Thượng tọa Thích Viên Thành - Chân dung bậc giác ngộ (Phần 3) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thượng tọa Thích Viên Thành - Chân dung bậc giác ngộ (Phần 3)

Một cốt cách của Bậc giác ngộ với lòng từ bi vô lượng hướng về chúng sinh

Tiếp nối ý chí quyết tâm ở những năm đầu mới cất bước, vị Tăng sĩ trẻ tuổi vẫn không ngơi nghỉ việc học tập. Từng ngày, từng tháng, từng năm trưởng thành trong nhận thức, giác ngộ đã được ghi lại thành những lời thơ hàm súc. Trước hết là tự thẩm định lại bản thân mình:

Tam học tuy tu tâm chửa tịnh

Ngũ trần dẫu bớt dạ còn đam

Đàn – Ba – La - mật từ nay nguyện

Hạnh Phổ Hiền Vương quyết chí làm.

(Bài “Tự trách”)

Đến nay phải thụ thân hàm thức

Bởi trước lầm mê tính Phật đà

Cho đến bây giờ tôi mới hiểu

Muôn hình chẳng lọt thức tâm ta.

(Bài “Học duy thức”)

Và sau đó tự chiêm nghiệm để khẳng định bản chất, bản lĩnh của mình:

Hôm nay nghe được Cha hiền dạy

Mới biết trong mình ngọc vẫn đeo.

(Bài” Lần đầu đọc kinh Pháp Hoa”)

Hình ảnh “trong mình ngọc vẫn đeo”, thật đẹp, vừa nôm na, giản dị, dễ hiểu, vừa hàm súc, đa nghĩa, gợi những liên tưởng, suy ngẫm sâu rộng. Phải chăng vị tăng nhân – thi sĩ ấy đã nhìn thấy Phật mãi mãi ở trong lòng mình? Tâm tức Phật. Phật ở trong ta, chân lý Phật pháp thâm hậu, uyên bác đã được nghệ thuật hóa bằng một hình ảnh thơ tươi tắn thật là tài hoa!

Từ sự khẳng định ngọc vẫn sáng trong mình, Phật mãi ở trong ta, nhà thơ tự hào và mạnh dạn bộc lộ những nhận thức, những giác ngộ khá vững vàng lẽ chân như, Phật pháp. Bài “Họa thơ Thức Như”, bài “Nhắn bạn đồng tu nhân ngày thụ giới”, bài “Thăm miếu thần linh”… có những câu thơ như tuyên ngôn về cách sống, rực sáng ngọn đuốc trí tuệ. Đặc sắc nhất là bài “Họa thơ Thức Như:

Sinh, tử ba đời do thức hiện

Thánh, phàm chín cõi bởi tâm ta

Khuyên ai đã biết tin Tam bảo

Trẻ sớm đi tu, chớ để già

Nhắn nhủ cùng ai, trẻ chí già

Tu hành cho thoát kiếp làm ma

Người không tham dục sang hơn cả

Đời chẳng sân si sướng lắm mà

Phiền não chỉ còn vì sự nghiệp chướng

Thanh cao nhờ ở cái “không ta”

Tu là cõi phúc, nên tu lấy

Nhắn nhủ cùng ai trẻ chí già.

Rõ ràng, những câu thơ như thế vừa sâu sắc một chất Thiền, vừa mộc mạc, nhẹ nhõm chất đời, có ý nghĩa răn bảo, giáo dục thiết thực đối với mọi người.

Mở rộng tâm hồn chia sẻ mọi nỗi niềm với chúng sinh

Thiên chức vẻ vang của người tu hành mà đức Phật từng dạy đệ tử là thụ giáo và truyền giáo. Do đó, ngay trong những bài thơ thể hiện niềm vui của người đang bước dần tới chân như, ngộ đạo, tác giả đã “Nhắn nhủ cùng ai trẻ chí già” hướng về “Thiền môn” học theo Phật pháp đề hòa đồng cùng mình, chia sẻ mọi buồn vui, gột rửa mọi điều xấu xa, độc ác, dối trá. Có tới mười bài thơ được viết đều đặn từ 1968 đến 1978 thể hiện nội dung, cảm hứng mang tính chất nhân văn này, như “Tiễn bạn”, “ Tặng ông bạn đông y”, “Gửi bạn đồng niên”, “Họa thơ Thức Như”, “Nhắc bạn đồng tu..”, “Khuyên người đa tình” (2 bài) “Khuyên bạn đồng tu”..v.v... 

Khi thấy người tốt thì Hòa thượng ngợi ca, động viên để nêu gương tốt, cũng để cùng nhau hoằng dương đại nghĩa, cứu đời, gặp người còn vướng víu, đắm chìm trong “biển ái” thì Ngài chân thành khuyên răn, giảng giảm để người mau mau tỉnh lại:

Biển ái mênh mông nước đục lờ

Thương ai càng tắm lại càng nhơ

Nổi chìm mơ mộng từ bao kiếp

Sống thác vòng quanh mãi tới giờ

Lửa dục nấu nung thân ảo não

Sóng phiền trôi dạt cõi bơ vơ.

(Bài “Khuyên người đa tình”)

Sau khi vạch ra cái hậu quả đáng buồn của kẻ “đa tình”, vị Tăng nhân gửi một lời cũng là tất cả tấm lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của Phật đạo:

Khuyên ai hãy sớm hồi tâm lại

Từ phụ bên kia vẫn cố chờ

(Bài “Khuyên người đa tình)

Lời thơ và tình người thật nhẹ nhàng, nhân hậu. Đấy là thái độ yêu thương đối với những phàm phu còn nặng căn rễ trong biển ái nhân gian.

Hướng tới thánh đạo, vươn lên trong cõi thiêng huyền để tiếp tục sửa mình trên con đường giác ngộ

Đọc các bài thơ viết theo chủ đề này, tôi có cảm giác có lúc thơ và người như thoát khỏi thân xác để trò chuyện với Táo quân (bài “Nhắn cụ Táo quân lên trời”, với Thổ thần (bài “Thăm miếu thần linh”), bái kiến các Bồ tát (bài “Tán thán Đức Quan Âm”, “Tán thán Bồ tát Địa Tạng”), nghiêng mình trước những anh hùng vì nghĩa quên thân (bài “Vịnh tượng Tướng quân Đinh Công Tráng”)…..

Với Táo quân, người tu hành tâm sự:

Dẫu thế nhưng tôi có nguyện riêng

Không cầu phúc báo cõi nhân thiên

Chỉ mong mau chóng tu thành Phật

Độ hết quần sinh thoát não phiền.

Với Thổ thần, Ngài chân thành cầu nguyện sự giúp đỡ:

Tôi, Cụ ngày nay đã có duyên

Duyên vì đạo pháp khó lòng quên

Tôi cầu Tam bảo gia trì Cụ

Cụ giúp tôi tăng sức thiền

Trước chư vị Bồ tát, Ngài cầu nguyện để noi theo:

Đi cùng Pháp giới cho vô úy

Dạo khắp Sa bà độ hữu duyên

(Bài “Tán thán Đức Quan Âm”)

Cầu nguyện, tôn xưng các vị Bồ tát, người chân tu đồng thời cũng tự dặn mình noi theo, rèn luyện và hành động như các tấm gương lung linh, huyền diệu đó.

Đạt được điều đốn ngộ ấy chính là đang rong ruổi trên con đường “Đi cùng Pháp giới cho vô úy). Vô úy là không sợ hãi, không cúi đầu trước điều ác cũng như trước mọi cường quyền bạo ngược ở đời, trước mọi vần xoay của tạo hóa. Học tập, thiền định, rèn luyện, tu thân như thế nào để đạt tới “Vô bố úy” như lời dạy của sư tổ Vạn Hạnh thì quả là điều hạnh phúc. Càng về cuối tập thơ, vị Tăng nhân – Thi sĩ ấy càng tiến gần bước tới bậc thềm của giác ngộ Chân như, nên thơ đã có nhiều âm hưởng của niềm vui, sự hỷ lạc.

Cuối tập thơ, vị Tăng nhân viết bài “Xuống núi lần đầu” như muốn bày tỏ khát vọng hoằng dương đạo pháp để góp phần cứu vớt chúng sinh:

Bao kiếp xa xưa đắm lục trần

Hôm nay phản vọng được quy chân

Nương thuyền Bát Nhã qua dòng ái

Nhờ nước dương chi đoạn khổ luân

Gió mát trăng thanh kết bạn lữ

Hoa đàm đuốc tuệ mượn tu thân

Nhưng toan yên phận miền sơn dã

Lại xót sinh linh gấp bội phần!

Quả thật như vậy, kể từ năm 1973, Thượng tọa bắt đầu tham gia các chương trình đào tạo chính khóa và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Dù ở bất kỳ cương vị nào, Thượng tọa cũng đều tận tâm, nêu gương tiêu biểu trong việc tốt đạo đẹp đời. Ngài nhận lĩnh các công việc, các chức vụ chỉ vì lợi ích cho số đông, cho đồng bào và dân tộc. Vào đời bằng hạnh nguyện Bồ tát, Hòa Thượng tham gia tích cực các công tác từ thiện xã hội để đem lại an lạc, hạnh phúc cho nhân sinh.

(Lược trích ấn phẩm “Thiền môn thi ký”) 

Tham khảo thêm

Thượng tọa Thích Viên Thành - Chân dung Bậc Giác ngộ (Phần 1)

Thượng tọa Thích Viên Thành - Chân dung Bậc Giác ngộ (Phần 2)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698991
Số người trực tuyến: