Đại thành tựu giả Marpa và thử thách của Bậc căn bản Thượng sư (Phần 4) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đại thành tựu giả Marpa và thử thách của Bậc căn bản Thượng sư (Phần 4)

Mỗi Bậc Thầy đều có rất nhiều cách để thử thách học trò. Trước khi chấp nhận Đức Marpa trở thành vị Đại đệ tử kế thừa dòng Truyền thừa của mình, Đạo sư Naropa tiếp tục thử thách sự chứng ngộ của Đức Marpa.

Rạng sáng hôm đó, Đạo sư Naropa hiển bày một Mandala Hô Kim Cương (Hevajra) với 9 vị Hộ pháp tỏa ánh sáng rực rỡ trên bầu trời. Rồi Ngài hỏi Đức Marpa:

- Con trai ta, Marpa Chokyi Lodro, đừng ngủ nữa, hãy thức dậy! Vị Bản tôn Kim Cương của con, Đức Hevajra, cùng với 9 vị Hộ pháp nữa đã xuất hiện trên bầu trời trước mặt con. Bây giờ, con muốn nhận gia trì, bản chất của thành tựu từ ai hơn – ta hay chư vị Hộ pháp?

Đức Marpa nghĩ: “Ta luôn ở bên Thầy, nhưng gặp chư vị Hộ pháp thực sự là cơ hội hiếm có”. Thế là Đức Marpa quỳ xuống lễ lạy trước Mandala rực rỡ của chư vị Hộ pháp. Nhìn Đức Marpa quỳ sụp lễ lạy, Đạo sư Naropa cất tiếng:

Như ta đã từng nói,

Trước khi có bất cứ Bậc Thầy nào trên đời

Chưa ai từng nghe tên Đức Phật

Tất cả các vị Phật của một ngàn kiếp

Chỉ xuất hiện nhờ một Bậc Thầy

Mandala này là sự hiển bày của ta.

Đạo sư Naropa hoà tan hình ảnh Bản tôn Hevajra trở về trung tâm trái tim và hỏi Đức Marpa:

- Bây giờ con sẽ lễ lạy ai?

Đức Marpa bàng hoàng hiểu ra rằng, từng vị Bản tôn thiền định đều là sự hiển bày của Thượng sư.

Thượng sư của Đức Naropa, Đức Tilopa từng nói với Đức Naropa rằng có vô số các giáo pháp khác nhau và rất nhiều Nghi quỹ phức tạp trong Mật thừa. Nhưng mọi thứ đều nằm trong giáo Pháp đơn giản: “Thượng sư tương ưng pháp” (Guru Yoga). Ngài Tilopa nói rằng: “Khi cầu nguyện, hãy hợp nhất đối tượng, ý nghĩ, và bản chất thành một”. Đối tượng ở đây là Bậc căn bản Thượng sư. Ý nghĩ là mong muốn hoàn thành mọi điều mà Bậc thầy chỉ dạy. Mong muốn tinh tấn này là thái độ vô uý để tiếp tục thực hành dù bất kể khó khăn trở ngại gì xảy ra. Bản chất là sự không sai biệt giữa Thượng sư và hành giả trong Pháp thân tuyệt đối.

Đối với mọi hành giả, hãy nghiên cứu càng nhiều càng tốt. Nhưng khi kết hợp mọi thứ vào thực hành, hãy cô đọng nó thành ba nguyên tắc sau. Đầu tiên, hãy khéo léo trong việc quán sát Bậc thầy, sau đó, hãy khéo léo trong việc phụng sự Bậc thầy, và cuối cùng, hãy khéo léo trong việc thấu triệt sự chứng ngộ của Bậc thầy. Ba điều tinh yếu trên chính là Thượng sư tương ưng pháp, mà tinh túy của pháp thực hành này chứa đựng mọi cấp độ khác nhau của Phật pháp.

Sau thử thách trên, khi Đức Marpa lễ lạy nhầm vị Hộ pháp thay vì lạy Thầy của mình, Đạo sư Naropa đã tiên tri rằng dòng máu của Marpa, các con trai Ngài không thể tiếp tục kế thừa dòng Truyền thừa này. Nhưng những học trò của Marpa sẽ kế thừa rất xuất sắc dòng Truyền thừa. Trong một thời gian dài sau đó, Đức Marpa đã trải qua nhiều cơn bệnh rất nặng. Đạo sư Naropa giải thích rằng, kể cả những đau ốm đó cũng là sự gia trì của Thượng sư và dòng Truyền thừa dành cho Đức Marpa, giúp Ngài trả bớt nghiệp xấu từ nhầm lẫn trong thử thách này. Sau khi đã trải qua rất nhiều thử thách và chướng ngại, Đức Marpa kết thúc chuyến đi tới Ấn Độ lần thứ ba, hoàn tất 21 năm tu học, Ngài từ biệt Đạo sư Naropa, và trở về vùng núi tuyết.

(Còn tiếp)

(Lược trích ấn phẩm “Kho tàng truyện cổ tích trong suốt”)

Tham khảo thêm

Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 1)

Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 2)

Đại thành tựu giả Marpa và hành trình tìm cầu Thượng sư với vô vàn gian nan, thử thách (Phần 3)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697237
Số người trực tuyến: