Dạy trẻ kiến thức và cư xử - Điều gì quan trọng hơn? | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Dạy trẻ kiến thức và cư xử - Điều gì quan trọng hơn?

Ở tầm tuổi từ 16 đến 25, chúng ta thường hay đứng ở ngã ba đường, lúng túng, không biết chọn đường nào. Đôi khi đi đường này một thời gian, thấy không ổn, lại quay sang đường kia. Việc chọn một hướng đi đúng rất quan trọng bởi nó liên quan cả đời mình. Đôi khi những cái mình cho là quan trọng lại không thực sự quan trọng. Có những cái không quan trọng, lại cho là quan trọng.

Trong cái nhìn của những người từng trải, vị trí quan trọng nhất chính là cha mẹ, tiếp đến là xã hội - những người xung quanh. Thứ ba là nền giáo dục hấp thụ từ nhà trường, gia đình, xã hội. Thứ tư là bạn bè. Với lớp trẻ, bạn bè thường được đặt lên hàng đầu. Đây là cách suy nghĩ, chọn lựa sai lầm.

Tri ân cha mẹ

Tại sao cha mẹ lại quan trọng đến vậy? Đơn giản nếu không có cha mẹ, ta đã không có mặt trên đời, nếu có mặt trên đời mà không có sự bao bọc, nâng đỡ của cha mẹ, ta cũng không thể trưởng thành, có thể sẽ chết sau vài ngày vừa ra đời. Chúng ta đã sống đến nay mấy chục tuổi, nhưng hãy nhìn lại xem, dòng máu của mình là của cha mẹ, da thịt của mình cũng là ân đức của cha mẹ. Và tình thương cha mẹ dành cho chúng ta đến trọn kiếp người không bao giờ có điểm dừng. Nếu không biết quan tâm, không biết yêu thương, không biết báo ân cha mẹ mình, có lẽ chúng ta không thể có thành tựu bất kỳ cái gì trong đời.

Một số thanh niên mới lớn có thể tuyên bố rằng tôi có kiến thức, có học vấn, tôi có thể tự xin việc, tự tồn tại không cần bất kỳ sự giúp đỡ của ai. Nói như vậy về khía cạnh nào đó cũng đúng, nhưng xét kỹ xem, chúng ta thực sự sống trên đời này hoàn toàn phụ thuộc vào nhau, phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Nói đơn giản, chúng ta tồn tại được là tùy thuộc vào mặt đất này. Trái đất cho ta có thể ngồi yên, đi lại, sinh hoạt. Chúng ta hít thở hoàn toàn nhờ bầu không khí. Độ một tuần không uống nước, ta có thể chết. Chỉ ở mức độ tồn tại đơn giản, chúng ta đã phải phụ thuộc rồi, thì làm sao có thể tuyên bố tự lập trong cuộc sống. Hiểu rằng mình tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào những yếu tố như đất, nước, gió, lửa…, chúng ta thấy trách nhiệm của mình đối với môi trường. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ mình và thế hệ tương lai.

Kiến thức không bằng cư xử

Trong cuộc sống, đôi khi các bạn trẻ có suy nghĩ, người này gây rắc rối cho mình, mình muốn tránh xa, người kia không ưa mình, mình không thích. Thử hỏi xem tại sao người ta không thích mình, hay chính mình đã không thích người ta và có những hành xử không tốt, dẫn đến kết quả đó. Biết rằng tất cả những khó khăn rắc rối không ai đem đến cho mình ngoài chính mình, sẽ thấy chìa khóa để hóa giải nằm ở nơi mình.

Học vấn, kiến thức là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là cách cư xử, cách bạn nghĩ, nói và làm. Kiến thức giống như thân thể. Thân thể phải có tinh thần điều khiển thì mới chuyển động được. Không biết cách cư xử thì kiến thức không có giá trị gì cả. Ngay thủ tướng, nữ hoàng, học giả… nếu không biết cách cư xử, không biết kính trọng người lớn tuổi, tôn trọng văn hóa, tôn trọng môi trường… thì cũng không làm được việc, không ai nghe lời hay quý mến họ.

Một Bậc Thầy giác ngộ từng dạy rằng: “Việc chọn nghề nghiệp có thể do bạn hoặc cha mẹ quyết định nhưng tốt nhất là bạn tự quyết. Ngay từ bây giờ, hãy nỗ lực cho mục tiêu đã chọn. Đừng bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt mục đích. Nếu cứ bỏ cuộc ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bạn quen dần với việc bỏ cuộc và cả cuộc đời bạn sẽ bị bỏ phí”.

Hiện nay đôi khi các bậc phụ huynh ép con mình học thái quá, lúc nào cũng nhồi nhét kiến thức, trong khi không dạy con cách yêu thương, cách quan tâm chăm sóc, tri ân người khác, thì có khi kiến thức chỉ dẫn đến ngõ cụt. Có những người học cao, nhưng suốt ngày nghiện ngập. Họ không yêu kính cha mẹ, nên cha mẹ không thể giúp họ được. Họ cũng chẳng có bạn bè. Họ không thích ra ngoài vì không được ai đón chào. Tốt nhất họ nên ở trong phòng với chiếc TV, vì chỉ có nó mới chào đón họ. Các bạn đừng trở thành có học kiểu đó. Kiến thức quan trọng nhưng hành xử quan trọng hơn. Vì chúng ta muốn hạnh phúc, muốn ân hưởng đời sống, chứ không mong cô đơn, bế tắc. Bởi vậy cần học hành xử từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Khi ở trường, các em cần được dạy từ việc ngủ dậy đừng ném chăn vào bạn giường bên cạnh. Khi ăn cũng cần từ tốn, ăn trong sự tri ân những người đã đổ mồ hôi để có bát cơm cho mình ăn. Trân trọng người xung quanh, kể cả loài vật. Nếu chúng ta biết yêu thương con chó, lập tức nó yêu thương lại ta. Nếu đá nó, nó sẽ cắn lại.

Khi biết cư xử tốt, tức là có phẩm hạnh tốt, kiến thức của chúng ta mới có ích cho xã hội. Còn nếu có học thức nhưng không biết yêu thương, cởi mở, trân trọng mọi người thì học thức cũng không giúp gì được, ngay cả cho cha mẹ mình. Bởi vậy các bạn trẻ cần thấy rằng học vấn, kiến thức rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải trau dồi từ những hành xử nhỏ nhất trong đời sống để trở thành người tốt.

Khi còn trẻ, các bạn cần thận trọng, bởi bất cứ ai cũng có thể khiến bạn lạc đường. Để đi con đường đúng, biết chọn người để lắng nghe là điều rất quan trọng. Bạn bè xấu sẽ xui bạn thử ma túy, thử uống rượu, thế mới là chịu chơi, là sành điệu. Nhưng đến khi bạn gặp vấn đề về sức khỏe hoặc bị nghiện, họ có thể làm gì cho bạn? Bạn nên lắng nghe người lớn tuổi, lắng nghe cha mẹ, thầy cô… ít nhất cho đến khi nào bạn có thể tự kiểm soát được mọi thứ.

Hãy tự kiểm điểm bản thân mỗi ngày, mỗi tối. Như hôm nay mình đã học được nhiều chưa, đã thực sự để tâm vào việc học chưa, ngày mai mình cần bổ sung, cố gắng điều gì. Hôm nay gặp người này mình đã nói chuyện gì, những chuyện đó có ý nghĩa hay vô bổ… Nhờ tự kiểm điểm mà bạn trưởng thành từng ngày. Khi còn trẻ, bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm. Nếu không biết tự kiểm, bạn sẽ tiếp tục sai lầm và dễ sa ngã.

Bạn cần có mục tiêu cho việc học. Bạn biết mình muốn làm gì và đừng bao giờ từ bỏ điều đó. Hãy chọn điều khiến bạn đam mê, và tập trung vào đó. Đừng năm nay thích làm bác sĩ rồi năm sau lại thích làm kỹ sư, năm sau nữa lại muốn làm phi công. Không tập trung và nuôi dưỡng đam mê, bạn sẽ không đi đến đâu cả.

Tương lai của đất nước

Cứ nỗ lực học hết mình, đừng nên lấy ai ra để cạnh tranh. Bởi như thế suốt ngày sẽ phải để ý người đó đọc sách gì, dùng máy tính gì, ăn mặc ra sao… Tất cả chỉ khiến mình đau đầu. Cứ mải để ý người khác, bạn sẽ không còn thời gian cho chính mình. Mỗi người sinh ra đều có khả năng riêng, Phật giáo gọi là nghiệp. Vì mỗi người lại giỏi một thứ. Thành ra có cả triệu người giỏi nhất chứ không phải chỉ một. Khi ai đó học giỏi và thành công, chúng ta nên kính trọng, ngưỡng mộ, vì đời trước vị này đã tích lũy những nghiệp tốt.

(Nhóm ĐBT biên soạn)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6181629
Số người trực tuyến: