Nên làm gì để tích lũy công đức trong mùa Phật đản? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nên làm gì để tích lũy công đức trong mùa Phật đản?

Từ góc nhìn đời sống, mùa Phật đản (tháng 4 âm lịch) chính là dịp để mỗi người cùng tri ân Đức Thế Tôn - người chỉ ra con đường giải thoát cho nhân loại. Theo vận hành vũ trụ học, mùa Phật đản là dịp thù thắng để người Phật tử thực hành tu tập, làm thiện hạnh giúp tích lũy và tăng trưởng công đức.

1. Tự răn mình luôn làm điều phúc thiện

Cùng với lễ Vu Lan, lễ Thành Đạo thì lễ Phật Đản là 1 trong 3 ngày lễ lớn nhất trong năm của đạo Phật, là ngày được các Phật tử trên khắp thế giới thành tâm kính ngưỡng về chư Phật. Đại Lễ Phật Đản cũng được coi là 1 hoạt động sinh hoạt tâm linh mang tính ổn định của Phật giáo.

Vào dịp lễ thù thắng này, hàng ngàn Phật tử cùng đổ về các ngôi chùa dâng hương lễ Phật, thành tâm cầu phúc. Mỗi người tự nhắc mình phải làm điều phúc thiện, không phải vì mong chờ phúc báo mà làm vì tâm mình mách bảo.

Phật tử có thể đến chùa làm công quả, nghe giảng đạo về thuyết cuộc sống, cũng có thể dành thời gian, tiền bạc và công sức để tham gia công tác xã hội, bảo vệ môi trường hay làm từ thiện, tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Làm phúc để bày tỏ lòng từ bi mà Đức Phật luôn răn dạy, là một trong những việc ý nghĩa nhất để cúng dường lên chư Phật.

2. Không sát sinh trong tháng Phật Đản

Đức Phật chế định 5 giới luật và các Phật tử phải thọ trì gìn giữ, trong đó không sát sinh là giới luật đầu tiên trong ngũ giới. Vào ngày Phật Đản, các Phật tử cũng không nên sát sinh, tốt nhất nên ăn chay cầu phúc, tránh họa Nhân Quả báo ứng.

Bên cạnh đó, Phật tử cũng có thể tổ chức phóng sinh tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài. Hoạt động phóng sinh có thể tổ chức tự phát hoặc tham gia cùng với nhà chùa, quan trọng nhất là phóng sinh phải xuất phát từ tâm.

3. Tham gia các khóa chuyên tu nhập thất

Mục đích của các khóa chuyên tu là để giúp cho những Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, đến chùa tu tập trau dồi giới đức, nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật.

Cắt bớt trần duyên: Trần có nghĩa là bụi bặm; cắt bớt trần duyên nghĩa là cắt bớt cái duyên bụi bặm. Thường người ta gọi là trần thế hay thế gian, để chỉ cho cõi đời này. Tại sao lại gọi cõi đời này là bụi bặm? Trong kinh A Di Đà, Đức Phật cũng nói cõi đời này là ngũ trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược, là năm thứ nhơ bẩn…

Vì trong cuộc đời này chúng ta thường đắm chìm vào năm thứ ham muốn (ngũ dục) là tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ. Đó là những thứ mà con người chúng ta bị lệ thuộc, bị ràng buộc vào đó. Từ những thứ ham muốn đó nó lôi kéo chúng ta đi vào cái vòng tham, sân, si, phiền não, nối tiếp theo muôn ngàn điều ác. Vì muốn có được tiền tài, sắc đẹp, danh lợi mà chúng ta phải lao vào tính toán, thậm chí gây ra biết bao tội lỗi để phục vụ cho ngũ dục. Vấn đề mà chúng ta thấy trong thế gian ít ai tránh khỏi, đó là nghiệp nhà, nghiệp gia đình, vợ chồng, con cái, từ cái nghiệp nhà này đã gây biết bao nhiêu điều phiền toái, bất hạnh xảy ra.

4. Giữ tâm trong sáng, hướng thiện

Đạo đức Phật giáo có thể giúp con người hướng thiện. Giáo lý nhà Phật đề cao triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người giữ tâm trong sáng, hướng thiện, Phật giáo đã đi vào lòng người, thúc đẩy con người ta hoàn thiện nhân cách đạo đức con người, hướng tới xã hội bác ái.

Trong mùa Phật Đản, các Phật tử càng phải nhớ giữ tâm mình sáng trong, luôn hướng về cái thiện. Nghi thức tắm Phật cũng là thời điểm để Phật tử phải giữ tâm thanh tịnh, để dòng nước tinh khiết gột rửa mọi suy nghĩ, lời nói tội lỗi.

Sau nghi lễ tắm Phật, các Phật tử cũng thường chia nhau nước tắm Phật hoặc dùng nước đó vẩy lên người khác, lòng tâm niệm điều đó sẽ mang lại bình an, sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Nghi lễ tắm Phật trong ngày Phật Đản ngoài mục đích kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh thì còn mang ý nghĩa sâu sắc, giúp con người ta tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh “ba nghiệp thân khẩu ý” của con người.

Mỗi người nếu có thể bớt đi lòng đố kị, kiêu căng, sân hận và ích kỷ, lại sống chan hòa, bao dung hơn với mọi người thì cuộc sống tất sẽ bình an và hạnh phúc hơn nhiều.

5. Ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày

Bên cạnh việc cúng dường Tam Bảo, trong ngày lễ Phật Đản cũng như những ngày bình thường khác, Phật tử cũng cần phải ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hàng ngày của chính mình. Đừng chỉ nghĩ đến bản thân mà phải nghĩ tới cha mẹ, ông bà, con cháu, giúp mọi người cùng hướng thiện, cùng tu tập hạnh giải thoát.

Nghe và hành trì giáo lý Phật pháp mà sửa đổi bản thân, bớt thói đố kị, kiêu căng, sân hận, cố gắng sống tốt đời đẹp đạo, lại truyền giảng những giáo lý tốt đẹp cho mọi người xung quanh để tất cả được bình an, hạnh phúc.

Nếu chỉ trong ngày Đại lễ Phật Đản chúng ta mới thấy vui rồi lại bị những nỗi buồn lo, được mất cuốn đi thì chưa phải biết ơn và đền ơn chư Phật. Đã là người con của Phật thì không riêng gì ngày Phật Đản mà bất cứ ngày nào cũng đều nên tâm niệm: Không sát sinh, siêng làm việc thiện, chăm phóng sinh, gạt bỏ tham sân si, sống một đời yên an.

(Phổ Hiền tổng hợp)

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5699548
Số người trực tuyến: