Duyên khởi chư Phật thuyết kinh tán thán 21 Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Duyên khởi chư Phật thuyết kinh tán thán 21 Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara

Có vô lượng chư Phật thuộc nhiều đại kiếp khác nhau. Khởi đầu đại kiếp của chúng ta, có một vị Phật đặc biệt gọi là Đại Nhật Như Lai. Vào thời của Ngài, có một công chúa tên là Metok Zay hay “Mỹ Hoa”. Công chúa Mỹ Hoa siêng năng tụng kinh, và làm nhiều thiện hạnh phi thường vì lợi ích của chúng sinh. Khi còn trẻ, công chúa thực hành vô số thiện hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục cùng nhiều thiện hạnh từ bi cao quý vì chúng sinh. Khi Đức Đại Nhật Như Lai hỏi công chúa có ước muốn hay tâm nguyện gì, công chúa trả lời: “Con sẽ lưu lại thế giới này cho đến khi mọi chúng sinh được giải thoát hoàn toàn”. Đây là điều ngạc nhiên đối với Đức Phật Đại Nhật Như Lai, Ngài chưa hề nghe bất kỳ ai có lời nguyện cao quý, vô ngã và dũng cảm như thế.

Đáp lại hạnh nguyện của công chúa, và hoan hỷ với Bồ đề tâm của nàng, Đức Phật Đại Nhật Như Lai đã tuyên thuyết kinh Tán thán 21 Độ Mẫu Tara, ca tụng hai mươi mốt phẩm tính của Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara.

Tương truyền rằng kể từ đó, bất kỳ ai trì tụng kinh Tán thán 21 Độ Mẫu Tara được tuyên thuyết bởi Đức Phật Đại Nhật đều nhận được những cảm ứng gia trì không thể nghĩ bàn. Đức Phật Đại Nhật đã viên mãn mọi tâm nguyện của Ngài. Ngay cả với chư Phật, nhiều lúc các Ngài không thể thỏa mãn nhu cầu của một số chúng sinh nào đó. Tuy nhiên, sau khi trao truyền kinh Tán thán 21 Độ Mẫu Tara, Đức Đại Nhật Như Lai có thể thành tựu mong cầu của tất cả những ai thỉnh cầu đến Ngài.

Một hôm có bà lão đến gặp Đức Phật Đại Nhật. Bà là kẻ cùng khổ, nhưng có một cô con gái xinh đẹp tuyệt trần. Con gái bà được một hoàng đế ngưỡng mộ muốn hỏi cưới nàng làm vợ. Vào thời Ấn Độ cổ đại, nếu cô gái thuộc tầng lớp nông dân muốn kết hôn với hoàng tộc, theo tục lệ gia đình cô gái phải có châu báu trang sức cho cô dâu. Bà lão khốn khổ không biết làm thế nào có châu báu cho đám cưới của con mình. Bà nghe nói rằng Đức Đại Nhật Như Lai có thể ban tặng mọi ước muốn, vì thế bà đã tìm đến gặp Ngài.

Trước Đức Phật, bà đã thỉnh cầu Ngài có thể cho bà một số châu báu để con gái bà có thể cưới hoàng đế. Vào lúc đó, Đức Phật đang ngụ tại chùa Bồ đề ở Bồ đề đạo tràng. Trong chùa có an vị nhiều tôn tượng của Đức Phật Quan Âm Lục Độ Mẫu Tara. Vì chính Ngài cũng không có vàng ngọc để cho bà, Đức Phật đã thỉnh cầu một trong các tôn tượng đặc biệt của Đức Phật Quan Âm Lục Độ Mẫu Tara ở trong chùa hãy trao vương miện của Ngài cho Đức Phật Đại Nhật, để Ngài có thể làm hài lòng bà lão và nhờ đó con gái bà sẽ trở thành nữ hoàng. Tôn tượng Đức Phật Quan Âm Lục Độ Mẫu Tara này đã tháo vương miện của mình và trao nó cho Đức Đại Nhật.

Đức Phật Quan Âm Lục Độ Mẫu Tara không chỉ viên mãn bất cứ mong cầu nào của chúng sinh, mà còn xua tan những nỗi sợ hãi của họ, như tám nỗi sợ bên ngoài, trong đó có nỗi sợ bị trộm cướp, sợ nước, rắn, chất độc, tù đày, v.v…, và mọi nỗi sợ nội tâm. Bất cứ nỗi sợ hãi gây đau khổ nào, bất cứ khi nào họ trì tụng Bài cầu nguyện tán thán 21 Đức Độ Mẫu Tara, thậm chí chỉ trì tụng mười âm chân ngôn OM TARE TUTTARE TURE SOHA, mọi nỗi sợ hãi của họ được lắng dịu và mong cầu của họ được viên mãn.

Đức Phật Đại Nhật đã thị hiện ở một thời kỳ rất lâu trước thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong thời kỳ của chúng ta, chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng tuyên thuyết lại bản kinh này, trùng tuyên lời của Đức Phật Đại Nhật. Điều này đã được nói đến trong tạng Kinh của Đức Phật. Và như thế, Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara cũng đã được tán thán bởi chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhờ đó, bản Kinh tán thán 21 đấng Độ Mẫu Tara chứa đựng sự gia trì vĩ đại và năng lực vô song. Rất nhiều Phật tử Đại thừa tụng kinh này mỗi ngày; dù họ là tu sĩ hay cư sĩ, già hay trẻ, bản kinh này vang vọng qua những lời thì thầm hay trong tâm của tín chúng, từ rất lâu xa trước đại kiếp của chúng ta.

Trong những thời kỳ gần với thời mạt pháp, Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara là vị Bản tôn thiền định của nhiều bậc Thầy vĩ đại bậc nhất trong lịch sử Phật giáo, các bậc đại thành tựu giả và hiền triết Phật giáo Đại thừa Ấn Độ vĩ đại, như Ngài Long Thọ và Tịch Thiên. Bậc học giả thông thái của Ấn Độ, Đức Nguyệt Xứng Chandragomin, cũng có nhiều linh kiến về Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara và nhận được khai thị trực tiếp từ Ngài. 

(Nguồn: “Bài kệ tán lễ hai mươi mốt vị Quan Âm cứu khổ cứu nạn”

NXB Tôn giáo)

Hãy phát khởi Bồ đề tâm vì lợi ích hết thảy chúng sinh, cùng thực hành chuyên tu cầu nguyện Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara để tích luỹ vô lượng công đức, vượt qua những chướng ngại, khó khăn, bệnh tật và khơi dậy, trưởng dưỡng tình yêu thương vô ngã vị tha trong mỗi chúng ta.

Quý vị tải Tài liệu và hướng dẫn tu tập tại đây:

http://daibaothapmandalataythien.org/quanam

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757524
Số người trực tuyến: