Quán niệm về Nghiệp trong từng giây phút | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Quán niệm về Nghiệp trong từng giây phút

Quán niệm về Nghiệp trong từng giây phút

Mục đích thiền định về Nghiệp có hai cấp độ. Thứ nhất, để phát triển nhận thức rằng chúng ta là chủ nhân của nghiệp, chính chúng ta phải chịu trách nhiệm với những hành động thiện và ác của mình. Thứ hai, để phát triển sự hiểu biết về hành động nào sẽ mang đến khổ đau, hành động nào sẽ dẫn đến hạnh phúc, chúng ta sẽ cố gắng không gieo nhân của đau khổ và phát triển nhân của hạnh phúc.

Bạn nên thực hành thiền định, phát triển động cơ tích cực cho việc thực hành thiền định về nghiệp, hiểu biết sâu sắc hơn về nghiệp để tránh không gây ra rắc rối cho chính mình và người khác, đồng thời có thể lợi ích hơn cho bản thân cũng như mọi người xung quanh.

Có bốn khía cạnh hay là bốn nguyên tắc chung của nghiệp. Nếu có thời gian, bạn có thể thiền định cả bốn khía cạnh này trong một thời thiền, nếu thời gian ngắn thì mỗi ngày thiền định về một khía cạnh. Bạn cũng có thể quán niệm về nghiệp đối với mỗi hành động của thân, khẩu, ý bất cứ khi nào có thể. Hãy liên hệ với cuộc sống thực tế của bạn hoặc những câu chuyện bạn nghe được để trải nghiệm được sâu đậm hơn.

1. Nghiệp là chắc chắn

Điều này có nghĩa là có mối liên hệ nhất định giữa những hành động chúng ta làm với những quả báo chúng ta gánh chịu, những hành động bất thiện sẽ đem lại chướng ngại và bất hạnh, những hành động thiện sẽ đem lại hạnh phúc. Đó là quy luật tự nhiên, không bao giờ có điều ngược lại: nếu chúng ta trồng hạt bí ngô thì sẽ gặt hái quả bí ngô chứ không phải là quả ớt, nếu chúng ta trồng hạt ớt thì sẽ gặt hái quả ớt không phải là quả bí ngô.

Nhưng làm thế nào để chúng ta phân biệt đâu là hành động thiện và đâu là hành động bất thiện? Trong hai khổ đầu của kệ Pháp cú, Đức Phật đã giải thích tất cả đều phụ thuộc vào trạng thái tâm và động cơ của chúng ta.

Tâm dẫn đầu tất cả các Pháp

Tâm là chủ, Vạn Pháp do tâm tạo.

Nếu một người nói và làm với tâm không thanh tịnh, sẽ mang lại đau khổ

Giống như một bánh xe theo sau chiếc xe bò kéo.

Tâm dẫn đầu các Pháp,

Tâm là chủ, tâm tạo ra các Pháp.

Nếu một người nói và làm với tâm thanh tịnh thì hạnh phúc sẽ theo họ

Giống như bóng với hình không bao giờ rời nhau.

Nói một cách khác, những hành động bất thiện xuất phát từ tâm không thanh tịnh ví dụ như sân giận, bám chấp, ghen tuông, vô minh. Những hành động thiện lành được tạo ra từ tâm thanh tịnh ví dụ như lòng từ bi, tình yêu thương, vô chấp hay trí tuệ.

Đức Phật cũng đã giải thích mười bất thiện nghiệp sẽ dẫn đến quả báo khổ đau bao gồm:

  • Ba hành động của thân nghiệp: như sát sinh, trộm cắp, dâm dục(bao gồm ngoại tình và lạm dụng tình dục);

  • Bốn hành động của khẩu khẩu: là nói dối, thêu dệt, ác khẩu và lời nói tầm phào, vô nghĩa;

  • Ba hành động của ý nghiệp: tham lam, sân giận (chủ định gây hại), và tà kiến (không tin quy luật của nghiệp cũng như không tin vào khả năng giác ngộ ở nơi mỗi người).

Có một danh sách của mười thiện nghiệp, là những cố gắng không phạm vào mười bất thiện nghiệp dựa trên sự nhận thức rằng gây đau khổ sẽ gặt hái khổ đau, cụ thể là không sát sinh, không trộm cắp,... Những ví dụ cho thiện nghiệp như giúp đỡ người bệnh, người nghèo, thường xuyên bố thí, tuân thủ theo nguyên tắc đạo đức, kiên nhẫn và thực hành tâm linh với một động cơ thanh tịnh.

Hãy nghĩ về đời sống của bạn và xem liệu bạn có thể nhớ lại bất kỳ nghiệp nào bạn đã tạo trong mười bất thiện nghiệp, và cố gắng nhận thức rằng mặc dù những hành động đó có thể mang lại cho bạn những lợi ích tương đối ngay trước mắt, nhưng về lâu dài nó sẽ đem lại cho bạn kết quả không tốt. Hãy nhớ đến những thiện nghiệp bạn đã làm và cảm thấy hoan hỷ, đồng thời hiểu rằng đó cũng chính là nhân dẫn đến hạnh phúc cho chính bạn và mọi người. Hãy cố gắng cảm nhận “nếu tôi có những hành vi bất thiện như sát sinh hay lời nói xúc phạm đến người khác, tôi đã gieo hạt đem đến quả đắng của những trải nghiệm đau khổ. Nhưng nếu tôi làm những hành động thiện lành ví dụ như hộ mạng chúng sinh, sống chân thật, tôi đã gieo hạt giống đem lại quả ngọt của những trải nghiệm tốt lành và hạnh phúc. Bởi vậy tôi cố gắng tránh gây ra bất thiện nghiệp và tạo được thiện nghiệp nhiều nhất có thể ”.


Cứu hộ động vật

2. Nghiệp tăng trưởng

Điều này có nghĩa nếu chúng ta thực hiện một hành vi bất thiện cho dù nhỏ nhất mà không áp dụng bất kỳ phương pháp đối trị nào như thực hành tịnh hóa, thì ác nghiệp sẽ tăng trưởng liên tục và sẽ đem lại những kết quả không mong muốn. Về mặt tích cực, một hành động thiện nghiệp dù rất nhỏ cũng sẽ đem lại nhiều kết quả lợi lạc. Điều này tương tự với bất kỳ điều gì chúng ta có thể quan sát trong tự nhiên - ví dụ nếu ta gieo chỉ một hạt táo nhỏ, qua năm tháng hạt táo đó có thể trở thành một cây táo to trĩu quả. Nếu chúng ta để cỏ mọc tự nhiên trong vườn thì nhanh chóng cỏ sẽ tràn đầy vườn. Đức Phật đã giải thích nguyên lý này trong kinh Pháp Cú.

Thậm chí một nghiệp bất thiện nhỏ nhất

Có thể tạo ra sự phá hủy lớn và chướng ngại

Cho cả thế giới sau này,

Giống như thuốc độc đã xâm nhập vào thân thể

Thậm chí những thiện nghiệp nhỏ bé

Mang đến hạnh phúc cho những kiếp tương lai

Hoàn thiện được mục tiêu lớn

Giống như hạt giống đem đến những vụ mùa bội thu.

Nói chung bất kỳ hành động nào cũng đều đem lại bốn loại quả báo:

  • Thứ nhất, quả báo chín mùi một cách đầy đủ.

  • Thứ hai, quả báo giống với nguyên nhân dưới góc độ trải nghiệm.

  • Thứ ba, quả báo giống với nguyên nhân, dưới góc độ hành động.

  • Thứ tư, là quả báo về môi trường.

Để minh họa điều này chúng ta hãy lấy hành động sát sinh làm ví dụ. Quả báo chín mùi đầy đủ của việc sát sinh là tái sinh trong hoàn cảnh không may mắn với rất nhiều chướng ngại và đau khổ. Quả báo giống với nguyên nhân dưới góc độ trải nghiệm là những trải nghiệm không hài lòng sẽ xảy ra sau đó, đời sống của kiếp người nhưng mạng sống ngắn ngủi (do bị giết hại, bị chết yểu), sức khỏe có vấn đề và liên tục bị thất bại. Quả báo giống với nguyên nhân dưới góc độ hành động là có khuynh hướng bản năng sát sinh. Đây là quả báo tồi tệ nhất bởi quả báo tiếp tục dẫn chúng ta tạo ra cùng một nghiệp lặp đi lặp lại nhiều lần, do vậy chúng ta sẽ gánh chịu cùng một quả báo lặp lại nhiều lần. Chúng ta có thể thấy quả báo này ngay trong hiện đời - khi chúng ta thực hiện một công việc cụ thể nào càng nhiều lần thì hành động đó càng dễ dàng lặp lại hơn và trở thành thói quen tập khí, thậm chí trở thành nhậm vận tự nhiên. Quả báo môi trường của hành động sát sinh là được sinh ra và sống trong môi trường bạo lực chiến tranh, chết chóc bất an không lành mạnh.

Ngược lại, nếu không sát sinh, chúng ta có quả báo ngược lại như tái sinh trong điều kiện tốt, có sức khỏe tốt, một đời sống thọ mạng dài lâu, thành công trong tất cả các hoạt động và nỗ lực, sống trong môi trường lành mạnh và an bình, sẽ có khuynh hướng tự nhiên biết yêu mến và bảo vệ đời sống của mọi người, mọi loài.

Hãy thiền định về những điều này và bạn có thể đi đến kết luận rằng cần phải tránh những hành động tiêu cực dù nhỏ nhất như là nói dối vô hại và bỏ qua những cơ hội để tích lũy và thực hành thiện nghiệp dù là nhỏ nhất như bố thí cho người vô gia cư hay thậm chí là chăm lo bữa ăn cho một chú chim nhỏ!

3. Nếu chúng ta không làm một hành động nào thì ta sẽ không nhận quả báo đó

Điều này có nghĩa rằng nếu chúng ta không có hành động bất thiện thì sẽ không có quả báo xấu trong tương lai. Nguyên lý này giải thích tại sao đôi khi có những tai nạn xe cộ khiến một số người mất mạng, nhưng lại có những người lành lặn không một vết xước. Một mặt khác, nếu không tạo thiện nghiệp, chúng ta sẽ không thể có được những quả báo tốt lành trong tương lai. Nếu không trồng hạt, chăm bón thì bạn không thể có một cây trĩu quả. Nguyên lý này được hiểu dưới góc độ những trải nghiệm hiện tại của chúng ta. Dù bất kỳ thời điểm nào khi phải đối mặt với chướng ngại hay sự bất hạnh trong cuộc đời, chúng ta cần nhắc nhở tâm mình rằng đó là do những bất thiện nghiệp chúng ta đã tạo trong quá khứ. Nếu hiểu và chấp nhận điều này, chúng ta sẽ không còn cảm thấy mình là nạn nhân phải gánh chịu khổ đau hay trách cứ người khác. Tất cả những điều may mắn ta có được - được sinh làm người, có sức khỏe, có đủ miếng ăn, được mọi người đối xử tốt - là quả báo của những thiện nghiệp chúng ta đã tích lũy từ trong quá khứ. Chúng ta phải có trí tuệ để trân trọng và hân hưởng những quả báo này và cảm thấy hoan hỷ về những gì mình đang có, đồng thời biết tự sách tấn tạo động lực tiếp tục làm các thiện hạnh mạnh mẽ và lợi ích hơn nữa ngay trong kiếp sống này.

Bằng cách thiền định sâu sắc về điều này, bạn sẽ nhận ra nếu muốn có hạnh phúc và những trải nghiệm tốt đẹp trong tương lai thì ngay bây giờ bạn phải thực hành thiện nghiệp, phải gieo nhân lành cho quả báo tốt đẹp đó. Nếu muốn tránh những chướng ngại và bất hạnh, bạn phải tuyệt đối tránh những hành động tiêu cực. Không có gì rõ ràng và xác quyết hơn quy luật Nghiệp nhân quả mà Đức Phật đã chỉ bày ra cho chúng ta!


Quả báo một trong các ác nghiệp - Tái sinh vào địa ngục

4. Nghiệp không bao giờ mất

Khi chúng ta thực hiện một hành động - về thân, khẩu, ý - sẽ để lại một dấu ấn giống như gieo trồng một hạt giống trong tâm thức chúng ta. Nếu chúng ta không thực hành các phương pháp tịnh hóa để tịnh hóa hạt giống nghiệp, thì hạt giống này sẽ duy trì ở trong tâm không bao giờ bị mất đi, cho đến khi hội tụ đầy đủ nhân duyên, hạt giống sẽ chín mùi dưới hình thức là những trải nghiệm tốt hay xấu. Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú rằng:

Nếu bạn đã làm một điều gì sai trái

Hay liên quan đến hành vi sai trái nào,

Bạn chạy chốn với hy vọng có thể che đậy đi sự thật

Việc làm đó quả là việc làm vô ích và không có lối thoát.

Nó tồn tại chẳng ở nơi nào

Nhưng những gì bạn đã làm, sẽ theo bạn

Xuống đại dương, lên bầu trời

Hoặc ở trong những hang núi xa

Dù cho đó là tốt hay xấu,

Năng lượng của bất kỳ hành động nào

Bạn đã làm sẽ không bao giờ mất

Quả báo cũng sẽ đi liền theo đó.

Trích ấn phẩm: "Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử"

NXB Tôn giáo, 2014

5 trọng tội Ngũ nghịch và Vô Gián địa ngục

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5768912
Số người trực tuyến: