10 tướng Sa Di | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

10 tướng Sa Di

10 tướng Sa Di
 
Như Luật nói: “Sa Di” là chúng nhỏ xuất gia. Tỳ Khưu thì gọi là đại Tăng, đối lớn mà nói lên gọi là nhỏ.
 
Khi chưa cạo tóc thì gọi là Tịnh Nhân, bỏ lìa ân ái, đến thầy xuất gia thì gọi là Sadi, là phép thế độ. Như trong quyển Thế Độ chánh phạm nói, râu tóc đã bỏ nên gọi tên Sa Di.
 
“Mười giới” là trước từ bất sát, cho đến giới chẳng cầm vật báu. Vì mười phép này hay dứt các dữ trên thân hình nên gọi là “giới” (điều răn).
 
Đối cảnh gặp duyên, giữ gìn chẳng phạm, nên gọi là “tướng”.
 
Luận Tát Bà Đa nói: “ Vâng giữ giới cấm là phần tánh, đắp y  bưng bát nêu phần tướng, tướng từ tánh mà phát, tánh nương tướng mà tu, tánh tướng ráp thành, nên gọi là Thể. Ấy là chỗ thọ trì căn bản của Sa Di làm thềm thang cho giới Tỳ Kheo, cội gốc cho giới Bồ Tát, nên gọi “tướng 10 giới của Sadi vậy”.
 
Lời ghi: Sa Di có hai hạng: 1) Sa Di hình đồng, 2) Sa Di pháp đồng. Nếu chỉ thế độ chưa thọ lãnh giới phẩm thì gọi là Sa Di hình đồng. Nghĩa là y bát không đủ, luật nghi chẳng biết, về hình tướng tuy đồng, vì không giới nhiếp, chẳng phải số trong năm chúng.
 

Nếu thọ mười giới trong sạch thì gọi là Sa Di pháp đồng

Nghĩa là y bát đầy đủ, đồng học luật nghi, ròng giữ tịnh giới vậy. Trong luật nói, Sa Di có 4 việc nên biết:

1) Biết Phật,

2) biết Pháp,

3) biết Tăng,

4) biết tướng giới Sa Di.

Sa Di biết Hòa Thượng có 5 việc:

1) Biết danh dự (của Hòa Thượng),

2) tướng mạo,

3) biết tuổi đời,

4) biết tuổi pháp (hạ lạp),

5) biết chủng tộc (dòng họ).

Trong pháp đồng lại chia ra làm 3 hạng:

A. Từ 7 tuổi đến 13 tuổi gọi là Sa Di đuổi quạ

Bộ Tăng chú nói: “ Nghĩa là bậc này tuổi nhỏ chưa kham việc chi khác, duy bảo vì Tăng giữ gìn lúa bắp, và nơi nhà bếp, nhà tọa thiền v.v… xua đuổi chim quạ, thay đỡ chút nhọc và gồm sanh phước lành, không đến nỗi ngồi hao tín thí, luống qua bóng quang âm”. Từ hạnh bày tên, nên gọi ‘đuổi quạ”.

Luật nói: “Có vị trưởng lão dắt con xuất gia, cùng vào trong làng khất thực người đời chê rằng rằng “Sa môn có con, đâu biết chánh pháp”. Phật dạy về sau, đứa không tới 12 tuổi chẳng đặng xuất gia.

Lại, ông A Nan có người đàn Việt, cả nhà bệnh dịch, con đều chết hết, duy còn một đứa, hằng ở trên chợ lượm hột đỗ tự sống. ông A Nan đi qua, đứa nhỏ ấy theo sau kêu: “Ông, ông” A Nan không nghe, đi tuốt, cư sĩ chê rằng: “Sa môn Thích Tử khi người có đủ thì gắng thân, như cha như con, nay thấy suy tán mà chẳng đoái nghĩ”. Đứa nhỏ theo kêu chẳng thôi, A Nan ngoái lại nhìn biết kêu rằng:

“Con lại đây” liền theo vào chùa Kỳ Hoàn, lễ trước chân Phật. Phật hỏi A Nan: “Sao ông không độ? Đáp: “Vì Phật dạy chẳng đặng độ đứa dưới 12 tuổi, nên tôi chẳng độ”. Phật nói: “Đứa nhỏ này đuổi quạ trên đồ ăn được không? Giữ giới được không? Nếu được vậy thì cho độ xuất gia”. Phàm người muốn thế độ chẳng nên nói xuất gia vui, phải nói rằng khổ.

Luật Ngũ Phần nói: “Nếu khi độ người phải trước hỏi vì việc gì xuất gia? Nếu nói: “Vì áo cơm vậy” chẳng đặng độ. Nếu nói: “Vì cầu pháp lành, chán sinh già bệnh chết lo rầu khổ não vậy” nên độ. Sa Di đuổi quạ, theo giữ đồ ăn dư của Tỳ kheo bệnh, các quạ mổ đồ ăn, Sa Di đuổi quạ được chút phần lợi, vì tiêu của tín thí vậy. Ông A Nan nói: “Đứa nhỏ này đuổi quạ được giữ giới được, ăn một bữa được”. Phật bảo A Nan: “Nếu đứa nhỏ được như vậy cả, cho độ xuất gia, như phép độ La Hầu La”. Nên mới có một thứ đuổi quạ vậy.

B. 14 đến 19 tuổi gọi là Sa Di ứng pháp

Nghĩa là đã thọ giới Phật, tuổi ấy vừa ứng nhau với hai pháp: 1) hay thờ thầy chấp lao phục dịch, 2) là hay tu tập thiền tụng vậy. Bậc này và pháp trước là một. Chẳng vậy thì vào trong loại danh tự sau.

C. 20 tuổi trở lên gọi là Sa Di danh tự

Nghĩa là tuổi đầy 20 nên thọ giới Cụ túc, song hoặc căn tánh ám độn, hoặc xuất gia tuổi muộn, không thể giữ trọn các giới. Như vậy nhân duyên chưa đến ngôi là Sa Di nên gọi Sa Di danh tự. Phẩm loại tuy ba mà đều vâng giữ mười giới, đều gọi Sa Di pháp đồng. Hai mươi tuổi trở lên, bảy mươi tuổi trở xuống, có chỗ kham nổi, là ngôi trượng phu, được cho xuất gia thọ cụ túc. Nếu quá hoặc giảm, dầu có chỗ kham, và là ứng pháp mà không kham, đều chẳng đặng cho xuất gia thọ cụ túc; nếu quả thật hay sợ khổ sanh tử, ưa vui Niết bàn, nguyện làm con Phật, ngồi nằm chẳng cần người thì cho. Nếu hay tụng kinh ngồi thiền, tiến tu nghiệp lành, kham nổi việc nhọc, đều cho xuất gia.

Nên Luận Tăng kỳ nói: “Nếu bảy tuổi, biết tốt xấu, được cho xuất gia, nếu quá bảy mươi nằm ngồi nhờ người đỡ, chẳng đặng độ. Nếu trước cho xuất gia, chẳng nên đuổi ra”.

Mười giới của Sa Di

Một là: Chẳng sát sinh

Lời ghi: Dứt mạng gọi là “sát”. Loài có tình thức là “sinh”. Nghĩa là đã thọ giới rồi, thường nghĩ loài hữu tình đều tiếc thân mạng như ta không khác, phải nên thương xót, dè chớ làm hại.

Hai là: Chẳng trộm cướp

Lời ghi: Đối mặt cướp, gọi là “trộm”, nghĩa là vật đều có chủ, của chủ giữ gìn, người thọ giới tuy một cây kim một ngọn cỏ, nếu chẳng phải của ta, chẳng cho chẳng lấy.

Ba là: Chẳng dâm dục

Lời ghi: “Dâm” là hạnh chẳng sạch. Nghĩa là người thọ giới xem tất cả nam nữ như cha mẹ, trong sạch tự giữ, không lòng ô nhiễm, tu pháp quán bất tịnh đối trị ba nghiệp vậy.

Bốn là: Chẳng nói vọng

Lời ghi: “Nói vọng” là trái lòng mà nói. Nghĩa là người thọ giới thốt lời thành thật, lòng không luống dối, tu giới, định, tuệ đối trị lỗi miệng, xa lìa ác khẩu, lợi ích chúng sinh. Trong pháp xuất thế nhẫn nhục đệ nhất, từ bi tất cả, không khuấy người khác, tường tu lời chánh, cho thuận lời Thánh.

Năm là: Chẳng uống rượu

Lời ghi: Rượu là suối hoạ. Nghĩa là hay tối thần loạn tánh, thêm lớn ngu si, mở cửa đường dữ, đóng nẻo Niết bàn, nên gọi là “rượu”. Giới này thuộc nửa tánh, nửa giá, hay phạm bốn giới trước, nên thuộc về tánh. Phép vua không cấm nên thuộc về giá. Chính là nhân duyên ngăn đạo, cội gốc tạo nghiệp, lỗi nặng ngủ nghịch, độc hơn phê trấm. Người thọ giới sợ như nước đồng sôi, chẳng lấy một giọt nhỏ mà thấm môi vậy.

Sáu là: Chẳng đeo tràng hoa thơm, chẳng thoa thơm mình

Lời ghi: “Chẳng đeo chẳng thoa” là lìa hai trần hương xúc. Bông ở cỏ cây gọi là “hoa”, lấy hoa xỏ xâu choàng lên đầu, gọi là “tràng”. Hơi của cỏ cây bát ngát tất cả nên gọi là “thơm” hay đổi lòng mắt của người, sanh lớn kiêu lung. Đeo thời xem là con gái, thoa thời đồng như người tục. Người giữ giới lìa nhiễm, hướng về đạo thanh tịnh, phát hoa trí huệ, sinh thơm giới định xong khắp pháp giới. Làm đẹp cái thân không tướng, khiến cho ái kiến dứt trừ, mãi không tham nhiễm, y báo chánh báo trang nghiêm đầy đủ.

Bảy là: Chẳng hát múa đàn sáo, và cố đến xem nghe

Lời ghi: Chẳng múa hát là lìa hai lỗi thân và khẩu. “Chẳng xem nghe” là không hai trần sắc và thanh. Miệng ngâm thi từ khúc lệnh, kéo dài ra là “hát”. Tay chân biến trở là “múa”. Hát có chẳng đủ, thì múa để cho cùng, múa chẳng đủ, thì hát để cho tột, vừa hát vừa múa thì tận thiện mỹ.

 “Đàn sáo” là tên chung âm nhạc, “xem” là sắc trần, nghe là thanh trần “chẳng đến” là mắt tai không lỗi, vô tâm mà gặp. Phật không kết tội, nhưng chẳng đặng dừng ở, ở thì thành phạm; cố tâm đến thì mỗi bước mang tội. Người học đạo, việc lớn chưa tỏ, như mất cha mẹ, xem vui cười như khóc, hát múa như khùng, có mắt như mù, có tai như điếc, dùng định tuệ nên ở trong lễ tụng làm ra ngoài, hình đồng cây khô, tâm như tro lạnh. Hành trì như vậy thì ba nghiệp tự sạch vậy.

Tám là: Chẳng ngồi giường cao rộng lớn

Lời ghi: “Chẳng ngồi” là thân lìa xúc trần. “Cao rộng” là cỡ trái Phật dạy có thể nằm ngồi được, gọi là “giường”. Đã cao lại rộng nên gọi là “lớn”. Người thọ giới chẳng nên nằm ngồi, phải bỏ lìa sắc đẹp, xa rời tham nhiễm, dùng pháp không làm toà, nhẫn nhục  làm áo, chỉ tại đạo cao, chẳng tại giường cao vậy.

Chín là: Chẳng ăn phi thời

Lời ghi: Không ăn phi thời, là lưỡi không nếm vị trần khi quá ngọ. Bổ khí đỡ đói, gọi là “ăn”. Chẳng ăn phi thời là căn lưỡi lìa vị trần lúc quá trưa đã qua, tướng sáng chưa hiện gọi là phi thời, người thọ giới ăn xơi chẳng đặng.

Mười là: Chẳng cầm giữ sinh tượng vàng bạc vật báu

Lời ghi: “Chẳng cầm sinh tượng” là thân lìa lợi dục. “Vàng” là tiếng chung (loại kim), “bạc” là từ cái sắc khác. “Vật báu” là tiếng chung (các thứ ngọc) tuỳ món mà tên khác, đều là nguồn nuôi mạng, chúng sinh thấy liền tham đắm. Người xuất gia tu đạo giải thoát, trong sạch thân tâm, một phen xúc phạm chạm đến thì chẳng phải hạnh sạch, nên Phật mới cấm “chẳng đặng cầm nắm”.
Sách Tác Trì nói: “Mười điều giới cấm của Sa Di này bốn điều trước là tánh tội cội gốc, nếu phạm thì phải diệt tần, chẳng đặng với Sa Di thanh tịnh đồng việc Phật pháp và chung nằm ngủ, cũng chẳng đặng với đại Tỳ kheo ngủ quá hai đêm như các Sa Di. Sáu điều sau là giá tội: có phạm cho sám, tâm thì độ cố hay rủi tội thì xét nặng hay nhẹ, đều chỉ trị một bực Đột Kiết La. Nếu muốn biết văn nghĩa, thì nên xem quyển Văn Thê Yếu lược. Muốn hiểu rõ việc khai giá, nên học theo luật oai nghi.

(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5767148
Số người trực tuyến: