trong đó bao gồm cả các pháp tu của Đức Phật Quan Âm Tứ Thủ (Chenrezig) và của Đức Phật Quan Âm Lục Độ Mẫu Tara. Tuy vậy, bạn luôn được khuyến khích thụ nhận quán đỉnh Kim Cương thừa của các Bản tôn bất kể khi nào có cơ duyên.

Khi bạn được thụ nhận quán đỉnh Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, sự tu tập và năng lực kết nối bạn với Căn bản Thượng sư của mình và Bản tôn Phật Quan Âm Độ Mẫu càng được tăng trưởng hơn. Nếu đã thụ nhận quán đỉnh Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, bạn có thể tự quán thân mình là Đức Lục Độ Phật Mẫu. Nếu ngay ngày hôm nay bạn chưa thụ nhận quán đỉnh về Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, hãy đừng lo lắng và ngồi xuống thực hành Phật Quan Âm Độ Mẫu vì lợi ích của bản thân và tất cả chúng sinh hữu tình!

Trong Kim Cương thừa, các pháp thực hành tựu chung có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn phát sinh và giai đoạn hoàn thiện. Hai giai đoạn này luôn tiếp nối nhau.  Bởi vậy, điều quan trọng là chúng ta thực hành toàn bộ Nghi quỹ từ đầu đến cuối mà không bỏ dở nửa chừng. Nhưng nếu bạn có việc phải dừng giữa chừng, bạn có thể hồi hướng công đức rồi đi làm công việc của mình. Điều đó không có hại gì bởi bạn cần biết là Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara lúc nào cũng ban trải lòng từ bi vĩ đại đối với chúng sinh.

(Quý vị tải Nghi quỹ tu trì giản lược Đức Bản tôn Lục Độ Phật Mẫu Tara tại đây)

3 điểm quan trọng cần lưu ý khi thực hành Nghi quỹ tu trì Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara

3 điểm quan trọng nhất bạn cần lưu tâm khi thực hành bất cứ pháp tu nào là động cơ thanh tịnh, hành đàn thanh tịnh và hồi hướng thanh tịnh.

1. Động cơ thanh tịnh

Trước khi tu tập, bạn luôn quán chiếu về thân người khó được và giá trị hy hữu khi may mắn có được thân người quý giá này. Tiếp đến, hãy suy ngẫm quán chiếu về các đề mục Vô thường, cái Chết, quy luật Nhân quả và Khổ luân hồi. Hãy phát khởi Bồ đề tâm, tin tưởng vững chắc rằng từ chư Phật, Bồ tát đến tất thảy chúng sinh đều vốn sẵn đủ Phật tính, chỉ vì vô minh nên chúng sinh và bản thân mình cứ mãi trầm chìm trong khổ đau sinh tử luân hồi. Từ niềm tin Kim cương đó, bạn thực hành Quy y Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara và hướng cuộc sống của mình về mục đích tinh tấn tu tập vì sự giác ngộ và an lạc của hết thảy khổ não hữu tình.

2. Hành đàn thanh tịnh (bao gồm cả nội và ngoại đàn tràng)

Bạn có thể thực hành trì tụng chân ngôn Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara tại Nội đàn tràng (tại nơi có ban thờ Phật, được kết giới) hoặc Ngoại đàn tràng (khi đi, đứng, nằm, ngồi, mọi hoạt động thông thường mà bạn tiến hành trong chính niệm).

Có một điểm cần lưu ý rằng Nội Đàn tràng chính là một Mandala giác ngộ của chư Phật, là không gian của ân phúc gia trì và công đức. Vì thế, cần bảo vệ năng lực gia trì của đàn tràng, tránh những năng lượng tiêu cực có thể gây chướng ngại cho sự tu trì của mình và Thánh hóa môi trường tu tập bằng cách quán tưởng cảnh giới Mandala Bản tôn. Trên thực tế, các bậc giác ngộ vẫn đang hiển diện khắp mười phương, song bởi vô minh, ám chướng che dày nên chúng ta không thể nhận ra.

3. Hồi hướng công đức thanh tịnh

Trong kinh dạy: “Dù chỉ là giọt nước một khi nhỏ xuống biển sẽ không bị cạn kiệt cho đến khi biển khô cạn, và giọt nước ấy sẽ tồn tại chừng nào biển còn tồn tại. Nên nếu một người hồi hướng những thiện hạnh và công đức của mình với tâm Bồ Đề thì công đức đấy sẽ không bao giờ bị mất cho đến khi đạt được giác ngộ vì lợi ích tất cả chúng sinh”.

Cách siêu việt để hồi hướng công đức sau mỗi thời khóa là hành giả hãy quán Tam luân không tịch. Sau đó, hãy an trụ trong trạng thái an lạc, trong sáng, vô niệm và tâm bất nhị càng lâu càng tốt. Nếu hành giả chưa quán được như thế thì nên phát nguyện rằng: “Như chư Phật và Bồ tát trong quá khứ đã phát Bồ đề tâm và tuỳ hỷ, hồi hướng công đức và thiện hạnh của các Ngài như thế nào, con nay cũng xin hồi hướng như vậy”.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5758638
Số người trực tuyến: