Tạo nhân duyên gì để hạt giống nghiệp xấu không trổ quả? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tạo nhân duyên gì để hạt giống nghiệp xấu không trổ quả?

Khi thực hiện một hành động của thân - khẩu - ý, chúng ta sẽ để lại một dấu ấn giống như gieo trồng một hạt giống trong tâm thức. Trong đời này cũng như đời quá khứ, chúng ta đã gieo vô số hạt giống nghiệp. Những hạt giống này sẽ nằm ở trong tâm cho đến khi tạo quả hoặc bị tiêu trừ. Nếu chúng ta không thực hành các phương pháp tịnh hóa hạt giống nghiệp xấu, thì đến khi hội tụ đầy đủ nhân duyên, hạt giống sẽ chín mùi và chúng ta sẽ chịu quả báo.

Khoa học cũng nói, mọi thứ không thể biến mất mà không để lại một thứ gì đó. Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú rằng:

Nếu bạn đã làm một điều gì sai trái

Hay liên quan đến hành vi sai trái nào,

Bạn chạy chốn với hy vọng có thể che đậy đi sự thật

Việc làm đó quả là việc làm vô ích và không có lối thoát.

Nó tồn tại chẳng ở nơi nào

Nhưng những gì bạn đã làm, sẽ theo bạn

Xuống đại dương, lên bầu trời

Hoặc ở trong những hang núi xa

Dù cho đó là tốt hay xấu,

Năng lượng của bất kỳ hành động nào

Bạn đã làm sẽ không bao giờ mất

Quả báo cũng sẽ đi liền theo đó.

Năng lực của Nghiệp

Nghiệp chính là sức mạnh đưa chúng ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi, chết đi rồi lại tái sinh vào kiếp khác, rồi lại chết đi. Nếu không có trí tuệ giác ngộ, vòng quay sinh tử cứ xoay vần không bao giờ kết thúc. Hiểu biết đúng đắn về nghiệp giúp bạn nhận ra rằng thời điểm lâm chung chính là thời điểm vô cùng quan trọng khi nghiệp sẽ thể hiện mạnh mẽ năng lực chi phối, dẫn sinh của mình.

Năng lực dẫn sinh của nghiệp được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp như sau:

1. Cực trọng nghiệp

Có thể là “cực trọng thiện nghiệp” hoặc”cực trọng ác nghiệp”. Loại nghiệp này có năng lực chi phối mạnh nhất khi bạn kề cận cái chết. Chẳng hạn, những người niệm Phật đến nhất tâm bất loạn sẽ sinh thẳng về cõi Tịnh độ, đó là do năng lực của cực trọng thiện nghiệp. Những người phạm tội Ngũ nghịch sẽ khó thoát khỏi tái sinh vào ba cõi thấp vì đó là cực trọng ác nghiệp.

2. Cận tử nghiệp

Là nghiệp được tạo tác sau cùng trước khi một người chết hoàn toàn. Đa phần đó là ý nghiệp. Nếu không có cực trọng nghiệp thì cận tử nghiệp sẽ là năng lực dẫn sinh mạnh nhất. Chẳng hạn, một người nếu ngay lúc chết khởi tâm sân giận thì người đó sẽ gặp nhiều khổ đau trong giai đoạn thân trung ấm và sẽ tái sinh vào cảnh giới không tốt đẹp. Ngược lại, nếu người đó giữ được tâm thế an bình tỉnh thức thì sẽ có thể đi vào giai đoạn thân trung ấm một cách nhẹ nhàng và có nhiều khả năng được sinh đến những cõi lành.

Cận tử nghiệp hình thành như là kết quả cuối cùng của một loạt chặng tư tưởng trước khi chết gọi là lộ trình tâm cận tử. Lộ trình này lại có liên quan chặt chẽ đến hai loại nghiệp được tích lũy trong đời sống vừa qua là “tập quán nghiệp” và”tích lũy nghiệp”.

3. Tập quán nghiệp

Là những nghiệp được lặp đi lặp lại trong đời sống. Khi lâm chung, loại nghiệp đó sẽ hiện ra tạo cho người chết ba thứ ảo ảnh:

- Nghiệp: người chết thấy lại hình ảnh mình đang làm việc đó. Ví dụ người tu hành thấy mình đang tụng kinh, người đồ tể lại thấy mình đang giết lợn.

- Nghiệp tướng: người chết thấy lại những hình ảnh liên quan đến tập quán đó. Ví dụ người tu hành thấy chuông mõ, kinh kệ, người đồ tể có thể thấy con dao, chậu máu ghê rợn...

- Thú tướng: tập quán nghiệp dẫn người chết sinh vào cõi nào thì hình ảnh của cõi ấy sẽ hiện ra. Ví dụ người tu hành có thể thấy cõi Phật hoặc các Thiên giới an lành, còn người đồ tể thì thấy cảnh khủng khiếp của Địa ngục...

4. Tích lũy nghiệp

Trong tất cả các nghiệp chúng ta đã tạo tác, nghiệp nào nặng nhất hoặc ấn tượng mạnh nhất trong dòng tâm thức của chúng ta, có thể là thiện hay bất thiện, có thể chúng ta chỉ làm một lần trong đời, và có thể không ai biết cả, nhưng chắc chắn nghiệp đó sẽ quay lại, hiện ra vào lúc chết và làm nhiệm vụ dẫn sinh.

Khi con người lâm chung, nếu không có Cực trọng nghiệp hay Tập quán nghiệp nào làm động cơ cho sự thúc đẩy tái sinh thì Cận tử nghiệp sẽ dẫn dắt con người thọ sinh. Hoặc nếu không có cả ba loại nghiệp kể trên thì Tích luỹ nghiệp sẽ dẫn dắt con người tái sinh. Nếu không hiểu biết và thực hành quán chiếu về nghiệp, vào lúc lâm chung, bạn sẽ không thể chủ động sáng suốt mà sẽ bị cuốn theo các ác nghiệp để tái sinh vào một trong sáu đạo luân hồi.

Phương pháp tịnh hóa Nghiệp

Vậy làm thế nào để tịnh hóa những hạt giống nghiệp không để chúng chín mùi và trổ quả? Chúng ta có thể tịnh hóa những nghiệp bất thiện bằng cách thực hành và sử dụng bốn năng lực đối trị:

- Cảm thấy hối hận, ăn năn về những hành động bất thiện đã tạo

- Đặt niềm tin vào sự giúp đỡ của những đối tượng quy y như Phật, Pháp và Tăng

- Thực hành thiện nghiệp để cân bằng ác nghiệp

- Quyết tâm không tái phạm.

Chúng ta nên thực hành các phương pháp tịnh hóa hàng ngày trước khi đi ngủ để tịnh hóa tất cả những hành động bất thiện đã tạo trong ngày. Tuy nhiên, chúng ta có thể tịnh hóa tất cả ác nghiệp chúng ta đã tạo ra từ nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm trước đó, trong thời thơ ấu, thậm chí là nhiều đời trước - không bao giờ là muộn cả.

Những hạt giống nghiệp tốt có thể bị tiêu hủy khi bạn nổi tâm sân giận hay có những quan điểm tà kiến, ví dụ không tin quy luật nhân quả, không tin vào khả năng đạt được giác ngộ nơi mỗi người. Chính vì vậy, bạn phải trưởng dưỡng trí tuệ và sự giác tỉnh để luôn canh phòng tâm chúng ta không rơi vào những thái độ và trạng thái tiêu cực như vậy. Dù thật khó tránh khỏi các xúc tình phiền não, đặc biệt là sân giận, chúng ta có thể loại bỏ những bất thiện nghiệp trong hiện tại và quá khứ bằng cách thực hành các phương pháp tịnh hóa (như tụng kinh Lương Hoàng Sám, sám hồng danh 35 vị Phật hay trì tụng chân ngôn Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa Vajrasattva), và bảo vệ những nghiệp tốt đã tạo bằng cách hồi hướng công đức đến sự giác ngộ của tất cả chúng sinh.


Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa

(Quý vị tải Nghi quỹ tu trì giản lược Đức Bản tôn Kim Cương Tát Đỏa tại đây)

Có rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh tật như là uống thuốc, điều trị vật lý trị liệu, thay đổi chế độ ăn, thay đổi cách sống và cách làm việc. Tương tự như vậy, có nhiều phương pháp để tịnh hóa nghiệp. Hãy nhớ rằng nghiệp không phải là định mệnh, không thể thay đổi được, không có bất thiện nghiệp nào mà không thể tịnh hóa được.

Nếu thực hành quán chiếu về nghiệp trong đời sống hàng ngày, bạn có thể phát triển nhận thức rằng mình chính là chủ nhân của nghiệp và sẽ có trách nhiệm với những hành động của mình. Nhờ đó, bạn sẽ có thái độ sống đúng đắn, biết chấp nhận những điều bất như ý và tri ân những điều may mắn trong cuộc sống. Hiểu biết sâu sắc về nghiệp cũng giúp bạn thận trọng, cân nhắc trong từng hành động tạo tác để tránh xa các bất thiện nghiệp và phát triển các nhân của hạnh phúc và giải thoát. Điều này chắc chắn sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm an lạc trong hiện tại và tương lai.

Với cái nhìn hiểu biết về Nghiệp, bạn thấy rằng đời người thật quý giá bởi đó là cơ hội cho bạn tích lũy vô lượng công đức và tịnh trừ vô số ác nghiệp, là nơi duy nhất cho phép bạn tự do quyết định tính chất hạnh phúc hay đau khổ cho đời sống hiện tại cũng như tương lai của mình. Do đó hãy sử dụng thân người của bạn một cách hiệu quả nhất, tránh xa những dục vọng ảo tưởng thế gian, hãy dấn thân và nỗ lực tinh tấn thực hành hướng đến sự giác ngộ giải thoát!

(Trích ấn phẩm: "Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử"

NXB Tôn giáo, 2014)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698841
Số người trực tuyến: