Thiền quán về Khổ trong sáu đạo luân hồi | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thiền quán về Khổ trong sáu đạo luân hồi

Thiền quán về Khổ trong sáu đạo luân hồi
 

Sau khi thiền quán về Thân người khó được, Vô thường, Nghiệp, pháp thứ tư là thiền quán về Khổ trong luân hồi.

Dù đang ở đâu trong luân hồi, chúng ta cũng phải đối diện với các chướng ngại và khổ đau. Khổ đau này là do những nghiệp bất thiện, trong khi nghiệp bất thiện lại có nguyên do từ vô minh hay không hiểu rõ bản chất của tâm và vạn pháp. Chính vô minh này là nhân dẫn đến phiền não và khổ đau trong luân hồi.

Trước hết, cảnh khổ trong sáu cõi luân hồi được mô tả trong Kinh như sau:

Chúng sinh nơi Địa ngục

Chịu cực hình thiêu đốt

Ngã quỷ đói hành hạ.

Bàng sinh ăn lẫn nhau

Người chịu khổ đoản mạng

Atula tranh đấu

Ganh tỵ suốt đêm ngày

Chư thiên khổ đau ấy

Năm tướng suy xuất hiện

Cõi luân hồi vĩnh viễn

Chẳng an vui bao giờ.

F:\Ảnh quy y\6-coi luân hồi.jpg

Kinh Tứ niệm xứ (Smrti Upasthana) dạy rằng: “Sự đau đớn trong tám địa ngục hỏa thiêu và tám địa ngục hàn băng vượt ngoài sức nghĩ bàn. Ngã quỷ bị đói khát hành hạ; Súc sinh chịu cái khổ bị ăn tươi nuốt sống hoặc phải chịu cảnh nô lệ; Loài Người chịu cái khổ của sinh, già, bệnh, chết; Cõi Trời chịu cái khổ của sự chết, thoái chuyển và đọa vào ác đạo”. Nói tóm lại, không chỉ những khổ đau đầy rẫy các cõi luân hồi mà ngay cả những hiện tướng hạnh phúc và bình an ở trong các cõi đó cuối cùng cũng kết thúc bằng khổ đau. Vì vậy, hành giả cần phải nỗ lực tinh tiến tu tập để thoát luân hồi sinh tử.

Nỗi khổ của Ngã quỷ. Do ác nghiệp keo sẻn, trộm cắp đã tạo, bạn có thể tái sinh làm loài quỷ đói với hình thù xấu xí, bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, ăn uống toàn những đồ nhơ bẩn, hoặc bị đói cả ngàn năm không có gì để ăn. Hãy nghĩ đến cơn đói của bạn, thông thường, bạn không thể chịu được cảm giác cồn cào đó mà lập tức phải đi kiếm ngay một cái gì đó để lấp đầy bao tử. Vậy mà Ngã quỷ phải chịu đựng nỗi khổ đói khát gấp bội lần như thế trong hàng nghìn năm.

Nỗi khổ của loài Súc sinh. Loài này phải chịu đựng năm loại khổ: nỗi khổ ăn thịt lẫn nhau, khổ do ngu si ám chướng, khổ chịu nóng lạnh, khổ chịu đói khát, khổ bị khai thác đọa đày hoặc sai làm việc nặng. Bạn cần nhận thức một cách sâu sắc rằng mình sẽ khốn đốn đến mức độ nào nếu phải tái sinh làm một hữu tình như vậy.

 

Nỗi khổ của cõi Người. Từ khi nằm trong bào thai mẹ đến khi rời khỏi thế gian, con người luôn phải trải qua tám loại khổ: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, khổ vì yêu mến phải lìa xa, khổ vì oán ghét hận thù mà phải gặp gỡ, khổ vì mong cầu không được, khổ vì thân (năm đại: địa, thủy, hỏa, phong) và tâm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mất quân bình.

Nỗi khổ của cõi A tu la. Chúng sinh cõi này tuy cũng được hưởng đời sống sung sướng nhưng luôn có tâm đố kỵ, ganh ghét, hay đi đánh nhau với chư Thiên cõi Trời. Họ cứ thế tranh đấu cả đời và thường bị thua cuộc, luôn phải đối diện với sự thất bại, cái chết đau đớn trên chiến trường. Mưa tại cõi này thường hóa thành gươm đao nên cảnh giới A tu la cũng tràn đầy sự đau khổ.

Nỗi khổ của cõi Trời. Các chúng sinh cõi Trời có thọ mạng dài lâu, sung sướng thụ hưởng vật chất dục lạc và quá no đủ thỏa thê nên dường như không bao giờ nghĩ đến nhu cầu tu tập tâm linh hay tìm nơi nương tựa vững chắc. Thọ mạng tuy rất dài nhưng khi phúc báo cạn kiệt, họ phải trải nghiệm sự đọa lạc xuống cõi thấp hơn.

Quán chiếu toàn bộ nỗi khổ đau trong sinh tử luân hồi sẽ giúp bạn có động cơ đúng đắn cùng tâm xả ly mạnh mẽ để tinh tấn thực hành tâm linh và sống một cuộc đời ý nghĩa. Hơn nữa, khi thấu hiểu nỗi khổ đau mà các chúng sinh khác phải chịu đựng, chúng ta dễ dàng phát triển tâm từ bi, cảm thông và yêu thương mọi người, mọi loài và có thêm động lực mạnh mẽ để tu tập giác ngộ, đem lại lợi ích cho hết thảy hữu tình.

 

Như vậy, thiền quán “Tứ Niệm Pháp” cho chúng ta hiểu rõ hơn về Thân người khó được, Vô thường, Nghiệp và nỗi thống khổ của sáu đạo luân hồi để từ đó phát khởi động lực chân chính khi phát nguyện và thực hành Quy y. Tuy nhiên, nếu quy y còn dựa trên sự tướng thì đó chưa phải là quy y chân chính. Chúng ta cần có trí tuệ thấu rõ để phát tâm chí thành quy y từ sâu thẳm trong tim mình. Động cơ chân chính của Quy y gồm hai khía cạnh: tâm xả ly luân hồi đau khổ và tâm chí thành mong cầu giác ngộ giải thoát. Xả ly luôn đứng hàng đầu, là nhân, còn tâm chí thành là quả. Cả tâm chí thành và tâm xả ly đều là trí tuệ. Tâm chí thành là trí tuệ hiểu rõ Niết bàn giải thoát, còn tâm xả ly là trí tuệ hiểu rõ bản chất Luân hồi sinh tử. Vì vậy, trưởng dưỡng trí tuệ đúng đắn chính là điểm then chốt trong pháp Quy y.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5696290
Số người trực tuyến: