Sức mạnh vô song của Đức Phật thời niên thiếu
Từ khi còn rất nhỏ, Thái tử Tất Đạt Đa đã được đón nhận sự giáo dưỡng của nhiều học giả lỗi lạc của dòng Bà-la-môn. Ngài nghiên cứu chiêm tinh học, kinh Vệ đà và nghệ thuật hùng biện với các bậc thầy Thiện Hữu (Sarvamitra) và Samanha. Ngài cũng học cách thuần dưỡng và cưỡi voi, học bắn cung, bơi lội, đấu vật, kiếm thuật, quăng dây, cưỡi ngựa và cách dùng nỏ và tên cùng với người anh em họ Badrika. Chẳng mấy chốc, Ngài đã hoàn thành xuất sắc sáu mươi tư môn học, bao gồm cả ba mươi môn nghệ thuật và các nghề thủ công, mười tám thể loại âm nhạc, bảy nhóm bài hát và pháp âm, và chín điệu múa.
Tài năng xuất chúng, văn võ song toàn
Thời ấy, các vị vua phải được giáo dục và rèn luyện kỹ lưỡng, phải là bậc vô song cả về trí và dũng, bởi trước hết các ngài cần chứng tỏ mình đủ tài năng giải quyết mọi bất ổn có thể nảy sinh trong thời gian trị vì. Vua thường nhận được những lời thách đấu từ các vương quốc láng giềng, do vậy một bậc quân vương nhất thiết phải rất thông tuệ và biện tài, giỏi thương thuyết với quân địch, phô diễn sức mạnh và quyền lực trước thần dân, khi cần có thể chỉ huy quân lính xuất trận. Thời đó, các vương quốc thường tổ chức những cuộc giao hữu tranh tài đấu võ, bắn cung, đấu vật… cũng như thi ca hát, nhảy múa, ngâm thơ… Nhờ vậy, bất cứ ai cũng có thể biết vương quốc nào đang đứng đầu về tài nghệ gì, và cũng chính từ đó bắt nguồn những cuộc hôn nhân trong hoàng tộc và những mối liên minh giữa các hoàng gia.
Dòng tộc Thích Ca vốn nổi tiếng với sự tài ba và sức mạnh của các lực sĩ. Vì vậy, khi Thái tử Tất Đạt Đa còn là một chàng trai trẻ chưa vợ, một vị vua được tôn kính trong dòng tộc Thích Ca đã tuyên bố sẽ gả con gái cho hoàng tử nào giành giải quán quân trong mọi cuộc đọ sức. Quốc vương Tịnh Phạn lưỡng lự, dù Ngài muốn song chưa dám ngỏ lời hỏi cưới công chúa cho con mình, Thái tử Tất Đạt Đa, vì Ngài biết có rất nhiều đối thủ mạnh khỏe, và dày dạn kinh nghiệm hơn Thái tử.
Tuy nhiên, Thái tử đến gặp vua cha và quả quyết rằng khắp vương quốc sẽ không ai có thể chiến thắng chàng, trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, thủ công hay thể thao. Chàng nói với vua cha rằng chàng sẵn sàng tham gia đấu vật, và tin chắc mình sẽ chiến thắng để làm vui lòng vua cha, đền đáp công ơn dưỡng dục và lòng từ bi quảng đại của bậc sinh thành duy nhất sau khi mẹ chàng qua đời.
Sau khi nghe những lời nói quả cảm và tràn đầy tự tin của Thái tử, Quốc vương vô cùng hoan hỷ và đồng ý đặt tay lên đầu để ban phúc và cầu chúc chàng chiến thắng mọi đối thủ theo truyền thống Bà-la-môn và Hindu. Thái tử Tất Đạt Đa chắp tay và cung kính rập đầu dưới chân vua cha.
Trên đấu trường thể thao, rất nhiều hoàng tử tài năng lỗi lạc của dòng họ Thích Ca cùng tới tham gia cuộc thi, trong đó có cả Đề Bà Đạt Đa và Nan Đà. Cuộc thi bắt đầu bằng môn cưỡi voi giáp đấu, với một nhóm các hoàng tử lừng danh từ Tỳ Xá Ly (Yangpachen) tham gia. Một trong số đó, Đề Bà Đạt Đa, trong cơn cuồng nộ, đánh dã man con voi của mình đến chết, sau đó người em trai Nan Đà kéo lê xác con vật tội nghiệp và ném ra khỏi cổng. Chứng kiến sự việc, Thái tử Tất Đạt Đa không cần xuống voi, chỉ khẽ tung cước móc lấy đuôi con voi quấn vào ngón chân rồi lăng mạnh xác con voi khổng lồ bay qua bảy lớp hàng rào được quây quanh đấu trường. Trước sự phô diễn sức mạnh vô song của Thái tử, mọi đối thủ đều lo lắng và hết hẳn kiêu căng ngạo nghễ, thậm chí còn e ngại khi nghĩ đến việc giao đấu với Thái tử Tất Đạt Đa. Về sau, khi Thái tử Tất Đạt Đa học đấu voi với một bậc thầy, người dân thành Tỳ Xá Ly còn truyền tai nhau rằng sức mạnh của chàng tương đương với cả ngàn thớt voi.
Tiếp đó, các đấu sĩ cùng đua môn bắn cung. Đường bắn rất dài và đích ngắm là bảy lớp bảng tiêu bằng sắt được cắm trên những thân cây cọ cứng được chống đòn sắt. Đề Bà Đạt Đa bắn xuyên thủng ba lớp bảng sắt, trong khi em trai Nan Đà bắn thủng năm lớp. Thái tử Tất Đạt Đa bắn mũi tên của mình xuyên qua hết bảy lớp mục tiêu và cắm xuống đất, nơi mạch nước của tám phẩm hạnh phun lên thành một dòng suối.
Tiếp theo màn trình diễn này, có các cuộc thi trong các môn khác như đấu vật, đấu kiếm, chạy, bơi, v.v..., hết môn này đến môn khác. Thái tử Tất Đạt Đa bơi dưới sông như thiên nga, chạy nhanh như mũi tên, nhấc bổng những quả cân nặng như trái núi và chung cuộc đã trở thành nhà vô địch trong tất cả các cuộc thi của sáu mươi tư bộ môn gồm cả Đấu vật và Biện tài.
Sức mạnh của lòng từ bi vô lượng hướng tới mọi người, mọi loài
Sức mạnh tự nhiên đáng kinh ngạc của Thái tử Tất Đạt Đa nhanh chóng trở thành huyền thoại. Một lần, có cơn cuồng phong quật đổ một cây đại thụ tán khổng lồ che phủ tới bảy dặm xung quanh. Thân đại thụ đổ chắn ngang dòng chảy của sông Rohita, tạo thành một con đập ngăn nước và hình thành một hồ nước rộng mênh mông. Dân chúng bị cơn lũ bất ngờ ập tới nên không thể thoát thân và vô cùng hoảng sợ. Thái tử Tất Đạt Đa đã bẻ gãy cành cây rồi xẻ cây thành nhiều mảnh, quăng thật xa ra giữa dòng và giải cứu người dân.
Vào một dịp khác, Đề Bà Đạt Đa giết chết một con thiên nga trong vườn thượng uyển. Nhưng Thái tử Tất Đạt Đa bằng năng lực của tụng kinh và cầu nguyện, đã hồi sinh con vật đáng thương này.
Chàng đã tỏ rõ mình là bậc vô song trong mọi lĩnh vực và mọi cuộc thi, và đồng thời rất giàu lòng trắc ẩn và vô lượng từ bi. Danh tiếng của Thái tử Tất Đạt Đa, người bất khả chiến bại, lan truyền khắp các vương quốc và làm siêu lòng nàng công chúa xinh đẹp nhất thế gian là nàng Da Du Đà La. Công chúa là người thanh tịnh Năm Chướng Ngại và có đầy đủ Tám Dấu Hiệu Cát Tường của thân nữ. Thái tử Tất Đạt Đa tích cực thi đấu mọi môn thể thao và nghệ thuật nhằm hàng phục tâm kiêu mạn và ganh ghét của các hoàng tử khác, song vẫn duy trì phẩm hạnh khiêm cung và tình yêu thương trắc ẩn. Chàng không bao giờ tỏ ra kiêu căng, ngã mạn. Mỗi khi chiến thắng, chàng đều điềm tĩnh nở nụ cười nhân ái, làm lan tỏa năng lượng ấm áp từ trong tâm.
(Nguyên tác: "Journey to Liberation - A life story of Buddha in Mahayana tradition"
Nhóm ĐBT biên dịch)
- 4500
Viết bình luận