Tập đế - Chìa khóa giải mã nguyên nhân luân hồi đau khổ
Tập đế là chân lý chỉ bày nguyên nhân của đau khổ. Con người vì vô minh, vì nghiệp tích tập bao đời mà mãi trầm luân trong bể khổ. Để tận diệt được quả khổ, chúng ta phải tiêu trừ được cái nhân của nó. Tập đế đã vạch mặt chỉ tên thủ phạm đằng sau mọi khổ đau của chúng sinh. Vô minh chính là cội nguồn của tham, sân, si kéo lôi con người tạo nghiệp để rồi tái sinh và chịu quả khổ.
Nguyên nhân chấp Ngã (tham, sân, si)
Như đã đề cập đến trong phần Khổ đế, tham lam, sân hận, mê mờ là những xúc tình phiền não căn bản khiến con người luôn trầm luân với khổ đau. Do vô minh, mê mờ chúng ta chấp trì, nhận lầm ngũ uẩn giả huyễn là cái tôi chắc thật, hình thành nên một bản ngã vô cùng kiên cố. Chúng ta không nhận ra tự tính duyên khởi, phụ thuộc lẫn nhau của vạn pháp. Mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này đều vô thường và biến đổi từng phút giây, tất cả đều nương vào nhau mà sinh khởi, không một cái nào có tự tính riêng biệt, độc lập. Tâm bo bo chấp ngã, chấp pháp, không thấu rõ bản chất chân thực của vạn pháp thế gian vốn là vô thường, khổ, không, vô ngã là gốc rễ phát khởi lòng tham, tính vị kỷ cũng như tâm sân hận, tật đố và các phiền não nhiễm ô khác. Cho rằng tôi là chúa tể, lợi ích của tôi là tâm điểm, chúng ta luôn tham lam muốn vun vén, chiều chuộng và chạy theo những nhu cầu bất tận của bản thân. Lòng tham khiến ta không bao giờ hài lòng và trân trọng, tri ân những gì mình đang có, ngược lại, chúng ta tìm mọi cách thỏa mãn tham vọng cá nhân, kể cả làm những việc bất chính hay chà đạp, gây đau khổ cho người khác. Vì tham mà gia đình ly tán, anh em bất hòa, bạn bè xung đột. Tội ác và bạo lực xảy ra khắp nơi cũng đều bắt nguồn từ tham vọng ích kỷ của con người.
Cũng chính vì tôn thờ cái tôi nên tâm sân hận như ngọn lửa luôn chực bùng phát bất cứ khi nào bản ngã bị mếch lòng hay lợi ích của cái tôi bị xung đột. Tâm tham lam càng mạnh mẽ thì sân hận càng có nhiều điều kiện để phát khởi, do ham muốn không được thỏa mãn. Vì bám chấp vào “cái tôi” cố hữu, chúng ta luôn tự đồng hóa với những cảm xúc của chính mình và trở thành nô lệ chịu sự xoay vần của những cơn bão cảm xúc triền miên như tham luyến, sân hận, đố kỵ, kiêu mạn. Cuộc sống của chúng ta vì vậy trở nên vô cùng đau khổ và mỏi mệt.
Mười hai nhân duyên
Thuyết Mười hai nhân duyên chỉ bày tiến trình của vô minh, là căn nguyên của mọi khổ đau và sinh tử luân hồi. Mười hai nhân duyên giải thích tường tận guồng máy sinh diệt của hữu tình, chỉ rõ cho chúng ta thấy mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên giả hợp. Yếu tố nhân (nguyên nhân), duyên (điều kiện) kết hợp là cơ sở sinh khởi các pháp, khi nhân, duyên lìa tan sẽ khiến các pháp diệt vong. Vô minh được đề cập đến đầu tiên bởi đó là nguyên nhân căn bản. Theo thứ tự nhân duyên, Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thụ, Thụ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão, Lão duyên Tử.
Bảng Luân hồi
1. Vô minh
Vô minh là sự mê mờ, không hiểu rõ chân lý của Tứ Diệu đế. Vì không thấu rõ bản chất của mọi sự vật hiện tượng là khổ đau, vô thường, không thực hữu nên dẫn đến chấp ngã, từ đó phát sinh những hành động, tạo tác sai lầm. Như vậy gọi là “Vô minh duyên Hành”.
2. Hành
Hành được hiểu là hành động tác ý, có thể ở ba dạng thân, khẩu, ý. Hành là cơ sở tạo Nghiệp. Hành thân thanh tịnh hay ô nhiễm sẽ đi liền với thân nghiệp thanh tịnh hoặc nhiễm ô. Tương tự như vậy với hành khẩu hay hành ý.
Xét ở cấp độ vi tế, tâm ta như một dòng sông, sự chuyển động (hành) của nó được tạo thành từ sự chuyển động liên tục của vô vàn giọt nước. Tương tự vậy, tâm là một chuỗi tương tục của thiện ác, yêu ghét, vui buồn. Sự liên tục xê dịch, đổi dời, triền miên chuyển động biến hóa này là Hành ấm.
Những hành nghiệp trong quá khứ là nguyên nhân của quả báo hiện tại. Và bất cứ hành vi nào trong hiện tại cũng sẽ đem lại quả báo trong tương lai. Tất cả những nghiệp nhân đã tạo đều được huân tập vào A lại da thức, năng lực nghiệp tiềm ẩn này có thể thúc đẩy tâm thức trong chiều sâu, dẫn dắt hành trình sinh khởi trong tương lai.
3. Thức
Thức là toàn thể tâm thức của chúng ta (tức Bát thức, gồm sáu thức đầu, Mạt na thức và Tạng thức). Đó là sự hiểu biết phân biệt còn nằm trong trạng thái mê vọng sai lầm. Trong vòng quay sinh tử, dưới tác động của Nghiệp, thần thức đi tìm bụng mẹ, chịu quả báo tái sinh, như vậy gọi là “Hành duyên Thức”.
4. Danh sắc
Danh thuộc phần tâm lý, tinh thần. Sắc thuộc phần sinh lý, vật chất. Trong hành trình tái sinh, thần thức hoan hỷ khi thấy hình ảnh cha mẹ tương lai giao hợp. Lúc đó, thần thức nhập mẫu thai, chấp trì vào giọt tinh cha hòa quyện cùng giọt huyết mẹ. Thức tâm là Danh thuộc yếu tố vô hình và phôi thai từ tinh cha huyết mẹ là Sắc thuộc yếu tố hữu hình. Sự chấp trì này gọi là “Thức duyên Danh Sắc”.
5. Lục nhập
Sau khi hình thành bào thai tức Danh sắc, hình thành của sáu căn. Sáu căn này gọi là Lục nhập chỉ cho sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Như vậy gọi là “Danh sắc duyên Lục nhập”.
6. Xúc
Xúc chỉ sự tiếp xúc giữa con người với ngoại cảnh thông qua sáu giác quan. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tức sáu yếu tố ngoại cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chỉ cho màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon, sự xúc chạm, sau cùng là vạn pháp - đối tượng của ý căn) như vậy gọi là “Lục nhập duyên Xúc”.
7. Thụ
Sáu căn tiếp xúc với sáu trần sinh ra cảm thụ, gọi là “Xúc duyên Thụ”. Cảm thụ bao gồm ba loại chính là lạc thụ (cảm giác vui sướng), khổ thụ (cảm giác đau khổ) và si thụ (cảm giác không vui không buồn, do tâm si mê đem lại).
8. Ái
Khi có cảm thụ buồn vui sẽ nảy sinh tâm ham muốn, luyến ái hay chối bỏ. Như thế được gọi là “Thụ duyên Ái”. Nhiều người nói rằng cảm thụ cũng có thể sinh tâm ghét bỏ nếu đó là khổ thụ. Tuy nhiên, ghét bỏ chỉ là phạm trù đối lập với ái luyến, có ghét bỏ tức có ái luyến bởi khổ thụ thúc đẩy sự tìm cầu lạc thụ. Vì vậy, nói một cách khái quát nó vẫn không nằm ngoài nội dung của "Thụ duyên Ái".
9. Thủ
Thủ có nghĩa là nắm chặt, giữ chặt, gây nên ràng buộc. Vì yêu thích, ái luyến nên sẽ sinh lòng bám giữ, tâm chấp thủ. Đó là “Ái duyên Thủ”. Tâm chấp thủ đó thể hiện rõ rệt nhất ở sự chấp ngã, yêu mến cái tôi, nhận ngũ uẩn là tôi.
10. Hữu
Hữu mang nghĩa là Có, là hiện hữu, tồn tại hay sự sống. Sự thủ chấp kiên cố là cơ sở cho sự hình thành, sự tồn tại, hay một đời sống mới. Ham muốn dẫn đến chấp thủ, chấp thủ tạo thành động lực cho sự tái sinh. Tâm chấp thủ đã gieo vào Tạng thức một nhân là cơ sở cho sự hình thành ở đời sau. Do đó, gọi là “Thủ duyên Hữu”. Hữu là nhân được ví như cái thai sau này hình thành hài nhi.
11. Sinh
Vì đã có sẵn nhân nên khi gặp duyên tức các điều kiện chín muồi thì sẽ dẫn đến tái sinh. Vì vậy, gọi là “Hữu duyên Sinh”.
12. Lão, bệnh, tử
Đã có sinh khởi, hình thành một đời sống tức có lão, bệnh, tử, nên gọi là “Sinh duyên Lão, Bệnh, Tử”. Vòng quay không hề chấm dứt ở đây bởi yếu tố vô minh phát khởi dẫn đến tiếp theo chuỗi sinh diệt, biến đổi tương tục trong luân hồi.
Triết lý Mười hai nhân duyên không chỉ giải thích tiến trình sinh diệt của thân trong vòng quay sinh tử mà còn mô tả tiến trình tư tưởng. Triết lý này chỉ rõ, mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong vòng liên hệ qua lại, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, tạo thành một vòng liên tục với mười hai yếu tố không có điểm kết thúc cũng như bắt đầu. Đây chính là nguyên lý căn bản của sinh tử luân hồi, tức khổ đau.
Quy luật Nghiệp
Nghiệp xuất phát từ gốc tiếng Phạn “Karma”, nghĩa là hành động có tác ý. Nghiệp luôn được bắt nguồn từ những tạo tác của tâm thông qua những hoạt động của thân, khẩu và ý, gọi chung là tam nghiệp. Quy luật Nghiệp nói rằng tất cả mọi hành động tạo tác với động cơ nhất định sẽ đem lại một kết quả tất yếu sau này. Một cách dễ hiểu, quy luật Nghiệp cho rằng chúng ta sẽ nhận về những gì mình đã tạo ra, một cá nhân hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm trước hành động tác ý của chính mình. Đây là một quy luật tự nhiên, chi phối tất cả không loại trừ bất cứ đối tượng nào, đồng thời, nó bao trùm khắp cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Với quy luật Nghiệp hoàn toàn khách quan, công bằng như vậy, chúng ta thấy rõ mình là chủ nhân của chính số phận bản thân, hoàn toàn không có bất cứ Thượng đế hay đấng siêu hình nào đó ban phúc hay giáng họa. Một hành động tạo tác thiện lành sẽ đem lại một kết quả tốt đẹp về sau, trái lại, một hành động tạo tác bất thiện sẽ đem đến kết quả xấu ác sau này. Hành động đó không chỉ là hành động của thân mà còn bao gồm cả những tạo tác từ lời nói và suy nghĩ. Bằng cách này, dù bạn chỉ phạm phải sự bất thiện trong suy nghĩ thì một cách tương ứng, bạn sẽ nhận về kết quả bất thiện của suy nghĩ đó sau này.
Quy luật Nghiệp giúp chúng ta giải thích rõ ràng, logic và triệt để về nguyên nhân của khổ đau. Như trên đã nói, căn nguyên của mọi đau khổ và luân hồi là vô minh. Vì vô minh, chúng ta tin tưởng và đắm chấp vào cái tôi của ngũ uẩn giả hợp, từ đó phát sinh mọi xúc tình phiền não tham lam, sân hận, đố kỵ, kiêu mạn… Những xúc tình phiền não này vẫn sai sử, chi phối chúng ta trong từng giây phút của đời sống hàng ngày, không ngừng khiến chúng ta tạo tác những nghiệp tiêu cực của thân, khẩu và ý, gây ra vô số quả khổ mà sau này chính chúng ta phải lĩnh thụ. Chẳng hạn, tâm tham khiến ta muốn trộm đoạt tài sản của người khác để làm giàu bất chính cho mình, sát hại vô số sinh mạng chỉ để phục vụ cho khoái cảm muốn hưởng thụ miếng ngon của mình, nói dối chỉ để bao biện và tư lợi cá nhân,… Những hành động tạo tác đó gây ra các bất thiện nghiệp. Có những kết quả nhãn tiền ngay trong đời này (vì trộm cắp, ta bị pháp luật trừng phạt, vì sát sinh, ta bị đoản mạng, vì nói dối, ta cũng bị người khác lọc lừa…), nhưng cũng có nhiều nghiệp quả phải đợi đến đời sau, hoặc vô số các kiếp sau này mới trổ quả. Đời sống hiện tại của chúng ta cũng chính là kết quả của những nghiệp nhân trong quá khứ. Chướng ngại, khổ đau, tai nạn… không từ trên trời rơi xuống, không do “ông Trời” giáng xuống cho ta như nhiều người thường nghĩ, mà là kết quả tất yếu của những nhân xấu ác chúng ta đã gieo trồng từ vô thủy kiếp. Hiểu rõ về quy luật Nghiệp như vậy, chúng ta đã nắm trong tay chiếc chìa khóa giải mã luân hồi khổ đau.
Một cách khái quát, đức Phật đã chỉ ra rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn tới đau khổ được hình thành do chấp ngã, vô minh khởi nên tham, sân, si là nền tảng cho tất cả mọi xúc tình tiêu cực khiến chúng sinh tạo nghiệp. Nói rộng ra, tiến trình Mười hai nhân duyên nói lên sự vận hành của bánh xe sinh tử luân hồi không ngừng quay mãi, không có điểm khởi đầu cũng như kết thúc.
- Viết bình luận
- 3819
Viết bình luận