Có nên nói thật với người mắc bệnh nan y? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Có nên nói thật với người mắc bệnh nan y?

Trong một cuốn sách về sự kiện trọng đại nhất trong đời người có kể về một bà cụ tuổi gần 70 tuổi phải đối mặt với những ngày cuối cùng của căn bệnh ung thư. Hàng ngày cô con gái bà đến chăm mẹ, hai mẹ con thường nói chuyện rất lâu và sau khi con gái ra về, bà cụ thường ngồi khóc một mình.

Lý do bà khóc là vì con gái bà hoàn toàn không chịu chấp nhận cái điều không thể tránh là bà sẽ chết, mà cứ khuyên mẹ hãy “có tư tưởng tích cực”, hy vọng rằng nhờ vậy bệnh ung thư của bà có thể chữa khỏi. Nhưng sự thật là bà cụ phải ôm những nỗi sợ hãi, kinh hoàng và buồn đau một mình, không có ai để san sẻ, và không ai giúp bà tìm ra ý nghĩa tích cực trong cái chết.

Khéo léo nhìn thẳng vào cái chết

Câu chuyện trên phần nào giúp chúng ta hiểu rằng, khi lâm trọng bệnh, tuy chưa cận kề cái chết nhưng người bệnh chẳng khác gì đã nhận một bản án tử hình và việc ra đi chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Khi đó, người bệnh có thể bắt đầu nhận thức những gì mình sở hữu sẽ không còn ý nghĩa. Mọi thứ, kể cả tiền bạc, người thân, thuốc men,… đều trở nên vô ích, không thể tiếp tục mang lại cho họ cuộc sống, hạnh phúc, sự an ổn, cũng như không thể mang theo sang thế giới bên kia.

Người bệnh lúc này cảm thấy vô cùng khủng hoảng, bế tắc. Nỗi đau về thể xác không có ý nghĩa gì so với nỗi đau đớn tinh thần mà họ phải chịu đựng. Lúc này, sự hiện diện an ủi, khai thị của những người thân và người phát tâm hộ niệm là vô cùng cần thiết. Bạn có thể phân tích cho họ về bản chất và cơ hội của cái chết, về những gì họ cần nhận thức và chuẩn bị trong tiến trình này, từ đó giúp họ chủ động đối mặt với cái chết và sử dụng một cách hiệu quả nhất thời gian còn lại của cuộc sống làm hành trang cho giai đoạn trung gian tiếp theo. Nếu người bệnh có những uẩn khúc hay oán hận điều gì trong tâm, nên khuyên họ giải toả, đừng chấp giữ thì mới có thể giải thoát, nếu không chắc chắn đọa lạc thành cô hồn khó thể siêu thoát. Nên nhắc lại những công hạnh thiện lành họ đã tạo trong đời sống vừa qua để họ vững niềm tin và có sự thanh thản trước cái chết. Nếu người sắp chết có tâm nguyện trao đổi về việc hậu sự và những tâm nguyện trước khi chết, hãy lắng nghe một cách chân thành. Trong chừng mực những yêu cầu của họ không gây trở ngại cho cái chết an lành, hãy phát tâm nghe theo hoặc giúp đỡ họ!

Tránh sai lầm che giấu sự thật về cái chết

Một số người mắc những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, tuy nhiên, người thân của họ thường cho rằng, cách tốt nhất đối với người sắp chết là không cho họ biết về sự thật phũ phàng này. Họ tìm cách che đậy cái chết đến phút chót, tưởng rằng làm vậy sẽ giúp người chết bớt đau đớn. Ngược lại, hãy tỉnh táo suy ngẫm xem người chết sẽ ra sao khi vào phút cuối đời phải đối mặt với một cái chết nghiệt ngã mà họ hoàn toàn không có sự chuẩn bị? Chắc chắn rằng mọi sự đau đớn, bàng hoàng, nghi ngờ, oán hận sẽ gia tăng tột cùng. Thậm chí sau khi chết rồi, có thể thần thức người chết vẫn chưa nhận ra mình đã chết và sẽ tìm mọi cách níu kéo gia đình, người thân, tài sản của kiếp sống vừa qua. Như thế, thần thức sẽ khó lòng siêu thoát mà sẽ vất vưởng lưu đày trong cõi Cô hồn ngã quỷ, trở thành oan hồn quấy phá, não hại người đang sống.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6181752
Số người trực tuyến: