Những trăn trở của Thái tử Tất Đạt Đa khi đạt đến tầng thiền cao nhất của đạo sĩ Du già | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Những trăn trở của Thái tử Tất Đạt Đa khi đạt đến tầng thiền cao nhất của đạo sĩ Du già

Thời bấy giờ, tình hình chính trị tại các xứ ở Ấn Độ khá ổn định, nhiều nhà tri thức lỗi lạc, xuất gia tu đạo, trở thành đạo sư tâm linh với nhiều đệ tử theo học. Thái tử Siddhattha, trên đường đi tầm đạo, đã tới thụ giáo với hai đạo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai người đều tu theo phép Du già và đều chứng được những cấp thiền định cao nhất thời bấy giờ. Alara Kalama chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ, còn Uddaka Ramaputta thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là hai cấp thiền thuộc Vô sắc giới, hai cấp thiền cao nhất mà tu sĩ Du già thời bấy giờ chứng đạt được.

Đạo tràng của đạo sư Ālāra vào các ngày giữa và cuối tháng, cư sĩ nam nữ các thôn làng đến rất đông. Những khi như vậy thì đạo sư Ālāra thuyết pháp, giảng đạo suốt ngày. Thỉnh thoảng, có vài vị đệ tử lớn tuổi thay thầy vài thời pháp. Họ nói nhân quả, thiện ác, nghiệp báo, luân hồi tử sinh, phước báu, các cảnh trời... Nói tóm lại Siddhattha nghe rất thuận tai. Có điều chàng thấy giáo lý tuy đúng nhưng có nhiều kẽ hở, nhiều chỗ còn mù mờ, chưa được rõ ràng, sâu sắc và không được minh nhiên cho lắm. Siddhattha chỉ thầm nghĩ như thế, chẳng dám nói với ai. Mà thôi, chàng nghĩ, tìm được một đạo tràng chân chính như thế này là quý lắm rồi.

Một ngày kia, Siddhattha đến gặp đạo sư Ālāra để trình pháp:

- Đệ tử theo sự chỉ dạy của thầy để điều tức. Ban đầu, đệ tử theo dõi hơi thở, sau đó, bám sát, dính chặt vào hơi thở một cách liên tục, không gián đoạn. Khi đã an trú được rồi thì tất cả mọi tạp niệm lao xao đều lắng dứt. Theo đó, hơi thở của đệ tử càng lúc càng nhẹ nhàng, chỉ còn như làn khí mỏng manh tới lui. Kiên định theo dõi làn khí ấy thì thấy nó càng lúc càng trong và sáng ra. Cứ chú mục mãi vào cái trong và cái sáng ấy thì lát sau, ngoại giới vong bặt, cái “tướng sáng” của hơi thở càng lúc càng trong. Trú tâm, an trú tâm vào cái tướng sáng trong ấy, giây khắc sau, đệ tử cảm nhận một trạng thái tịnh định với hỷ lạc chưa từng có trong đời. Đệ tử có thể ngồi một canh, hai canh với niềm tịnh định, hỷ lạc ấy. Đó là cái gì, thưa đạo sư?

- Hoàn toàn đúng, này người bạn trẻ! Đấy là tầng thiền thứ nhất. Bây giờ con vẫn cứ vào ra tầng thiền ấy cho thuần thục. Vài ba hôm nữa, con hãy đến trình ta, thử xem thế nào!

Y lời thầy, Siddhattha đi vào, đi ra tầng thiền ấy. Hôm sau, chỉ cần chú tâm vào hơi thở là chàng đi vào định với thời gian rất ngắn. Rồi chàng muốn trú vào hỷ lạc, tức khắc có ngay hỷ lạc và giữ nguyên trạng thái an tĩnh thâm sâu ấy đôi khi cả đêm. Sáng ngày, tinh thần phơi phới, an lành, như qua một giấc ngủ ngon không mộng mị.

- Con đã qua tầng thiền thứ hai, tầng thứ ba của thiền định. Tuy nhiên, này người bạn trẻ, trạng thái hỷ lạc của định tam thiền, đã rất thâm sâu, nhưng vẫn còn thô tháo; con hãy bỏ nó để bước lên một cảnh giới cao hơn: ấy là thấm sâu vào trạng thái thanh tịnh, yên ổn, trầm lặng cùng sự quân bình tâm hồn một cách tuyệt hảo. Con đã tiến bộ vượt bậc chưa từng thấy, nhưng còn phải nỗ lực tinh cần nữa.

Chỉ một hôm sau là Siddhattha đến trình pháp và đây thiền chứng thứ tư.

Đạo sư Ālāra nói:

- Thật là tuyệt vời, người bạn trẻ! Bây giờ, con hãy từ bỏ hơi thở, chỉ chú tâm vào cái tướng sáng tròn lặng ban đầu. Chỉ chú tâm miên tục vào nó thôi, đến lúc nào con thấy mọi vật chất, mọi hình sắc đều tan biến, chỉ duy trì cái tưởng hư không rộng lớn, mênh mông, vô biên. Tất cả con, vũ trụ, vạn hữu không còn nữa. Tất cả chỉ còn “hư không vô biên” mà thôi.

Chỉ ít hôm sau là Siddhattha đạt được tầng thiền ấy. Ở đây mọi cảm giác không còn nữa, mọi ý niệm khổ và lạc trong tâm cũng vắng bóng, chỉ còn hư không vô biên, vô hạn là tồn tại. Càng chú mục vào thêm nữa thì nội tâm và ngoại giới càng vong bặt, không còn ý thức ngã và ngã sở, chúng chìm mất vào miền hư tĩnh của “hư không vô biên” ấy. Lúc xả thiền, cái “tưởng” ấy vẫn còn mạnh, mọi hiện tượng xung quanh như người, vật, cây cối... thảy đều mơ hồ. Siddhattha lắng nghe hơi thở, nhịp đập của tim... thì mọi cảm giác, ý thức mới bắt đầu hoạt động trở lại. Lúc đi vào xóm làng khất thực, Siddhattha lắng nghe mình có thay đổi gì không, qua mắt nhìn, qua tai nghe... Rồi mọi ký ức, hồi tưởng, suy nghĩ có sự chuyển hóa nào chăng? Chúng vẫn vậy. Chúng vẫn lăng xăng, lao xao qua lại, tuy có yên lắng, trong sáng hơn - nhưng tâm trí vẫn còn nguyên những câu hỏi, những khát vọng gì đó chưa thỏa mãn... Trên lối mòn về rừng, Siddhattha chợt đứng lại, chú tâm vào tưởng định đã đạt, một lát “hư không vô biên” lại hiện ra, chàng và mọi hiện hữu không còn nữa. Xả thiền, Siddhattha chậm rãi bước đi, lắng nghe... thì cảm giác, ý thức, tâm trí trở lại như cũ...

Giờ trình pháp, Siddhattha nói ra tất cả mọi cảm nhận của mình, kể cả hoài nghi các ý thức thường nghiệm:

- Không ai có sự cảm nhận sâu sắc, diễn đạt trạng thái trong định, ngoài định rõ ràng, chân xác, như chàng trẻ tuổi này - Đạo sư Ālāra thầm nghĩ. Tuy thế, ông nói:

- Không sao đâu con. Đấy là tầng thiền vượt qua mọi sắc tưởng. Khi ở trong định ấy thì thế gian, vạn hữu, tất cả mọi sắc pháp không tồn tại. Con đã tiến bộ một cách phi thường. Nhưng bây giờ, con phải rời “tưởng hư không” ấy. Đúng, con nói đúng. Hư không ấy có được là do “tưởng” của ta cảm nhận, do “tưởng” của ta biến hiện ra. Tầng thiền cao hơn mà con phải bước lên là chỉ có thức, chỉ có ý thức. Thức vẫn là nền tảng của mọi hiện tượng, đồng với vạn hữu. Thức tràn ngập, châu biến, không có ngằn mé...

Lại chỉ vào hôm sau, Siddhattha đạt tầng thiền “thức vô biên” ấy. Chỉ có thức, thức vô biên, vô tận. Vậy nó là kinh nghiệm, là trạng thái? Nếu rời bỏ kinh nghiệm và trạng thái ấy, toàn bộ cảm giác và tri giác của ta ra sao? Siddhattha suy nghĩ. Lúc xả thiền, chàng lại tập nhìn, lắng nghe. Do năng lực của thiền còn được duy trì, Siddhattha tiếp đối ngoại cảnh, chàng thấy rằng ở đâu cũng có thức, do thức, không có thức thì không có gì cả. Một hạt cát, một làn gió, một tiếng chim, một chiếc lá rơi, một giọt sương... cũng do thức cảm nhận. Một ý tưởng nhỏ nhiệm, vi tế... cũng như vậy. Cả sơn hà, đại địa, nhật nguyệt, thiên hà... cũng bởi thức mà hiện hữu. Tuy nhiên, nếu thức là vô biên, nền tảng như thế, thì vui buồn, khổ lạc, tham sân, những vướng kẹt tri kiến của ta ra sao? Ồ, chúng có thay đổi do tâm và trí được trong sáng, thanh lặng hơn; nhưng ta vẫn là con người cũ, mọi căn để phiền não vẫn chưa được xa lìa. Có thể nó yên lắng nhưng chưa thật sự đoạn trừ được.

Siddhattha lại đến trình pháp với những cảm nhận riêng tư cùng thắc mắc của mình. Đạo sư Ālāra vô cùng khen ngợi, gật đầu lia lịa. Rồi bậc thầy khả kính ấy lại hướng dẫn chàng một loại định cao hơn. Ông nói:

- Khi nghĩ là “không vô biên” thì chỉ có “không vô biên” là nền tảng của vạn hữu. Khi nghĩ “thức vô biên” thì “thức vô biên” là nền tảng của mọi hiện tượng. Con biết sao không? Định trước thì ta vướng “đối tượng không vô biên ngoại giới”, định sau thì ta kẹt “năng tri thức vô biên nội tâm”. Vậy thì phải xả bỏ đối tượng, xả bỏ năng tri, lìa “không vô biên” bên ngoài, “thức vô biên” bên trong để bước đến một cảnh giới cao hơn: “Không có gì cả”. “Không có gì cả” là không còn năng sở, chủ khách, trong ngoài, đối tượng và nhận thức.

Thật là quá rõ ràng, Siddhattha nghĩ, chàng bái tạ đạo sư. Ālāra rộng mở thêm cho chàng một chân trời mới. Chỉ non tuần lễ, Siddhattha đã đi vào định “vô sở hữu xứ” là định không còn dính mắc bên trong, bên ngoài khi khởi lên tưởng “không có gì cả”. Siddhattha chưa đến trình pháp vội, chàng cần có thời gian đi vào, đi ra định ấy cho thuần thục, đồng thời chiêm nghiệm nó, giác tri nó ra sao.

Hôm ấy là đêm rằm, trăng trong vằng vặc, sau khi hàng cư sĩ đến cúng dường, thính pháp ra về hết, Siddhattha vào gặp đạo sư Ālāra Kālāma, trình bày thiền chứng của mình, rồi mong ngài hướng dẫn cho một sự tu tập cao hơn.

Nỗi vui mừng rạng rỡ trên khuôn mặt già nua, đạo sư tán thán:

- Thật là hy hữu thay, Siddhattha! Thật là vĩ đại thay, Siddhattha! Cái mà ta tu tập một đời, hành trì một đời, người bạn trẻ chỉ hơn một tháng công phu! Trong số đệ tử của ta, chưa ai được như thế!

Siddhattha cúi đầu, nhũn nhặn:

- Xin thầy mở lượng quảng đại đưa đệ tử bước lên một cảnh giới quang rạng hơn nữa. Thiền định “vô sở hữu xứ” này tuy tròn trặn, sáng trong như lưu ly nhưng lúc trở về với cảm thức thường niệm thì mọi lợn cợn, vẩn đục, mọi thao thức, trăn trở về chuyện sống chết, nguyên nhân tối hậu của trầm luân... trong đệ tử vẫn còn y như cũ.

Đạo sư Ālāra Kālāma nhìn Siddhattha, trầm ngâm giây lâu rồi với giọng rất chân tình:

- Này Siddhattha! Nói thật, ta cũng chỉ có chừng ấy. Ta chẳng có gì phải giấu giếm người bạn trẻ. Cái mà ta chứng đạt thì Siddhattha cũng đã chứng đạt, không hơn ta mà cũng không thua ta.

Đoạn đạo sư thỉnh mời Thái tử ở lại cùng với Ngài lãnh đạo chúng đệ tử nhưng Thái tử đã nhũn nhặn từ chối. Tuy rất buồn vì sự ra đi của người học trò ưu tú nhưng đạo sĩ Ālāra biết là sự chứng đắc của mình còn nhỏ bé, trí tuệ của mình còn giới hạn, quả thật không thể giữ cánh chim bằng đang khao khát chân lý tuyệt đối.

(Lược trích ấn phẩm: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

NXB Văn Học, 2014)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5750130
Số người trực tuyến: