Đức Naropa chỉ dạy hành giả thành tựu pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đức Naropa chỉ dạy hành giả thành tựu pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara

Với trí tuệ, tài hùng biện và sự hiểu biết tâm linh, Đức Naropa từng được phong làm viện trưởng Đại học Nalanda danh tiếng - nơi Ngài trở thành vị Bảo Hộ Trấn Cửa Phương Bắc. Sau này, dưới sự hướng đạo từ Đức Tilopa,  Ngài đã thực chứng được bản tâm quang minh tịch tĩnh, thể nhập tự tính Kim Cương Trì Vajradhara. Sau khi thành tựu giác ngộ huy hoàng, Đại thành tựu giả Naropa truyền dạy Phật pháp cho vô số đệ tử ở rất nhiều nơi đặc biệt tại vùng Kashmir, nơi có rất nhiều ngôi tự viện do chính Ngài xây dựng. Trong lịch sử Phật giáo, Đức Naropa là một trong số những Đại thành tựu giả xuất chúng trong số tám mươi tư Đại thành tựu giả.

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên xin gửi tới Quý vị một số câu chuyện có thật về sự thành tựu pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara của những hành giả có phúc duyên được đón nhận giáo pháp từ Đại thành tựu giả Naropa.

KANAKA-SRI đản sinh ở xứ Magadha. Ngài theo học một tín đồ của Kurukulla. Tại tu viện Vikramasila, Ngài tu học kinh điển, mật điển và tất cả các môn khoa học. Tại Bengal, ngài thụ nhận quán đỉnh Guhyasamaja từ Đại thành tựu giả Dharmamitra. Mặc dù Ngài đã thiền định và trì tụng chân ngôn trong bảy năm, nhưng không hề thấy một dấu hiệu thành tựu nào; Ngài quyết định không thực hành thiền định nữa và quay lại sống một cuộc sống phàm tục như Ngài mong muốn.


Đại Thành tựu giả Naropa

Rồi một đêm nọ, trong một giấc mơ, một người phụ nữ nói rằng Ngài nên đến gặp Đức Naropa. Sau đó, Ngài đã thỉnh cầu Đức Naropa truyền quán đỉnh Chakrasamvara, và Ngài đã đạt được khả năng định một cách nhậm vận tự nhiên. Sau khi hành thiền được sáu tháng, Ngài đã có linh kiến về gương mặt của Đức Chakrasamvara. Ngài lại tiếp tục theo học Đức Naropa vĩ đại trong bảy năm, lắng nghe vô số Mật điển. Người ta nói rằng Ngài đã được học các mật điển trong pháp tu Chakrasamvara.

Ở Magadha, vào thời vua Neyapala trị vì, Ngài đã thi đấu khai triển thần thông với một môn đồ của Isvara tên là Khasa-madeva ('người được tôn vinh như 1 vị thần'). Tirthika đã vẽ một vòng tròn Mandala trong không trung, cao khoảng 1,8 m và đặt một cái bình trên đó; nhưng Ngài đã phá vỡ vòng tròn Mandala bằng cách ném hạt mù tạt trắng, và chiếc bình rơi xuống. Ngài dựng tôn ảnh của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara cao bằng cây palmyra trên không trung; chỉ đến khi chính Ngài thu tôn ảnh lại, còn không ai có thể làm cho tôn ảnh đó rơi xuống bằng bất cứ cách nào, kể cả bằng các thần chú ngoại đạo hay các mũi tên đang cháy. Và Ngài đã chiến thắng.

Nhà vua thỉnh mời Ngài đến Vikramasila với tư cách là một bậc thầy về Mật điển mẫu tính. Người ta nói rằng Ngài có linh kiến về Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, và bằng cách trì tụng chân ngôn hàng phục của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara, Ngài đã tám lần chiến thắng những tranh biện vô cùng gay gắt.

KANDHA-PA là một hành giả Phật giáo, mọi người xem Ngài dường như hơi độn căn. Ngài thỉnh cầu Đức Naropa ban cho quán đỉnh và gia trì để thực hành pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara. Sau 12 năm  thực hành, thiền định về chín vị Bản tôn xuất hiện trong Mật điển này như Đức Heruka, Ngài đã có linh kiến về Đức Heruka và Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara. Ngài chứng được đại định và có khả năng đi hết một chặng đường dài hàng trăm dặm trong vòng sát na.

Lúc đó, có một vị vua Mông Cổ đang cư ngụ ở Delhi. Khi vị vua này đang cho xây dựng lại cung điện vĩ đại của mình, Ngài Kandha-pa cũng đang ở gần đó may một bộ quần áo vá. Khi cung điện được xây xong, Ngài xé quần áo thành từng mảnh, và cung điện bị phá hủy bật khỏi nền móng. Điều này đã xảy ra ba lần.

Khi nghe tin đồn, nhà vua đã triệu thỉnh Ngài đến và phủ phục dưới chân ngài. Người kể lại cho nhau nghe rằng Ngài đã yêu cầu nhà vua thực hiện bốn lời nguyện, cụ thể là: (a) Không được hủy hoại bất kỳ một ngôi chùa Phật giáo nào; (b) Những người sống trong cung điện không được sát sinh; (c) Cúng dường chư tăng; và (d) Hàng ngày, phải niệm danh hiệu Phật để tỏ lòng tôn kính.

Bởi bộ quần áo vá có tên là kandhari; sau đó người ta gọi tên Ngài là Kandha-pa. Trong suốt cuộc đời còn lại, Ngài đã làm việc không mệt mỏi để lợi ích chúng sinh.

(Trích ấn phẩm: "Cầu nguyện Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara - Bài ca dâng lên Bậc cứu độ chúng sinh"

Nguyên tác: "In Praise of Tara - Songs to the Saviouress"

Tác giả: Martin Willson

NXB Wisdom Publications, 1992)

Hãy phát khởi Bồ đề tâm vì lợi ích hết thảy chúng sinh, cùng thực hành chuyên tu cầu nguyện Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara để tích luỹ vô lượng công đức, vượt qua những chướng ngại, khó khăn, bệnh tật và khơi dậy, trưởng dưỡng tình yêu thương vô ngã vị tha trong mỗi chúng ta.

Quý vị tải Tài liệu và hướng dẫn tu tập tại đây:

http://daibaothapmandalataythien.org/quanam

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5695860
Số người trực tuyến: