Y lớn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Y lớn

Y lớn

Lời ghi: “Lớn” là chủ trong ba y, ở trên hai y: năm và bảy nên gọi là “lớn”. Lại gọi  tổ, nghĩa là y này tuy vải gai to thưa, nhưng là của Phật. Phật trao tay, Tổ - Tổ truyền nối, là áo xuất thế chứng đạo. Như Lai ba đời đều mặc y này mà nên đạo quả. Hoặc gọi Pháp y, thuở xưa Thế tôn dùng tông “Thật tướng không tướng: truyền cho Ngài Ca Diếp làm Sơ Tổ ở Tây Vức, tức là Y này làm chứng, thừa kế Y này để truyền đăng mà mạch pháp xâu điều, truyền đến ngày nay chẳng từng lộn lạo nên gọi là Pháp y. Thế nên Y này nêu sự tin truyền pháp, trao bậy không được, thọ bậy không nên, người hiểu Phật pháp thì được, người không hiểu Phật pháp thì không được. Nên Ngũ Tổ phú cho Huệ Năng đại sư rằng: “Thuở xưa đức Đạt Ma mới đến Đông độ, người ta chưa mấy tin, nên truyền Y để tỏ đắc pháp vậy”. Có nghĩa như thế nên gọi là Pháp y.

Lời góp: Tiếng Phạn gọi là Tăng Già lê, dịch là Y tạp toái. Có ba bậc thượng, trung, hạ gồm có chín phẩm y. Bậc hạ hạ có 9 điều, bậc hạ trung có 11 điều, bậc hạ thượng có 13 điều; ba phẩm này mỗi điều 2 bức dài 1 bức ngắn. Bậc trung hạ có 15 điều, bậc trung trung có 17 điều, bậc trung thượng có 19 điều, ba phẩm này mỗi điều đều 3 bức dài 1 bức ngắn. Bậc thượng hạ có 21 điều, bậc thượng trung có 23 điều, bậc thượng thượng có 25 điều, ba phẩm này mỗi điều đều 4 bức dài 1 bức ngắn. Dài nhiều ngắn ít, là nêu Thánh thêm, phàm bớt.

Phàm khi vào cung vua, thăng tòa thuyết pháp, vào xóm khất thực, ngăn dẹp ngoại đạo, phải mặc y này và tụng kệ chú này. Nêu dứt lòng si, sạch nghiệp ý vậy.

Lành thay áo rảnh rang, y ruộng phước không trên, vâng mạng Đức Như Lai, rộng độ các chúng sinh.

Án ma ha ca bà ba tra tất đế tá ha (đọc 3 lần)

Lời ghi: “Vâng mạng Đức Như Lai” nghĩa là bản nguyện của Như Lai rộng độ tất cả các chúng sinh, nay ta thọ giới pháp thanh tịnh của Như Lai chính phải cung kỉnh vâng giữ mạng lành của Như Lai mà tu hành, nối thanh giống Phật, đem pháp lành này nhiếp hóa chúng sinh. Hai bài kệ trước chỉ là tự lợi, đến bài kệ này chuyên vì lợi tha. Nên nói: “Rộng độ các chúng sinh” là tức nơi ấy gánh vác tuệ mạng của Phật Tổ vậy.

Bộ Tăng Huy Ký hỏi rằng: “Sao chẳng thêm đến bốn, hoặc bớt còn hai chỉ số 3 là sao?”. Đáp: “Số ba lẻ là thuộc dương, dương hay sinh vạn vật. Nay Phật chế ra ba y, là nêu sinh muôn lành, thủ nghĩa ích cho người vậy”.

Ba y như trên nguyên là pháp phục của Tỳ khưu, bậc Sa di còn không cho mặc huống là người mới phát tâm. Nay muốn cho biết trước để đọc kệ chú; trước hiểu hạnh nguyện Bồ Tát thù thắng vậy. Nhưng nay Phật pháp như mùa thu muộn đạo khí khó tròn, một phen phát tâm, ba đàn thọ trọ, nên trong giới kỳ, bậc Sa di ít có người hai tháng hành trì, ba y còn khó sắm đủ, huống chi sắm lại y trơn ư!

Nên trước cho họ đọc kệ chú để đợi lúc sau mặc đắp cho dễ nhớ giữ. Còn như tuổi không đủ thì vẫn phải sắm y trơn.

Luật Tăng Kỳ nói: “Ba y là cờ nêu của Sa môn Thánh Hiền, chẳng phải việc người tục làm”. Thiên Biện Hoặc của Từ Vân sám chủ nói: “Ba y này nhất định là áo của người xuất gia, chẳng phải của người tại gia mặc”. Kinh Xá Lợi Phất vẫn nói: “Vì sao trong lời huấn giới dạy các đệ tử trịch bày vai hữu. Lại nói Kinh Thành Dụ cho người làng Ca Diếp nghe rằng: “Các đệ tử ta phải mặc Y Cà sa cho ngay, phủ cả hai vai, đừng bày da thịt, cho trên dưới ngang bằng, hiện tướng ruộng phước, đi bước tuần tự. Lại nói: đừng bầy hông ngực, trong hai lời ấy làm sao vâng giữ?

Phật nói: “Khi tu cúng dường thì phải trịch bày cho dễ làm việc; còn khi làm ruộng phước thì phải phủ hai vai, hiện tướng lằn ruộng. Sao gọi là tu cúng dường? Là như khi thấy Phật, khi chào hỏi sư tăng, phải tùy sự tướng; hoặc phủi giường, hoặc quét đất, hoặc cuốn áo xiêm, hoặc trải sửa chiếu líp, hoặc trét đất, làm hoa, hoặc đánh cao dưới chân, hoặc rưới, hoặc dời, khi làm những thứ cúng dường. Sao gọi là làm ruộng phước. Là khi vị quốc vương thỉnh trai cúng, khi vào xóm khất thực, ngồi thiền, tụng kinh, đi quanh dưới cây, người ta thấy tướng đoan trang có dạng dễ xem vậy”.

Luật dạy ba Y, có tên, có thể, có sắc, có lượng. Cho đến phép làm vân-vân, việc rất nhỏ nhặt, xin người gánh vác pháp môn xem rõ rồi chỉ dạy cho kẻ hậu học, không đến nỗi pháp này dứt mất vậy. “Danh nghĩa” thì như trên. “Thể” là 10 thứ y tài, khác với y bằng cỏ, cây, da, tóc, lông, vải thêu gấm vóc, vân vân, tà mạng mong cầu, đều chẳng thành y vậy. “Sắc” là 3 màu: xanh, đen, mộc lan, chẳng phải năm sắc lớn thắng; cho phép dùng dao cắt rọc thành Y Sa môn, may như răng ngựa, cẳng chim, phải mở điều xuôi hai bên, chẳng làm thì đồng y trơn chẳng phải lụa là năm màu rằn rực, vân vân, của thế tục vậy. “Lượng” là tùy cánh tay dài vắn đo thân mà mặc. “Phép làm” là may điều xỉ đúng như kiểu thức. Nếu lẫn thêm lẫn bớt.

Thọ dùng có lỗi, chẳng Y Luật pháp mặc dùng phạm tội, đem lòng ác hủy hoại mắc tội như luật. Đi thời đem theo đi, ở thời đem theo ở, Luật dạy rất nhiều rộng, làm theo tùy người. Tin thời thành Phật có ngày, trái thời 3 đường khó khỏi.

Lời góp: Vả ba Y này gọi là ruộng phước, là trong Tăng Huy Ký nói: “Khu ruộng chứa nước sinh trưởng mạ tốt để nuôi thân mạng. Ruộng áo pháp thì nhuần bằng nước bốn lợi, thêm lớn mạ ba lành, để nuôi Pháp thân huệ mạng”. Kinh Tạng Nghĩa nói: “Cà sa có 10 điều lợi ích:

1.       Vì Bồ đề đạo

2.       Chúng ở cõi Nhân Thiên

3.       Cha mẹ trở lạy

4.       Sư tử bỏ thân

5.       Rồng mang khởi nạn

6.       Vị quốc vương kỉnh tín

7.       Chúng sinh lễ bái

8.       Quỷ La Sát cung kỉnh

9.       Trời rồng giúp hộ

10.   Đặng nên Phật đạo

Lại Kinh Bi Hoa nói. Bồ tát ở trước mặt Phật Bảo Tạng mà phát nguyện: Nguyện khi tôi thành Phật, Y Cà sa có năm điều công đức:

1)      Người vào trong  pháp của tôi, mà phạm giới trọng và tà kiến, v.v…, trong tâm niệm đem lòng cung kỉnh tôn trọng (3 y) ắt đặng thọ ký trong ba thừa.

2)      Trời rồng quỷ thần v.v… hay ít nhiều cung kỉnh Cà sa liền đặng ba thừa; bất thối.

3)      Nếu có quỷ thần hay các người được cho đến bốn tấc trong Y Cà sa, đồ ăn uống đầy đủ.

4)      Chúng sinh nào cùng nhau trái nghịch, nhớ đến Y Cà sa bèn sinh tâm lành.

5)      Nếu giữ chút phần trong Y, cung kỉnh tôn trọng thường được hơn người”.

Đại Luận nói: “Thích tử thọ trì giới cấm là phần tánh, cạo tóc nhuộm áo là phần tướng”. Trong Tứ Phần Luận Tạng, Phật nói với các Tỳ khưu: “Tùy ở chỗ nào thường cùng ba Y một chỗ, như hai cánh chim hằng cập theo mình. Các người bỏ gốc họ hàng, dùng lòng tin mà xuất gia thì phải như thế, đi đến chỗ nào cũng pháp y theo mình, chẳng nên ngủ lìa”.

Luật Tăng Kỳ Phật nói: “Tỳ khưu 3 y một bát phải thường theo mình, trái thời ra giới kết tội, phải kỉnh 3 y tưởng như cái tháp”.

Luật Thập Tụng Phật nói: “Giữ ba y như da của mình, giữ bát như con mắt, đi đến chỗ nào cũng cùng y bát đem theo, không đoái tiếc chi cả, như con chim bay. Nếu chẳng đem ba y này mà vào tụ lạc người tục, thì phạm tội”.

Luật Ngũ Phần dạy: “Ba y kính giữ như da mỏng nơi thân, thường phải theo mình như cánh chim bay chạy theo nhau”.

Kinh Đại thừa Phạm Võng Bồ Tát giới, Phật nói: “Nếu Phật tử thường phải 2 lúc đầu đà, mùa đông, hạ, ngồi thiền, kiết hạ an cư, thường dùng nhành dương, đậu rửa, ba y, bình bát, đồ ngồi, gậy tích, lư hương, vượt lược nước, khăn tay, dao nhỏ, cái nhíp ống quẹt, giường giây, Kinh Luật, tượng Phật, tượng Bồ Tát. Bồ Tát khi tu đầu đà và khi du phương, đi lại trăm nghìn dặm, 18 món này thường theo mình, trái thì kết tội”. Bởi 3 y 1 bát là vật Phật Phật phải giữ gìn, Tổ - Tổ trao lãnh, bảy chúng đồng vâng, hai thừa chung chế. Nếu nói đệ tử Phật xuất gia y bát có thể lìa.

Vì quốc độ Đông Tây quy tắc không đồng, thì xin xem 3 tạng, Kinh nào, Luật nào, Luận nào mở cho? Nên biết lời Phật khá tin, lời Phàm không chứng, người có trí huệ chớ nhiễm gió tà phải bền sức tin cậy.

Lời ghi: Bộ Nghiệp Sớ nói: “Sở dĩ Y bát theo mình là do người xuất gia lòng rỗng là gốc, không trụ mắc đâu cả, có ích thời ngừng, nên dạy đem theo mình vậy”. Kinh Đại Bi nói: “Hễ người nào tánh là Sa môn, làm hạnh Sa môn, hình là Sa môn mặc áo Cà sa, thì từ thời Phật Di Lặc đến Phật Lầu Chí đều đặng vào Niết Bàn không còn dư sót”.

Luật Tăng Kỳ nói: “Tăng Ni vị nào có giới đức, nếu người tục xin một đoàn Cà sa rách để cầu khỏi tai họa, thì hãy cho họ một chút”. Xưa có một ông sư ở núi ngủ hang sau, lấy y che trước hang. Có một người lạ đến, hình rất khá sợ, thò tay vào mò, muốn bắt ông ngủ, nhưng sợ chạm Y Cà sa ngại không vào đặng. Sư bèn đặng thoát khỏi”.

Những tướng như vậy khó thuật cho hết.

Chú thích:

Tụ lạc: Tụ là nhóm, lạc là ở. Tức làng chợ dông người ở

Đậu rửa: Nấu đậu với thuốc để rửa, như xà bông

Bá nhất: Trăm món, mỗi món sắm 1 cái

(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)

 

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757506
Số người trực tuyến: