Chất liệu tạo nên bức tranh khổ đau của đời sống | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chất liệu tạo nên bức tranh khổ đau của đời sống

Khổ đế là sự thật về khổ đau trên thế gian mà con người phải gánh chịu. Khi nghe thuyết giảng về Khổ đế, một số người dựa vào hiểu biết cạn cợt cho rằng thế giới quan Đạo Phật như thế là bi quan, yếm thế. Thực ra để nhìn thẳng vào sự thật, dù nó đắng cay thế nào cũng đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ và lòng quả cảm. Mặt khác, Đức Phật không chỉ nêu lên vấn đề, Ngài còn phân tích nguyên nhân sâu xa của vấn đề đồng thời đưa ra giải pháp xử lý tối ưu và rốt ráo.

1. Khổ

 

Trong cuộc sống này, có những nỗi khổ đau mà ai ai cũng phải nếm trải, từ nỗi khổ khi sinh ra, cho đến nỗi khổ khi già yếu, bệnh tật và qua đời. Đây là những nỗi khổ về thân, những đau đớn về mặt thể xác mà chúng ta có thể thấy rất rõ sự trải nghiệm ở chính bản thân mình cũng như mọi người. Hàng ngày, chỉ cần ra ngoài hoặc mở ti vi, báo đài, bất cứ lúc nào chúng ta cũng thấy đau khổ về thân hiển hiện khắp nơi trên thế giới này.

Ngoài ra, chúng ta còn phải chịu khổ về tâm, đó là những bất mãn, buồn khổ, những cảm xúc tiêu cực thiêu đốt và làm tổn hao sinh lực của chúng ta như sân hận, đố kỵ, bám chấp, tiếc nuối… Chúng ta đau khổ khi không có được điều mình mong muốn. Rồi ngay cả khi đã có được thứ mình mong cầu, chúng ta vẫn đau khổ vì lo sợ sẽ đánh mất nó. Loại khổ thứ ba xảy ra khi chúng ta phải gặp gỡ những người mà chúng ta ghét bỏ, thù hận hoặc những hoàn cảnh không mong muốn song lại chẳng có cách nào để trốn tránh. Loại khổ thứ tư là khi chúng ta buộc phải xa lìa những người, đồ vật hay hoàn cảnh mà mình yêu mến.

Tâm chúng ta luôn luôn bất an do sự chi phối của các xúc tình phiền não tham, sân, si... Tâm tham lam chẳng bao giờ biết đủ, tham vọng quá nhiều nhưng lại chẳng đạt được là bao nên chúng ta thất vọng, buồn chán. Thậm chí khi có được thứ mình hằng mơ ước, chúng ta chẳng mấy chốc lại thấy chán chường và mong cầu thứ khác đẹp đẽ, hấp dẫn hơn. Tâm tham khiến chúng ta luôn cho rằng thứ đáng khát khao tìm cầu luôn là thứ mà ta không có được. Chúng ta không bao giờ biết tri ân và tri túc với những gì mình đang có. Cuộc sống con người vì thế rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của sự bất mãn không nguôi.

Không chỉ vậy, vì tôn thờ cái ngã, chấp thân (sắc uẩn) và tâm (thọ, tưởng, hành, thức uẩn) này là có thật, chúng ta luôn luôn tức tối, nổi giận mỗi khi gặp điều gì trái với bản ngã, khiến ta không vừa lòng. Ai đó chê bai, đối xử không tốt với ta, một nghịch cảnh trái ý,… tất cả đều khiến tâm sân phát khởi và gây cho ta cảm thụ khổ đau. Đó là khổ đau do ngũ uẩn gây ra cho chúng ta trong hiện đời. Bên cạnh đó, sự hiện diện của ngũ uẩn hiện đời này có nguyên nhân từ quá khứ, do chịu tác động của nghiệp lực, các hành động bất thiện và xúc tình phiền não nhiễm ô trong quá khứ gây nên, vì vậy bản chất của chúng vốn đã là ô nhiễm và khổ đau. Hơn nữa, chúng ta lại luôn có sự bám chấp kiên cố cho rằng các uẩn là thường hằng, là thanh tịnh, là an lạc, là bản ngã. Kết quả,  chúng ta càng bị lặn ngụp trong tầng tầng lớp lớp khổ đau.

Ở một góc độ khái quát khác, khổ đau căn bản có thể bao gồm những hình thái sau: Thứ nhất, đó là cái khổ từ sự không rõ ràng, không chắc chắn và không trường tồn của những hạnh phúc dục lạc thế gian. Thứ hai, đó là khổ đau do bất mãn - chúng ta liên tục cố gắng để có nhiều dục lạc thế gian hơn nữa nhưng kết quả chẳng bao giờ được như ý. Thứ ba, còn có nỗi khổ đau ghê gớm do hết lần này tới lần khác phải xả lìa thân xác. Từ vô thủy kiếp tới nay, chúng ta đã chết đi rồi sinh ra không biết bao lần, đau đớn, sợ hãi không bút nào tả xiết nhưng mỗi khi nhập thai cách ấm chúng ta đều mê mờ quên mất điều này. Thứ tư, đó là nỗi khổ do gặp phải nhiều nỗi khổ đau hết lần này tới lần khác. Thứ năm, khổ vì bản chất thăng trầm của đời sống. Tiếp theo cao trào sẽ là thoái trào, kế tiếp thành công là thất bại, phía sau hội ngộ là chia lìa, sự sống đi đến tận cùng lại là cái chết… Cuối cùng là nỗi khổ của sự cô độc. Trên tất cả những cột mốc quan trọng của đời người gồm sinh, lão, bệnh, tử, chúng ta đều chỉ có một mình, không người giúp đỡ, không chốn tựa nương. Bệnh tật hay khổ đau, sự sống hay cái chết đều chỉ do chính chúng ta trải nghiệm, không thể san sẻ hay nương tựa vào ai. Trải nghiệm về sự cô độc này lên tới đỉnh điểm trong giai đoạn Bardo cái chết khi chúng ta một mình lang thang trong thân Trung ấm, đối diện với biết bao phóng chiếu, ảo cảnh khổ sở, kinh hoàng...

 

Như vậy, có thể thấy rằng khổ đau hiện diện khắp nơi và bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta lặn ngụp trong đau khổ nhưng không ý thức được một cách rõ ràng về điều này, thậm chí quá quen với khổ đau, chúng ta ngó lơ coi khổ đau là một việc bình thường, thậm chí còn vui vẻ một cách đầy vô minh trước những nỗi khổ đau của mình và người khác. Đức Phật đã dùng Khổ đế để nói thẳng rằng bản chất cuộc đời này là khổ, từ đó chân lý khổ đau được chỉ bày một cách cụ thể, toàn diện và vô cùng xác đáng.

2. Vô thường

Vô thường mang nghĩa thay đổi sinh diệt, không chắc chắn, không trường tồn.

Trên đời này, chẳng có gì không thay đổi, chẳng có gì là vĩnh viễn thường hằng. Chúng ta có thể nhìn vào cuộc đời của chính mình để suy ngẫm về điều này. Trải qua khoảng thời gian chỉ vài chục năm, xác thân này không ngừng biến đổi, từ giọt tinh cha huyết mẹ trong bào thai hình thành em bé, qua tuổi thiếu thời đến thanh niên thấm thoắt đã tới trung tuần rồi tuổi già hiện lên trong bóng ảnh trước khi xác thân tứ đại vô thường lại trả về cho đất, nước, gió, lửa. Mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống này cũng thay đổi không ngừng như vậy. Nhà thơ xưa từng có câu:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

 

để chỉ sự thay đổi “thương tang, dâu bể” này.

Cho đến tâm tưởng chúng ta cũng vậy. Hôm nay vui, ngày mai ta sẽ buồn, lúc này, ta thấy quý trọng, yêu mến người này, nhưng một thời gian sau, vì những lý do nào đó, chúng ta lại sinh tâm hằn học, ghét bỏ người đó. Ngoài ra, dễ thấy vô cùng là sự đổi thay, sinh diệt của vô vàn ý nghĩ của chúng ta trong từng giây, phút, sát na.

Luận bàn về vô thường, có thể chia làm hai loại là thô và tế. Vô thường thể thô rất dễ lý giải. Chẳng hạn như, buổi sáng sẽ chuyển qua buổi chiều, buổi chiều rồi sẽ tới buổi tối…, cứ liên tục thay đổi như vậy. Ngày mỗi ngày, hoa nở rồi tàn, lá xanh lại úa, thời gian trôi chảy không ngừng. Tất cả những đổi thay này chúng ta có thể quan sát một cách dễ dàng, nên gọi là vô thường thể thô.

Vô thường thể tế khó nhận biết hơn vì thường được lẩn giấu trước sự vô minh, mê muội của phàm phu chúng ta. Chúng ta vô minh đến mức không nhận ra mình vô minh, và thậm chí coi vô minh là cần thiết. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể nhận diện vô thường vi tế thông qua suy luận logic. Chẳng hạn như, những thay đổi nhỏ nhiệm, liên tục đang diễn ra trong cuộc sống này chính là vô thường. Nếu không có những thay đổi liên tục, vi tế này, bạn sẽ không thể già đi, sự vật hiện tượng cũng sẽ đứng yên không thay đổi. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Bạn không thể nói rằng, tôi bất thình lình già đi sau một phút. Bạn cũng không thể nói rằng, đến tận sáng nay, tôi vẫn còn trẻ. Chỉ sau đó, tôi mới trở nên già đi. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Sự thay đổi đó, sự già đi đó diễn ra trong từng giây, từng phút, từng sát na liên tục nối tiếp nhau, phút tiếp phút, giờ tiếp giờ, ngày nối ngày, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này tới năm khác… Dần dần, qua cả quá trình, chúng ta thay đổi, chúng ta già đi. Tòa nhà này đang hoại diệt trong từng sát na. Bông hoa kia cũng đang dần bị héo tàn trong từng khoảnh khắc. Mặc dù con mắt phàm phu của bạn không thể trông thấy những điều này, nhưng về mặt logic, bạn hoàn toàn có thể lý giải. Hơn nữa, từ trải nghiệm của chính mình, bạn hoàn toàn có thể chiêm nghiệm và đạt được hiểu biết đúng đắn về vô thường vi tế.

Nói một cách chung nhất, vô thường là một tính chất căn bản của vạn pháp thế gian bao quát toàn bộ thân, tâm, cảnh. Sự thật rằng vạn pháp là vô thường bổ trợ và minh chứng cho chân lý Khổ đế.

3. Vô ngã

Chính vì vạn pháp thế gian vốn vô thường nên chúng không thực sự tồn tại như ta hằng lầm tưởng. Nói cách khác, tất cả đều không có tự ngã chân thật, vì vậy gọi là vô ngã. Bản thân ngôi nhà kia nếu đem phân tích, chia chẻ sẽ chẳng có gì được gọi là ngôi nhà một cách độc lập, riêng biệt. Ngôi nhà đó bao gồm các yếu tố như cốt thép, xi măng, gạch, ngói, vôi vữa. Nếu thiếu đi dù chỉ một yếu tố sẽ không thể tạo nên ngôi nhà. Bản thân “cái tôi” mà chúng ta vẫn nhận lầm là Ngã cũng chỉ là một tập hợp của “ngũ uẩn” với “uẩn” mang nghĩa các yếu tố tích tập lại mà thành. Không có gì gọi là một cái tôi thực sự, thuần nhất, bất biến. Như vậy, đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là “cái tôi”… Lòng tin có một “cái tôi”, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng vĩ đại!.

Không may thay, người thế gian luôn bám chấp vào cái tôi, luôn duy trì ảo tưởng huyễn hoặc về một thực ngã như vậy. Hầu hết mọi vấn đề xung đột về sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ, kinh tế, chính trị… giữa các quốc gia, hay ở phạm vi hẹp hơn, mâu thuẫn giữa cá nhân này với cá nhân khác đều do sự chi phối của ảo tưởng nói trên mà thành. Vì vậy, đây cũng là nguồn gốc của mọi đau khổ.

4. Không

Bởi vạn pháp bao gồm ngũ uẩn là vô thường, vô ngã nên bản chất của nó chỉ là giả huyễn, là không. Chữ “không” ở đây không mang nghĩa không có gì, mà là không thực hữu, không có tự tính, không tồn tại độc lập một mình mà phải có sự liên hệ nhân và duyên. Thân người là một hợp thể nhân duyên bao gồm yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, gọi một cách chung lại là ngũ uẩn. Sắc uẩn bao gồm bốn yếu tố tứ đại đất, nước, lửa, gió, biến đổi liên tục và sẽ tan rã, phân ly không chỉ khi chúng ta chết đi mà ngay trong từng sát na của cuộc sống. Thụ uẩn cũng hình thành một cách có điều kiện dựa trên sự tiếp xúc của sáu cơ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) với sáu yếu tố ngoại cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Các uẩn còn lại, từ tưởng uẩn là sự nhận biết, suy tưởng dựa trên các cảm thụ của thụ uẩn, cho đến hành uẩn là những hoạt động tâm lý sau khi có tưởng và cuối cùng, thức uẩn là ý thức phân biệt (thức uẩn), tất cả đều được hình thành dựa trên hàng loạt yếu tố và mối quan hệ nhân duyên tương hỗ, đan xen. Dễ thấy rằng, chúng ta sẽ không thể duy trì thân người, không thể duy trì mạng sống này nếu thiếu dù chỉ một yếu tố tứ đại. Nếu thiếu Hỏa đại, con người không còn hơi ấm, nếu thiếu Thủy đại, các yếu tố có tính chất lỏng như máu huyết… sẽ cạn khô. Sự thiếu hụt, rối loạn này đều là nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh tật và cái chết. Cũng tương tự, xét về yếu tố tinh thần, sẽ không có cảm thụ nếu thiếu một trong hai yếu tố giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hoặc trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Các uẩn còn lại cũng nương nơi thụ uẩn mà hình thành.

Nói tóm lại, sự không tồn tại thực ngã của vạn pháp gọi là không, tính chất này có liên hệ mật thiết với Vô ngã. "Không" nói lên rằng mọi sự vật hiện tượng chỉ tồn tại một cách tương đối, do nhân duyên. Nếu xét về bản chất, tất cả đều là hư huyễn.

Như vậy, bốn khía cạnh Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã góp phần hoàn thiện bức tranh khổ đau miên viễn của đời sống - một sự thật, một chân lý không thể chối bỏ.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6354096
Số người trực tuyến: