Nghe chuông | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Nghe chuông

Nghe  chuông

Lời ghi: Nhĩ căn, phát thức là “nghe”. Phàm nghe tiếng chuông thầm niệm kệ này. Thầm niệm là tiếng trong tâm. Tâm có tiếng hay tâm không tiếng?

Tiếng mà không tiếng, chỉ có thể tự mình nghe, người khác không nghe được. Nên kinh Lăng Nghiêm nói: “Trở nghe nghe tự tánh, sao chẳng tự nghe nghe” là nói tiếng trong tâm vậy.

Lời góp: Sớm tối trong khi đi đứng ngồi nằm, hễ mỗi khi nghe tiếng chuông liền tụng kệ chú này:

Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ. Trí huệ lớn, Bồ đề sinh. Lìa địa ngục, ra hầm lửa. Nguyện thành Phật độ chúng sinh

Án dà ra đế dạ ta bà ha (câu chú niệm 3 lần)

Lời ghi: “Phiền não” là hai thứ: căn bản phiền não và tùy phiền não. Làm tâm quấy rầy, khiến tâm bứt rứt. Nên bộ Chỉ Quản nói: “Pháp mù rối, khuấy loạn tâm thần” vậy.

Nếu nghe tiếng chuông mà trì kệ chú này, dầu có phiền não rất nặng, cũng hóa ra nẹ thanh đi. Xét lý gọi là “tri”, phân biệt gọi là “huệ” tức hai trí: Căn bản trí và Hậu đắc trí. Như Đức Quán Thế Âm từ nghe, nghĩ, tu, mà vào chánh định, tự nhiên phiền não nhẹ trí huệ lớn vậy. “Bồ đề” là quả của “trí”, một lần nghe tiếng chuông, hoa lòng trí huệ rộ nở, quả đạo Bồ đề mau nên. Đây là nói vắng lặng hiển bày, Bồ đề tự sinh vậy.

Nói “Địa ngục” nghĩa là ở dưới đất. Tiếng Phạn gọi Nê Lê, dịch là khổ cụ, cũng dịch là khổ khí, cũng dịch là không thể ưa muốn, nghĩa là ngày đêm nung bức người tội.

Lại “Địa” là đáy, trong muôn vật thì ở dưới rốt, nên gọi đáy. “Ngục” là cuộc, là giam buộc người tội không được an vui, nên gọi là cuộc. Lại gọi là không có, nghĩa là trong ngục đó không có nghĩa lợi chi cả. Chánh gọi là Nại Lạc Ca, như trong luận Bà Sa nói là: “chỗ không tự tại”. Nghĩa là người tội ấy bị ngục tốt A-bàng nó câu chế, không được tự tại. Dưới châu Thiệm Bộ cách 500 do tuần thì có ngục ấy.

Song ngục này có lớn và có nhỏ. Thứ lớn tám chỗ, là tám ngục lạnh và tám ngục nóng, vân vân, mỗi ngục lại có loại ngục quyến thuộc nhiều vô số. Ở đó người chịu khổ tùy theo nghiệp làm, đều có phân nhẹ và nặng, trải kiếp số bao lâu, vân vân. Chỗ nặng nhất trong 1 ngày 8 muôn 4 ngàn lần sinh tử, trải kiếp lâu không lường, do tạo tội 5 nghịch 10 ác thượng phẩm cảm sinh trong đường này.

Thứ nhỏ có 16 địa ngục, là ngục tro nóng, ngục mũi dao nhọn, vân vân. Địa ngục là tên chung, “hầm lửa” là chỉ riêng, là một tên 16 ngục vậy. Nay nghe tiếng chuông nếu vượt thoát được đời và ra khỏi đời, thì tự nhiên “lìa địa ngục, ra khỏi hầm lửa vậy”.

Mười phương tròn sáng, gọi là “Thành Phật” được hai món thù thắng nên có thể “độ chúng sinh”.

Nếu luận một khi nghe tiếng chuông mà liền sinh chánh niệm, cho nên phiền não nhẹ ít, mà trí huệ thêm lớn, tức là chuyển hướng mê lầm mà thành trí đức, nên gọi “Bồ đề sinh”.

Song trí huệ là ước luận về nhân, Bồ đề là chính chỉ quả đức.

Lìa là “giải”, “ra” là thoát. Tức là chuyển khổ chướng của địa ngục hầm lửa mà thành đức giải thoát, nên gọi là “lìa ra”. Phát nguyện thành Phật tức là chuyển nghiệp chướng mà thành Đức Pháp thân.

Ấy là ba chướng tiêu, mà ba đức tròn, nên có thể tột lớp vị lai độ chúng sinh vậy.

Song chưa có người nào chẳng phát nguyện mà độ chúng sinh. Xưa nay cũng chưa có Đức Phật nào chẳng độ chúng sinh. Nếu chúng sinh không tự độ, mà trước nguyện độ sinh, tâm ấy là tâm Phật, phải biết tâm và nguyện ấy, đều từ chỗ nghe tiếng chuông mà phát khởi, một lúc vô biên phiền não từ đó cắt đứt.

Địa ngục vô gián từ đó mà phá vỡ, vô tận pháp môn từ đó mà chứng nhập, Phật đạo vô thượng từ đó mà thành. Có thể nghe thấy tiếng chuông lợi ích không thể nghĩ bàn vậy.

Kệ chú này Hiển Mật lẫn dùng, lý sự bày cả. Chú tức chân ngôn phá địa ngục, bí mật nên không dịch, thế nào cưỡng giải được, cứ tụng tự khiến hết khổ được vui, dứt tội chứng quả vậy.

Dẫn chứng: Như trong truyện Phú Pháp Tạng nói: “Có vua Kế Nị Tra vì ham sát hại, chết vào trong loài cá ngàn đầu, vầng gươm quanh theo thân mà múa, vừa chặt liền mọc đầu lại, trong phút chốc đầu đầy biển cả. Vị La hán làm Duy Na trong Tăng, y thời dộng chuông, nếu nghe tiếng chuông thì vầng gươm bay ở trên hư không vì cơ đó cậy người vào chùa thưa dộng chuông lâu dài, cho tôi hết khổ. Qua 7 ngày sau, hết thọ khổ nữa”.

Lại trong bộ Phật Tổ Thông Tải nói: “Huyện Thượng Ngươn có người dân chết ngang, thấy người bị gông trói trong năm cây nói rằng: “Ta là Tiên Chúa trào Nam Đường, bị lầm nghe, Tống Tề Khưu mà giết quân hằng hơn ngàn người, họ tố oan, ta bị cầm tù ở đây, nhờ ngươi về nói với Từ Quân: Phàm khi chùa viện dộng chuông, phải dài tiếng ra. Ta thọ khổ chỉ nghe tiếng chuông thì tạm hết. Hoặc có thể giúp ta đúc một quả chuông càng hay”. Lại nói: “Ta ngày ở ngôi, nước Vu Điền tặng ta một tượng Thiên Vương bằng ngọc, giấu trong đầu gối phía tả của Phật trong chùa Ngõa Quan, không ai biết cả, ngươi lấy đó là chứng nghiệm”. Bèn tỉnh dậy, liền tâu với vua Đường, quả y như lời, vua cảm động khóc, đúc một quả chuông dâng vào chùa Thanh Lương, khắc ở trên rằng: “Cầu siêu cho Liệt khảo Cao Tổ Hoàng Đế thoát u xuất ách”, đem tượng ngọc xây tháp ở núi Tán Tưởng”. Kinh Tạp Thí Dụ nói: “Ở đâu nghe tiếng chuông đương nằm phải ngồi dậy, chắp tay phát thiện tâm, Hiền THánh đều vui ngợi”. Lại đời Đường, đất Kinh sư có vị Tăng ở chùa Đại Trang Nghiêm tên Tam Quả, có người anh theo vua Đường Đế đi vào Nam, giữa đường chết, vì không giữ trai giới, đọa vào địa ngục hầm lửa, nhờ chùa Thiền Định đóng chuông, tiếng vang địa ngục, người đồng thọ khổ đều sinh về cõi vui.

Lời góp: Cổ đức nói: “Nghe chuông nằm chẳng dậy, thiện thần hộ pháp giận, đương đời kém phước đức, sau đọa làm thân rắn”. Người lười tu thiền tụng, cảm báo rõ như trong Kinh Luật, đây không dẫn nhiều.

(Trích "Tỳ Ni Hương Nhũ"
Dịch giả: HT. Thích Thiện Chơn
Nguồn: NXB Tôn giáo 2010)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5698361
Số người trực tuyến: