Bản tôn nào phù hợp nhất với người mới thực hành? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Bản tôn nào phù hợp nhất với người mới thực hành?

Thông thường, hành giả mới tu tập tốt nhất là nên chọn một Bản tôn an bình để thực hành. Bản tôn phẫn nộ không thích hợp cho hành giả mới tu tập, thực hành này chưa phù hợp do có thể dễ gây ra hiểu nhầm. Trong quá khứ, có nhiều hành giả cũng từng tu tập Bản tôn phẫn nộ nhưng lại thiếu sự hiểu biết thấu đáo. Chẳng hạn như khi bạn quán tưởng Bản tôn, nếu có lòng tin rằng mình là Bản tôn theo kiểu: “Tôi, pháp danh Vô Úy, là một Bản tôn phẫn nộ”, thì rồi Bản tôn trong sự quán tưởng của bạn sẽ trở thành một vị thần bản địa, một Bản tôn thông thường. Ngay ở các quốc gia Phật giáo vùng Himalaya, cũng có nhiều người lạm dụng những vị Bản tôn để thực hành tà pháp. Họ quán tưởng Bản tôn, nhưng họ lại tin tưởng chắc chắn rằng Bản tôn ấy thực sự tồn tại ở bên ngoài, hoặc “tôi là Bản tôn”, rồi thế là sự quán tưởng trở thành một vị thần phàm tục.


Đức Kim Cương Hợi Mẫu

Chính vì vậy nên chúng ta vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng khi bạn quán tưởng tự thân mình là Đức Quán Thế Âm, như thế không có nghĩa là bạn tự nhủ: “Tôi, pháp danh Vô Úy, biến thành Đức Quán Thế Âm”. Thay vì thế, bạn cần phải có được sự thấu hiểu rằng từ vô thủy tới nay, Phật tính của tôi hoặc tự tính tâm không tạo tác của tôi vẫn luôn là Đức Quán Thế Âm, vẫn luôn là Varjavarahi (Kim Cương Hợi Mẫu, một hiện thân khác của Vajra Yogini - Kim Cương Thánh Mẫu), và sự hiểu biết này sẽ được chuyển hóa hoặc hiện thân thành Đức Quán Thế Âm. Đó chính là lý do vì sao mà chúng ta cần quán hòa tan. Đức Quán Thế Âm hòa tan vào trong chân ngôn và tất cả hòa tan vào tự tính tâm của bạn. Mọi thứ bắt nguồn từ tính không và quay trở về hòa nhập với tính không. Khi chúng ta có niềm tin rằng mình là Bản tôn này hay Bản tôn kia, thì niềm tin đó không phải là chúng ta nay là Bản tôn này, mà phải được hiểu là từ nguyên thủy tới nay, tâm không tạo tác của ta vốn là Đức Quán Thế Âm. Bạn không nên giữ tâm nhị nguyên với khái niệm “Tôi là thế này hay thế kia” bởi thực hành như vậy là không đúng.

Khi bạn nhìn thấy một Bản tôn phẫn nộ hay Bản tôn an bình thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Bản tôn đó an bình hay giận dữ. Các Bản tôn khác nhau biểu trưng cho các xúc tình khác nhau của chúng sinh. Vì con người có vô số xúc tình phiền não khác nhau nên các Bản tôn cũng như vậy, các Ngài có vô số hình tướng khác nhau. Thế nhưng rốt cuộc chúng ta phải hiểu rằng mỗi xúc tình, mỗi hiện tượng, xét từ quan kiến Đại thừa, đều phải được hiểu là Tính không. Như vậy Tính không là gì? Trong Đại thừa chúng ta nói Tính không là Pháp thân, Pháp thân chính là Phật. Vì thế nên chúng ta cũng nói rằng Phật tính chính là Tính không. Như vậy nói tóm lại, các vị Bản tôn khác nhau biểu trưng cho các xúc tình khác nhau của chúng ta.

Chư Phật Bản tôn được quán tưởng là những mẫu hình toàn hảo về năng lượng giác ngộ và công hạnh lợi tha. Các Ngài hoàn toàn không tách rời với cuộc sống và những kinh nghiệm hàng ngày của con người mà chính là sự phản ánh các trạng thái ý thức khác nhau. Đức Phật, Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara và chư Bản tôn An bình tượng trưng cho các khía cạnh tâm siêu việt, trong khi đó chư Bản tôn Uy mãnh biểu trưng cho những khuynh hướng bên trong chưa được chuyển hóa như thù hằn, đố kị, tham lam và tội lỗi. Khi chúng ta chưa hiểu bản chất của những năng lượng tiềm ẩn này, chúng sẽ bộc lộ ra ngoài theo hướng tiêu cực. Nhưng khi chủ động nhìn nhận chúng một cách có ý thức, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và bao dung hơn với chính bản thân cũng như với mọi người.

Các Bản tôn hợp nhất là tượng trưng cho đại lạc và Tính không bất khả phân, hoặc chúng ta có thể gọi đó là phương tiện và trí tuệ. Nếu điều này quá khó hiểu thì bạn cũng có thể sử dụng những từ ngữ sử dụng trong Đại thừa. Chẳng hạn như trong Đại thừa chúng ta có sáu Ba la mật, năm Ba la mật đầu là phương tiện, còn Bát Nhã Ba La Mật là trí tuệ. Như vậy bạn có thể nói rằng sự thực hành cần đi liền với hợp nhất, hoặc ngay trong các sự vật hiện tượng (vạn pháp) cũng vậy, cho dù có tồn tại song vẫn có Tính không đi kèm, giống như hình ảnh trong gương. Như vậy để nói rằng ngay bên ngoài cũng có sự hợp nhất giữa Mẫu tính tượng trưng cho Tính không và Phụ tính tượng trưng cho Từ bi hoặc chính là sự hiện hữu.

Ngay lúc bạn có xúc tình thì như vậy là bạn đang thực hành không đúng pháp. Khi đang quán tưởng một Bản tôn an bình, bạn không được có khái niệm rằng mình là một Bản tôn an bình, mình là một vị Phật đang mỉm cười hoan hỷ. Hoặc khi thực hành một Bản tôn phẫn nộ, bạn cũng không thể nghĩ: “Giờ thì tôi là một Bản tôn phẫn nộ”. Bạn không thể có những xúc tình như vậy vì điều quan trọng ở đây là chúng ta đang cố gắng hiểu ra rằng sự hiền hòa hay phẫn nộ cũng đều là trí tuệ, tất cả đều là Tính không. Như vậy xét từ phương diện thực hành, bạn có tiếp cận theo cách nào thì cũng giống nhau. Sắc thân phải là sự hợp nhất bất khả phân của sự vật hiện tượng và tính không. Khẩu (lời nói) phải giống như tiếng vang vọng, sự tồn tại và tính không là không thể tách rời. Ý cũng như vậy, bất cứ xúc tình nào khởi phát, bạn chỉ cần nhận biết rồi để cho tan biến vào tự tính tự nhiên. Sự thực hành này áp dụng cho tất cả các thực hành Bản tôn.

Trong khi quán tưởng, chẳng hạn quán tưởng Thượng sư Liên Hoa Sinh hay Tara Độ Mẫu trước mặt, bạn cần hiểu rằng có Đức Liên Hoa Sinh bên ngoài, bên trong và bí mật. Thượng sư Liên Hoa Sinh bên ngoài có thể là bậc Căn bản Thượng sư của chúng ta. Thượng sư Liên Hoa Sinh bên trong có thể là trong Báo thân ở cõi Tịnh Độ. Thượng sư Liên Hoa Sinh bí mật chính là tự tính, là trạng thái không tạo tác của vạn pháp, bao gồm cả tự tính tâm của chính chúng ta. Vì thế chúng ta cần phải quán tưởng Sắc tướng của Bản tôn giống như bóng trăng phản chiếu trên mặt nước; Khẩu giống như tiếng vang vọng; Tâm phải tràn ngập trí tuệ bất nhị. Đối với hành giả mới bắt đầu tu tập thì điều này rất khó, vì vậy bạn chỉ cần quán tưởng Thượng sư Liên Hoa Sinh đang thực sự hiện thân phía trước bạn, rồi bạn bắt đầu trì tụng lời cầu nguyện. Ở mức độ hành giả mới thực hành thì được như vậy là rất tốt rồi, dần dần từng chút một, nếu biết kiên trì trên con đường tu tập, mọi thứ sẽ được trưởng dưỡng nơi bạn. Trên thực tế, Bậc Thầy có thể khai thị cho bạn về Tính không của sắc thân nhưng bạn sẽ chỉ thực sự thực chứng được điều này nhờ vào sự thực hành của chính mình.

(Trích ấn phẩm “Bản tôn – Chân ngôn – Trí tuệ”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2011)



 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5755130
Số người trực tuyến: