Bạn đang ở đây
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC MANDALA CỦA BẢO THÁP
Một cách chung nhất, chúng ta có thể tìm thấy những đặc điểm kiến trúc sau tại các Bảo tháp Kim Cương thừa:
1. MẶT BẰNG ĐẠI BẢO THÁP LÀ MANDALA
Kiến trúc mặt bằng và các trục của Bảo tháp được xác định theo phương vị Mandala. Tòa tháp là sự thể hiện trong không gian vật chất ba chiều các phương diện của Mandala siêu hình. Mandala như vậy chính là nền móng siêu hình của tòa Bảo tháp.
2.MANDALA BÊN TRONG BẢO THÁP
Các khối đá phần móng trong nhiều Bảo tháp thường có hình dạng và chức năng của một Mandala. Trong cách thể hiện khác, các khối đó có thể được thay bằng một không gian nhỏ bằng đá đặt tại chính giữa phần nền Bảo tháp; từ khu trung tâm này mới chia ra các khoang ở tám hướng theo các trục không gian Mandala.
3. BẢO THÁP LÀ MANDALA CỦA NĂM ĐỨC PHẬT HIỆN KIẾP
Theo giáo lý, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải là Đức Phật duy nhất thị hiện trong hiện kiếp này (giai đoạn 16.800.000 năm hiện tại). Trước Ngài, đã có ba Đức Phật Krakucchanda (Ca La Tôn Đại Phật), Kanakamuni (Câu Na Hàm Mâu Ni Phật), và Kasyapa (Ca Diếp Phật) thị hiện. Trong kỳ kiếp này còn có Maitreya (Phật Di Lặc) sẽ thị hiện trong tương lai để giáo dưỡng chúng sinh.
Trong kiến trúc Bảo tháp, để sắp đặt đúng Pháp, chúng ta sẽ an vị ảnh tượng hoặc kinh điển có liên quan đến đức Phật Krakucchanda ở chính giữa; ảnh tượng Phật Kanakamuni tại phía Đông; ảnh tượng Phật Kasyapa tại phía Nam; ảnh tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tại phía Tây; và ảnh tượng Phật Di Lặc tại phía Bắc.
4. BẢO THÁP LÀ MANDALA NGŨ TRÍ PHẬT
Kiến trúc của Bảo tháp còn nêu biểu cho năm vị Phật trí tuệ của Mandala Kim Cương giới, thể hiện qua việc sắp đặt các ảnh tượng của Ngũ trí Phật tại các phương hướng tương ứng trong không gian. Phật Vairocana (Đại Nhật) được đặt ở giữa Bảo tháp; Phật Aksobhya (A Súc Bệ) được đặt tại phương Đông Bảo tháp; Phật Ratnasambhava (Bảo Sinh) được đặt tại phương Nam; Phật Amitabha (A Di Đà) được đặt tại phương Tây và Phật Amogasiddhi
(Bất Không Thành Tựu) được an vị tại phương Bắc. Ngũ trí Phật nêu biểu cho năm nguyên tố (nước, lửa, đất, gió, không khí), năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) và năm loại trí tuệ Phật.
- 170
Viết bình luận