Nhớ Vu Lan (HT. Thích Thiện Siêu) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nhớ Vu Lan (HT. Thích Thiện Siêu)

Nhớ Vu Lan

Thích Thiện Siêu

Mỗi năm cứ đến răm tháng Bảy thì chúng ta lại cảm thấy như có một điều gì thiêng liêng nhắc nhở. Điều nhắc nhở chúng ta rằm tháng Bảy là một ngày giải chế của các vị đại đức Tăng sau ba tháng hạ kiết giới an cư tinh tấn tập trung quán lực, rèn luyện, uốn nắn thân tâm theo chính pháp, làm cho hạnh nguyện của mình dần dần trở nên hoàn hảo, khỏi bị thoái chuyển mục đích giải thoát cao thâm, khỏi bị lung lay trên đường tu hành tự giác, giác tha đầy những gay go hiểm trở.

Rằm tháng Bảy còn nhắc nhở chúng ta - những người dân Việt đầy lòng thương mến, đầy niềm hiếu đạo - một ngày cổ tục hay đã ghi đậm trong mọi người mà chúng ta thường gọi là ngày Xá tội vong nhân. Trong ngày ấy, vong nhân được siêu thoát nhờ tịnh đức của các vị Tăng-già, hòa hợp chú nguyện với tâm thành chí hiếu của chúng ta.

Ngày rằm tháng Bảy lại còn nhắc nhở chúng ta, những người Phật tử thuần thành, các cử chỉ cao đẹp của một vị Thánh Tăng, ngài Mục Kiền Liên, đã đem lòng hiếu hạnh, nhân ngày này cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ khổ não, báo đáp công đức sinh dưỡng cao như núi, rộng như biển của cha mẹ. Chính đó là cử chỉ cao đẹp gương mẫu cho mọi người noi theo, cử chỉ đó không những dạy cho những người hiếu hạnh biết báo đáp hồng ân cha mẹ rốt ráo hợp cách, mà cũng dạy cho những kẻ bất hiếu vô ân hãy nghĩ đến người chí thân của mình mà lo phần đền trả, do đó ngày rằm tháng Bảy đã trở thành một ngày hệ trọng: Ngày Vu Lan báo hiếu.

Báo hiếu là một quan niệm chính đáng, một hành động hợp lý trong cử chỉ: làm con, chúng ta không thể quên được nỗi lao thân khổ tứ của cha mẹ, mải miết lo cho con từ miếng cơm manh áo, có đức rộng tài cao; lo cho con từ khi mới lọt lòng cho đến ngày đầu bạc răng long; không kể gì khó khăn vất vả. Vì lận đận theo con mà trên má người thân sớm bị nhăn nheo, và tâm trí người thân sớm héo mòn kém lụt. Nhìn vào đôi mắt mờ lệ đăm chiêu, chúng ta cũng đoán biết nỗi lo âu vô cùng khổ sở của cha mẹ; người có thể chết được trong những khi con mình khôn cùng, hoạn nạn ốm đau. Luôn luôn vì nghĩ làm sao cho con mình được thông minh nhân đức mà cha mẹ quên mình dốt nát tội lỗi.

Những ai đã có làm cha mẹ mới biết lòng người mẹ lúc tựa cửa trông con, nhìn trời nhớ con, nó thắm thiết đau thương đến dường nào. Lòng cha mẹ đốì với con như thế, nhưng đến khi đời con như hoa thì cha mẹ đã già như lá tía ; đời con khôn lớn thi tinh hoa sự sống của cha mẹ đã truyền hết cho con mà nhận lấy cái chết.

Có người tưởng lầm rằng cha mẹ chết rồi là hết không còn gì phải bận lòng nghĩ tới. Nhưng không, chúng ta biết rằng: chết chỉ là kết thúc một giai đoạn trong dòng sông vô tận. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm vua Ba-tư-nặc hỏi đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, ngoại đạo nói chết là mất hẳn, con không hiểu lời ấy có đúng không ?

Phật dạy :

- Đại vương, thân thể ông đó có chắc như kim cang, hay lại cũng biến đổi và tan rã?

- Bạch Thế Tôn, thân tôi về sau cũng biến đổi và tiêu diệt.

- Đại vương, ông chưa hề bị diệt, sao lại biết được rồi sẽ diệt?

- Bạch Thế Tôn, thân tôi tuy chưa hề diệt, song tôi xét nó sát-na đổi dời mãi mà không thôi; như lửa thành tro lần lần tiêu mất, nên tôi biết chắc thân này rồi cũng tiêu diệt.

- Đúng thế, Đại vương, tuổi ông đã già yếu, vậy mặt này của ông so với lúc còn bé như thế nào?

- Bạch Thế Tôn, lúc tôi bé nhỏ, da thịt mởn mơ; đến khi trưởng thành, huyết khí sung túc; nay thì tuổi già, ngày thêm suy yếu, hình sắc khô gầy, tinh thần lú lẫn, tóc bạc mặt nhăn; chừng sống không được bao lâu nữa, sánh sao được với lúc đương còn trẻ mạnh.

Phật bảo:

- Đại vương, hình dung của ông nào phải đương trẻ mà già liền đâu?

- Bạch Thế Tôn, sự biến hóa âm thầm, tôi thật không hay biết, nắng mưa thấm thoát lần đến thế này. Khi hai mươi tuổi, tuy gọi là trẻ, nhưng mặt mày đã già hơn khi mười tuổi; khi ba mươi tuổi lại sút hơn lúc hai mươi tuổi; đến nay đã sáu mươi hai tuổi, trông lại lúc năm mươi tuổi còn khỏe mạnh hơn nhiều. Bạch Thế Tôn, tôi thấy thân tôi như thế, biến đổi đâu phải từng năm mà từng tháng; đâu phải từng tháng mà từng ngày, từng giờ... Xét cho cùng, trong mỗi sát na nó không thể đứng yên; vậy nên tôi biết thân tôi rốt cuộc phải biến đổi và tiêu diệt.

- Đại vương, ông thấy thân ông biến đổi mà biết là rốt cuộc phải tiêu diệt, vậy trong lúc diệt đó, ông có biết trong thân ông có cái gì không diệt chăng?

- Bạch Thế Tôn, con thật không biết.

- Này Đại vương, khi ông mấy tuổi mới thấy sông Hằng?

- Bạch Thế Tôn, khi tôi ba tuổi đã thấy sông Hằng.

- Đại vương, như lời ông nói: Lúc hai mươi tuổi sút hơn lúc mười tuổi; cho đến nay đã sáu mươi hai tuổi, từng ngày từng giờ dời đổi không ngừng; vậy khi ông ba tuổi thấy sông Hằng rồi đến khi mười ba tuổi thì thấy sông ấy như thế nào?

- Bạch Thế Tôn, tôi thấy sông ấy cũng giống như khi ba tuổi; và đến nay đã sáu mươi hai tuổi cũng vẫn không khác.

- Này Đại vương, ông xét thấy mình đầu bạc mặt nhăn, mặt ông chắc là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy của ông hiện nay thấy sông Hằng so với cái thấy của ông lúc nhỏ thấy sông Hằng, cái thấy ấy có già trẻ gì không?

- Không, bạch Thế Tôn.

- Này Đại vương, mặt ông nhăn nhưng cái thấy ấy chưa hề bị nhăn; cái bị nhăn thì thay đổi, cái không bị nhăn thì không thay đổi; cái thay đổi thì phải diệt, còn cái không thay đổi vốn không sinh diệt, làm sao nó lại nhận cái sống cái chết của ông được?

Vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy như vậy, liền hiểu rằng bỏ thân này sống với thân khác, sinh mệnh vô thủy vô chung, chỉ theo nghiệp mà biến đổi tử sinh nhưng không bao giờ đoạn diệt. Vì không đoạn diệt, vì theo nghiệp thọ sinh, cho nên chúng ta mới được báo hiếu cha mẹ một cách hoàn toàn.

Có nhiều người lầm tưởng: Chết rồi thì linh hồn còn mãi mãi vật vờ giữa không trung; hoặc ra vào trong mồ mả, hoặc thường ở dưới cõi âm ty để nhận lấy hình phạt của Diêm vương, của ngục tối; rồi nghĩ đến cảnh cơ hàn của họ mà bày đặt cỗ bàn, sắm đồ vàng mã đốt cho thân nhân tiêu dùng.

Ngược lại có những người khác nghĩ rằng: Chết rồi thì tiêu ma, tuyệt tích; thân cát bụi tan vào cát bụi, chẳng có tiếp nối chịu ảnh hưởng của kiếp sống phù du này đã gây ra; như vậy buồn thương nghĩ nhớ báo đáp mà làm chi? Vì thế mà một bên thì thương tiếc đến loạn điên, còn một bên thì thờ ơ lạnh nhạt không nghĩ tới.

Song, xét kỹ thì vạn vật tuy vô thường, nhưng tương tục; thân mạng chết rồi lại sinh, bỏ thân cũ liền nhận thân mới theo sự dẫn dắt chi phối của hành động nghiệp nhân. Bởi vậy, nên khi nào chúng ta nghĩ đến cha mẹ là phải nghĩ đến cách làm cho cha mẹ sống trong lẽ phải, và nghĩ đến việc gây phước đức, tạo ảnh hưởng tốt đến các vong nhân. Nghĩa là chúng ta phải làm điều thiện để báo hiếu, cầu mong cha mẹ tiền nhân chúng ta được sự hưởng thọ an lạc.

Chúng ta không nôn nóng cho rằng, báo hiếu là việc không quan hệ mà thờ ơ không cần nghĩ đến. Đối với cha mẹ, là người thân nhất, mật thiết dinh dưỡng đời sống chúng ta mà chúng ta không cảm thương báo hiếu, thì không chắc thương ai, giúp ai một chút gì gọi là thật thà. Và, báo hiếu là một việc phải, mà chúng ta không làm thì không chắc làm được điều gì phải hơn.

Phật dạy: “Hiếu là việc đứng đầu muôn hạnh”, chúng ta tu hành bao nhiêu công hạnh thì cùng một lúc phải báo hiếu một cách tha thiết và hợp lẽ. Quan hệ nhất là chúng ta phải làm sao cho cha mẹ và tiền nhân của chúng ta được hưởng an vui theo lẽ thiện, an vui ngoài vòng vô minh đau khổ. Ngoài ra, dẫu cúng tế linh đình mà nếu chúng ta không làm cho vong nhân giải thoát tù đày sinh tử, như vậy việc làm của chúng ta vẫn còn khuyết điểm; hay dẫu chúng ta cố gắng lập công to, gây nghiệp lớn để rạng danh giá tổ tông đi nữa, việc ấy cũng không thiết thực lợi ích gì trong khi những vị ân nhân của chúng ta đang ở chốn rừng mê biển khổ.

Vậy con đường báo hiếu duy nhất là, phải chú trọng mục đích giải thoát; giải khổ đem vui lại cho ân nhân bằng cách chúng ta đem hết những gì cao quý nhất đời mình để phụng sự người; sự cao quý ấy không là tiền bạc, quyền thế, danh vọng mà là tâm ý chí thành, hành động trong sáng của chúng ta, cùng đức thanh tịnh của đại đức Tăng già chú nguyện; chỉ có thế mới chuyển hướng được đời sống tiền nhân của chúng ta vào đường chính pháp, vào nghiệp lành, để biến đổi cảnh sống khổ não ra cảnh sống an vui và giải thoát.

Hôm nay dưới ánh từ quang ngôi Tam bảo, noi dấu Ngài Mục Kiền Liên, chúng ta hãy dồn hết bao nhiêu điều cao quý ở chúng ta và thành tâm nhờ diệu lực của Tam bảo để giải thoát cho cha mẹ. Được vậy mới mong báo đáp thâm ân của cha mẹ chúng ta trong muôn một.

Nam-mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ-tát.




 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757546
Số người trực tuyến: