Linh thiêng Tòa Kim Cương nơi 1.000 vị Phật thời Hiền kiếp đã nhập định
Trong kinh Đại Niết-bàn (Maha-Parinibbana) thuộc Trường Bộ Kinh, Đức Phật tuyên bố với ngài A-nan rằng Bồ đề đạo tràng là một trong bốn thánh địa mà người con Phật với lòng kính tin nên đến để chiêm bái lễ lạy. Chính giữa Bồ đề đạo tràng là Kim Cương Tòa (Vajrasana) nơi Đức Phật ngồi thiền trong 49 ngày. Trong thời xa xưa khi đời Hiền kiếp đã đến lúc viên mãn, khi quả đất được tạo ra thì Tòa Kim Cương (Vajrasana) này cũng đã xuất hiện. Nó nằm ngay giữa trung tâm của vũ trụ và ăn sâu xuống lòng đất. 1.000 vị Phật đời Hiền kiếp đã ngồi và nhập kim cương định trên Tòa Kim Cương này.
Sau khi thọ nhận bát cháo sữa của hai cô thôn nữ, Bồ Tát Tất Đạt Đa rời bờ sông Ni Liên Thiền và đi sâu vào trong núi Riwangiri, một trong những đỉnh núi cao nhất trong vùng. Ngài trèo lên cao vào tìm thấy một chỗ có thể ngồi được ngay trên vách đá cheo leo. Ngài phát nguyện sẽ không đứng dậy khỏi đây nếu chưa thành tựu giác ngộ. Tuy nhiên, khi Ngài vừa an tọa, cả ngọn núi chấn động và sụt lở, các tảng đá nứt vỡ, rơi lăn ầm ầm. Bồ Tát nghĩ đó là chướng ngại từ bất thiện nghiệp và tự hỏi: «Vì sao đến cả núi đá cũng không ủng hộ, không thuận làm chỗ an trụ vững chắc để ta tu».
Bỗng nhiên, chư thiên thị hiện trong không gian trước mặt Ngài và bạch rằng: «Thưa Bồ Tát tôn quý, Ngài không hề có nghiệp bất thiện, cũng như ngọn núi này không hề mỏng giòn dễ vỡ. Chính bởi Ngài đã tịnh hóa mọi nghiệp bất thiện và hoàn toàn thanh tịnh, công đức Ngài tích lũy được cao như trời và nặng như núi, đến nỗi chính ngọn núi này cũng không thể nào trụ nổi. Ở bên kia bờ sông Ni Liên Thiền có một nơi gọi là Kim Cương tòa, nơi đó được gia trì ban phúc bởi hết thảy chư Phật. Bạch Bồ Tát, đó là nơi vô cùng linh thiêng và là nơi Ngài có thể thành tựu Chính Đẳng Chính Giác”.
Sau đó, chư thiên tháp tùng và dẫn đường Bồ Tát đến Kim Cương Tòa. Khi Ngài đi bộ dọc bờ sông Ni Liên Thiền hướng về phía Kim Cương tòa, mỗi dấu chân Ngài in xuống đất đều nở một đóa sen vàng, từ đó bật lên dòng suối nguồn mát lành, mặt đất trở nên mịn xốp như bông và khẽ rung động như có sức sống. Mỗi bước chân Ngài đều âm vang như tiếng cồng dội vào lòng đất.
Ngạc nhiên trước những cảnh tượng phi thường đó, Hắc Long vương cư ngụ tại dòng sông tò mò muốn xem sự thể ra sao liền hiện lên mặt nước. Nhìn thấy Bồ Tát đang khoan thai dạo bước, phong thái tôn nghiêm và an nhiên tự tại, trong tâm Long Vương khởi lòng kính ngưỡng, liền cung kính đỉnh lễ dưới gót sen Bồ Tát.
Ngày nay ở gần tháp Đại giác, Bồ Đề Đạo Tràng, có một hồ nước nhân tạo do các Phật tử xây dựng để tưởng niệm sự kiện Hắc Long Vương đỉnh lễ Đức Phật. Cũng với lòng kính ngưỡng như Long Vương, những Phật tử thuộc truyền thống Đại thừa ở vùng Himalaya tin rằng cả dòng sông Ni Liên Thiền và cát hai bên bờ đều thấm đẫm sự gia trì của Đức Phật khi Ngài vượt sông và ném phần cháo sữa còn lại xuống nước. Người ta sàng lọc cát và tìm thấy những hạt vụn nhỏ trông giống như xá lợi sáng lấp lánh và nổi bật bên cạnh những hạt cát vàng nâu bình thường. Họ thu lại những hạt quý giá này mang về nhà, đặt vào trong tượng Phật hay bảo tháp cùng với các vật phẩm linh thiêng khác và thờ cúng như bảo vật.
Khi Bồ Tát tiếp nhận bát cháo sữa ngọt lành của hai cô gái, năm vị đồng đạo của Ngài rất bất bình, họ nghĩ rằng Bồ Tát đã thoái tâm, muốn nhàn dưỡng tấm thân mà thụ nhận thực phẩm của phụ nữ trẻ đẹp, buông bỏ lời nguyện tu hành khổ hạnh. Họ liền tỏ thái độ khinh thường, xa lánh Bồ Tát và bỏ đi về phía thành Ba Na Lại (Varanasi). Điều này không làm Bồ Tát nao núng, Ngài chỉ muốn tìm ra con đường tối thượng để mang tới sự giác ngộ và hạnh phúc toàn hảo. Đã trải nghiệm phương pháp ép xác khổ hạnh, Ngài từ chối cách thức cực đoan này. Thấu hiểu rằng tu tập phải vì mục đích giải thoát cho tất cả chúng sinh đang đau khổ, Ngài chọn con đường Trung đạo là phương tiện để tự Ngài trực tiếp chứng ngộ.
Ai chứng nghiệm sự hợp nhất trong cuộc sống sẽ nhìn thấy bản thân mình trong vạn pháp cũng như thấy vạn pháp trong chính mình và nhìn tất cả vạn vật với đôi mắt bình đẳng.
~ Đức Phật ~
(Nguyên tác: "Journey to Liberation - A life story of Buddha in Mahayana tradition"
Nhóm ĐBT biên dịch)
- 4614
Viết bình luận