Thực hành con đường chí thành hướng lên Bậc thầy tâm linh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Thực hành con đường chí thành hướng lên Bậc thầy tâm linh

Tầm quan trọng của bậc Thầy tâm linh

Trong Phật Giáo Kim Cương thừa, chúng ta thường nhắc đến mối liên hệ Thượng sư - đệ tử. Thượng sư là bậc hướng đạo, dẫn dắt đệ tử, không phải trong môn khoa học thông thường mà là khoa học giải thoát khổ đau và luân hồi sinh tử. Đây là lý do tại sao Thượng sư cần phải hội tụ đầy đủ những phẩm hạnh đặc biệt. Một bậc Thượng sư không thể đơn giản là người chỉ biết giảng Pháp, bởi nhiều người có thể thực hiện điều này khá dễ dàng và giáo pháp nói cho cùng chỉ là lý thuyết. Quan trọng nhất là người Thầy phải có những trải nghiệm chân thật, phải là bậc Thành tựu giác ngộ. Mặt khác, vì người đệ tử thực hành với mục đích chứng đạt giác ngộ với lời phát nguyện “thành tựu Phật quả ngay trong một đời” nên việc tu học theo Kim Cương thừa cũng đòi hỏi ở người đệ tử những phẩm chất đặc biệt.


Đức Gyalwang Drukpa cùng hai Pháp tử của Ngài

Trong Phật Giáo Kim Cương thừa, chúng ta thường nhắc đến mối liên hệ Thượng sư - đệ tử. Thượng sư là bậc hướng đạo, dẫn dắt đệ tử, không phải trong môn khoa học thông thường mà là khoa học giải thoát khổ đau và luân hồi sinh tử. Đây là lý do tại sao Thượng sư cần phải hội tụ đầy đủ những phẩm hạnh đặc biệt. Một bậc Thượng sư không thể đơn giản là người chỉ biết giảng Pháp, bởi nhiều người có thể thực hiện điều này khá dễ dàng và giáo pháp nói cho cùng chỉ là lý thuyết. Quan trọng nhất là người Thầy phải có những trải nghiệm chân thật, phải là bậc Thành tựu giác ngộ. Mặt khác, vì người đệ tử thực hành với mục đích chứng đạt giác ngộ với lời phát nguyện “thành tựu Phật quả ngay trong một đời” nên việc tu học theo Kim Cương thừa cũng đòi hỏi ở người đệ tử những phẩm chất đặc biệt.

Tìm cầu bậc Thầy tâm linh trên con đường Mật thừa

Bởi bậc Thầy là đối tượng quy y tối thượng nên Kim Cương thừa đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm cầu và lựa chọn bậc Thượng sư có đầy đủ phẩm hạnh. Nhân duyên hạnh ngộ Thượng sư quả thật là mối nhân duyên lớn nhất của đời người. Vì có rất nhiều bậc Thầy cũng như nhiều truyền thống tu tập nên trước khi thụ nhận giáo pháp quán đỉnh từ bậc Thượng sư, hãy khéo léo tiếp cận kiểm tra phẩm chất của Ngài. Ở mức độ ban đầu, bạn cần tìm hiểu xem bậc Thầy mình vừa hạnh ngộ là ai, việc tu tập theo Ngài có phù hợp với động cơ, tâm nguyện và hoàn cảnh của mình không? Bạn cũng có thể tu học theo Ngài một thời gian để kiểm chứng xem nội tâm có gì chuyển hóa tích cực… Trước kia, các hành giả chân chính thường mất đến mười hai năm để lựa chọn bậc Thầy. Các bậc Thầy cũng thường quán xét và thử thách đệ tử trong nhiều năm trước khi ban truyền giáo pháp quán đỉnh. Ngày nay, quãng thời gian này có thể rút ngắn hơn. Thông thường, sau quá trình tìm cầu, chúng ta cần phải quán xét tìm hiểu phẩm hạnh của Thượng sư trong ba năm, còn Thượng sư cũng thường quán xét đệ tử trong sáu năm để đánh giá được đệ tử chân chính.

Trên thực tế, Thượng sư cũng tìm học trò và đệ tử. Một Thượng sư phải tìm đệ tử bởi mục đích các Ngài thị hiện trên thế gian này là để giúp đỡ và hướng đạo cho chúng sinh. Nếu không tìm được những đệ tử chân chính thì Ngài đã không hoàn thành tâm nguyện của mình và đã lãng phí rất nhiều thời gian. Khi đó tốt nhất là Ngài nên rời bỏ thế gian này đến những cõi khác để trợ giúp những chúng sinh nơi đó. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp bản thân chúng ta phải nỗ lực để tìm cầu Thượng sư. Điều này cũng giống như một chú ong đang tìm nơi xây tổ. Chú ong phải tìm kiếm tổ chứ chiếc tổ không thể tới tìm chú ong. Tương tự như vậy, bản thân chúng ta phải tích lũy công đức và sự tịnh hóa thông qua việc trải qua đôi chút khó khăn trong khi tìm cầu Thượng sư. Việc hạnh ngộ và sự hiện diện của Thượng sư cũng chính là hiện thân của phước điền và thước đo công đức của người đệ tử.

Phẩm chất bên trong của Thượng sư

Theo quan kiến Kim Cương thừa, nếu không biết phương cách đúng đắn để tìm cầu Thượng sư, chắc chắn chúng ta sẽ bị xem là một đệ tử không đủ phẩm hạnh chân chính. Chúng ta đừng bối rối hay băn khoăn gì mà chỉ cần kiểm tra, suy xét chính bản thân về động cơ và phương cách chúng ta tìm cầu Thượng sư. Trên phương diện động cơ, mục đích của sự tu tập giác ngộ là để phát triển lòng Từ bi và Trí tuệ. Nếu đây không phải là động cơ hay tâm nguyện của mình thì không có lý gì bạn phải đi tìm cầu một bậc Thượng sư giác ngộ. Tiếp đến, dưới góc độ phương pháp, nếu chúng ta biết bằng cách nào để có được sự nhìn nhận đúng đắn thì có nghĩa là chúng ta đã đủ phẩm hạnh. Là hành giả chân chính của Kim Cương thừa, bạn phải biết nhìn vào tâm và sự chứng ngộ của Thượng sư chứ không phải hình dáng hay ngôn từ của Ngài. Một bậc Thượng sư được tôn kính do sự trưởng dưỡng và toàn thiện tâm chứ không nhờ hình tướng bên ngoài của Ngài. Thân tướng bên ngoài cũng chỉ giống như một kiến trúc hay một tòa nhà, nó vốn không có sự sống. Thượng sư chân chính là tâm Giác ngộ và các phẩm hạnh Giác ngộ. Vì sự chứng ngộ là một phẩm hạnh ẩn tàng nên nó không dễ nhận biết được, đó là lý do tại sao sự chứng ngộ được coi là Thượng sư “ẩn tàng” và vì phẩm hạnh này ẩn tàng nên đôi khi chúng ta gọi là Thượng sư “bí mật”.

Đức Gyalwang Drukpa và Pháp tử, Đức Drukpa Thuksey Rinpoche

Vì thế, khi tiếp cận với bậc Thầy, chúng ta phải rất tinh tế và cũng phải phát triển về mặt tâm linh để nhận biết những phẩm hạnh của các Ngài một cách kín đáo chân thật. Trí tuệ Bát Nhã và tâm từ bi vô điều kiện hướng tới hết thảy chúng sinh là hai phẩm hạnh quan trọng nhất của một Thượng sư chân chính. Hai phẩm hạnh này phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Một Thượng sư chân chính phải là bậc đã hoàn thiện viên mãn đại trí, đại bi. Nếu đã có nhân duyên hạnh ngộ bậc Thượng sư toàn vẹn hai phẩm hạnh này thì chúng ta không nhất thiết phải lo lắng về các phẩm hạnh khác. Những phẩm hạnh khác của Thượng sư có thể làm cho chúng ta khó lân mẫn trực tiếp với Ngài song đó chẳng phải là vấn đề quan trọng. Điều mấu chốt là Thượng sư phải hoàn thiện hai phẩm hạnh Đại bi và Đại trí.

Phẩm chất bên ngoài của bậc Thầy tâm linh

Như tôi đã nhắc ở phần trên, có rất nhiều cách để nhận biết một Thượng sư. Điều quan trọng là chúng ta phải thấu hiểu những phẩm hạnh giác ngộ của Thượng sư. Mặc dù sự thực chứng hay tâm giác ngộ của Ngài thuộc phạm trù tiềm ẩn bên trong mà bạn có thể chưa nhận ra ngay, tuy nhiên các dấu hiệu bên ngoài như công hạnh và những hành động của Thượng sư cũng đủ giúp bạn hiểu và đánh giá được phẩm hạnh của Ngài. Bạn hãy dành thời gian quan sát cách sống của Ngài, cách Ngài truyền giảng, cách cư xử với mọi người hoặc cách Ngài quan tâm tới người khác từ các thị giả tùy tùng cho đến những người xa lạ. Hãy quán chiếu xem dưới sự hướng đạo của Ngài, các học trò đã có sự chuyển hóa về tâm linh như thế nào.

Hầu hết mọi người thường có xu hướng đàm luận về sắc tướng bên ngoài của Thượng sư, đặc biệt là cách thức Ngài thuyết giảng. Nếu Thượng sư thuyết một bài pháp hay thì Ngài được coi là bậc “Thượng sư phi thường”. Tuy nhiên, đây không phải là cách đúng đắn để khẳng định Thượng sư có phải là chân chính hay không, bởi vì ai cũng có thể là một người thuyết giảng tốt. Họ có thể thuyết giảng hay nhưng lại rất tồi về nội tâm. Bởi vậy, chúng ta phải rất nghiêm cẩn và rất tinh xảo suy xét tường tận về tâm và sự chứng ngộ Thượng sư.

Thật đáng buồn, ngày nay nhiều Phật tử mới bước vào Đạo Phật thường đàm luận về dáng vẻ bề ngoài của Thượng sư. Thượng sư cao bao nhiêu, Thượng sư già hay trẻ, hình dáng Thượng sư có đẹp đẽ hay không, Ngài được giáo dục như thế nào… Nhiều người rất coi trọng và đặt nặng những tiêu chí bên ngoài này nhưng nó thật sự chẳng có ý nghĩa gì cả. Thái độ này là một trở ngại vô cùng to lớn trong sự tu tập của chúng ta và đó không đáng là vấn đề để chúng ta bận tâm. Nếu muốn đàm luận về Thượng sư, thực sự chúng ta nên đàm luận xem Ngài từ bi như thế nào, Ngài tu học ra sao, nhập thất trong bao năm, bậc Thầy của Ngài là ai, Ngài đã chứng ngộ những gì, tâm nguyện của Ngài ra sao, Ngài đã nâng đỡ trợ giúp cho bao nhiêu người và hóa thân chuyển thế trong bao nhiêu đời. Đây là những vấn đề chúng ta nên đàm luận hơn là chỉ nói về tướng mạo hay sự nổi tiếng và vị thế bên ngoài của các Ngài bởi tất cả những điều này là hoàn toàn vô nghĩa và không được xem là phẩm hạnh và tiêu chuẩn của một Thượng sư chân chính.

Khi nói Bậc Thượng sư Mật thừa là bậc đã đạt được giác ngộ chúng ta cũng cần hiểu sâu hơn thế! Xuất phát từ tâm nguyện vị tha, lòng từ bi vô lượng cùng Bồ đề nguyện vô tận, các Ngài đã siêu việt Bardo, chủ định hóa thân chuyển thế thành các bậc Thượng sư giác ngộ đến với cõi luân hồi này nhiều lần với mục đích duy nhất là đem đến niềm an vui chân thật cho tất cả chúng sinh hữu tình và đánh thức tiềm năng tâm linh vốn sẵn đủ từ bi và trí tuệ nơi mỗi người. Chúng ta có thể thông qua Truyền thừa giác ngộ để tìm hiểu về tiểu sử, công hạnh tái sinh của Ngài. Vì thế, nếu nói tìm cầu bậc Thầy giác ngộ thôi thì chưa đủ, chúng ta cần tìm bậc Thượng sư giác ngộ hóa thân chuyển thế nhiều đời để lợi ích chúng sinh!

Thiết lập mối quan hệ thiêng liêng Thượng sư - Đệ tử

Sau nhiều thiện xảo công phu tìm cầu được Thượng sư bên ngoài, bạn phải nhất tâm tinh tiến theo những khai thị của các Ngài. Bạn không được có những hoài nghi về việc thực hành hay việc tuân theo lời giáo huấn của các Ngài, bởi nếu bạn khởi nghi ngờ thì đó sẽ là một chướng ngại to lớn trên con đường tu tập. Vì vậy, sau khi tìm cầu được Thượng sư bên ngoài chúng ta phải nhất tâm chí thành hướng về giáo pháp và Thượng sư.

Để có thể tuân theo những giáo huấn của Thượng sư chứ không phải diện mạo hay hành vi của các Ngài, chúng ta phải chí thành tập trung vào tinh hoa chân chính và vẻ đẹp của giáo pháp. Vì giáo pháp chính là thứ sẽ nâng đỡ, trợ giúp cho chúng ta nên bạn phải tri ân giáo pháp ban truyền từ bậc Thượng sư với tâm chí thành cung kính nhất. Tất nhiên, sự tri ân cũng phải hướng đến nhục thân của các Ngài, bởi vì nếu không nhờ hình tướng này thì giáo pháp khẩu truyền và những khai thị, giáo huấn không thể được trao truyền. Mặc dù vậy, sự tri ân và tâm chí thành vẫn phải chủ yếu hướng tới những giáo pháp và những khai thị mà Thượng sư truyền thụ.

Chúng ta hãy bàn về một vài khía cạnh của chữ “Vâng theo”. Mỗi đệ tử đều có căn cơ khác nhau. Một vài đệ tử có thể thực hành theo Thân Giác ngộ của Thượng sư, một số khác có thể theo Tâm Giác ngộ của Ngài, một số khác nữa lại theo Ngữ Giác ngộ và một số có thể tuân theo cả ba khía cạnh trên cùng một lúc. Tuân theo Ngữ Giác ngộ của Thượng sư là phương pháp tốt vì nương vào những giáo lý mà Ngài truyền trao, bạn mới thực hành con đường đạo chân chính. Việc tuân theo Thân Giác ngộ của Thượng sư không có ý nghĩa thâm sâu trừ khi bạn đã đạt được mức độ tu tập cao cấp do thiện căn huân tập từ nhiều đời trước. Còn việc gắng sức thực hành theo Tâm Giác ngộ mà không tuân theo Thân và Khẩu của Ngài thì chẳng khác nào một vận động viên bơi lội bị mù chẳng đi đến đâu cả!

Trên thực tế, người đệ tử chân chính cần đồng thời tuân theo cả thân, ngữ và tâm của Thượng sư. Một Thượng sư thiện xảo luôn có những cách thức khác nhau để truyền trao giáo pháp, không chỉ qua phương pháp khẩu truyền mà còn có thể được trao truyền thông qua sự hiện diện của Thân cũng như Tâm Thượng sư. Tất nhiên, bạn có quyền đặt câu hỏi là trong tình huống Thượng sư yêu cầu đệ tử làm một vài thứ nhưng anh ta cảm thấy không thể làm được, ví dụ yêu cầu đệ tử mình nhảy xuống từ đỉnh núi, thì người đệ tử phải làm gì. Trong trường hợp như vậy, người đệ tử biết rằng anh ta không thể thực hiện được yêu cầu của bậc Thầy vì điều đó vượt ngoài khả năng của mình. Khi đó, anh ta có quyền thỉnh lại với Thượng sư: “Con có thể không làm việc này được không?” Một Thượng sư chân chính sẽ thấu hiểu được tình huống này và miễn cho đệ tử khỏi yêu cầu bắt buộc đó. Tuy nhiên, lời thỉnh cầu như vậy phải bắt nguồn từ một thái độ chân thành và thanh tịnh. Ngoài ra, đệ tử nên thực hành mọi điều được truyền trao từ Thượng sư, bao gồm cả những khẩu truyền và khai thị từ tâm của Thượng sư. Điều này được gọi là hợp nhất với Tâm Giác ngộ của Thượng sư. Một hành giả cao cấp có khả năng hợp nhất với Tâm Giác ngộ của Thượng sư như là kết quả tự nhiên của sự hợp nhất của Tâm Giác ngộ nơi Thượng sư với tâm thanh tịnh của hành giả.


Đức Gyalwang Drukpa và Pháp tử, Đức Gyalwa Dokhampa

Bởi vậy, có thể kể ra những cấp độ kết quả khác nhau của việc vâng theo Thượng sư. Cấp độ thứ nhất, khắc sâu và quán tưởng hòa nhập với sự hiện diện của Thượng sư, ở cấp độ này hành giả sẽ được kết quả là liễu ngộ khía cạnh Hóa thân của Tâm Giác ngộ. Ở cấp độ thứ hai, khi tuân theo giáo pháp Thượng sư, hành giả sẽ nhận ra khía cạnh Báo thân. Cao hơn nữa, tuân theo Thượng sư trong sự thực hành thiền định dựa vào Tâm Giác ngộ của Ngài, hành giả sẽ được kết quả là liễu ngộ được khía cạnh Pháp thân của Tâm Giác ngộ. Bởi vậy, việc tuân theo bậc Thượng sư chân chính như ba cách trên đây là con đường tu tập vô cùng đúng đắn và thiện xảo.

Một số người muốn biết có thể theo nhiều Thượng sư hay không? Theo quan điểm của tôi thì họ có thể thoải mái làm việc đó nếu như các Thượng sư mà họ theo đều chân chính. Mặc dù hình thức có thể khác nhau nhưng những khai thị và hướng đạo của các Ngài sẽ có sự tương đồng bởi các Thượng sư tồn tại trong trạng thái hợp nhất hoàn hảo. Mặc dù vậy, hành giả nên luôn nhận ra khả năng của chính mình về việc nên hay không cùng lúc đi theo sự hướng đạo của nhiều bậc Thượng sư khác nhau, phải suy xét liệu việc này có dẫn tới sự rối loạn và bế tắc sau này không? Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải luôn biết sáng suốt lựa chọn.

Trong Kinh dạy rằng:

“Nếu biết coi Thượng sư là Phật, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của Phật. Nếu biết coi Thượng sư là Bồ tát, bạn sẽ nhận ân phúc gia trì của Bồ tát. Nếu coi Thượng sư là thành tựu giả, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của thành tựu giả. Nếu coi Thượng sư là một người bạn đạo, bạn sẽ nhận được ân phúc gia trì của bạn đạo. Nếu không có tâm dâng hiến và lòng thành kính với Thượng sư, bạn hoàn toàn không nhận được ân phúc gia trì”.

Đức Phật sẽ không ở đâu cả mà ở ngay Căn bản Thượng sư của bạn. Ngài là sự hợp nhất của mười phương ba đời chư Phật. Vô số những phẩm chất giác ngộ của chư Phật được hội tụ và thị hiện một cách sống động nơi bậc Căn bản Thượng sư. Tâm nguyện và lòng từ vĩ đại của Ngài mang lại sự sống an lành cho muôn loài hữu tình, cũng giống như mặt trăng, mặt trời, thuốc trường sinh, y dược, con thuyền và cầu bè, tất cả đều là sự thị hiện sáng tạo của Căn bản Thượng sư.

Thực hành con đường chí thành

Bởi vì mọi phẩm chất tâm linh của bạn phụ thuộc vào Thượng sư, nên hãy nghĩ rằng mọi hành động thân khẩu ý của bạn đều phụng sự Thượng sư. Hãy luôn nghĩ đến Thượng sư với lòng kính ngưỡng và cầu nguyện Ngài trường thọ và phát nguyện thúc đẩy, hỗ trợ, mở rộng các hoạt động hoằng pháp tâm linh của Ngài.

Nếu có niềm tin với bậc Thượng sư như vậy, bạn sẽ đạt được giải thoát. Trong kinh điển dạy rằng: Việc quán tưởng một trăm nghìn sắc tướng Bản tôn khác nhau, được thực hiện hàng trăm nghìn lần cũng không bằng nhất tâm quán tưởng Căn bản Thượng sư. Hàng triệu pháp thực hành giai đoạn Thành tựu được thực hiện hàng trăm ngàn lần cũng không có kết quả bằng ba lần cầu nguyện và thành tâm cúng dàng lên Thượng sư. Một người thực hành thiền định của giai đoạn Thành tựu trong một kỳ kiếp, thực hành hai mươi nghìn lần không bằng một hành giả trong tâm luôn xuất hiện Thượng sư.

Thực hành con đường chí thành bao gồm hai hướng dẫn dưới đây:

- Thực hiện bất kỳ điều gì Thượng sư dạy bạn làm

- Thực hiện bất cứ điều gì Thượng sư muốn làm

Như thế, trên phương diện Thân, bạn đỉnh lễ, lân mẫn Thượng sư, khiêm cung tự đảm nhận những việc vặt như chắp tác, gánh nước, lau dọn...

Trên phương diện Khẩu, bạn cầu nguyện và tán tụng để mọi người cùng biết đến phẩm hạnh giác ngộ của Thượng sư. Hãy thỉnh cầu Ngài muốn bạn làm những gì với lời nói tôn kính, lịch sự và trung thực. Dù ở công cộng hay riêng tư, không bao giờ được tỏ thái độ bất kính với Thượng sư trên mọi phương diện Thân - Khẩu - Ý.


Người dân Ladakh cung đón Đức Gyalwang Drukpa

Nếu áp dụng đúng những gì ở trên, bạn sẽ thực sự vững bước trên con đường thực hành Guru Yoga. Thiếu lòng tôn kính đối với bậc Thầy xuất phát từ tâm không trân trọng giáo pháp. Nếu thiếu tôn trọng giáo pháp, sự thực hành sẽ trở nên không hiệu quả và không giúp hoàn thiện các phẩm chất giác ngộ. Nếu không có lòng thành kính hướng về bậc Thầy và giáo pháp, bạn sẽ ngạo mạn cho rằng không bậc Thượng sư nào có thể trao truyền cho bạn phẩm chất giác ngộ và sẽ hành thiền với thái độ sai lệch. Bởi đã phạm nhiều lỗi lầm, tất cả công đức bạn tích lũy trước đây đều bị thiêu hủy. Kính trọng Thượng sư và giáo pháp làm tăng trưởng ý chí của bạn. Nếu biết trân trọng những thiện hạnh của Thượng sư, tất cả phẩm chất giác ngộ theo đó sẽ tăng trưởng mà không cần bất kỳ nỗ lực nào.

Tâm chí thành và tín tâm với Thượng sư không dễ dàng có được. Hãy biết cúng dàng Bậc Thế Tôn, phụng sự chư Phật, thực hành các thiện hạnh. Sau đó bạn nên thiền định và cầu nguyện rằng: “Mọi công đức con tích lũy đều truyền cảm hứng mạnh mẽ cho việc phát triển tâm chí thành và lòng thành kính lên Thượng sư”. Người có tâm chí thành và lòng thành kính vĩ đại sẽ có nhiều hoạt động đem lại lợi ích lớn lao cho nhiều người. Người có tâm chí thành và lòng thành kính trung bình sẽ chỉ thực hiện hoạt động với lợi ích ở mức trung bình. Người có tâm chí thành và lòng thành kính nhỏ hẹp sẽ chỉ thực hiện hoạt động lợi ích trong phạm vi nhỏ hẹp.

Đức Naropa, Maitripa, Milarepa… và những thành tựu giả khác đã đạt được giác ngộ đều nhờ bài tập khổ luyện về phụng sự và làm thế nào để tuân theo sự hướng đạo của Thượng sư. Phàm phu chúng ta không thể làm gì khác những gì chư Thượng sư trong quá khứ đã làm để quy y và phụng sự bậc Thầy. Tâm chí thành chân thật và lòng tôn kính không đến một cách dễ dàng, song các bậc Thầy trứ danh đều đã trưởng dưỡng và luyện rèn phẩm chất này thông qua sự cầu nguyện và nhất tâm tuân theo giáo huấn Thân - Khẩu - Ý của bậc Thượng sư giác ngộ!

(Nguồn: http://drukpavietnam.org)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697182
Số người trực tuyến: