Cầu sinh Tịnh Độ không hề trái với lý vô sinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cầu sinh Tịnh Độ không hề trái với lý vô sinh

Thể của các pháp là không, xưa nay vẫn vô sinh và bình đẳng vắng lặng. Khi tâm ta thanh tịnh, dù ở Uế Độ cũng thanh tịnh; trái lại như không thanh tịnh, tuy ở Tịnh Độ vẫn phiền não rộn ràng. Nếu đã có sinh tất phải có diệt hay có sinh là có tử. Thế thì bỏ Ta Bà cầu sinh về Cực Lạc, chẳng là trái đạo lý ư?

Vấn đề này có hai nghĩa. Xin thể theo lời của Trí Giả đại sư trong Thập Nghi Luận và phụ thêm đôi chút ý kiến để giải thích, phân làm tổng đáp cùng biệt đáp.

Về phần tổng đáp

Nếu cho rằng cầu về Tịnh Độ là bỏ đây tìm kia, không hợp với lý Chân Như bình đẳng. Thế thì trụ Ta Bà không cầu sinh Cực Lạc, há không bị lỗi bỏ kia chấp đây sao? Còn như bảo: "Tôi không cầu kia cũng không chấp đây", lại cũng mắc vào lỗi đoạn diệt. Cho nên kinh Kim Cang Bát Nhã nói: "Tu Bồ Đề! Ông đừng nghĩ rằng: Nói phát tâm vô thượng Bồ Đề là đoạn diệt hết tướng của các pháp. Tại sao thế? Vì phát tâm vô thượng Bồ Đề, đối với các pháp không nói tướng đoạn diệt."

Về phần biệt đáp

Xin giải thích về lý vô sinh và tâm tịnh.

Vô sinh cũng chính là lý bất sinh bất diệt. Bất sinh là các pháp do nhân duyên giả hợp mà sinh, không tự thể, nên không thật có tướng sinh. Vì nó hư huyễn, không phải thật từ đâu sinh hiện, nên gọi là bất sinh. Bất diệt là khi các pháp hoại diệt, cũng không tự tính, không bảo rằng mình hoại diệt. Vì nó không thật có chỗ trở về, dứt mất, nên gọi là bất diệt. Cho nên lý vô sinh hay bất sinh diệt, không phải "ngoài các pháp sinh diệt mà có." Vì thế chẳng phải không cầu sinh Tịnh Độ mà gọi là vô sinh, hoặc sinh về Cực Lạc, là có tử diệt, trái với lý vô sinh đâu! Đó là luận về lý, riêng về sự thì người sinh Tịnh Độ tất lên ngôi bất thoái, sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp. Trong thời gian ấy tiến tu đã dư chứng quả vô sinh. Như thế đâu còn vấn đề: có sinh có diệt, hoặc có sinh có tử mà phòng ngại!

Lý tâm tịnh cũng thế, dùng tâm thanh tịnh ở Ta Bà hành đạo, cùng trụ tâm thanh tịnh ở Cực Lạc để tu tiến, nào có ngại gì? Kinh Duy Ma nói: "Tuy biết các cõi Phật, cùng với hữu tình không, mà thường tu Tịnh Độ, để giáo hóa quần sinh." Cho nên người trí tuy siêng cần niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ, mà không chấp có tướng sinh, vì nó không thật có; tuy biết rõ các pháp xưa nay hằng thanh tịnh vắng lặng, mà không ngại gì cầu sinh Tây Phương, mượn thắng duyên tu tiến để giáo hóa loài hữu tình. Đây mới là chân vô sinh, và cũng thật là nghĩa tâm tịnh tùy chỗ thanh tịnh. 

Trái lại, kẻ kém hiểu biết bị tướng sinh ràng buộc, nghe nói sinh liền nghĩ là thật có sinh, có tử diệt; nghe nói vô sinh lại chấp không sinh về đâu cả. Họ đâu biết sinh chính là vô sinh, vô sinh há ngại gì sinh; và tâm tịnh lại có ngại gì cầu về Cực Lạc ư? Vì không hiểu lẽ ấy, họ sinh lòng tranh chấp thị phi, khinh chê người cầu sinh Tịnh Độ, thật lầm lạc xiết bao!

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”

HT. Thích Thiền Tâm

Tịnh Liên Đồ Thư Quán Xuất Bản)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5748483
Số người trực tuyến: