Dạy trẻ biết tri ân qua bài học nấu ăn
Nấu ăn và ăn cùng nhau là việc mà các thành viên trong gia đình nên làm. Bữa tối thường là lúc mà tất cả các thành viên trong gia đình có thể ngồi ăn cùng nhau và trò chuyện. Việc bạn lựa chọn ăn gì và ăn ở đâu phải thể hiện được giá trị mà bạn muốn dạy con bạn. Nếu nhà bạn có một khu đất nhỏ, bạn nên tự trồng rau và cho con cái được tham gia cùng. Việc làm vườn giúp trẻ trân trọng món quà mà thiên nhiên và chính công sức lao động của chúng. Khi bạn đi mua sắm ở tiệm, hãy chọn những thực phẩm càng tự nhiên càng tốt. Những món ăn địa phương, trái cây và rau quả theo mùa sẽ tạo cho con trẻ cảm giác kết nối với thiên nhiên. Rất nhiều Phật tử phát tâm ăn chay, bởi vì quý trọng sự sống, sinh mạng là một trong những nguyên tắc cốt lõi của Phật giáo.
Thoạt tiên, người ta sẽ nghĩ việc chuẩn bị bữa ăn và chia sẻ chúng là một thói quen, một tập tính xã hội; nhưng suy cho cùng, nó lại là một trải nghiệm tinh thần. Theo quan niệm của nhà Phật, chuẩn bị một bữa ăn là quá trình biến thức ăn thành một loại năng lượng tinh thần để giúp đỡ người khác. Trong bữa ăn, khi các con của bạn có vẻ ăn rất ngon lành, hãy tận dụng cơ hội này để dạy chúng nghĩ về những giá trị sâu sắc của thức ăn mang lại cho cuộc sống của chúng: “Các con hãy tưởng tượng cơ thể của chúng ta đang chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Chúng ta có thể sử dụng năng lượng đó để giúp đỡ mọi người trên toàn thế giới.”
Thức ăn đến từ đâu?
Trong bữa ăn, câu hỏi thường gặp là “Hôm nay ở trường con làm gì?” – và thường thì các con sẽ chỉ trả lời ngắn gọn “Không có gì ạ” hoặc “Con không muốn nói về nó ạ”.
Để tạo nên một cuộc nói chuyện thú vị hơn cho bữa tối, hãy gợi mở cho bọn trẻ những câu hỏi như “Các con đoán xem các con đang ăn gì? Và làm sao những món ăn này lại đến được với bữa ăn của chúng ta?”. Bạn nên để trẻ suy nghĩ xem đã có bao nhiêu người và các con vật nữa góp phần tạo nên bữa ăn của chúng – bằng cách này, bạn đang dạy trẻ về mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi thứ trong cuộc sống. Hãy đưa ra những câu hỏi đơn giản để kích thích trí não các con trong khi bạn đang chuẩn bị hoặc chia đồ ăn.
Hãy thảo luận nguồn gốc sâu xa của từng món ăn và nguyên liệu làm nên chúng. Cho các con biết trước khi chiếc tủ lạnh và các phương tiện vận chuyển hiện đại ra đời, con người chỉ có thể sử dụng thực phẩm được tạo ra ở quê hương của họ mà thôi.
Hãy thảo luận về việc chúng ta sử dụng bộ phận nào của loại rau nào để chế biến thành các món ăn: rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt, vv. Hãy cho các con biết rằng nếu không có côn trùng thì cây cối sẽ không thể đơm hoa tạo quả và hạt được. Và quan trọng nhất, bạn hãy cùng con tri ân những người đã lao động vất vả để có được những thức ăn đó như bác nông dân, công nhân nhà máy, cửa hàng và rất nhiều người khác nữa.
BÀI TẬP THỰC HÀNH: Tạo ra món ăn truyền thống của gia đình
Mỗi khi gia đình bạn làm một món ăn cải thiện nhân dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, bạn hãy để con trẻ đảm nhiệm những công đoạn mà chúng yêu thích và giao cho chúng chịu trách nhiệm về việc đó. Gia đình bạn sẽ tràn ngập không khí ấm áp và điều đó tạo nên một truyền thống của gia đình, cũng như gom góp những kỉ niệm đẹp đi theo các con suốt cuộc đời. Bạn có thể cùng các con tạo ra những công thức món ăn lành mạnh và làm cùng nhau. Sau đây là món phô mai que rất đơn giản mà trẻ con rất yêu thích:
Nguyên liệu để làm phô mai que:
8 ounce (khoảng 325 gam) phô mai trắng cứng mịn (loại của Thụy Sĩ)
2/3 cốc bột mì trắng
¼ thìa cà phê bột nở
½ thìa cà phê muối
¼ thìa cà phê tiêu đen xay
1 quả trứng
½ cốc nước
1 nhúm bột cà chua đỏ Ấn Độ (tùy thích)
Dầu rán
Thái phô mai thành những miếng hình que nhỏ dài khoảng 7,5 cm và rộng khoảng 1,2 cm. Trộn tất cả các nguyên liệu khác với nhau trong một cái bát nhỏ, đập trứng và nước vào và đánh đều lên. Sau đó nhúng phô mai vào hỗn hợp đó. Đun nóng dầu trong chảo (không để dầu nóng già), sau đó từ từ cho từng que phô mai vào. Vặn nhỏ lửa và rán khoảng 2-3 phút cho đến khi phô mai bắt đầu chảy ra và xuất hiện bong bóng bên ngoài vỏ bột thì vớt ra và để vào khăn giấy khô cho ráo dầu. Món này nên ăn nóng.
Một điểm đáng lưu ý trong khi ăn cùng nhau là không nên bật ti vi. Thực hành chính niệm trong bữa ăn đồng nghĩa với việc tắt ti vi đi và thực sự tận hưởng thời gian bên nhau. Hãy thở ra hít vào thật sâu ba lần trước khi ăn và tâm niệm “Nói chuyện, cười lớn và mỉm cười trong nhà ăn cùng nhau là điều rất tuyệt vời”. Việc dọn dẹp sau bữa ăn là một phần quan trọng trong một bữa ăn của gia đình Phật tử. Khi ăn xong, mỗi đứa trẻ cần tự giác dọn bát đĩa của mình và để chúng vào trong bồn rửa trước khi muốn làm những việc khác.
(Nguyên tác: “Karma Kids - Những đứa con của Phật”
Tác giả: Greg Holden)
- 413
Viết bình luận