Niệm Phật công phu thành phiến mới có thể được vãng sinh | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Niệm Phật công phu thành phiến mới có thể được vãng sinh

Sức định của bạn đạt đến trình độ nào, trí tuệ của bạn sẽ khai mở đạt đến cấp độ cảnh giới tương đương. Định công càng sâu trí tuệ càng lớn. Trì tụng câu chân ngôn: Om Mani Padme Hung, Om Tare Tuttare Ture Soha, hay niệm Phật hiệu “A Di Đà Phật” chính là giác. 

“Định” là mấu chốt tu hành của Phật giáo. Cương lĩnh của tu hành, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều là tu Thiền định. Pháp môn khác nhau chính là phương pháp tu Thiền định khác nhau. Tuy phương thức tu Thiền định khác nhau, nhưng mục đích là hoàn toàn giống nhau.

Hiện tại chúng ta dùng phương pháp “Trì Danh Niệm Phật”, mục đích là tu Thiền định. Trong Tịnh Độ không gọi là Thiền định, mà gọi là “Nhất Tâm Bất Loạn”. Nhất Tâm Bất Loạn chẳng phải là Thiền định hay sao? Tên gọi không giống nhau, sự thật hoàn toàn giống nhau. Công phu của định có sâu, cạn khác biệt. Sự khác biệt này rất lớn.

“Công phu thành phiến” là Thiền định thấp nhất 

Như thế nào thì gọi là “công phu thành phiến”? Không bị cảnh giới bên ngoài quấy nhiễu, người xưa gọi là “chính mình làm được chủ”. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần không bị cảnh giới sáu trần nhiễu loạn, đây gọi là làm được chủ. Hay nói cách khác, sáu căn của chúng ta, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, khi tiếp xúc cảnh giới, không bị cảnh giới xoay chuyển, ở trong cảnh giới sẽ không khởi tham-sân-si-mạn, sẽ không khởi thất tình ngũ dục, đây gọi là làm được chủ. 

Người tu phải nên biết, đây là thiền định thấp nhất, chính là công phu của chúng ta có lực, trong Tịnh Độ tông gọi là “công phu thành phiến”. Đạt được công phu này thì khẳng định vãng sinh. Cho nên các bạn phải ghi nhớ, nếu như căn trần của chúng ta vừa tiếp xúc mà còn bị ảnh hưởng bởi cảnh giới bên ngoài, người khác tán thán ta, ta rất vui mừng; mắng ta mấy câu, ta liền tức giận, vậy thì ta không làm chủ được mình rồi. 

Gió cảnh giới vừa thổi thì bạn lập tức liền dao động, người niệm Phật như vậy không thể vãng sinh, cho dù một ngày niệm mười vạn danh hiệu Phật, hai mươi vạn danh hiệu Phật cũng không thể vãng sinh. Vì sao vậy? Vì công phu không thành phiến, chính là công phu không có lực. Điều này rất quan trọng!

Nếu như Phật hiệu của chúng ta không thể phục được phiền não thì không thể vãng sinh

Phương thức tu hành của Tịnh Độ chính là khi căn - trần tiếp xúc nhau, tâm vừa động, cho dù niệm thiện hay niệm ác, lập tức liền đề khởi Phật hiệu đánh bạt đi ý niệm này. Đây là phương pháp công phu của Tịnh Độ. Đến khi bạn không khởi lên ý niệm nữa thì bạn thành công, bạn không còn là phàm phu nữa, bạn đã là Phật Bồ Tát rồi, phàm phu chắc chắn khởi niệm. 

Khi ý niệm vừa khởi lên, liền đề khởi câu Phật hiệu, đây chính là chính giác. Người xưa nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Phật hiệu chính là giác, đem vọng niệm này đổi đi. Trong thuận cảnh, khởi tâm hoan hỉ, đem cái tâm hoan hỉ này đổi đi; trong nghịch cảnh, khởi tâm sân hận, thì đem ý niệm sân hận này đổi đi, thảy đều đổi thành một câu Phật hiệu. 

Đây gọi là thật niệm Phật, biết niệm Phật. Công phu dùng vào chỗ nào? Ở nơi khởi tâm động niệm mà dùng. Dùng đến lúc nào mà tất cả vọng niệm đều không khởi, đây chính là “Phát Chư Tam Muội thời”.

Thiền định là phương thức, không phải mục đích, cho nên nó cũng là pháp phương tiện, chứ không phải là pháp cứu cánh, các bạn nhất định phải nên biết. Bạn phải “giác liễu chư thiền hư giả”. Có rất nhiều người tu Thiền định, được Thiền định, nhưng vì sao họ không ra khỏi ba cõi, không chứng được thành quả? Lỗi lầm chính ngay chỗ họ sinh khởi “kiến ái”. 

Cảnh giới của Thiền định tốt, nhà Phật thường nói: “Thiền duyệt vi thực”, cảnh giới đó thật an vui. Vừa vào được cảnh giới này, ham thích cảnh giới này thì hỏng rồi. Họ ham thích cảnh giới đó, cho nên họ ở nơi cảnh giới đó, họ không thể nâng lên, vậy thì đặc biệt sai lầm. Tương lai, chúng ta tu hành khế nhập cảnh giới này thì chính mình phải biết. 

Kinh Kim Cang (Mật tông) nói rất hay: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Cảnh giới Thiền định cũng là hư vọng, mười pháp giới y chính trang nghiêm đều không phải là thật, nên chắc chắn không thể tham ái, vừa sinh tâm hoan hỉ thì chính mình liền đọa lạc, không thể tiến lên thêm. Cho nên, vĩnh viễn phải ghi nhớ: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”, mãi mãi ghi nhớ, đến quả địa Như Lai vẫn là “bất thủ ư tướng, như như bất động”. Hai câu nói này không có bờ mé, không thể nói tôi đến Bồ Tát Địa Thượng rồi, đến quả giác viên mãn rồi thì đại khái có thể dừng lại. Không thể được, vừa dừng thì sai. 

Quyết định không được chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vĩnh viễn đoạn, vĩnh viễn không còn, như vậy mới có thể khai mở trí tuệ. Trí tuệ là tùy theo sức định mà dần dần khai mở. Sức định của bạn đạt đến trình độ nào, thì trí tuệ của bạn liền đạt đến cảnh giới như thế đó. Thiền định cùng Bát Nhã tương thành lẫn nhau, định công càng sâu thì trí tuệ cũng càng lớn.

(Nguồn: “Thập thiện nghiệp đạo kinh” – Tập 70

Hòa thượng Tịnh Không)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5771020
Số người trực tuyến: