Dùng bữa (Thọ thực) | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Dùng bữa (Thọ thực)

Dùng bữa (Thọ thực)

Lời ghi: Lãnh nạp gọi là “dùng” tức là nghĩa lấy ăn vào. “Bữa” là đầy chắc, dùng đồ ăn đầy chắc cái bụng là tên chung sự hay trị tất cả đói rỗng, mà làm duyên chánh trợ đạo. Cho nên Kinh giáo nói: “Thân nương thực mà vững, mạng nhờ thực mà còn”. Được đồ ẩm thực này trôi vào ngũ tạng, thấm sung, bốn vóc bổ khí ích da, thân tâm vui thích, có thể tiến đạo được. Nhưng chẳng nên tham đắm.

Lời góp: Tỳ khưu dùng bữa, kết bàn chân mà ngồi, trải khăn cơm trên gối, e cơm nước canh rau rớt trên Y Cà sa. Khi bưng bát, thầm niệm kệ này:

Nếu thấy bát không, nên nguyện chúng sinh, rốt ráo trong sạch, rỗng không phiền não.

Lời ghi: “Bát” là phân nửa tiếng Phạn, lược bớt hai chữ đa la. Luật Thập Tụng nói: “Bát là cờ nêu của hằng sa chư Phật, chẳng phải đồ dùng ở lăng miếu”. Ấy đều là lời dạy bảo khăn khăn của Như Lai, phàm người thọ trì phải trân tiếp giữ trọng.

Luật Tứ Phần nói: “Như Lai dạy các Tỳ Khưu dùng bát mà thọ thực, là để khác với ngoại đạo. Ngoại đạo may lá làm đồ đựng, tay bốc mà ăn chẳng phải dáng Tăng tướng ruộng phước nên Phật chế ra”.

Tiếng Phạn gọi Phạm ma, dịch là thanh tịnh (trong sạch). “Rốt ráo” tức là ý xét tội; về Nhị thừa thì hạnh sạch đã lập mới gọi “rốt ráo” về Bồ Tát thì tột đến Vô thượng Bồ đề mới gọi “rốt ráo”.

Như bưng “bát không”, nơi ấy rõ biết cái lý “rốt ráo” thì chẳng thấy lượng pháp giới và lượng của mình đồng với Chân không. Lại “thấy bát không mà phiền não cũng không”. Lại trong không, mà có chẳng không tức là Chân không diệu hữu chẳng phải là ngoan không vô tri. Trong đây tức thấu tỏ nghĩa tam quán (3 quán tưởng).

Đại sư Thiên Thai Trí Giả nói: “Nếu xem xét tâm không, thì tất cả pháp đều không, tức là Chân đế (lý thật). Nếu xem xét tâm giả thì tất cả pháp đều giả, tức là Tục đế (lý thế tục).

Nếu xem xét tâm trung thì tất cả pháp đều trung, tức là Trung đế (lý giữa). Ba quán này toàn do tính mà phát, chẳng phải tu thành, nên nơi một tâm rõ ràng có 3 dụng, tức câu rằng: “ Nhất tâm tam quán” vậy.

Nếu thấu ý chỉ này, tức là sự vào lý, nghĩa là lấy cái Tướng bát không, mà rõ biết cái Lý thật tế, không chứa chất chút mảy nào, huống lại có dấu tích “trong sạch” hay “phiền não” ư?

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu người muốn biết cảnh giới Phật, phải sạch cái ý như hư không” nên gọi rốt ráo trong sạch. Xưa nay chẳng ứng nhau với pháp nhiễm, nên gọi “rỗng không phiền não”.

Lời góp: Tiếng Phạn gọi là Bát Đa La, dịch là đồ ứng lượng. Trong Luật Phật chẳng cho Tỳ khưu chứa dùng bát bằng tạp bảo, đồng, xi, cây, đá, v.v… Đại yếu có hai thứ: một là đất, hai là sắt. Luật Tăng Kỳ nói: Bát là đồ dùng của người xuất gia, ít muốn, biết đủ, chẳng phải món người tục nên dùng.

Luật Thập Tụng nói: “Bát là món ghi nêu của chư Phật, chẳng đặng dùng việc dơ, rửa tay, phải kính như con mắt”.

Luật Ngũ Phần nói: “Phật tự làm bát bằng đất sống để làm kiểu cho đời sau”. Lại bộ Phát chẩn sao nói: “Đồ Ứng pháp, nghĩa là thể, sắc là lượng, ba việc đều ứng nhau với pháp. Thể có hai thứ: đất (sành) và sắt (nhôm). Sắc (màu) là dùng hột gai hột hạnh (hạnh nhân) đâm nát trét ra ngoài, rồi dùng khói tre xông, xông thành màu cổ bồ câu, màu con công. Xông để chi vậy? Là để mùa hạ đựng đồ ăn không thiu, không thấm mồ hôi bẩn có dụng như thế nên mới xông. Lượng là phân ba hạng: thượng, trung, hạ; nếu theo đấu đời Đường thì bát thượng một dấu, bát trung 7 thăng rưỡi, bát hạ năm thăng. Nên gọi Ứng khí”. Đại sư Đạt Quán nói: “Vả bát là một món đồ giúp Tam Bảo, đủ sáu đức”.

Thế nào gọi là giúp Tam Bảo? Bởi thiếu bát thì Tăng không đồ dùng, Tăng không đồ dùng thì tuệ mạng dứt, tuệ mạng dứt thì giống Phật mất vậy.

Bát này có đầy đủ sáu công đức: “Năng thanh, năng dung, năng kiệm, năng quảng, năng tôn, năng cổ. – Nói năng cổ là do chư Phật truyền thọ. - Năng tôn là do chư Thiên hiến cúng. - Năng quảng là lợi ích khắp cả. - Năng kiệm là nghĩa quá trưa không ăn. – Năng dung là thí thọ, ngon dở phước lợi bình đẳng. – Năng thanh là trọn đời không ai gieo đồ mặn vào”. Như vậy chúng ta dám không quý trọng ư! Khi đủ cơm, thầm niệm kệ này:

Nếu thấy bát đầy, nên nguyện chúng sinh, khẳm đủ đựng đầy, tất cả phép lành.

Lời ghi: Bộ Danh Nghĩa nói: “Tỳ khưu gọi là Khất sĩ, là có hai nghĩa: 1. Xin cơm để nuôi sắc thân. 2. Xin pháp để nuôi tuệ mạng.

“Đựng” là dung thọ đồ vật. Bát cơm đã đầy, chẳng nên luống sinh tưởng tham them, mà chẳng tu hạnh sạch; phải xem chỗ cơm đem đến, mỗi hạt từ người tín thí mà có ra, tất cả phép lành này từ giống trí ấy sinh ra. Nên người thọ thí phải hạnh sạch đầy đủ. Người bố thí phước quả đầy thịnh, cũng như hạt giống trổ hoa, hoa lại làm trái, đầy đủ phạm hạnh cho Bồ Tát vậy.

Truyện Tây Vức nói: “Bát của Phật ở nước Kiến Đà sắc ngọc xanh, đựng ba đấu, các nước lấy làm quý trọng, cúng dường suốt ngày, hoa hương nếu không đủ thời như lời có đủ.

Nên một khi thấy đầy bát cơm đồ ăn, thì mong cầu pháp lành đang tu, tất cả đầy đủ, trọn nên viên mãn, chẳng phụ thân này là đồ chở đạo vậy.

Lời góp: Khi niệm cúng dường, lấy tay hữu ngón cái tiếp đầu ngón vô danh để dựa bát, tay tả bưng bát ngang chân mày, day muỗng bát ra ngoài, văn cúng theo lệ thường.

Lời ghi: “Đưa bát ngang chân mày” là có hai nghĩa: Một là thân hình chúng ta do tạp uế của nghiệp thức vô minh mà thành ra, e hơi trong miệng mũi chạm vào đồ ăn sạch, không kham cúng Phật, Bồ Tát được. Hai là e tình kiến chúng sinh ta phân biệt đồ ẩm thực trong bát khéo vụng dở ngon, trước khởi lòng ba độ đi vậy.

Kế dùng tay hữu bắt ấn để dựa miệng bát là phép ngăn hơi nhơ.

(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5699363
Số người trực tuyến: