Thực hành Tam mật tương ưng: Quán tưởng Thân Bản tôn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành Tam mật tương ưng: Quán tưởng Thân Bản tôn

Quán tưởng tự thân thành Bản tôn có nghĩa là trở thành hiện thân của ba Kim cương giác ngộ: Thân bất biến, Khẩu bất hoại và Tâm bất động. Ba Kim cương Thân, Khẩu, Ý giác ngộ này hoàn toàn siêu việt so với thân, khẩu, ý thông thường. Ba yếu tố này bị tác động do những ám chướng và bản năng tập khí. Bằng cách quán tưởng thân khẩu ý là Bản tôn - Chân ngôn - Trí tuệ, chúng ta trở nên cởi mở để đón nhận sự gia trì tuyệt hảo, chuyển hóa thân khẩu ý phàm tình của mình thành ba tự tính Kim cương bất hoại.

Như thế, tinh túy của pháp thực hành Kim Cương thừa chính là thực hành Bản tôn - Chân ngôn - Trí tuệ hay Thân - Khẩu - Ý tương ứng với chư Phật Bản tôn! Một hành giả tu tập theo Kim Cương thừa coi vị Bản tôn là một đối tượng cụ thể của thiền định, và tìm cách trưởng dưỡng qua trải nghiệm của bản thân về sự hợp nhất với các phẩm hạnh của Thân, Khẩu và Ý Phật. Một vị Bản tôn thiền định như vậy không nên được coi là một bậc tồn tại bên ngoài hay độc lập, mà đó là phẩm chất giác ngộ của chính tâm Phật bên trong mỗi người. Phương pháp tu tập thiền bất nhị này là một trong những yếu tố căn bản nhất của thiền về Yoga Bản tôn.

Ba yếu tố căn bản khi thiền quán Bản tôn

Khi thực hành quán tự thân Bản tôn trong giai đoạn phát triển, hành giả luôn phải trưởng dưỡng duy trì ba phẩm chất quan trọng: quang minh, thanh tịnh và niềm kiêu hãnh Kim cương. Mặc dù điều này đã được nhắc đến trong phần thực hành Ba điểm cốt yếu ở trên, tôi vẫn xin làm rõ hơn để giúp các bạn có sự thực hành chính xác và tỉnh thức:

Yếu tố căn bản đầu tiên là quang minh chỉ sự sáng rõ về hình ảnh được quán tưởng, nghĩa là chúng ta cần quán tưởng Bản tôn một cách rõ ràng sinh động. Bản tôn và mọi sắc tướng, màu sắc, vị trí, xiêm y, các sức trang hoàng và pháp khí của Ngài đều bất khả phân với tính không.

Yếu tố thứ hai của thực hành thiền quán Bản tôn là thanh tịnh, nghĩa là hiểu rõ ý nghĩa biểu tượng của mỗi khía cạnh sắc tướng Bản tôn một cách rõ ràng thanh tịnh, không có bất cứ sự tồn tại cố hữu nào và đó chính là sự hợp nhất của quang minh-tính không giống như sắc tướng cầu vồng với sự rõ nét và rỗng không của nó.

Yếu tố thứ ba trong thực hành giai đoạn Phát triển là khởi phát niềm kiêu hãnh Kim cương về việc quán tự thân là Bản tôn. Chúng ta đồng nhất với Bản tôn, thực sự tin mình là Bản tôn. Đây là điều rất quan trọng bởi vì khía cạnh này của giai đoạn Phát triển thực sự có vai trò là pháp đối trị đối với sự bám chấp thông thường của chúng ta vào một cái tôi bản ngã. Nhờ thực hành trưởng dưỡng niềm kiêu hãnh Kim cương tự thân là Phật Bản tôn, chúng ta buông bỏ ý thức phân biệt giữa tự thân với Bản tôn đang được thiền quán để hợp nhất thành tự thân Bản tôn giác ngộ.

Thân Bản tôn

Trong giai đoạn Phát triển, khi ban truyền quán đỉnh về một Bản tôn nhất định, bậc Thượng sư cũng đồng thời khai thị cho đệ tử phương pháp tu tập để chứng ngộ sâu hơn bản chất của thân thông qua việc quán tưởng tự thân chuyển hóa thành vị Phật Bản tôn. Theo cách này, chúng ta bắt đầu nhận thức về thân vật lý của mình một cách thực chất và năng động hơn. Trước đó, chúng ta có thể đã biết rằng sắc tướng và những bộ phận thân thể đều vô thường, không có cái tồn tại cố hữu. Từ đó, nếu chúng ta hồ đồ kết luận thân không là gì cả thì quan điểm này có thể sẽ dẫn đến việc coi thường sự quý báu và quyền năng đời sống làm người của chúng ta. Việc thực hành các Yoga Bản tôn ở trong Phật giáo Kim Cương thừa cho chúng ta thấy được bản chất giác ngộ nơi mỗi người. Bản chất thức tỉnh cố hữu này không ngừng xuất hiện trong Pháp tính diệu minh suốt trong các kiếp sống của chúng ta. Việc thực hành quán tưởng tự thân là Bản tôn giúp chúng ta dần nhận ra Báo thân ánh sáng nơi chính mình.

Theo cách này, chúng ta thường quán tưởng thân mình là thân cầu vồng tỏa sáng tràn đầy phẩm chất giác ngộ với hình dáng, màu sắc, tư thế, khoác thiên y, và có các pháp khí, trang hoàng với mũ miện và châu báu, những thứ này nêu biểu cho các công hạnh Ba la mật. Cùng một lúc, chúng ta hiểu rằng những sắc tướng này là không có thực, tựa như giấc mộng, ảo ảnh, cầu vồng. Thông qua việc thực hành này, chúng ta bắt đầu trải nghiệm thân vật lý của chúng ta là hóa thân từ không, có tính chất giống như huyễn ảo và sáng rực rỡ. Từ quan điểm ấy, thân vật lý giống như sự thể hiện bên ngoài của năng lượng bên trong bắt nguồn từ tâm rộng lớn vô hạn. Sau đó, sự bám chấp cho rằng thân thể có thực sẽ được chuyển hóa, và tiếp đến điều này chuyển hóa sự bám chấp dính mắc nơi thân tâm. Chúng ta sẽ nhận thức được thân mình thoát ra khỏi những vọng tưởng định kiến nhị nguyên thông thường như nam-nữ, già-trẻ, xấu-đẹp, lớn-nhỏ, và hiểu được bản chất của thân vật lý của chúng ta là tính không, vốn thanh tịnh và không bị che chướng. Mục đích chính của việc quán tưởng tự thân trong sắc tướng Bản tôn là để phá đi quan kiến sai lầm về sự chấp thường với thế giới và thân vật chất và để nhận ra Phật tính nơi chúng sinh và mình vốn đầy đủ Từ bi, Trí tuệ và công hạnh giác ngộ Bi, Trí, Dũng của Bản tôn, thực hành sự viên dung bất khả phân của Pháp, Báo, Hoá thân để trở về những phẩm chất hoàn hảo vốn sẵn đủ nơi mình.

Sự xuất hiện của các Bản tôn trong Bardo tái sinh

Ở Chương II, trong phần giải thích về Bardo tái sinh, tôi đã mô tả khá kỹ lưỡng về những gì chúng ta phải trải qua trong giai đoạn Thân trung ấm. Đối với người bình thường, cái chết thực sự là hoàn cảnh khó khăn bất lợi và hãi hùng nhất. Song đối với các hành giả, đây lại là cơ hội giải thoát vô cùng quý giá.

Trong Bardo tái sinh, bạn sẽ thấy chư Bản tôn An bình và Uy mãnh lần lượt xuất hiện. Bạn có thể thắc mắc tại sao chúng ta lại trông thấy chư Phật, chư Bồ tát trong giai đoạn trung ấm? Trên thực tế, chư Phật, chư Bồ tát đều chính là những biểu hiện của tâm bạn. Thông thường, khi bạn còn xác thân vật chất, chư Phật Bản tôn luôn hiện hữu tiềm ẩn trong bạn. Bạn cần hiểu biết sâu sắc như vậy, và hiểu rằng thân và tâm mình là một hệ thống Mạn đà la, trong đó chư Phật Bản tôn vẫn thường an trụ nhằm hỗ trợ bạn phụng sự chúng sinh hữu tình. Vì vậy, khi xác thân tứ đại tan rã, bạn sẽ tự nhiên trông thấy chư Phật, chư Bản tôn xuất hiện để hỗ trợ bạn và giúp bạn giải thoát luân hồi. Chư Bản tôn An bình sẽ thị hiện trước tiên nhằm cứu giúp bạn khi đó đang hết sức hoảng sợ, bơ vơ không nơi nương tựa. Nhưng thật đáng buồn là do vô minh che chướng, do ảnh hưởng của nghiệp lực và sự lười biếng thực hành, đa số chúng ta không những không nhận ra mà còn vô cùng kinh hãi khi trông thấy các Ngài. Điều đó giải thích tại sao, khi còn đang sống, chúng ta nên thực hành quán tưởng về chư Phật, chư Bản tôn, chiêm ngưỡng các bức họa Thangka và quán tưởng mạnh mẽ, sống động về sắc tướng Bản tôn. Trong quá trình tiếp theo của Bardo tái sinh, sau khi chư Bản tôn An bình đã thị hiện nhưng chúng ta không nhận ra, các Ngài lại từ bi tiếp tục thị hiện trong Pháp tướng phẫn nộ của chư Bản tôn Uy mãnh. Khi những Pháp tướng này xuất hiện cũng nhằm giúp bạn giải thoát, bạn sẽ còn hoảng sợ hơn gấp bội bởi đó là những Pháp tướng vô cùng dữ tợn, những bộ mặt vô cùng khủng khiếp với những pháp khí như dao, gươm, xương, máu,… Bạn sẽ khiếp nhược và hoàn toàn không mong muốn trông thấy những hình ảnh đó. Khi này, bạn thực sự cần có sức mạnh và sự thuần thục của năng lực quán tưởng, bạn cần đạt được hiểu biết giác ngộ chân chính về bản chất thực sự của quán tưởng. Hoặc ít nhất, bạn cần đạt được mức độ thuần thục nhất định về khả năng quán tưởng nhờ sự tinh tấn tu tập trong đời sống trước đó.

Điều căn bản và cốt tủy nhất là bạn cần nhận ra mình chính là vị Phật Bản tôn, là sự thị hiện của Bản tôn và Bản tôn vốn không khác biệt, không tách rời chính bạn. Đó cũng chính là kết quả rốt ráo của việc thực hành tu tập quán tưởng và rèn luyện tâm thuần thục hợp nhất với Bản tôn. Dĩ nhiên, ngay từ bây giờ, bạn cần thực hành quán tưởng để thuần thục và hợp nhất với Bản tôn, điều này sẽ vô cùng hữu ích đối với bạn. Bạn cần thấu hiểu rằng tất cả chư Bản tôn An bình cũng như Uy mãnh đều là sự phóng chiếu từ chính tâm bạn. Một số chư Phật rất từ bi, hiền hòa nhưng cũng có những Bản tôn hung nộ; có những vị mỉm cười, lại có những vị mang vẻ đe doạ, dữ tợn. Bạn sẽ trông thấy vô số sắc tướng và biểu hiện khác nhau của chư Phật Bản tôn, và tất cả những sắc tướng đó đều là sự thị hiện của chính tâm bạn. Tâm bạn cũng có vô vàn trạng thái và biểu hiện như hiền hoà, phẫn nộ, ghê gớm, đáng sợ, xấu xa,… Vì vậy, khi những trạng thái đó của tâm được biểu hiện, chúng thị hiện thành vô số pháp tướng khác nhau của chư Phật Bản tôn. Nếu trong khi sống bạn đã thuần thục với những hình ảnh và thực hành Tam mật tương ưng của Yoga Bản tôn thì khi chư Phật Bản tôn xuất hiện, bạn sẽ lập tức nhận ra, sẽ hoan hỷ chào đón và hòa tan hợp nhất với các Ngài thay vì kinh ngạc, sợ hãi và trốn chạy. Hơn 100 chư Bản tôn trong đó có 42 Bản tôn An bình và 58 Bản tôn Uy mãnh, tất cả đều là các vị Phật, Bồ tát. Bạn chắc chắn đều sẽ được diện kiến các Ngài. Khi nhìn thấy chư Bản tôn Uy mãnh, bạn cần hiểu rằng đó là sự thị hiện tâm giận dữ, phẫn nộ của chính bạn. Khi nhìn thấy chư Bản tôn với Pháp tướng xấu xa, ghê gớm, đó cũng chính là sự thị hiện của trạng thái tâm tương ứng. Đó là vô vàn pháp tướng thị hiện của vô vàn khía cạnh khác nhau của tâm. Hiểu biết này vô cùng quan trọng. Nhưng nếu bạn không thể nhận ra rằng đó là chư Phật, chư Bồ tát thị hiện để giúp bạn giải thoát, thì khi trông thấy các ngài, bạn sẽ lập tức trốn chạy trong nỗi kinh hoàng sợ hãi.

Pháp thực hành Yoga Bản tôn cũng rất hữu ích ở cuối giai đoạn Bardo tái sinh bởi trong trường hợp này khi nhìn thấy hình ảnh cha và mẹ tương lai đang hợp nhất, bạn sẽ không bao giờ rơi vào dục vọng hay sân giận như thông thường, mà ngay lập tức quán tưởng tự thân trong Pháp tướng một Bản tôn nào đó, và quán tưởng người cha tương lai là Đức Thắng Lạc Kim Cương hay có thể là Thời Luân Kim Cương, còn người mẹ tương lai là Đức Kim Cương Phật Mẫu. Kinh nghiệm thực hành quán tưởng khi còn sống sẽ giúp bạn tự nhiên nhậm vận quán tưởng ngay lập tức cha và mẹ tương lai trong Pháp tướng Bản tôn tối thắng.    

Như vậy, nhờ thiện nghiệp tu tập, bạn có thể chuyển hóa cha mẹ tương lai thành các Bản tôn, và thông qua phương tiện thiện xảo ấy, bạn có thể thực chứng tự tính tâm, chuyển hóa hoàn toàn mọi thứ thành Trí tuệ, thành Đại Thủ Ấn, thành giải thoát giác ngộ và không phải trải qua sự đầu thai tái sinh trong luân hồi. Đây là cơ hội giải thoát vô cùng quý giá. Lý thuyết thì là như thế nhưng thực hành thì rất khó. Sở dĩ rất rất khó thực hành là vì dục vọng và sân giận của chúng ta vô cùng sâu xa, mạnh mẽ bất kể bạn là người có tâm lí hay tính cách như thế nào. Có thể xã hội bên ngoài nhìn nhận bạn là người có tính cách nhẹ nhàng, tốt bụng, ôn hòa, nhưng nếu quay trở lại nội tâm, nếu bạn thực sự quán chiếu các xúc tình sâu kín nơi thâm tâm, điều gì thật sự là bí mật của bạn? Bạn sẽ thấy rằng bí mật của bạn chứa đầy dục vọng và sân hận. Chỉ có điều phần tối dục vọng và sân hận ấy đang được khéo léo che đậy, giấu kín dưới vỏ bề ngoài nhã nhặn mà thôi. Tuy nhiên, cũng thật may mắn là chúng ta có vẻ bề ngoài dễ thương và tử tế, nếu không tất nhiên chúng ta sẽ trở nên điên loạn, xã hội sẽ trở nên hỗn loạn. Nếu không có những quy ước và thỏa hiệp xã hội như đạo đức, pháp luật hay danh dự,… chúng ta sẽ vô cùng điên loạn và mất kiểm soát giống như đàn khỉ vậy.
 

Dưới góc độ thực hành, quá trình quán tưởng Bản tôn là một quá trình tịnh hóa giúp hành giả thuần thục với sự hình thành và tan rã của các giai đoạn Bardo. Chúng ta đã trôi lăn trong luân hồi sinh tử từ vô thủy kiếp đến nay, đã sinh ra và chết đi không biết bao nhiêu lần, cho nên trong thực tế, tâm thức của chúng ta rất quen thuộc đối với các giai đoạn khác nhau trong Bardo trung ấm và tái sinh. Các giáo pháp thực hành Yoga Bản tôn nhằm mục đích tịnh hóa tâm thức của bạn, nhờ đó bạn có thể đạt giải thoát khỏi tứ sinh Noãn, Thai, Thấp, Hóa.

Tứ sinh gồm: (i) thai sinh tức sinh ra từ trong bào thai của người mẹ, (ii) thấp sinh tức sinh ra từ sự ẩm ướt như loài côn trùng, (iii) noãn sinh tức sinh ra từ trứng, và (iv) hóa sinh tức là theo nghiệp lực mà sinh như chư Thiên cõi trời, ví dụ hay như trường hợp đản sinh của Đức Liên Hoa Sinh là hóa sinh trên hoa sen. Như vậy có bốn cách quán tưởng để tịnh hóa bốn cách thức sinh ra này. Thông thường, cách quán tưởng để tịnh hóa thai sinh là chi tiết nhất. Song cũng có các cách quán tưởng đơn giản hơn, ví dụ quán tưởng để tịnh hóa noãn sinh trong pháp tu trì Bản tôn Kim Cương Tát Đỏa. Trong pháp tu này, trước hết bạn quán tưởng chủng tử tự “Pam”, và rồi tiếp đến chữ Pam này hòa tan vào chày kim cương, và sau đó chày kim cương hòa tan vào Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa. Tôi xin mô tả một ví dụ khác liên quan đến hóa sinh bằng thần thông. Tất nhiên Thượng sư Liên Hoa Sinh đã là bậc thanh tịnh, nhưng ngay cả những chư Thiên sinh ra trong Cõi Trời Đâu Xuất, họ không hề có cha hay mẹ sinh ra, cũng không nhờ nhiệt lượng, không sinh từ trứng, họ cứ thế tự nhiên sinh ra nên pháp này được gọi là hóa sinh. Có ba mươi ba cõi Trời khác, khi một người mẹ ở cõi Thiên sinh con, người con sẽ chỉ tự nhiên hiện ra trong lòng người cha hoặc người mẹ, không hề có máu huyết hay đớn đau gì cả. Tương ứng với mỗi cách sinh ra là một pháp quán tưởng tịnh hóa khác nhau và các pháp này có thể ngắn gọn hay phức tạp. Nói chung, sự thực hành quán tưởng càng đầy đủ công phu bao nhiêu thì các bạn sẽ càng được tịnh hóa bấy nhiêu.

Trong các pháp quán tưởng Bản tôn, vị Bản tôn An bình luôn ngồi hay đứng trên Mandala mặt trăng, và có thể đi kèm hoặc không đi kèm một đĩa mặt trời ở bên dưới Mandala mặt trăng. Còn Bản tôn Uy mãnh luôn ngồi hay đứng trên đĩa mặt trời. Đĩa mặt trời biểu trưng cho giọt tinh chất đỏ của mẹ, và đĩa mặt trăng biểu trưng cho giọt tinh chất trắng của cha. Khi thụ thai thì đòi hỏi phải có cả hai, vì thế cần quán tưởng cả hai đĩa mặt trăng và mặt trời. Tòa mặt trời và mặt trăng nằm trên hoa sen, trực tiếp liên quan đến quá trình trứng của mẹ và tinh chất của cha trộn lẫn vào nhau vào thời điểm hợp nhất của cha mẹ. Tâm thức trong Bardo nhìn thấy cha và mẹ tương lai của nó, và bởi vì nghiệp lực tạo ra bởi sự hợp lực này, tâm thức bị thu hút và đi vào sự hòa tan của giọt tinh chất của cha và mẹ. Nhưng nhờ thực hành quán tưởng tòa sen, mặt trời, mặt trăng sẽ tịnh hóa khoảnh khắc khi tâm thức đi vào sự hòa tan.

Chủng tử tự chính của thiền định xuất hiện tiếp theo tại trung tâm của đĩa mặt trăng, mặt trời và chuyển hóa thành pháp khí cầm tay của Bản tôn (trong trường hợp Bản tôn có nhiều tay và cầm nhiều pháp khí khác nhau, thì pháp khí ở đây là pháp khí vị Bản tôn cầm trong tay phải chính của mình). Nhờ đó, tịnh hóa tâm thức trong giai đoạn Bardo Tái sinh khi mà tâm thức kết hợp với sinh khí vi tế đi vào sự hòa tan của giọt tinh chất trắng và đỏ trong bụng mẹ. Kết quả là thai sinh được tịnh hóa.

Ánh sáng tỏa ra từ pháp khí cầm tay trong hình tướng của phẩm vật cúng dàng, sau đó quay trở lại hòa tan vào pháp khí. Số lần ánh sáng tỏa ra và hấp thụ lại, và việc ánh sáng tỏa ra từ chủng tử tự hay từ pháp khí cầm tay phụ thuộc vào mỗi nghi quỹ cụ thể. Giọt tinh chất cha và mẹ, thức và sinh khí được kết hợp với nhau, và giai đoạn sau là sự phát triển dần dần của bốn yếu tố da thịt, xương, máu và khí. Khi bào thai phát triển bên trong bụng mẹ, ngũ quan dần phát triển cho đến khi đầy đủ. Sự tỏa ra và hấp thụ lại ánh sáng tịnh hóa phát triển bốn yếu tố này thành các giác quan. Pháp khí cầm tay sau đó chuyển hóa thành sắc thân hoàn thiện của vị Bản tôn. Sự quán tưởng này trực tiếp tịnh hóa quá trình sinh ra - đứa bé sinh ra vào đời và bắt đầu khóc. Thói quen sinh vào thế giới được tịnh hóa bằng giai đoạn quán tưởng này.

Đối với chúng sinh được sinh ra từ trứng (noãn sinh) hay qua sự hòa tan của hơi nóng và hơi ẩm (thấp sinh) hoặc tái sinh vào cõi Thiên và cõi Địa ngục (hóa sinh), sự quán tưởng pháp khí cầm tay chuyển hóa thành vị Bản tôn có năng lực tịnh hóa ba loại Thấp, Noãn và Hóa sinh.

Noãn sinh hay sự sinh ra qua trứng được tịnh hóa theo cách: Khi chủng tử tự chuyển hóa vào pháp khí cầm tay sẽ tịnh hóa việc tâm thức trong giai đoạn Bardo tái sinh đi vào sự hợp nhất của chủng tử và máu ở khoảnh khắc thụ thai. Ánh sáng sau đó tỏa ra và hấp thu lại, và pháp khí cầm tay hòa tan thành ánh sáng, tương ứng với sự phát triển của trứng. Sự xuất hiện của Bản tôn tịnh hóa giây phút trứng vỡ và chúng sinh được sinh ra.

Thấp sinh - sự sinh ra qua hơi nóng và hơi ẩm - được tịnh hóa bằng cách tương tự. Đĩa mặt trời tượng trưng và tịnh hóa hơi nóng, còn mặt trăng tượng trưng và tịnh hóa hơi ẩm. Chủng tử tự và pháp khí cầm tay tượng trưng cho tâm thức hòa nhập với sinh khí. Sự tỏa ra và hấp thụ lại ánh sáng và ánh sáng tan vào vị Bản tôn tương ứng và tịnh hóa quá trình tâm thức đi vào hỗn hợp của hơi nóng và hơi ấm và được sinh ra.

Hóa sinh được tịnh hóa bằng cách sau: quán tòa ngồi của Bản tôn là nơi sinh của tâm thức trong Bardo tái sinh. Chủng tử tự và pháp khí cầm tay đại diện cho tâm thức hòa nhập với sinh khí. Ánh sáng tỏa ra và hấp thụ lại đại diện cho khao khát tái sinh của tâm thức. Nó tạo ra sức mạnh nuôi dưỡng nghiệp lực để tái sinh trong tức khắc. Đó là cách mà hóa sinh xảy ra. Khoảnh khắc mà vị Bản tôn xuất hiện là khoảnh khắc tịnh hóa của hóa sinh.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698754
Số người trực tuyến: