Người xuất gia và hiếu hạnh (HT. Thích Thiện Siêu) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Người xuất gia và hiếu hạnh (HT. Thích Thiện Siêu)

Người xuất gia và hiếu hạnh

Thích Thiện Siêu

“Thiện tai đại trượng phu,

Năng liễu thế vô thường,

Khí tục thú Nê-hoàn,

Công đức nan tư nghì,

Hủy hình thủ khí tiết,

Cát ái từ sở thân,

Xuất gia hoàng Phật đạo,

Thệ độ nhất thế nhân."

Tạm dịch :

“Lành thay bậc trượng phu,

Hiểu được đời vô thường,

Bỏ tục hướng Niết-bàn,

Công đức khó nghĩ nghi,

Cát ái từ người thân,

Xuất gia hoàng Phật đạo,

Thệ độ hết chúng sinh"

Câu kệ trên là lời tán thán chí nguyện xuất gia mà vị Bản sư đọc lên khi đưa dao cạo tóc để truyền giới Sa-di và trao Man y cho người đệ tử. Kể từ đây, người đệ tử bước vào một đời sống mới với chí nguyện cao cả hướng đến Phật đạo và lợi tha, khác với đời sống thế tục trước đó. Đó là nếp sống của người xuất gia, của bậc trượng phu - một người có tinh thần siêu việt thoát tục. Người muốn có một đời sống cao thượng thì mới nhận thức được đời là vô thường và nhận thức được đời vô thường là một điều không phải dễ. Nhận thức đời vô thường mà vẫn sống trong cuộc đời vô thường là chuyện rất thường. Lắm người nhận thức đời vô thường nhưng vẫn không thể đi xuất gia được mà vẫn sống theo cảnh đời vô thường, lăn lộn trong cảnh đời vô thường. Nhưng cũng không ít người khi dã nhận thức được đời vô thường, có đó không đó, thì thấy rõ chính cái thân này cũng là vô thường, nếu không biết đem cái thân này phụng sự cho một lý tưởng cao việt, có ý nghĩa thì sẽ bị vùi lấp trong cuộc đời vô thường một cách tầm thường.

Người đời hiểu được như vậy là một điều đã khó, nhưng hiểu như vậy rồi còn tiến tới một bước nữa là xa lìa thế tục để xuất gia, đi theo con đường Giác ngộ lại là điều khó hơn. Điều khó đó phải có một tinh thần cầu giải thoát, chí khí của bậc trượng phu cao việt mới có thể làm được. Sống và làm được việc đó là một việc làm rất có công đức, bởi vì bỏ thế tục đi trên con đường Niết-bàn là con đường tự lợi và lợi tha, con đường thoát vòng luân hồi sinh tử cho mình và tiếp tục hoằng dương Chính pháp để dìu dắt người khác cũng được giải thoát như mình là điều rất cao quý, khó nghĩ nghi. Cũng vì có sự nhận thức như vậy, chí nguyện như vậy cho nên mới dám hủy bỏ hình thể thế gian để tiến lên trên con đường cao rộng.

Thế thường người đời có câu: “Đầu tóc là vóc con người”, họ lấy cái râu, cái tóc để trang sức cho mình thì người xuất gia lại cạo bỏ râu tóc đi, tức là bỏ một sự trang sức đối với thân thể của mình, hủy bỏ một phần mà người đời rất quý để được trở thành con người sống theo đời sống thoát tục quý hơn. Người đời thường mặc đủ mọi thứ áo theo thời trang, mặc đủ màu sắc, mặc đủ các loại vải tốt, các kiểu dáng đẹp đẽ để trang sức thân thể, thì người xuất gia lại mặc áo nâu sòng, mặc áo hoại sắc để làm thứ trang sức, như vậy cũng là một việc hủy hình. Hủy hình tức là hủy bỏ cái hình thức, cái hình tướng thế gian của mình, để mang lấy một hình tướng của người xuất gia, hầu có đủ thuận duyên, giữ vững khí tiết xuất trần.

Trong đạo Phật, khi mặc áo hoại sắc, cạo tóc đó là một biểu hiện và là một cách khác để giữ khí tiết. Nếu người xuất gia mà vẫn để đầu tóc dài, và phục sức như người thế tục thì hóa ra người xuất gia với thế gian là một. Khi đã lẫn lộn và trà trộn với thế gian, thì khí tiết người xuất gia khó có thể giữ được. Nên chính cái “đầu tròn áo vuông” đó cũng là một cái duyên tốt để giúp cho người xuất gia giữ được khí tiết. Nếu khi người xuất gia sờ trên đầu, thấy đầu mình không tóc, thì sẽ nhớ mình là người xuất gia, phải giữ khí tiết của người xuất gia và giả sử, có ý nghĩ phóng túng, lung lăn nào mà nhìn ngay tới chiếc áo hoại sắc của mình đang mặc thì liền nhớ minh là người xuất gia, không thể lung lăn như người thế tục, khỏng thể ngồi quán ngồi bờ, ngồi đâu ăn đó được. Như vậy, chính cái đầu không tóc và chiếc áo hoại sắc là một người bạn tốt nhắc nhở người xuất gia giữ khí tiết. Thành thử, hủy hình là cốt để giữ khí tiết, một điều hết sức có ý nghĩa, cho nên người xuất gia phải nhận thức đúng đắn để mỗi nửa tháng cạo tóc một lần coi như là điều cần thiết không thể xem thường được. Người xuất gia đừng để đầu tóc của mình quá dài suốt một tháng không hề cạo, nếu khi muốn để đầu tóc cho cao chứ không muốn cạo thì phải biết khi đó khí tiết của mình đã bắt đầu lay chuyển. Nếu còn cạo tóc đều đều, cứ nửa tháng cạo một lần, giữ luôn cho cái đầu của mình khác với cái đầu của thế gian, tức nhiên, đó là một cơ duyên cho người xuất gia giữ được khí tiết. Thứ nữa, y phục của mình mặc là biểu hiện một cái gì thiêng liêng mà người thế gian không có, chính đó là hàng rào ngăn cách, là người bạn giúp đỡ cho mình giữ được khí tiết khỏi bị trà trộn, nhắc nhở hàng xuất gia không được làm điều sai trái, ngoài giới luật người xuất gia. Nếu người xuất gia tự đồng hóa mình với thế gian về sắc phục, hình hài thì khó lòng giữ được khí tiết - Có giữ khí tiết thì mới xuất gia hoằng Phật đạo, mới xuất gia làm một người tu sĩ trọn vẹn, đúng ý nghĩa xuất gia. Ý nghĩa xuất gia là không phải để cầu danh hay cầu lợi ngắn ngủi tầm thường, mà cốt để xuất gia hoằng Phật đạo. Bởi vì chí nguyện xuất gia hoằng Phật đạo chính là mục đích mà chư Phật mong muốn ở nơi mỗi người đệ tử của Ngài. Nếu một người xuất gia mà không có tinh thần hoằng Phật đạo thì người đệ tử ấy đối với đức Phật không còn giữ đúng cái ý nghĩa mong muốn của Ngài nữa. Chính ngay sau khi đức Phật thành đạo, Ngài thuyết pháp cho năm vị đệ tử đầu tiên làm Tỳ-kheo, rồi thuyết pháp độ 50 người bạn ông Da-xá làm Tỳ-kheo. Khi độ rồi Ngài liền truyền dạy: “Các người hãy đi ra các phương để đem giáo pháp của Ta mà giáo hóa chúng sinh. Mỗi người một hướng đừng có đi chung với nhau”. Như vậy đức Phật đã truyền dạy ngay với các hàng Tỳ-kheo đầu tiên quy y với Ngài rằng: Người xuất gia, cát ái từ sở thân là cốt hoằng Phật đạo. Người xuất gia ngoài sự tu thân, để tự tạo cho mình thành một người sống trong đạo, và sống trong đạo không có nghĩa là sống vì sự tự lợi mà phải hướng tới hoằng Phật đạo. Hoàng Phật đạo không phải để cho Phật đạo mà hoằng Phật đạo để đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Cho nên câu: “Thệ độ nhất thiết nhân” là có ý nhắm vào hàng xuất gia phải có bổn phận cao cả hơn hết là hoằng Phật đạo để độ cho tất cả mọi người. Thế đủ biết, khi một người hướng tâm xuất gia thì phải thay đổi hình dáng mà câu kệ đã nói lên ý nghĩa cao quý, hướng thượng của một người bước chân vào đạo, một người xuất gia sống trong hàng ngũ xuất gia, nếu người ấy tiến lên thọ Tỳ-kheo giới, tức là nhập vào trong hàng Tăng sĩ, cùng tất cả mọi người đồng giới có quyền bàn bạc mọi việc của cộng đồng chư Tăng. Người xuất gia khi đọc câu “Cát ái từ sở thân” tự nhiên thấy mình đối với Đạo nặng hơn đối với gia đình. Tuy phải giữ tình hiếu để với cha mẹ, nhưng chỉ giữ một mức nào đó, chứ không phải đem cả chí nguyện đặt trở lại vào nơi gia đình thân thuộc huynh đệ. Nếu còn nặng nghĩa về gia đình tức là trở lại con đường không phải cát ái, không phải từ sở thân. Bước đầu có ra khỏi nhà thế tục như vậy (xuất thế tục gia) thì mới có được bước thứ hai ra khỏi nhà phiền não (xuất phiền não gia) và bước thứ ba ra khỏi nhà tam giới (xuất tam giới gia).

Nhân đây, tôi kể lại một câu chuyện mà tôi được nghe sư cụ Pháp chủ kể: Tại chùa Hòe Nhai nơi sư cụ ở, ngày xưa có một vị Tổ, thường gọi là Tổ Cáy. Khi Tổ còn ỏ nhà chưa xuất gia, một hốm mẹ ngài đi chợ mua ve một rổ Cáy (Cua đồng — nó giống như con cua nhưng nhỏ) định để chiều nấu ăn, nhưng khi mẹ ngài đi ra ngoài có việc, ngài ở nhà đem rổ Cáy đổ xuống sông. Đến khi mẹ ngài về thấy không có rổ Cáy, hỏi ngài, ngài thưa: “Con đổ xuống sông mất rồi”. Mẹ ngài hỏi: “Sao lại đổ đi ?” Ngài thưa: “Con nghe chúng nó kêu la than khóc quá, con chịu không nổi nên con đã thả cho nó được tự do kẻo tội nghiệp”. Mẹ ngài liên quở: “Nói chuyện lạ! Tội nghiệp. Cáy gì mà lại biết khóc? Thật không hiểu!”. Thật thế, lúc đó ngài đã khởi thiện tâm, nhận thức được sự đau khổ của loài Cáy. Và trong khi bị mẹ ngài la rầy, ngài vẫn điềm nhiên. Sau đó ngài xin xuất gia. Ngài thật sự xuất gia và biền biệt gia đình từ đó. Cho đến một hôm, ngài nghe tin mẹ đang bán nước uống ở một làng nọ, ngài liền tìm đến nơi thì thấy có một quán nước bên vệ đường, ngài ghé vào uống, thây trong quán có một bà già bán nước lụm khụm pha nước cho ngài uống. Ngài nhìn thấy biết đúng là mẹ mình. Khi bà già đem nước đến ngài hỏi: “Bà có thích ở chùa không?”. Bà trả lời: “Nếu Hòa thượng thương tưởng cho con được ở chùa ăn mày công đức Phật thì con mừng lắm”. Ngài không hể để lộ gốc tích cho người trong chùa biết và cũng không cho bà mẹ biết mình là con bà. Thường ngày, ngài muồn tạo thiện nhân cho mẹ bằng cách bảo bà nhổ cỏ. Mỗi ngày ngài chia cho bà nhổ một khoảnh vừa sức, rồi dần dần bớt nhỏ lại khi thấy sức bà yếu. Hằng ngày, ngài vẫn xử sự như đối với người khác chứ không có gì đặc biệt, cho nên suốt thời gian dài mà chung quanh vẫn không ai biết đó là mẹ ngài.

Một hôm có Phật sự, ngài phải đi xa, trong lúc đó mẹ ngài đã quá già yếu chưa biết lìa đời lúc nào. Trước khi ra đi, ngài dặn lại Tăng chúng rằng: “Trong thời gian tôi vắng chùa, ở nhà bà già có mất thì nên tin gấp cho tôi và đợi tôi về sẽ tẩm liệm”.

Quả thật, ngài ra đi chỉ vài hôm thì bà mất, chúng Tăng y lời nhắn tin và đợi ngài về. Khi ngài về, đưa mẹ vào quan tài đậy nắp xong, ngài mới nói với mọi người: “Đây là mẹ đẻ của tôi”. Nghe xong ai nấy đều rất cảm động, sửng sốt, thầm tán thán đức hạnh của ngài.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy, ngài đi xuất gia, tuy thật đã tách rời với gia đình nhưng ngài vẫn nhớ đến mẹ và cố tìm mẹ đem về chùa nuôi đúng lúc, xử sự đúng cách, đúng nghĩa “Cát ái từ sở thân”. Ngài nghĩ rằng: Tính kiêu mạn và ỷ thị là tính vốn sẵn có của chúng sinh, nếu ngài tuyên bố mình là con bà và bà là mẹ mình thì sợ rằng bà sẽ ỷ thị rồi sinh tâm kiêu mạn đối với chúng Tăng, như vậy sẽ mất công đức và tổn phước cho mẹ mình. Hằng ngày, bề ngoài ngài vẫn giữ vẻ bình thản như một người khác nhưng thật sự bên trong vẫn giữ một tình thương thật sự đậm đà đối với mẹ. Ngài thương mẹ bằng tình thương có trí tuệ soi sáng để cho mẹ ngài khỏi tạo những tội lỗi đối với Tam Bảo. Đây là tấm gương sáng để soi rõ ý nghĩa câu “Cát ái từ sở thân” và hiếu hạnh đúng đắn của người xuất gia. Và đây là điều theo tôi nghĩ: Người xuất gia phải giữ lấy làm lòng vì rằng đối với cha mẹ, thân quyến, bổn phận chúng ta phải có tình nghĩa, yêu thương, nhưng điều quan trọng là yêu thương, tình cảm như thế nào để cho cha mẹ anh em thân thuộc của chúng ta nếu không tạo thêm phước đức thì cũng không gây nên tội lỗi. Đó là một điều hết sức thận trọng, nếu không thì lắm khi cũng dễ vấp phải.

Ngày xưa đức Phật thành Đạo và thuyết Pháp trong 12 năm đầu, Ngài chưa chế giới, Ngài chỉ khuyên dạy một cách tóm tắt đại cương chứ chưa dạy chi tiết như:

"Chớ làm các điểu ác,

Hãy làm các việc lành,

Giữ tâm ý thanh tịnh,

Ấy lời chư Phật dạy”.

Hàng đệ tử theo đó mà tu Giới, Định, Tuệ là đủ rồi. Trong 12 năm đầu, Tăng chúng thuần thục thanh tịnh, không có việc gì ô nhiễm xảy ra, cho nên đức Phật chưa chế giới. Nhưng kể từ năm thứ mười hai đó trở về sau, Tăng chúng đông đảo, trong đó căn cơ không đồng đều, có người như thế này, người thế khác. Có người chưa hiểu được các Luật của chư Phật cho nên đã phạm phải các giới pháp, rồi nhân đó hễ có một vị Tăng phạm một tiểu tội nào, đức Phật mới chế ra giới đó. Như vậy, đức Phật chế giới tùy căn cơ của chúng sinh. Ngài chế giới chớ không phải ngài tự nhiên vô cớ đặt ra giới để kìm hãm chúng sinh, mà chính do hành vi sai trái của chúng sinh xảy ra, Phật mới nương theo đó chế giới, để ngăn ngừa cho người xuất gia đệ tử của Phật sau này đừng có ai vấp phải như vậy nữa. Và mỗi khi chế một giới nào Ngài đều nêu lên mười điều lợi ích (mười cú nghĩa) để cho thấy rõ tính quan trọng của giới Pháp. Mười điều lợi ích đó là :

1. Nhiếp thủ ư Tăng: Giới luật của Phật chế là giới pháp để cho Tăng thọ trì. Người nào thọ trì giới pháp của Phật thì người đó mới thuộc vào Tăng. Nếu một người ở chùa thật lâu nhưng không thọ trì giới Pháp thì người đó không thuộc vào Tăng. Một người ngày trước chưa thọ Đại giới thì không được dự phần Bồ-tát, nhưng hôm sau họ thọ Đại giới, dầu mới thọ được một giờ thôi mà gặp ngày Bồ-tát thì người ấy cũng được dự vào cùng với chúng Tăng đã thọ Đại giới hai mươi, ba mươi năm bình đẳng như nhau.

2. Linh Tăng hoan hỷ: Nhờ giới pháp mà chúng Tăng được hành trì nghiêm túc, được có giới hạnh oai nghiêm, sống một đời sống thanh tịnh, tránh khỏi tội lỗi thì chính cái đó làm cho chúng Tăng được hoan hỷ.

3. Linh Tăng an ổn: Khi chúng Tăng có giới pháp, chính giới pháp đó kìm chế sự lộng hành, sự sai trái của mỗi người. Nhờ mỗi người được kìm chế trong đồng giới, không ai làm phiền nhiễu ai tức nhiên chư Tăng sẽ được an ổn.

4. Linh vị tín giả tín: Gây được lòng tin Tam Bảo cho những người chưa có lòng tin. Những vị Tăng thọ trì giới pháp, chính giới pháp đó giúp cho vị Tăng được thành Tăng thì vị Tăng đó sẽ gây được lòng tin cho người chưa có lòng tin đối với Tam Bảo.

5. Dĩ tín giả linh tăng trưởng: Là những người đã có lòng tin đối với Tam Bảo rồi, nhờ gặp được chúng Tăng hành trì giới pháp thì lòng tin ấy lại càng được tăng trưởng củng cố hơn.

6. Nan điều giả linh điều: Là điều phục những người có tính ương ngạnh thì sẽ căn cứ theo Giới luật mà xử trị. Nếu xử trị một lần chưa được thì xử trị hai lần, ba lần. Nếu cuối cùng quá lắm thì nhất định mặc tẩn hay bỏ ngoài “Chúng”. Như vậy trong Tăng chúng sẽ không còn người ương ngạnh khó điều phục.

7. Tàm quý giả an lạc: Là làm cho người biết tàm quý, những chúng Tăng giữ giới, người này giữ giới được an vui, người kia giữ giới được an vui. Cho nên người xuất gia có thể vui khi chính họ giữ giới và thấy người khác giữ giới, chứ không thể vui khi thấy người khác không giữ giới. Đây là điều mà người xuất gia cần lưu ý. Vì cũng có trường hợp thấy người khác không giữ giới mà mình vui, thì đó là mình đã có ý ngầm không giữ giới như họ, hoặc muốn họ cũng phá giới như mình. Mình không giữ giới như họ, cho nên thấy họ không giữ giới thì mình vui. Cái vui đó là cái vui ngoài giới luật, đưa người đã xuất gia trở lại với thế tục, cái vui phá hoại Phật pháp. Thành thử một người xuất gia chân chính thấy người khác giữ giới thì mình vui, thấy người khác không giữ giới thì không vui. Không vui đây không phải là khinh mạn, chê bai, trong luật cấm điều đó. Luật câm không được khinh chê những người không giữ giới. Trong trường hợp này nếu khuyên răn được thì tốt, còn không khuyên răn được thì không được đem lòng kiêu mạn để hủy báng khinh chê, nhưng cũng không vui theo với người không giữ giới.

8. Đoạn hiện tại hữu lậu: Là ngăn trừ được những điều lậu hoặc, những sự lo âu phiền não, sợ hãi đang phát sinh trong đời hiện tại.

9. Đoạn vị lai hữu lậu: Là ngăn chặn, để phòng những lậu hoặc, phiền não, những sự sợ hãi, phạm pháp, những pháp bất thiện trong đời vị lai, không cho phát sinh ra.

10. Linh Chính pháp cửu trú: Tức là khiến cho Chính pháp trường tồn mãi mãi.

Tóm lại, 10 điều trên chỉ nhằm vào điều khiến cho Chính pháp được thường trụ thế gian, lợi lạc hữu tình. Đó là mười điều lợi ích mà trong luật thường gọi là mười cú nghĩa. Mỗi khi đức Phật chế một giới nào Ngài đều nêu mười cú nghĩa đó ra để cho thấy rõ sự thọ trì giới pháp của Phật chế có một ý nghĩa lợi ích lớn lao. Mười cú nghĩa này, theo kinh Tăng Chi tập 3B trang 73, in năm 1982, ghi: “Mười mục đích học pháp được thiết lập cho các đệ tử Như Lai và giới bản được tuyên đọc, để Tăng chúng được cực thiện, an lạc, để chặn đứng những người cứng đầu, để các thiện Tỳ-kheo được sống an ổn, để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại và chặn đứng các lậu hoặc trong tương lai, để đem lại tịnh tín cho những người chưa tin, để làm tịnh tín tăng trưởng cho những người đã có lòng tin, để diệu pháp được tồn tại, để đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong ý nghĩa có giới mới có hiếu, có hiếu mới có giới như Kinh Phạm Võng nói: “Hiếu tức là Giới vậy”.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5773635
Số người trực tuyến: