Nghi thức cúng rằm tháng Bảy đơn giản mà lợi ích | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nghi thức cúng rằm tháng Bảy đơn giản mà lợi ích

Vào ngày Rằm tháng 7, nhà nào cũng làm một mâm cỗ cúng mặn thật thịnh soạn và đặt lên ban thờ để làm lễ. Người ta quan niệm, ngày này các vong linh được xá tội, cửa ngục được mở, cha mẹ, ông bà của họ có thể về nhà để nhận sự hiếu kính của con cháu. Con cháu thi nhau làm mâm cao, cỗ đầy để cầu cúng, báo đáp. Và họ tự nhủ với nhau, lễ lạt càng to càng tốt, càng thể hiện sự hiếu lễ.

Tuy nhiên, theo giáo lý của nhà Phật thì việc làm trên lại sinh ra cái tội cho ông bà, cha mẹ, người đã thác đi. Bởi khi còn sống, ông bà, cha mẹ của họ cũng gây ra tội khi sát sinh, cũng cúng lễ mặn vào ngày Rằm. Và bây giờ, con cháu của họ lại tiếp tục sát sinh để cúng ông bà, cha mẹ khiến cho tội lỗi cũ của họ càng thêm chồng chất, khó mà siêu thoát.

Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm trong đạo Phật còn gọi là ngày lễ Vu Lan (báo hiếu). Vào ngày này, chư Tăng Ni, Phật tử thường tổ chức cúng dàng để cầu siêu cho người thân quá vãng, cầu phúc, tích lũy công đức cho người sống. Sau khi dâng phẩm cúng dàng lên chư Phật và chư Tăng, con cháu thường làm mâm cỗ cúng gia tiên. Khi cúng vào ngày lễ Vu Lan, con cháu nên cúng ông bà, cha mẹ bằng lễ chay, tuyệt đối tránh việc sát sinh đề hồi hướng cho hương linh của họ sớm được vãng sinh.

Trong Kinh điển, đức Phật rất đề cao hiếu đạo. Đức Phật cũng là một người con có hiếu. Trong các điều phúc, không có điều phúc nào lớn bằng con cái có hiếu với cha mẹ. Và ngược lại, trong các điều tội, bất hiếu là tội nặng nhất.

Lúc cha mẹ còn sống thì lo chăm sóc, lúc cha mẹ thác đi thì lo lễ cầu siêu. Đây là việc rất đơn giản nhưng cần nhất là cái tâm, sự thành ý của mỗi người. Nhưng sau này, một bộ phận không nhỏ người Việt lại biến lễ Vu Lan thành một nghi lễ báo đáp nhưng mang hình thức phàm tục nhiều hơn.

Thức ăn của chư hương linh

Nói chung đối với người chết, chẳng những sắc uẩn là thân vật chất không còn. Mà cả thọ, tưởng, hành uẩn cũng không có. Họ chỉ còn giữ lại thức uẩn. Nhưng khi còn sống, thức uẩn do thọ, tưởng, hành uẩn huân tập mà thành.

Do đó, lúc chết, cả ba phần là thọ, tưởng và hành (nghĩa là cảm thọ, tưởng tượng, hành vi tạo tác trong tâm) đều lưu lại trong thức uẩn. Nó khiến cho linh hồn hay thần thức bị ám ảnh, thấy nóng lạnh, đói, khổ, v.v… Trong khi sự kiện thực tế gây ra nóng lạnh, đói khổ, không hề có. Thí dụ một linh hồn người chết cảm thấy bị đánh đau đớn, là vì lúc sống họ đã bị đánh và có cảm nhận đau đớn. Sự kiện và cảm nhận đó được lưu trữ trong tiềm thức. Đến khi chết, mặc dù thật sự không bị ai đánh cả; nhưng vì thần thức vẫn còn hoạt động, vẫn còn nghĩ rằng họ đang bị đánh đau. Bấy giờ là thức bị đau, không phải thân đau. Như vậy, cô hồn sống với thức, nên khổ trong thức. Sự đau đớn, bị nóng bức thiêu đốt, đói khát mà cô hồn phải gánh chịu chỉ do tâm họ khởi lên mà thôi.

Hương linh người quá cố không ăn uống như người thường mà ăn bằng hương thơm. Vì vậy, bên cạnh mâm cỗ chay, trong khóa lễ cúng cơm vong, nên chuẩn bị một bát bột gồm có các loại bột ngũ cốc, bánh các loại, bơ, sữa, bột hương, quế, hồi, đinh hương, thảo quả,… Khi đọc bài cúng cơm đến phần “Biến thực chân ngôn” thì đem bát bột này cùng với một số thức ăn trên mâm cúng ra ngoài đốt nhưng không đốt lên lửa mà chỉ đốt bằng than để tạo ra khói thơm. Thần thức cha mẹ, tổ tiên cửu huyền thất tổ sẽ thụ hưởng khói thơm này mà được no đủ.

Tham khảo thêm

Cách cúng cô hồn ngày rằm tháng Bảy

Nghi thức cúng cơm cho vong linh

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5670643
Số người trực tuyến: