Vì sao 1 thời pháp của Đức Phật có thể ứng hợp mọi trình độ hiểu biết?
Tất cả giáo pháp của Đức Phật dù dài hay ngắn, đều là lời giải đáp trực tiếp và tùy hợp với mức độ phát triển tâm linh của người đệ tử mong nguyện được lắng nghe giáo pháp từ Ngài. Lẽ đương nhiên, con người ta có năng lực, trình độ hiểu biết rất khác nhau. Họ cũng có những tâm nguyện và mong cầu được học hỏi, tìm hiểu về giáo pháp khác nhau. Nếu Đức Phật chỉ truyền dạy điều cốt tủy nhất trong sự chứng ngộ của Ngài về những giáo lý rộng lớn và thâm sâu, thì ngoài những đệ tử có trí tuệ siêu phàm và sự tinh tấn thực hành, ít ai có thể bước được vào con đường đạo. Đức Phật đã khéo léo, thiện xảo chỉ dạy để một người bình thường có thể trưởng dưỡng thực hành tâm linh và tiến bộ trên con đường đạt đến giải thoát.
3 phép màu của Thân - Khẩu - Ý
Khi Đức Phật khoảng 51 tuổi, Ngài giảng bài Pháp thứ hai trên đỉnh Linh Thứu. Ngài đã tự mình sắp xếp tòa sư tử để mọi người thấy rằng lần chuyển bánh xe Pháp thứ hai này là bài Pháp quý giá và uy nghi nhất trong tất cả các bài Pháp của Ngài. Khi Đức Phật ngồi lên tòa sư tử, Ngài đã phô diễn ba phép màu của thân, khẩu và ý. Phép màu của thân đã được thể hiện bằng vẻ bề ngoài uy nghi hoàn hảo như thể Ngài là vầng mặt trời đang chiếu sáng trên bầu trời.
Đức Phật đã dùng năng lực kim khẩu để ban Pháp với năm âm hưởng du dương, vang sâu như tiếng sấm, êm dịu và nhẹ nhàng, thánh thót dễ chịu như tiếng chim hót, dễ hiểu và rõ ràng, điềm đạm và nhất quán. Ngài giảng Pháp theo tâm nguyện của các Phật tử. Với những người mong muốn đón nhận những lời dạy tỉ mỉ hơn về giáo lý, Đức Phật ban trải những giải thích cặn kẽ hơn. Cũng như vậy, với những đệ tử ở lớp trung bình, Ngài giảng những bài Pháp ở mức độ trung bình và với những người mong muốn nghe pháp theo hướng ngắn gọn, súc tích, Đức Phật tóm tắt lại các ý chính bằng những từ ngữ đơn giản hơn.
Bằng trực giác của mình, Đức Phật biết được làm cách nào để đáp ứng được mong cầu và sở nguyện của từng cá nhân. Ngài không hề có ý định giảng Pháp theo cách này hay cách khác. Ngài giảng Pháp một cách tự nhiên, đọc được suy nghĩ của tất cả chúng sinh, giống như ánh nắng mặt trời dễ dàng lan tỏa về mọi hướng.
Một thời pháp ứng hợp mọi tâm nguyện và trình độ hiểu biết
Khi Đức Phật giảng về Tính không cho những người mong cầu sự lý giải tỉ mỉ, Ngài đã dùng rất nhiều phép ẩn dụ để giúp họ dễ hiểu hơn ý nghĩa cốt yếu của Tính không, vì vậy những bài Pháp được giảng ở đỉnh Linh Thứu được gọi là “108.000 đoạn kệ về trí tuệ Bát Nhã”. Những đoạn thơ ca trong 12 quyển này được tụng trong các tự viện và nhà riêng của các hành giả Phật giáo vùng Himalaya.
Chữ chủng tử "AH"
Với những Phật tử ở mức độ trung bình, Đức Phật giảng những bài Pháp “trung bình” hay còn gọi là “80.000 đoạn kệ”. Những Phật tử muốn một cách hiểu đơn giản hơn về Tính không được Đức Phật giảng Pháp theo một cách ít tỉ mỉ và súc tích hơn hay còn gọi là “8.000 đoạn kệ”. Một bản ngắn gọn hơn nữa dành cho những người muốn một cách nhìn tổng quát nhanh gọn gọi là “Bát Nhã tâm kinh”. Và bản ngắn nhất là chỉ duy nhất chữ chủng tử “Ah”. Toàn bộ ý nghĩa của Kinh này nằm trong chữ chủng tử “Ah”.
Tất cả những bản kinh khác nhau này được Đức Phật giảng cùng một lúc, vì vậy cùng một lúc giáo pháp được tất cả các Phật tử nghe và hiểu đúng như cách mà họ mong cầu, giúp họ tỉnh thức hơn. Đức Phật không giảng ba bài giảng ba lần khác nhau. Ngài chỉ ban giáo pháp một lần duy nhất tại đỉnh Linh Thứu và tất cả các Phật tử đều hiểu được giáo Pháp Ngài giảng theo cách Ngài muốn, vì vậy nó giống như Ngài đã giảng nhiều phiên bản giáo Pháp khác nhau.
Đó là lý do vì sao một vài Kinh điển viết rằng Đức Phật, với sự tỉnh thức siêu việt, vượt qua mọi khái niệm và sự chia tách, Ngài đã không giảng gì cả, nhưng những Phật tử của Ngài vẫn nhậm vận tự nhiên đạt được sự hiểu biết và chứng ngộ tùy theo tâm nguyện của từng người.
(Nguyên tác: "Journey to Liberation - A life story of Buddha in Mahayana tradition"
Nhóm ĐBT biên dịch)
- 1334
Viết bình luận