18. Thực hành Bardo mộng – Tỉnh giác trong tiến trình tan rã của giấc ngủ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

18. Thực hành Bardo mộng – Tỉnh giác trong tiến trình tan rã của giấc ngủ

Trong giấc ngủ đôi khi cũng xảy ra tiến trình tan rã, chỉ có điều do mê mờ, vô minh nên chúng ta không tỉnh thức thực chứng được tiến trình này. Việc thực hành Bardo mộng và các pháp tu Đại Thủ Ấn khác sẽ giúp chúng ta giác tỉnh được những giai đoạn tan rã trong khi ngủ. Hiểu biết về các tiến trình tan rã sẽ giúp chúng ta tỉnh giác trong giai đoạn trung gian quan trọng của cái chết.

Thực hành Bardo mộng, yoga mộng hay như huyễn thân là pháp thực hành rất quan trọng. Bạn có thể tự kiểm chứng bản thân thông qua quán chiếu giấc mơ xem liệu trong mơ, bạn có nhận ra là mình đang mơ hay không. Đây là cách kiểm chứng rất hiệu quả. Nếu bạn qua được bài trắc nghiệm này có nghĩa là bạn có thể chạm được vào khoảnh khắc Pháp tính thường trụ. Nếu không bạn không thể nhận ra Bardo Pháp thân. Vì vậy giấc mơ là phương tiện rất quan trọng và thuận tiện để kiểm nghiệm điều đó. Tuy nhiên, điều cốt yếu là phải giác ngộ được rằng cuộc sống hay những hoạt động diễn ra ban ngày cũng chỉ là những giấc mơ với bản chất hoàn toàn như huyễn.

Bản chất như huyễn của giấc mơ và cuộc sống khi thức

Ban ngày hay ban đêm đều giống nhau vì cùng là giấc mộng. Điểm khác biệt duy nhất là độ dài của giấc mơ, giấc mơ ban ngày có thể xem là đại mộng, còn giấc mơ ban đêm là tiểu mộng. Chúng ta thực ra đều đang mơ. Chúng ta không biết mình đã mơ thấy những gì khi ta ngủ và ta cho rằng đó là lẽ đương nhiên. Với sự hiểu biết mang tính tương đối của mình, ta cho rằng lúc mình thức thì không phải là giấc mơ. Đó là sự lầm tưởng rất lớn khiến bạn đánh mất mình và lầm đường lạc lối.

Nhưng dù là giấc mơ lớn hay nhỏ, dài hay ngắn đều diễn ra một tiến trình giống nhau, bạn trải nghiệm những cảm xúc và sự kiện tương tự nhau. Tỉnh giác trong khi đang thức là vô cùng quan trọng và cần thiết. Tương tự vậy, tỉnh giác trong lúc ngủ cũng quan trọng không kém. Nếu không có khả năng giác tỉnh trong giấc ngủ, sự thực hành của bạn khó có thể mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là khó có thể có được kiếp tái sinh tốt lành và con đường đúng đắn trong tương lai.

Mọi người thường nghĩ rằng tất cả những sự vật hiện tượng đang diễn ra vào lúc thức đều rất chắc thật. Chẳng hạn, những gì xuất hiện vào ban ngày đều thực sự tồn tại như: nhà cửa, xe cộ, du lịch, làm việc, hạnh phúc, khổ đau, đồ ăn, y phục… đều có thật, và chúng ta tin rằng giấc mơ thì không thật. Trong khái niệm thông thường, giấc mơ có thể tốt hoặc xấu, nhưng không thật, chỉ là là ảo ảnh đánh lừa tâm thức, còn những gì diễn ra trong lúc thức mới là thật. Xét về tâm linh, đó là những khái niệm sai lầm, thiển cận. Triết học Phật giáo luôn cho rằng: “Ngày là mộng, đêm cũng là mộng, cùng như nhau không khác”. Ban ngày, chúng ta mơ, ban đêm chúng ta cũng mơ; giấc mơ ban ngày hay thời gian sống ban ngày cũng không có gì thật hơn và bền vững hơn giấc mơ ban đêm. Chúng hoàn toàn giống nhau về mặt bản chất.

Chẳng hạn như hiện tại, tôi đang ở Việt Nam, nhưng thực chất là tôi đang mơ về Việt Nam. Ngày mai, khi rời khỏi Việt Nam, giấc mơ Việt Nam chấm dứt, và tôi sẽ có một giấc mơ tiếp theo về một nơi khác. Hãy thử kiểm chứng và bạn sẽ thấy đúng là như vậy. Hôm qua chúng ta có một giấc mơ về một nơi nào đấy, có thể là vui vẻ hay buồn tẻ. Nhưng đến hôm nay, những gì thuộc về ngày hôm qua đã trôi đi mãi mãi, không bao giờ trở lại. Bạn có thể nói “Ồ! Mình có thể quay lại đây”, nhưng đó lại là một giấc mơ mới mẻ khác. Giấc mơ của ngày hôm qua đã mãi mãi qua đi. Như vậy, những giấc mơ diễn ra và kết thúc có định kỳ. Và sự kết thúc thật sự của giấc mơ trường miên này là khi bạn chết, khi ấy mọi chuyện kết thúc thật sự. Lúc đó mới có thể nói chúng ta đã thức giấc, đã tỉnh ngủ, đã kết thúc một giấc mơ lớn.

Quay trở lại hiện tại, hôm nay là một giấc mơ mới mẻ. Buổi sáng đã kết thúc và hiện tại, buổi chiều chưa tới. Nhưng sau đây, hôm nay sẽ kết thúc, và ngày mai, một giấc mơ mới mẻ khác sẽ tới. Tất cả đều chỉ là mộng huyễn. Khi ngủ bạn cũng lại mơ, tất cả đều giống nhau, chỉ có thời điểm khác nhau, cho nên đó được gọi là Bardo mộng hay trạng thái trung gian giấc mơ. Tên gọi khác nhau song tiến trình vẫn như vậy. Giấc mơ ban ngày - tức Bardo đời sống và giấc mơ ban đêm - tức Bardo mộng ngủ, tất cả đều giống nhau, liên quan mật thiết với nhau và cần phải được cùng lúc thực hành.

Tiến trình tan rã của giấc ngủ

Tiến trình của cái chết và giấc ngủ chính xác là giống nhau. Chỉ có điều chết là trạng thái sâu hơn và bền vững hơn. Còn giấc ngủ thì không lớn, không có vẻ chắc thật, đặc kệt như cái chết, song tiến trình của chết và ngủ thì như nhau. Ví dụ, khi bạn chết đi, ý thức bạn tan vào trong Tàng thức.

Bên cạnh ý thức, chúng ta có một dạng nền tảng của ý thức, gọi là Tàng thức. Tàng thức không phân biệt mà chỉ chứa đựng, lưu giữ những hạt giống căn bản của thức. Tàng thức nắm giữ khả năng tiềm tàng của mọi sự vật. Khi ý thức tan vào trong Tàng thức, bạn sẽ không còn ý thức, không còn thấy, nghe được gì nữa… Bạn sẽ rơi vào một trạng thái giống như trống rỗng. Đó là lúc người ta cho rằng bạn đã chết rồi. Trạng thái này tương tự như lúc bạn ngủ. Ý thức tạm thời tan vào trong Tàng thức. Khi rơi vào trong trống rỗng, bạn không biết điều gì đang xảy ra xung quanh mình. Và từ lúc này, do xu hướng nghiệp lực chấp trước vô cùng mạnh mẽ mà bạn vốn rất quen thuộc và tiềm tàng trong tâm sẽ thúc đẩy bạn, hay nói cách khác, đó chính là khí nghiệp thổi bay bạn đi, hay thổi bay bạn khỏi Tàng thức. Do khí nghiệp thổi vào Tàng thức, giấc mơ xuất hiện, có thể là buồn, vui, tốt, xấu, v.v... Những ảo tướng đó xuất hiện và lôi bạn ra khỏi bản chất thật. Lúc này, nếu là một hành giả, bạn sẽ biết được đó là giấc mơ, bạn sẽ biết rằng nếu mình muốn vui vẻ, bạn sẽ được vui vẻ hàng giờ liền không thức giấc. Bạn có thể đi bất cứ đâu, làm bất kỳ thứ gì mình muốn vì bạn có khả năng kiểm soát. Biết mình đang mơ, bạn có thể vui đùa trong mơ, hoặc nếu bạn không muốn vui đùa, không muốn mơ mà chỉ muốn nghỉ ngơi thôi cũng rất dễ dàng.

Nhưng ngược lại, trong trường hợp chúng ta, thường là chúng ta không kiểm soát được giấc mơ. Khi mơ, chúng ta không biết là mình đang mơ, cứ nghĩ rằng mình ở đó, đang thực sự làm một điều gì đấy. Thế nên, chúng ta sẽ phải trải nghiệm những buồn vui, tốt xấu; mọi thứ trở nên rất chắc thật, cụ thể, rồi chúng ta bị cuốn trôi đi theo những phiền não ấy, để khóc, cười, thậm chí đôi khi chúng ta còn hét lên trong cơn mơ. Đó chính là vô minh mù quáng. Vì khi thức vào ban ngày, chúng ta si mê tăm tối, cho nên trong giấc mơ chúng ta cũng vô minh mịt mờ, thậm chí còn mù quáng hơn do chúng ta không được rèn luyện, tu tập. Như vậy, Bardo sống bị lãng phí, tha hóa nên Bardo mộng cũng bị tha hóa, lãng phí theo. Những xu hướng nghiệp tiêu cực trong lúc sống ảnh hưởng tồi tệ đến chúng ta ngay cả trong giấc mơ.

Thông thường, tiến trình tan rã diễn ra rất vi tế đến nỗi chúng ta không ý thức được nó. Tuy nhiên, là một hành giả, chúng ta cần phải biết tiến trình giấc ngủ xảy ra như thế nào, dù đó là giấc ngủ ban ngày hay ban đêm. Đây là bài pháp lớn lao và pháp thực hành vĩ đại. Nó giúp bạn đến một lúc nào đó, khi phải trải qua tiến trình tan rã của Bardo cận tử, bạn sẽ không còn kinh hãi khiếp đảm. Mọi thứ diễn ra song không có vấn đề gì quá ghê gớm vì bạn đã thành thục tiến trình này trong giấc ngủ rồi.

Như vậy, dù thức hay ngủ đều là mộng, và tất cả những gì xuất hiện trong đó đều là như huyễn, là ảo ảnh không thật. Đây cũng là lời khai thị của Đức Pháp Vương đời thứ II Kunga Paljor trong lời cầu nguyện Bardo:

Bậc hộ trì chúng sinh như huyễn!

Chúng sinh con lầm lạc vô minh,

Nguyện không còn bị lừa gạt điêu linh

Bởi vạn pháp vốn là như huyễn

Lòng kiền thành, chúng con tha thiết nguyện

Xin Thượng sư ban bi mẫn gia trì

Cho chúng con thực chứng không dư

Tự tính của vạn pháp là như huyễn!

“Chúng ta cần thấu hiểu rằng tất cả vạn pháp, mọi sự vật hiện tượng đều là như huyễn, là ảo ảnh sẽ dẫn đến giải thoát khỏi những ảo ảnh bất tịnh, và nhờ đó thành tựu thân như huyễn thanh tịnh”. Tất cả đều là như huyễn, ảo ảnh: đối tượng quy y và Thượng sư là như huyễn, chúng sinh được cứu độ là như huyễn, và hành động quy y hay cứu độ cũng là như huyễn. Chúng ta cần hiểu rằng vạn pháp là huyễn như không thật. Vậy làm sao mà những gì diễn ra trong ngày lại không phải là ảo ảnh!

Namo Đại Thủ Ấn!

Nhờ thực chứng hết thảy

Vạn pháp là như huyễn,

Bậc giác ngộ giải thoát

Dứt vô minh nhiễm ô

Và viên mãn thành tựu

Thân giác ngộ thanh tịnh.

Chúng con nguyện quy y

Như huyễn Báo thân Ngài,

Bậc Thượng sư dẫn đạo

Độ chúng sinh như huyễn.

Câu kệ này dạy rằng đối tượng để quy y, tức là chư Phật, Bồ tát, Hiền thánh tăng, chư Đại thành tựu giả yogi, Vajravarahi Kim Cương Hợi Phật Mẫu, Dolma Lục Độ Phật Mẫu, tất cả các bậc Hộ trì chúng sinh cũng đều là như huyễn. Sự thật là chúng sinh như huyễn, Phật cũng huyễn như, đối tượng Quy y là giả ảo, đến cả hành động Quy y cũng không thật. Chúng ta cần thực chứng được bản chất của như huyễn đó là tất cả những gì chúng ta tìm cầu.

Mặc dù giáo pháp của đức Phật rất minh triết, khách quan và công bằng, tuy nhiên, phàm phu chúng ta thường không biết trân trọng, không thấu hiểu giáo pháp vi diệu. Chúng ta không muốn tin rằng vạn pháp chỉ là huyễn như không thật, ngược lại, chúng ta vẫn cho rằng cuộc sống này là chắc thật. Bởi vậy chúng ta thấy rất khó hiểu, khó chấp nhận chân lý này trong quan kiến của mình, đây là một trở ngại lớn trong thực hành tâm linh. Cho nên mục tiêu chính của thực hành Bardo là xả bỏ khái niệm sai lầm này. Nếu không như vậy, hẳn chúng ta sẽ bị tắc nghẽn ở đâu đó và gặp rất nhiều trở ngại trong sự thực hành.

Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng có rất nhiều người đặt vô số câu hỏi về vấn đề này. Phần lớn chúng ta thường thắc mắc “Nếu tất cả là như huyễn, ảo ảnh, vậy tại sao chúng ta muốn được giác ngộ? Tại sao chúng ta thực hành? Tại sao chúng ta muốn thành Phật?”. Đó chính là câu hỏi thường gặp.

Có rất nhiều câu trả lời cho vấn đề này. Nhưng để không mất quá nhiều thời gian, tôi sẽ trả lời ngắn gọn. Điều duy nhất chúng ta muốn là giác ngộ được bản chất của ảo ảnh. Và khi chúng ta đạt được giác ngộ, mặc dù cái được gọi là sự giác ngộ có thể cũng chỉ là như huyễn cũng không sao cả. Điều quan trọng là “khi chúng ta đạt được giác ngộ tức là chúng ta thực chứng được bản chất của ảo ảnh”. Ngay lúc này, vì chúng ta không giác ngộ được bản chất của ảo ảnh, cho nên chúng ta đau khổ, mặc dù khổ đau cũng chỉ là như huyễn, không thật tồn tại. Chúng ta không muốn khổ đau mặc dù nó không thật có, vì vậy chúng ta muốn từ bỏ khổ đau. Nhưng làm thế nào mới diệt trừ được khổ đau? Giải pháp là bạn cần thực chứng được bản chất của ảo ảnh, lúc đó bạn sẽ giải quyết được khổ đau phiền não. Đây chính là được gọi là giác ngộ hay là sự thực chứng bản chất của huyễn như. Như vậy, đây là lý do chúng ta muốn thành Phật, muốn được giác ngộ, và chúng ta muốn được thực hành. Mặc dù tất cả là huyễn ảo, song chúng ta vẫn đang như huyễn thực hành: chúng ta đang dùng thân như huyễn, khẩu như huyễn, hành động như huyễn để tu tập thực hành, hy vọng sẽ thu được quả như huyễn. Kết quả như huyễn nghĩa là thực chứng được bản chất của như huyễn, và sự thành tựu sẽ đem lại kết quả là thực sự chấm dứt được khổ đau. Dù huyễn như hay không cũng không quan trọng, điều quan trọng là chấm dứt được khổ đau bởi tất cả chúng ta đều không muốn đau khổ, chỉ đơn giản như vậy!

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5699301
Số người trực tuyến: