Tiền thân của Đức Phật A Súc Bệ
Đức Phật A Súc Bệ là vị Phật chủ về chuyển hóa si ám, sân giận của con người thành trí tuệ Đại Viên Cảnh Trí. Với trí tuệ này, chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thật của mọi thứ một cách khách quan, không giả tạo. Bất kể đối tượng có là một bông hồng đỏ thắm hay một con dao găm nhuốm máu, chiếc gương trí tuệ này sẽ phản chiếu cả hai chính theo bản chất của các vật đó. Nó sẽ không phán xét hay phân biệt hai màu đỏ, không cố gắng tán thán bông hồng hay quy kết chối bỏ con dao đầy máu kia. Không có sự phản chiếu nào trong chiếc gương gắn liền vào nó, cũng không có sự phản chiếu nào khước từ nó. Chiếc gương luôn giữ được vẻ điềm tĩnh và bất biến. Chúng ta cũng nên như vậy cho dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi!
Đức Phật A Súc Bệ (gọi tắt là A Súc) theo tiếng Hán còn gọi là A Súc Tì Phật, A Sô Tì Da Phật, Ác Khất Sô Tỳ Dã Phật; ý dịch là Bất Động Phật, Vô Động Phật, hay Vô Nộ Phật, Vô Sân Nhuế Phật
Ngài là một trong Ngũ Trí Phật ở 5 phương khác nhau; thường ngự ở phương Đông. Theo Phẩm Phát Ý Thọ Tuệ và Thiện Khoái của A Súc Phật Quốc Kinh, quyển Thượng, vào thời quá khứ cách hơn Phật quốc độ về phương Đông có thế giới tên gọi là A Tỷ La Đề (tiếng Phạn là Abhirati), Đức Đại Mục Như Lai xuất hiện trong thế giới ấy, vì các Bồ Tát thuyết về hạnh Lục Độ Vô Cực. Khi ấy có một vị Bồ Tát nhân khi nghe pháp bèn phát tâm vô thượng chân chính; Đức Đại Mục Như Lai thấy vậy rất hoan hỷ nên ban cho hiệu là A Súc.
Bồ Tát A Súc thành Phật ở thế giới A Tỷ La Đề, cho đến hiện tại vẫn còn đang thuyết pháp tại quốc độ của Ngài. Hơn nữa, lại căn cứ vào Phẩm Hóa Thành Dụ của Pháp Hoa Kinh, khi chưa xuất gia, đức Đại Thông Trí Thắng Phật có 16 vương tử, về sau tất cả đều xuất gia làm Sa Di; trong đó người con thứ nhất tên Trí Tích, tức là A Súc, thành Phật tại nước Hoan Hỷ ở phương Đông.
Bi Hoa Kinh quyển 4 có ghi rằng đức A Di Đà Phật trong thời quá khứ khi làm vua Vô Tránh Niệm, có cả ngàn người con, trong đó người con thứ 9 tên Mật Tô, tức là A Súc, thành Phật ở phương Đông, cõi nước tên là Diệu Lạc (hay Diệu Hỷ).
Phẩm Phát Ý Thọ Tuệ, A-súc Phật Quốc Kinh chép lại lời thọ kí rằng:
“Này Xá-lợi-phất! Vị Tì-kheo đó đã chuẩn bị áo giáp Tứ hoằng đại nguyện, là Đại Bồ-tát mới phát khởi ý ấy, cho nên đối với tất cả nhân loại, loài côn trùng nhỏ bé không có tâm sân hận, cũng không có hận thù.
Xá-lợi-phất! Vị Bồ-tát khi ấy vì không còn sân hận nên mới gọi là A-súc vì không còn hận thù nên trụ nơi đất A-súc. Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chính Giác cũng hoan hỷ gọi tên này. Tứ Thiên Vương cũng hoan hỷ gọi tên ấy, trời Đế Thích và Phạm Tam Bát cũng hoan hỷ gọi tên ấy…”
Đức Bồ Tát A Súc Bệ phát tâm những đại nguyện trước Đức Đại Mục Như Lai rằng:
1. Không khởi sân hận với tất cả nhân loại và loài côn trùng nhỏ nhiệm. Không cầu Thanh Văn Đạo, Duyên Giác Đạo. Không khởi ý niệm dâm dục. Không nghĩ nhớ đến ngủ nghỉ và có các niệm tưởng do dự. Không có ý niệm hồ nghi.
2. Không khởi ý niệm sát sinh, trộm cắp tiền bạc, vật dụng người khác. Không khởi ý niệm phi phạm hạnh, không khởi ý niệm nói dối, không khởi ý niệm hối hận.
3. Không khởi niệm ý niệm mắng chửi, ác khẩu, nói lời thêu dệt. Không ngu si, không khởi ý niệm tà kiến.
4. Phụng hành lời phát nguyện trên, phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, gìn giữ giới luật.
5. Thuyết pháp cho người, đời đời làm pháp sư, nói điều có hạnh cao minh, không bị chướng ngại. Có trí vô lượng cao minh, làm sa-môn thường thành hạnh khất thực.
6. Làm sa-môn thường ngồi dưới gốc cây, tinh tấn thực hành ba việc: kinh hành, tọa thiền, an trụ. Không phát ý niệm tính tội, vọng ngữ dối trá người, nói lời phỉ báng dua nịnh, vì lý do ăn uống. Không khởi ý tưởng cười cợt để thuyết pháp.
7. Gặp các Bồ-tát phát tâm Phật, không phát sinh ý niệm cúng dàng người ngoại đạo, xa lìa chư Như Lai; không ngồi trên tòa cao nghe pháp.
8. Không khởi ý niệm: “Ta sẽ (không) bố thí cho ai.”, “Ta sẽ ở nơi nào (không) lập phước thí.”, “Ta thường đem pháp (không) bố thí cho ai. Gặp người nghèo khổ, cô độc thì phân chia thân mạng cho người đó.
9. Luôn ở nơi ý nguyện Bồ tát đến khi thành đạo, giác ngộ cao tột.
10. Quốc độ không có tứ chúng phạm tội ác, tội xấu gièm pha. Chúng đệ tử không có tội ác, cõi Phật nghiêm tịnh.
11. Không thất tinh trong mộng.
12. Không còn người mẹ bất tịnh.
13. Nếu không thoái chuyển thì dùng ngón tay phải ấn xuống sẽ làm cho đất bị chấn động mạnh.
Sau khi phát xong các lời đại nguyện, Đức Đại Mục Như Lai thụ ký cho Bồ-tát sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là A Súc Bệ Như Lai.
Trong Kinh A Di Đà, sau khi Đức Phật Thích Ca khen lợi ích về công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Ðà, đức Phật Thích Ca liền bắt đầu nói tiếp:
“Này Xá Lợi Phất! Ta nay khen ngợi Phật A Di Đà công đức lợi ích chẳng xiết nghĩ bàn thì phương Đông có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang và Phật Diệu Âm, hằng hà sa số Phật ở cõi mình, tướng lưỡi rộng dài, che khắp ba ngàn đại thiên thế giới, nói lời thành thật rằng: chúng sanh ngươi, nên tin kinh này là một bản kinh tán thán công đức chẳng xiết nghĩ bàn và được hết thảy chư Phật hộ niệm”.
- 3756
Viết bình luận