Quy luật nghiệp có còn chi phối khi thực hành tịnh hóa?
Với pháp tu Kim Cương Tát Đoả và thông qua quá trình tịnh hoá, chúng ta tự thừa nhận rằng mình đã vô tình hay cố ý nghĩ, nói và làm nhiều điều làm tổn hại đến chúng sinh khác. Khi thừa nhận điều này, chúng ta sám hối sâu sắc một cách gián tiếp hay trực tiếp về những tổn hại mà chúng ta đã gây ra cho chúng sinh từ vô thủy cho đến ngày nay. Sự hối hận này giúp chúng ta quyết tâm tịnh hóa để không tạo thêm dấu ấn nghiệp tiêu cực trong dòng tâm thức.
Khi trải qua quá trình tịnh hoá với sự thị hiện của Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa, điều này giống như việc chúng ta đang đứng trước một tòa án Từ bi có thẩm quyền chấp nhận lời thú nhận chân thành và xoá hết mọi tội lỗi của chúng ta.
Trừ khi chúng ta có thể an trụ hoàn toàn trong bản chất tuyệt đối của tâm, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng một lời sám hối có thể giải phóng chúng ta khỏi quy luật nghiệp. Nếu đúng như vậy thì nghiệp không còn là quy luật tự nhiên chi phối và dẫn dắt toàn bộ tiến trình đời sống và cái chết trong vòng quay luân hồi bất tận nữa. Không có cách nào để lý giải thực tế là tất cả các nguyên nhân đều phải có kết quả. Khi bàn về pháp thực hành tịnh hoá các lỗi lầm và bất thiện nghiệp, điều này không có nghĩa là những nhân đã để lại dấu ấn nghiệp sẽ không mang lại kết quả nào. Điều này chỉ đúng với những bậc Thầy giác ngộ, những người có thể an trụ hoàn toàn trong Tính không.
Đối với phần lớn những chúng sinh phàm tình như chúng ta, những người không thể hiểu được điều chân lý tuyệt đối này, chúng ta sẽ vẫn phải trải nghiệm quả báo từ nghiệp nhân đã in dấu từ trước. Tuy nhiên, việc tịnh hoá có thể giảm nhẹ những trải nghiệm của quả báo này. Điều này có nghĩa là thay vì phải chịu quả xấu hơn nhiều lần, chúng ta sẽ chịu quả một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Sau đó, tại một thời điểm trong quá trình tịnh hoá, những nghiệp quả này sẽ trở thành những phúc lành thúc đẩy chúng ta trên con đường đạt tới giác ngộ toàn tri.
Câu chuyện về Đức Phật kể rằng khi đang đi bộ qua một khu vườn, Ngài dẫm phải một cái gai. Đức Phật thường đi bộ nhẹ nhàng trên mặt đất đến mức không thể gây hại cho bất kỳ loài côn trùng nào, nên việc dẫm vào một cái gai là điều không thể. Vì vậy, khi Đức Phật bị thương, các đệ tử rất sửng sốt và không tin đó là sự thật. A-nan, vị thị giả trung thành của Đức Phật bạch với Ngài rằng điều này có thể xảy ra như thế nào.
Ngài khai thị rằng trước khi Ngài thành Phật, Ngài đã dẫm chân lên một con kiến mà không nhận ra nó. Cái gai mà Ngài dẫm phải chính là quả báo của hành động này.
Đức Phật kể câu chuyện này vì lợi ích của chúng sinh, để nhắc nhở chúng ta rằng tất cả nhân đều tạo thành quả, cho dù chúng ta có thể nghĩ mình vĩ đại đến nhường nào. Câu chuyện này cũng giúp chúng ta hiểu thêm một triết lý sâu xa khác. Đức Phật đã không gào hét, nguyền rủa, khóc lóc, hay than thở số phận của mình khi chân Ngài chảy máu. Ngài không trải nghiệm việc chân mình bị chảy máu do cái gai, mà đó chỉ là quả báo của một nghiệp bất thiện từ một kiếp trong quá khứ.
Bạn cần hiểu rằng tịnh hoá không làm tiêu nghiệp; nó giúp giảm thiểu các kết quả và chuyển hoá trải nghiệm của chúng ta về những kết quả đó. Nếu không thực hành tịnh hoá, quả báo của việc giẫm chết một con kiến, thậm chí là vô tình, có thể biến thành tai nạn dưới bánh xe của một chiếc xe tải. Quả báo đó đẩy chúng ta ttái sinh làm một kiếp khác, có lẽ ở những cõi thấp nhất.
Nhờ thực hành tịnh hóa, quả báo được giảm thiểu tới mức thấp nhất, thậm chí trở thành một bài học, một hành động có lợi cho người khác.
Mặc dù cuối cùng, giống như Đức Phật, chúng ta sẽ trải nghiệm quả báo từ những hành động của mình, việc chúng ta có khả năng biến những hoàn cảnh tốt và xấu thành những trải nghiệm đơn giản, nhẹ nhàng hay không tùy thuộc vào công phu thực hành pháp tịnh hoá.
Bằng cách quán tưởng Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa, bạn thực sự cảm nhận rằng tất cả những xúc tình tiêu cực và bất thiện nghiệp bị cuốn trôi bởi dòng suối cam lồ ban trải vô tận của Ngài . Giờ đây, chúng hoàn toàn có thể loại bỏ những phiền não chướng cũng như làm mờ nhạt những dấu ấn nghiệp trong dòng tâm thức.
Vì vậy, mặc dù chúng ta không thể xóa sạch quả báo của hành động bất thiện nhưng chúng ta có thể tịnh hoá những chấp trước và nỗi sợ hãi về quả báo đó, đồng thời giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của chúng. Khi làm được điều này, tất cả những trải nghiệm, thậm chí là những chướng ngại sẽ trở thành những bậc thang cho chúng ta bước lên trên con đường giải thoát; chướng ngại sẽ chuyển hoá thành ân phúc gia trì.
Dù sớm hay muộn, nương năng lực gia trì của Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa và thần lực của chú trăm trăm âm, mọi hoàn cảnh, mọi chướng ngại sẽ trở thành dòng suối tịnh hoá giúp chúng ta đạt được quan kiến thanh tịnh. Đó chính là lúc về bản chất nghiệp ác đã được tịnh diệt hoàn toàn.
Ngay cả khi chúng ta thực hành pháp tu tịnh hoá, nếu có thể tỉnh thức trong mọi hành động của thân, khẩu ý và tránh tạo thêm dấu ấn nghiệp tiêu cực, chúng ta sẽ cải thiện cuộc sống và việc tu tập của mình rất nhiều, đấy là chưa kể đến những ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của tất cả những người xung quanh.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa là Đức Phật chủ về tịnh hóa. Ngài đã phát nguyện rằng dù chỉ còn sót lại một bất thiện nghiệp của chúng sinh chưa được tiêu trừ thì Ngài cũng sẽ không nhập Niết bàn. Như vậy, lời nguyện hộ trì chúng sinh tịnh hóa bất thiện nghiệp của Ngài mạnh mẽ tới mức nếu trì tụng chân ngôn của Ngài, chúng ta sẽ được tịnh hóa trên mọi bình diện.
Nếu tu trì chân ngôn Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa, kẻ dốt sẽ được trí khôn, người bất hạnh sẽ được may mắn, vô thường và tuyệt vọng không còn, kẻ phạm ác nghiệp nặng nhất sẽ được tịnh hóa, trong đời này và vô số đời sau sẽ trở thành một bậc quyền lực và có thể đạt được đến bậc chuyển luân thánh vương, cuối cùng an trụ trong đại giải thoát và đạt được Phật quả.
(Quý vị tải Nghi quỹ tu trì giản lược Đức Bản tôn Kim Cương Tát Đỏa tại đây)
- 1569
Viết bình luận