Sự tích Đức Phật Quán Thế Âm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Sự tích Đức Phật Quán Thế Âm


Sự tích Đức Phật Quán Thế Âm
 
Đảnh lễ Quán Âm đại bi chủ, 
Nguyện lực hồng thâm tướng hảo thân
Nghìn tay trang nghiêm khắp hộ trì,
Nghìn mắt quang minh khắp quán chiếu.

Trong lời chân thật tuyên mật ngữ,
Trong tâm vô vi khởi bi tâm,
Sớm khiến mãn nguyện mọi hy cầu,
Vĩnh viễn diệt trừ bao tội nghiệp.

Long thiên thánh chúng đồng từ hộ, 
Ngàn trăm tam muội đốn huân tu,
Thọ trì, thân chính là quang minh tràng.
Thọ trì, tâm chính là thần thông tạng.

Tẩy rửa trần lao nguyện như biển,
Siêu chứng Bồ- đề, phương tiện môn.
Con nay xưng tụng, thệ quy y,
Tùy nguyện theo tâm ắt viên mãn.

 
TẬP HỢP KINH VĂN

Quán Thế Âm trong tiếng Phạn có nghĩa là Avalokitesvara, dịch sang tiếng Hán là Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại...

Theo Kinh Bi Hoa, vào thời quá khứ, có Đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai, thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương là Vô Chánh Niệm. Vua có quan đại thần là Bảo Hải (phụ thân của Đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia). Do được Ngài Bảo Hải khuyến tiến, nên vua Chuyển Luân xuất gia, đối trước Phật Bảo Tạng, Ngài phát ra 48 đại nguyện. Do đó, Đức Bảo Tạng thụ ký cho vua (khi đó đã là Pháp Tạng Tỷ - khiêu): “Sau này Ngài sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà ở thế giới Cực Lạc”. Vua Chuyển Luân có người con cả là thái tử Bất Tuẫn cũng xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bản nguyện đại bi thương xót cứu độ tất cả các chúng sinh khổ não. Vì vậy Đức Bảo Tạng thụ ký cho thái tử thành Bồ tát, hiệu là Quán Thế Âm (còn Bảo Hải là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Đức Bảo Tạng thụ ký rằng: “Vì lòng đại bi, ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sinh được cùng về cõi An Lạc (Cực Lạc), vậy từ nay danh hiệu của ông là Quán Thế Âm”.

Sau khi Đức Phật A Di Đà vào Niết bàn, cõi nước đó được đổi tên là: “Nhất thiết trân bảo sở thành tựu thế giới” (Thế giới do tất cả trân bảo tạo thành). Và bấy giờ Ngài thành Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Vương Như Lai” (Như Lai vua Công Đức Chiếu Quang Minh ra tất cả).

Như vậy, Đức Phật Quán Thế Âm là một vị Phật tương lai vào ngôi của Đức Phật A Di Đà. Hiện tại Ngài cùng với Đức Đại Thế Chí (tiền kiếp là em Ngài, con thứ của vua Chuyển Luân, cũng cùng được đức Bảo Tạng thụ ký) trợ giúp giáo hóa độ sinh cho Đức Phật A Di Đà. Hai Ngài cùng ứng thân xuống Sa - bà trụ giáo cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
 

Đức Phật A Di Đà, Đức Quán Thế Âm và Đức Đại Thế Chí
 
Kinh Thủ Lăng Nghiêm chép lời Ngài bạch với Đức Thế Tôn (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con nhớ cách đây hằng hà sa kiếp về trước có Đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm”. Trong vô số hằng hà sa kiếp trước do nghe Phật thuyết Pháp, Ngài đã nhận định phép tu viên thông về nhĩ căn là hơn tất cả, do Ngài khéo chứng viên thông ở nhĩ căn nên được Đức Phật Quán Thê Âm thụ ký cho Ngài danh hiệu “Quán Thế Âm” một danh hiệu mà chúng sinh ở mười phương cung kính chấp trì nhất là trong những lúc nguy hiểm, khổ đau.

Lại nữa, Kinh Quán Âm Tam Muội nói: “Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai. Tiền thân Đức Thích Ca hồi ấy đã từng ở dưới pháp tòa xung vào trong số đệ tử khố hạnh để gần gũi”. Ngày nay Đức Thích Ca thành Phật, thời Ngài trở lại làm đệ tử gần gũi lại. Đó là: “Một Đức Phật ra đời thì hàng ngàn Đức Phật phù trì”.
 
Kinh Đại Bi Tâm Đà-la-ni chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con nhớ vô lượng ức kiếp về trước có Đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai, Đức Phật ấy vì nghĩ thương đến con và tất cả chúng sinh nên nói ra môn Đại bi tâm Đà-la-ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo: “Thiện nam tử! Ông nên thụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sinh trong cõi nước ở đời vị lai, mà làm cho họ được lợi ích yên vui”. Lúc đó con mới ở ngôi sơ địa, vừa nghe xong chú này liền vượt lên chứng đệ bát địa”.
 
Theo Kinh Đại Bản Như Ý, có 8 vị đại Quán Âm là:
  1. Viên Mãn Ý Nguyệt Minh Vương Bồ tát.
  2. Bạch Y Tự Tại.
  3. Cát La Sát Nữ.
  4. Tứ Diện Quán Âm.
  5. Mã Đầu La Sát.
  6. Tỳ Câu Chi.
  7. Đại Thế Chí.
  8. Đà La Quán Âm (Quán Âm Chuẩn Đề).

Ngài có sức uy thần công đức và lòng từ bi rất lớn. Ngài vốn không phải là nữ tướng, chúng sinh tưởng tượng ra Ngài có hình tướng nữ để tiện hóa độ cho hàng phụ nữ. Vả lại, chúng sinh ở Sa - bà này được nhờ ơn Ngài cứu độ, che chở nhiều nên thảy đều coi Ngài như mẹ hiền vì vậy mới tưởng tượng ra Ngài có hình tướng nữ.
 
 
 
Không những Ngài cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh trong lúc sống mà còn tiếp độ cho chúng sinh sau khi mất. Nếu chúng sinh nào có nguyện cầu Tịnh Độ mà niệm đến danh hiệu Ngài thì mệnh chung Ngài sẽ tiếp dẫn về Tây Phương Cực lạc. Trong Kinh nói: Đức Phật A Di Đà cùng với các Thánh chúng là Đức Quán Thế Âm, Đức Đại Thế Chí v.v... hiện thân tiếp dẫn những người tu Tịnh độ lúc lâm chung về Cực Lạc là thế.

Đức Quán Thế Âm quán tự tính viên thông, thấy hết thảy chúng sinh đồng thể bình đẳng. Chúng sinh ở trong tâm Ngài nên không khổ nào Bồ- tát không biết. Nhưng phải đợi chúng sinh, niệm danh hiệu, nghĩa là chịu quay về với Ngài, thì thần lực mới có thể gia hộ. Điều kiện duy nhất là phải cung kính, nghĩa là tin chắc Ngài có thật, ở ngay tâm mình, có khả năng cứu mình, nên thiết tha một lòng thành kính niệm. Trong Kinh đã nói: Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn.

Đức Quán Âm đã chứng Diệu giác. Tuy ở quả vị mà không xả nhân hạnh. Đã thành Phật mà vẫn làm việc Bồ- tát, hiện thân nhiều như mây ở khắp pháp giới để tế độ chúng sanh. Phẩm Kinh Phổ Môn nêu tỏ những công đức để chứng nghiệm nhập Phật tri kiến, thành Phật quả Bồ đề. Đức Quán Thế Âm đã chứng quả Bồ đề nên ai nghe phẩm này đều phát tâm vô thượng để tiến tới diệu hạnh.
 
Đại sĩ Quán Thế Âm,
Hiệu nhĩ căn viên thông.
Mười hai nguyện rộng sâu
Biển khổ thả thuyền từ.
Phổ tế, tâm viên dung
Khắp hiện thân vô cùng.
Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm Quán Thế Âm Bồ- tát (3 lần).
 

 
MƯỜI HAI HOẰNG THỆ NGUYỆN ĐỨC PHẬT QUAN ÂM

Nam mô hiệu Viên Thông, danh Tự Tại, Quán Âm Như Lai, quảng phát hoằng thệ nguyện (1 lễ).

Nam mô nhất niệm tâm không quản ngại, Quán Âm Như Lai, thường tại Nam Hải nguyện (1 lễ).

Nam mô trụ Sa Bà u minh giới, Quán Âm Như Lai, tầm thanh cứu khổ nguyện (1 lễ).

Nam mô hàng tà ma trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai, năng trừ nguy hiểm nguyện (1 lễ).

Nam mô bình thanh tịnh rủ cành dương, Quán Âm Như Lai, cam lồ rửa tâm nguyện(1 lễ).

Nam mô đại từ bi năng hỷ xả, Quán Âm Như Lai, thường hành bình đẳng nguyện (1 lễ).

Nam mô ngày đêm qua không tổn hại, Quán Âm Như Lai, diệt ba đường khổ nguyện (1 lễ).

Nam mô hướng núi Nam chăm lễ bái, Quán Âm Như Lai, gong cùm giải thoát nguyện (1 lễ).

Nam mô tạo pháp thuyền qua biển khổ, Quán Âm Như Lai, độ tận chúng sanh nguyện (1 lễ).

Nam mô trước tràng phan, sau bảo cái, Quán Âm Như Lai, tiếp dẫn Tây Phương nguyện (1 lễ).

Nam mô Vô Lượng Thọ Phật cảnh giới, Quán Âm Như Lai, Di Đà thọ ký nguyện (1 lễ).

Nam mô đoan nghiêm thân ai sánh kịp, Quán Âm Như Lai, viên tròn mười hai nguyện (1 lễ).

(Trích "Nguyệt trí văn tập"
Thượng tọa Thích Viên Thành
Nhà xuất bản Hải Phòng)
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5697988
Số người trực tuyến: