Những điều cần biết trong lễ Quy y | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những điều cần biết trong lễ Quy y

Những điều cần biết trong lễ Quy y

Sau khi đỉnh lễ, nghe Bản sư khai đạo và phụng thỉnh Tam bảo, thứ đến sám hối. Văn sám như sau:

Xưa kia gây nên bao ác nghiệp

Đều vì nhiều kiếp tham sân si

Do thân miệng ý phát sinh ra

Tất cả con nay xin sám hối

Bao nhiêu tội lỗi sâu dường ấy

Nguyện đều tiêu diệt hết không còn

Niệm niệm trí soi khắp Pháp giới

Độ hết chúng sinh không thoái chuyển.

Giải thích

Tất cả chúng ta từ hồi nào đến giờ vì mê lầm, không nhận rõ lý chân thực của các Pháp nên đã gây tạo vô lượng tội ác và do đó chúng ta bị sinh tử luân hồi chịu không biết bao nhiêu là đau khổ. Ngày nay muốn tiêu diệt tất cả những tội ác đã gây tạo ấy, chúng ta phải chí thành sám hối. Sám hối có nghĩa là ăn năn tất cả tội ác đã gây ra từ trước và nguyện từ nay về sau khống gây tạo thêm nữa. Nếu y theo nghĩa này mà sám hối thì bao nhiêu tội ác bất luận nặng hay nhẹ đều có thể tiêu trừ hết. Cũng ví như trong một căn nhà tối không biết từ bao lâu, nhưng khi đem vào một ngọn đèn sáng thì sự tối tăm ấy đều tiêu hết ngay.

Về phương pháp sám hối thì có nhiều, nay nói một pháp thông dụng nhất là phép "Tác pháp sám hối". Nghĩa là mỗi tháng vào tối 14 và tối 30 ở các chùa (tháng thiếu thì 29), các điện thờ Phật, Chư Tăng và tín đồ tập hợp đông đủ trước Tam bảo chí thành lễ hồng danh các Đức Phật để cầu xin sám hối, đó là thực hành theo phương pháp "Tác pháp sám hối". Những ngày đó chúng ta nên về chùa mà cùng nhau chí thành lễ sám.

Nhưng nên nhớ rằng đã sám hối như vậy thì từ ngày ấy về sau cần phải luôn luôn giữ gìn tam nghiệp (thân, miệng, ý) không gây tạo thêm điều ác nữa. Có như thế thì bao nhiêu tội từ trước mới có thể tiêu trừ.

Và phương pháp giữ gìn tam nghiệp không gì hơn là chúng ta không hủy phạm năm cấm giới của Phật (Năm giới cấm là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu).

CHÍNH QUY Y

Sau khi sám hối, các Phật tử nhất tâm quỳ thẳng niệm hương cúng dàng, đọc theo lời hướng dẫn của Bản sư và chư Tăng để làm lễ chính thụ quy y:

- Đệ tử chúng con xin nguyện trọn đời quy y Phật.

- Đệ tử chúng con xin nguvện trọn đời quy y Pháp.

- Đệ tử chúng con xin nguyện trọn đời quy Tăng.

- Đệ tử chúng con xin nguyện trọn đời quy y Tam bảo. (3 lần)

Cúi xin mười phương Tam bảo thương xót chứng minh cho.

- Đệ tử chúng con xin trọn đời quy y Phật là đấng phúc tuệ đầy đủ.

- Đệ tử chúng con xin trọn đời quy y Pháp là pháp ly dục vắng lặng.

- Đệ tử chúng con xin trọn đời quy y Tăng là hội chúng thanh tịnh hòa hợp.

- Đệ tử chúng con quy y Phật, nguyện không bao giờ phải sa địa ngục.

- Đệ tử chúng con quy y Pháp, nguyện không bao giờ phải đọa ngã quỷ.

- Đệ tủ chúng con quy y Tăng, nguyện không bao giờ phải lạc súc sinh.

- Đệ tử chúng con xin trọn đời quy y Phật cho đến tận cùng

- Đệ tử chúng con xin trọn đời quy y Pháp cho đến tận cùng.

- Đệ tử chúng con xin trọn đời quy y Tăng cho đến tận cùng. (3 lần)

- Đệ tử chúng con quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật.

- Đệ tử chúng con quy y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo.

- Đệ tử chúng con quy y Tăng, nguyện trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng.

Giải thích

Quy y là buổi lễ quan trọng nhất trên đường tu tập của chúng ta. Nó là bước khởi hành trên lộ trình đi đến mục đích giải thoát, vì thế cho nên Phật tử phải khởi tâm chí thành, trân trọng không thể xem thường.

Hơn nữa, còn phải y phục chỉnh tề, lễ thinh đúng phép tắc hoặc quỳ hoặc ngồi cho nghiêm túc, tập trung tư tưởng không nói chuyện riêng. Sau buổi làm lễ quy rồi, hàng ngày phải nhớ tưởng luôn luôn đến Phật, niệm danh hiệu Phật, chiêm ngưỡng tượng Phật, dốc lòng thực ý, bày tỏ lễ bái và nguyện suốt đời theo bước chân của Ngài.

Thường đọc tụng Kinh, Luật, Luận, sớm tối công phu tìm hiểu nghĩa lý thâm huyền của Pháp bảo. Một lòng thanh tịnh không nghĩ vẩn vơ, xằng bậy, không nhớ tưởng việc ác, không bàn mưu tính kế để ích kỷ hại nhân, dần dần trừ bỏ dục vọng cho tâm trí được sáng suốt an lành.

Người đời thường nói: "Kính Phật, trọng Tăng", cho nên nếu thành tâm thờ Phật bao nhiêu thì phải thực lòng kính Tăng bấy nhiêu. Thành ngữ có câu: "Quy một Thầy kính vạn Thầy". Cho nên hễ thấy những người đầu tròn áo vuông, chân chính tu hành, giữ gìn giới luật thì phải cung kính tôn trọn xem như là người đại diện của Đức Phật.

Tóm lại, thờ tranh tượng Phật, tụng kinh điển Phật, giữ giới luật Phật, kính trọng Tăng ni chân chính đó là Sự quy y Tam bảo.

Sau khi đã chính thụ quy y, Phật tử tiếp tục hướng lên Tam bảo chí tâm đọc theo thầy Bản sư phát ra 4 điều thông nguyện:

Chúng sinh vô biên, con nguyện độ hết,

Phiền não vô tận, con nguyện đoạn hết,

Pháp môn vô lượng, con nguyện học hết,
Đạo Phật trên hết, con nguyện tu thành.

Giải thích

Trên đây là 4 điều thông nguyện mà chư Bồ tát mười phương đều lấy làm mục tiêu để phấn đấu trong sự nghiệp tu học và độ sinh.

Nguyện là lời thề, lời hứa quyết tâm, là mục tiêu đặt ra để phấn đấu, là ước vọng để tương lai đi tới. Bốn điều thông nguyện trên cũng là những lời thề danh dự của chư Bồ tát và các Phật tử cũng như của những người đi theo con đường đạo Phật để tới Vô thượng Bồ đề và Niết bàn.

Khi đọc xong cắm hương lên bình, tâm thầm nghĩ quyết giữ đúng lời hứa, cầu mong sự chứng minh và gia hộ của chư Phật, Bồ tát cùng với chúng Tăng.

Sau đó, trở lại ngồi nghiêm chỉnh, chắp tay đọc theo Bản sư để hồi hướng:

Quy y công đức hạnh tuyệt vời

Vô biên thắng phúc đều hồi hướng

Nguyện cho tất cả chúng hữu tình

Sớm về cõi Phật Vô Lượng Thọ

Mười phương ba thế hệ chư Phật

Chư tôn Bồ tát Ma-ha- tát

Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật

Bốn loài chúng sinh

Chín nơi hiện có

Cùng lên cửa huyền Hoa tạng

Tám nạn xót thương

Ba đường đau khổ

Đều vào biển tính Tỳ - lô

Nam mô Sa bà thế giới tam giới Đại sư, tứ sinh từ phụ, nhân thiên giáo chủ, thiên bách ức hóa thân Bản sư Hòa thượng Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần)

- Con quy y Phật rồi, nguyện cho chúng sinh hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Bồ đề vô thượng.

- Con quy y Pháp rồi, nguyện cho chúng sinh hiểu sâu giáo nghĩa Kinh điển, trí tuệ như biển.

- Con quy y Tăng rồi, nguyện cho chúng sinh, tổ chức, dìu dắt đại chúng không gì trở ngại.

HÒA NAM THÁNH CHÚNG

Nguyện đem công đức này

Hồi hướng cho tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều trọn thành Phật đạo.

LỜI DẶN

Người Phật tử sau khi quy y Tam bảo rồi thì đối với Tam bảo phải có lòng tin vững chắc không để cho mọi thử thách cám dỗ làm dao động, không bao giờ làm điều gì phương hại đến Tam bảo. Nhiệt tình hộ trì và truyền bá Chính pháp, nhất là ủng hộ các bậc xuất gia tu hành chân chính để góp phần duy trì đạo pháp, nối thịnh dòng Phật.

Đối với xã hội thì phải lấy hạnh từ, bi, hỷ, xả và bình đẳng mà đối xử. Lại phải tích cực góp phần xây dựng xã hội, xây dựng quê hương, không tranh giành, ghen ghét, mưu hại lẫn nhau. Đối với gia đình thì phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm, lại phải tìm cách giáo hóa cho mọi người trong nhà đều ăn ở hiền lành đạo đức hướng về Tam bảo và xây dựng gia đình trên nền tảng Phật hóa.

Đối với bản thân phải tinh tiến tu học, theo đúng giáo pháp Phật dạy, giảm dần tham vọng, ích kỷ, tập sống cuộc đời thanh cao, giải thoát. Luôn luôn làm những điều lợi ích cho mọi người. Tin sâu nhân quả, nhận rõ tất cả sự vật ở thế gian đều vô thường, không sinh tâm tham đắm, hướng cuộc đời đi theo con đường giác ngộ.

Nếu gìn giữ và thực hành được như thế thì ngày đêm thường được Tam bảo hộ niệm, các hộ pháp thiện thần ủng hộ. Khi còn sống được yên vui, lúc thác hóa được sinh về cõi Phật. Xin ghi nhớ luôn luôn lấy lời di giáo của Đức Phật: "Các con hãy tinh tiến lên để được giải thoát".


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5758150
Số người trực tuyến: