Phẩm 10: Phát Bồ đề tâm vì độ vô biên chúng hữu tình | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phẩm 10: Phát Bồ đề tâm vì độ vô biên chúng hữu tình

Phẩm thứ mười 

Phát Bồ đề tâm vì độ vô biên chúng hữu tình

Vô thủy tới nay chúng sinh mẹ,

Còn đương trầm nịch, lỡ mình vui.

Vì độ vô biên hữu tình chúng,

Phát Bồ đề tâm - Phật tử hành.

Đoạn này nói rằng những chúng sinh như chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân nên giờ vẫn đang trôi lăn trong luân hồi, trong khi chư Phật và các bậc giác ngộ do quan tâm đến tha nhân nên đã đạt được giác ngộ. Kết quả của ngã chấp và ích kỷ là trôi lăn mãi trong luân hồi, còn kết quả của quan tâm đến tha nhân là giác ngộ. Điều này đã được Đại Bồ tát Tịch Thiên[1] tuyên rõ.

Nếu chúng ta kiểm tra thái độ của mình hiện nay, vấn đề này khá dễ hiểu. Hiển nhiên chúng ta luôn quan tâm đến bản thân khi ăn, khi ngủ, bất cứ điều gì chúng ta làm, ngay cả việc lắng nghe giáo pháp, ngay cả khi chúng ta thực hành bố thí, kiểu như chúng ta đang cho đi một vài thứ nhưng bên trong lại có tâm mong đợi: “Ồ vâng! tôi cho đi thứ này và tôi sẽ có một vài thứ khác trở lại.” Những gì chúng ta làm, mọi giây phút trong ngày, mọi giây phút trong cuộc đời đều xuất phát từ lòng vị kỷ. Bạn có thể làm một vài điều gì đó vì con cái, cha mẹ hoặc bạn bè nhưng tất cả cũng chỉ liên quan đến bản ngã của bạn. Một hành động ích kỷ không thoát khỏi ngã chấp. Trong chừng mực, chúng ta không làm hại ai cả thì điều này cũng tốt, tuy nhiên bởi thái độ ích kỷ ẩn chứa trong đó nên nó không tốt hoàn toàn. Đó không phải là điều đáng được tán thưởng, đó là sự sự yếu kém của chúng ta và là đặc trưng của luân hồi, của những chúng sinh vô minh nói chung. Chúng ta thực hiện những điều này do vô minh. Nhưng bây giờ trên bước đường thực hành Bồ tát đạo, chúng ta cần thay đổi thái độ hướng về Bồ đề tâm. Bồ đề tâm hay Bodhicitta[2] nghĩa là phát triển rộng mở Tâm. ‘Bodhi’ nghĩa là ‘mở rộng’, ‘citta’ nghĩa là ‘tâm’. Do sự ích kỷ, nhỏ hẹp cố hữu của tâm chúng ta, vốn không thể trải rộng cho quá vài người, chúng ta cần mở rộng tâm.

Trong tiếng Tạng, chúng tôi thường nói ‘sem ke’, ‘sem’ nghĩa là ‘tâm’, ‘ke’ nghĩa là ‘trải rộng lòng từ bi và trí tuệ’. Đôi lúc tâm ta quá nhỏ khiến chúng ta thậm chí không thể trụ trong đó. Điều này thật khó khăn và cũng thật đáng tiếc. Do vậy, chúng ta cần rộng mở tâm hồn bằng cách thấu hiểu hạnh phúc quan trọng như thế nào đối với tất cả chúng sinh. Trước tiên, bạn biết rằng đối với bạn hạnh phúc rất quan trọng vì đó chính là trọng tâm của cuộc đời bạn. Tất cả chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc và không muốn khổ đau, đó là một sự bình đẳng ai cũng mong muốn, ngay cả với những loài kiến, muỗi… Chúng ta cần biết và trải nghiệm điều này và dần dần chúng ta cần thực hành điều đó. Nhưng trước khi thực hành, chúng ta cần hiểu thực sự hạnh phúc quan trọng như thế nào đối với tất cả chúng hữu tình, chứ không chỉ đối với riêng ta.

Có rất nhiều điều xảy ra trong cuộc đời này nhưng chúng ta không thể nhớ lại được. Có nhiều lý do khác nhau cho sự lãng quên như tuổi tác, thời gian, những đổi thay thân thể, địa lý và hoàn cảnh… Thậm chí đôi khi chúng ta không thể nhớ nổi mình đã dùng gì cho bữa sáng. Nếu chúng ta không nhớ những sự kiện đã hoặc vừa xảy ra trong đời này, thì làm sao có thể nhớ được đời quá khứ?

Có vô số lý do để quan tâm đến người khác. Chỉ nói rằng: “Tôi không nhớ” như lời xin lỗi thì không thỏa đáng chút nào bởi trong cõi luân hồi mọi chúng sinh đã từng là người thân trong gia đình như cha mẹ, bạn bè, vợ chồng, anh chị em của bạn. Đây là những người đã từng có lúc nuôi dưỡng, nâng đỡ, yêu thương chở che chúng ta và giờ phút này họ đang đau khổ. Trong hoàn cảnh đó, sẽ thật ích kỷ nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mà không quan tâm đến họ. Điều này không những không công bằng mà còn thật phi lý và không thể chấp nhận được. Cái cách bao biện “Nếu tôi tồn tại được thì hãy cứ để họ khổ đau” là không thể chấp nhận, đó cũng là hệ thống nghiệp mang lại khổ đau, ác nghiệp, ác báo và sự mãi mãi trôi lăn trong sinh tử luân hồi.

Tôi từng có buổi thuyết giảng về đề mục này ở Châu Âu và khi đó có một vị đã hỏi tôi rằng: “Nếu con chăm lo cho người khác, ai sẽ chăm lo cho con?” Đây là một câu hỏi thú vị. Nhưng, thực sự, cách tốt nhất để chăm sóc bản thân mình là hãy biết chăm sóc thương yêu người khác. Điều này rất đúng trong mối tương quan với quy luật nghiệp nhưng do vô minh chúng ta không làm và thậm chí không chấp nhận cả phương pháp này. Chúng ta chỉ đăm đắm quan tâm đến chính mình và đó là cách tăng trưởng ngã chấp, là cách chúng ta tồn tại theo chủ nghĩa duy vật. Đó không phải cách chúng ta nên làm trên con đường thực hành tâm linh.

Tác phẩm trứ danh Hành Bồ tát đạo[3] có đoạn viết: “Chư Phật đã trở thành Phật do quan tâm đến tha nhân.” Điều này chỉ rõ rằng quan tâm đến người khác là cách tốt nhất để chăm lo cho bạn. Nói cách khác, đó chính là cách để mỗi chúng ta trở thành một vị Phật. Chúng ta cần biết Bồ đề tâm là tâm của giác ngộ - tâm hướng về giác ngộ!

Chúng ta cần phát triển tâm giác ngộ cho hết thảy chúng sinh vì tất cả đã từng là mẹ của chúng ta. Tất nhiên nói đến Mẹ chỉ là một cách biểu cảm, hay một cách diễn đạt. Sao không phải là người Cha, người chị hay con cái? Đây là những người con của bạn, bạn đã từng là cha, là mẹ của họ trong vô số kiếp cũng như họ đã từng là cha là mẹ bạn, và giờ thì họ đang chịu khổ đau. Vì lợi ích và sự giải thoát cho họ, bạn cần phát Bồ đề tâm, đây là chỗ thực hành của Bồ tát.

Chú thích

[1]. Tịch Thiên (tiếng Phạn: Shantideva) - bậc đề xướng chủ đạo của phái Pra¬sangika (Ứng Thành Tông) trong trường phái triết học Madhyamaka (Trung Quán Luận).

 [2]. Bồ đề tâm: Tâm giác ngộ. Đây là từ chính trong truyền thống Đại Thừa. Xét về cấp độ tương đối, đề cập tới đại nguyện chứng đạt quả vị Phật vì lợi ích của hết thảy chúng sinh, và thực hành nhằm đạt được mong nguyện này. Xét từ cấp độ tuyệt đối, đây chính là sự chứng ngộ trực tiếp bản chất tối thượng của mình và vạn pháp.

[3]. BODHICARYAVATARA: “Một hướng đạo về cách thức trong đời sống của bậc Bồ tát” (A Guide to the Bodhisattva’s way of life), là một tác phẩm do Ngài Shantideva - một bậc Thầy chứng ngộ trong Đạo Phật vào thế kỷ thứ tám tại Đại học tự viện Nalanda nằm ở miền Bắc Ấn Độ trước tác.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757531
Số người trực tuyến: