Hai phần thực hành không thể thiếu đối với mọi pháp tu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Hai phần thực hành không thể thiếu đối với mọi pháp tu

Cho dù bạn có thực hành bất cứ pháp tu gì, ngắn hay dài, đầy đủ hay giản lược, đều có ba điểm vô cùng quan trọng. Thứ nhất, bạn cần phải khởi đầu bằng Quy y và phát Bồ đề tâm. Quy y chính là cánh cửa dẫn vào Phật giáo. Còn nếu không có Bồ đề tâm thì chính bạn cũng chẳng biết sự tu tập của mình sẽ dẫn đến đâu. Chính vì vậy mà Quy Y và phát Bồ đề tâm bao giờ cũng phải đi hàng đầu. Tiếp theo là đến pháp thực hành chính: quán tưởng hoặc bất cứ pháp thực hành nào, các bạn cần thực hành đúng đắn trong phần thứ hai. Phần thứ ba là hồi hướng, hãy hồi hướng thanh tịnh mọi công đức tới mọi chúng hữu tình.

Quy y là thực hành căn bản của người bước đầu tu tập Nguyên Thủy Phật giáo. Bồ đề tâm là căn bản của Đại Thừa Phật giáo. Đây là hai yếu tố vô cùng quan trọng để thực hành Kim Cương Thừa Phật giáo và là nền tảng giúp hành giả thành tựu pháp. Chúng ta không thể hiểu sai rằng Kim Cương Thừa là một pháp tu cao cấp, tách riêng khỏi Nguyên Thủy và Đại Thừa Phật giáo.

Bạn có thể áp dụng các phần thực hành này cho bất kỳ pháp tu nào. Chẳng hạn nếu bạn muốn thực hành pháp tu Liên Hoa Sinh, bạn cũng cần phải Quy y và phát Bồ đề tâm, rồi tiếp đến quán tưởng Kim Cương Thượng sư, rồi trì tụng, cúng dàng, rồi quán Bản tôn hòa tan vào mình, sau đó thì hồi hướng. Cũng tương tự như vậy đối với các pháp tu Zambala, Tara, pháp nào cũng vậy. Nếu các bạn thực hành những pháp tu hay nghi quỹ phức tạp thì thứ lớp có thể khác đi, nhưng các pháp tu trì giản lược để tiện cho việc thực hành thì đều như vậy cả.

Quy y

Trong phần quy y, chúng ta quy y Phật, hướng lòng mình nương tựa bậc giác ngộ, người đã khai sáng ra giáo pháp. Chúng ta quy y Pháp chính là nương tựa đời mình trong sự che chở của giáo pháp, giúp cho chúng ta tìm được niềm vui và hạnh phúc chân thật trong giáo pháp. Chúng ta quy y tăng, những người dẫn đạo cho chúng ta. Dù thực hành theo truyền thống Nguyên Thủy Phật giáo, Đại Thừa hay Kim Cương Thừa Phật giáo, đều cần thực hành giáo pháp. Bài pháp đầu tiên đức Thế Tôn đã khai thị tại vườn Nai chính là bài kinh Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu đế là tinh túy, là cốt tủy của giáo pháp mà Đức Phật đã trao truyền ngay trong lần chuyển pháp luân đầu tiên. Dù các Phật tử là hành giả tu tập theo Nguyên Thủy Phật giáo, Đại Thừa Phật giáo hay Kim Cương Thừa Phật giáo đều cần thực hành Tứ Diệu Đế để có thể chấm dứt được khổ đau và đạt đến giải thoát hạnh phúc.

Phát Bồ đề tâm

Sau khi quy y, bước thứ hai vô cùng quan trọng là phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tinh túy của Đại Thừa Phật giáo. Bởi nếu chỉ quy y cho bản thân mình thì đó không phải là lý tưởng thực hành trong đạo Phật. Tất cả sự thực hành dù ở cấp độ nào cũng đều hướng chúng ta đến lợi ích của tha nhân. Bởi vậy, Bồ đề tâm giống như bộ máy chính để phát được động cơ. Nhờ động cơ tốt đẹp, chúng ta hướng trọn vẹn cuộc đời mình để làm các thiện hạnh lợi ích cho chúng sinh. Bồ đề tâm (Bodhicitta), có nghĩa là “Tâm giác ngộ” tức “tâm hiểu biết” hay “tâm hiểu biết hoàn hảo”. Tâm giác ngộ là tâm không chỉ nghĩ riêng cho cá nhân mình mà luôn mở rộng lòng đến tất cả mọi người, mọi loài xung quanh. Các Phật tử rất cần phát Bồ đề tâm bởi đó là thực hành công hạnh căn bản của một vị Bồ tát trên con đường thực hành Phật pháp.

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Pháp hội Đại bi Quan Âm, tháng 03/2018)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5781911
Số người trực tuyến: