7 nguyên tắc giúp con trẻ “sống Hạnh phúc và Bình an” | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

7 nguyên tắc giúp con trẻ “sống Hạnh phúc và Bình an”

7 nguyên tắc giúp con trẻ “sống Hạnh phúc và Bình an”

Ngoài việc dạy trẻ về lòng yêu thương, các bậc cha mẹ cũng cần dạy con các phẩm chất cơ bản khác được gọi là “7 nguyên tắc sống Hạnh phúc và Bình an”.  Những nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho trẻ nhỏ mà cho tất cả mọi người, giúp họ có được một cuộc sống lành mạnh, có ý nghĩa và đặc biệt, biết cách mang lại hạnh phúc cho người khác. Khi chú tâm thực hiện các nguyên tắc này trong đời sống, dù làm bất cứ một việc gì, bạn sẽ tư duy và tìm cách để tránh các nghiệp xấu, tích lũy các nghiệp lành.

Trẻ nhỏ cũng vậy, các con rất cần phải tích lũy nghiệp lành ngay từ nhỏ để sau này lớn lên có một cuộc sống hạnh phúc, tự tại. Một người ăn xin không thể có được cảm giác no đủ nếu họ chỉ đứng ngắm nhìn mọi người đang thưởng thức món ăn ngon trong các nhà hàng sang trọng. Tương tự như vậy, con bạn khó có được hạnh phúc từ những thiện nghiệp do cha mẹ chúng tạo ra. Chính bọn trẻ phải tự gieo nhân lành cho hạnh phúc của chính mình.

1. LÒNG TỪ BI

Nguyên tắc đầu tiên là Lòng từ bi. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên khuyến khích con mình thực hành hạnh từ bi không chỉ đối với mọi người (kể cả  người đối xử không tốt với bọn trẻ) mà còn cả các loài vật hay loài côn trùng nhỏ bé. Khi bạn tập cho con thói quen biết nghĩ đến hạnh phúc của người khác, biết thực hành hạnh từ bi mọi lúc mọi nơi, chắc chắn các con sẽ mang lại sự an bình và lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hạt giống từ bi trong tâm sẽ nảy mầm, giúp con luôn cảm thấy bình an trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những lúc con gặp khó khăn, và cảm thấy bất an nhất. Dù trẻ đi đến đâu, trẻ cũng tìm thấy niềm vui từ trái tim biết yêu thương đồng loại và loài vật.

Một cách rất tự nhiên, khi con trẻ có  hành động, việc làm tốt khiến  người khác hạnh phúc, bản thân đứa trẻ đó  sẽ cảm thấy hạnh phúc, dù chỉ là trong một khoảnh khắc rất nhỏ của đời sống. Nhưng bạn cần biết rằng, một khoảnh khắc tưởng chừng như rất nhỏ ấy lại có ảnh hưởng lâu dài đến con bạn, không chỉ trong một đời mà trong nhiều kiếp vị lai. Với một hành động tích cực dù rất nhỏ,  con trẻ đang gieo một nhân lành trong tương lai với tâm nguyện mang hòa bình và hạnh phúc đến cho mọi người, mọi loài, xét trên cả góc độ hạnh phúc thế gian tạm thời và hạnh phúc giác ngộ rốt ráo.

Như vậy, kết quả của một hành động xuất phát từ lòng từ bi chính là hạnh phúc. Theo giáo lý đạo Phật, nghiệp thiện và bất thiện sẽ tạo quả hạnh phúc và khổ đau tương ứng. Một hành động tích cực dù rất nhỏ nếu xuất phát từ lòng từ bi, tình yêu thương hướng về hạnh phúc của tất cả chúng sinh, quả báo hạnh phúc sẽ trải dài trong hằng hà sa số kiếp vị lai.

Ngược lại, nếu một hành động làm tổn hại đến người khác dù rất nhỏ cũng sẽ gây ra những quả báo bất hạnh và khó khăn trong vô lượng kiếp. Đó là lý do vì sao nguyên tắc đầu tiên chính là dạy cho con bạn biết yêu thương và ban trải lòng từ bi tới mọi người và tất cả chúng sinh. Lòng từ có năng lực mạnh mẽ khiến con bạn hạnh phúc, điều này tất nhiên sẽ khiến bạn hạnh phúc và tất cả những người khác đều hạnh phúc.

2. TÙY HỶ

Nguyên tắc thứ hai là hạnh tùy hỷ. Khi thấy người khác xinh đẹp hơn, có nhiều bạn bè hơn, có nhà lầu xe hơi, được học ở trường tốt hơn, có công việc thuận lợi hơn, bạn nên dạy con mình học cách biết hoan hỷ trước những điều đó. Thay vì đố kị, ghen ghét và khởi tâm có được tất cả những gì người khác có, con bạn cần hiểu rằng biết tùy hỷ trước hạnh phúc của người khác sẽ giúp cho trẻ nhỏ có tâm luôn an vui và tự tại. Tâm ghen ghét, đố kị chính là trạng thái tâm tiêu cực tạo ra những chướng ngại khiến những mong nguyện trong đời sống của con trẻ khó thành hiện thực. Cho dù cuộc đời đầy rẫy những thăng trầm, vinh nhục, nếu biết vui với niềm vui của người khác, biết mừng với những may mắn của người khác, trẻ nhỏ sẽ vẫn tự bảo vệ được mình mà không bị gục ngã bởi tâm yếu mềm và khủng hoảng tinh thần.

Nhờ hạnh tùy hỷ, con bạn sẽ gieo được những nghiệp nhân tốt lành. Cho dù trẻ  không hiểu hoặc không thừa nhận quy luật về nghiệp, chỉ bằng tâm hoan hỷ trước thiện hạnh của người khác khiến cho trẻ trở thành người sống có đạo đức. Chỉ một lần gieo nhân hoan hỷ sẽ tạo nên quả hạnh phúc và thành công cho con bạn không chỉ trong hiện đời mà trong vô số kiếp tương lai. Chính vì vậy, biết tùy hỷ với  điều tốt đẹp của bản thân và của người khác là cách đơn giản nhất giúp con bạn tích lũy được vô lượng vô biên công đức.

Thực hành hạnh tùy hỷ (vui theo việc làm tốt của người khác) xuất phát từ trong tâm. Vì vậy, bạn có thể thực hành bất cứ lúc nào, ngay cả khi ăn uống, ngủ nghỉ. Bạn có thể dạy con mình thực hành tùy hỷ mọi nơi, mọi lúc. Như vậy, niềm vui sẽ luôn thường trực bên  trong con trẻ suốt cả một ngày. Khi trẻ  hạnh phúc, đứa bé sẽ dễ dàng nói chuyện, chia sẻ với người khác, từ đó   con trẻ cũng trở nên gắn bó, thân thiện và cởi mở với mọi người hơn. Không cần mua đồ chơi hay thú  vui xa xỉ, tiêu tốn thời gian, con bạn sẽ tự biết cách làm cho mình luôn vui vẻ bằng tâm tùy hỷ trước việc làm thiện lành của trẻ khác, người khác. Tùy hỷ chính là pháp thực hành tổng thể, tuy đơn giản nhưng giúp trẻ  nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống. Đây cũng là một liệu pháp tâm lý học được sử dụng để giúp cho mọi người giữ được tâm an vui, hạnh phúc.

3. KIÊN NHẪN

Nguyên tắc thứ ba là rèn luyện cho con bạn đức tính kiên nhẫn. Nếu trẻ không hay cáu giận, trẻ sẽ có xu hướng sống hài hòa, không có tư tưởng hại mình và hại chúng sinh. Như vậy, trẻ sẽ không tạo ra nghiệp bất thiện. Mặt khác, khi con bạn hay phản ứng nóng giận với ngoại cảnh và mọi người xung quanh, chính cơn giận sẽ khiến tâm trẻ trở nên bất an, rối loạn. Khi tâm trẻ không cảm thấy vui trẻ sẽ có  hành vi làm ảnh hưởng đến người xung quanh để giải tỏa cơn giận và gây sự chú ý, quan tâm đến mình. Chỉ từ một hành động nhỏ xuất phát từ tâm sân giận, trẻ sẽ phải chịu nghiệp báo tái sinh trong những cảnh giới thấp hơn, nơi chúng sinh phải chịu đựng biết bao nỗi thống khổ. Nếu có được cơ duyên tái sinh làm người, quả báo của tâm sân giận sẽ khiến con bạn sống cuộc đời bất hạnh và nhiều khổ đau, chướng ngại, ví dụ có một tướng mạo xấu xí, không lành lặn. Như vậy, quả báo của  hành động sân giận  sẽ khiến trẻ phải chịu đau khổ trong vô lượng kiếp vị lai.

Tâm sân giận đối nghịch với tâm nhẫn nhục, có thể thiêu rụi những công đức mà trẻ đã tích lũy được từ nhiều đời trước. Sân giận không chỉ có sức tàn phá đối với hạnh phúc của trẻ ngay trong giây phút hiện tại mà ảnh hưởng đến nhiều đời kế tiếp. Quan trọng hơn cả, tâm sân giận có thể phá hủy những công đức giúp trẻ đạt đến chân hạnh phúc  tối thượng, giải thoát khỏi biển khổ luân hồi. Nói cách khác, nó khiến cho những công đức là nhân đạt tới cứu cánh giác ngộ có thể trong phút chốc tiêu tan. Sân giận là một trong tam độc làm tổn hại không chỉ cho con bạn mà cho những chúng sinh khác trên hành trình giải thoát.

Học cách nhẫn giúp con bạn không gây sân giận cho người khác trong các kiếp sống tương lai. Những hành động nhẫn nhục sẽ tạo ra các chủng tử tích cực trong kho tàng tâm thức, khiến trẻ  ngày càng nhìn cuộc đời với thái độ nhẫn nại hơn và ý thức hơn về những hành vi làm tổn hại đến người khác. Theo logic như vậy, trẻ nhỏ  lớn lên sẽ trở thành một con người biết mang hòa bình, an lạc đến cho thế giới này và cho tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác. Lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều người cậy thế quyền lực đã giết hại và hành hạ không biết bao nhiêu con người vô tội vì không biết thực hành nhẫn nhục. Khi dạy con bạn biết học cách nhẫn, trước tiên sẽ lợi ích cho chính những thành viên trong gia đình. Tâm lý tích cực của trẻ sẽ khiến trẻ sống hòa hợp với mọi người trong gia đình. Ngược lại, nếu trẻ nhỏ có xu hướng dễ nổi giận với người khác khi không vừa ý, đứa bé  có thể gào thét, nói những lời lẽ không hay với mọi người, thậm chí còn muốn đánh đập và có những hành vi rất tiêu cực. Nếu không may mắn gặp những người không biết kiềm chế, trẻ  có thể bị họ hành hạ ngược trở lại.

Lợi ích lớn nhất của việc dạy trẻ biết thực hành nhẫn nhục và tránh làm tổn hại đến mọi người chính là sống hòa hợp, yêu quý mọi người, mọi loài xung quanh.

Chính vì những lý do đó, làm cha mẹ, bản thân bạn phải biết học chữ nhẫn trước sau đó mới giúp được con bạn phát triển được hạnh nhẫn nhục.

4. KHOAN DUNG

Các bậc cha mẹ nên dạy con mình có thái độ bao dung, độ lượng  khi trẻ bị người khác đối xử không tốt với mình hoặc không tôn trọng mình, thậm chí lợi dụng mình. Tâm vị tha rất cần thiết đối với tất cả mọi người, bởi chỉ có tâm vị tha mới giúp chúng ta mở rộng trái tim mình để yêu thương người khác. Thay vì cứ phải ôm thù hận, nếu trẻ biết tha thứ cho người khác, trẻ sẽ luôn tìm thấy sự bình yên trong tâm, thậm chí chính những người đã từng gây tổn thương cho trẻ cũng sẽ cảm nhận được luồng năng lượng từ trái tim ấm áp vị tha của trẻ. Dạy cho trẻ lòng vị tha chính là giúp cho trẻ nhận ra rằng ý nghĩa của cuộc sống, và mục đích sống của một chúng sinh được may mắn sinh ra làm người chính là mang sự an bình đến cho chính mình, cho gia đình mình và cho toàn thể thế giới này.

Nếu không dạy trẻ về đức tính bao dung, tha thứ đối với ai đã làm tổn thương mình, con bạn sẽ quay lại làm tổn thương không chỉ với kẻ thù của mình  mà cả những người khác như gia đình hay bạn bè. Theo quy luật về nghiệp, hành vi đối đãi trả miếng sẽ khiến bạn trong các kiếp vị lai phải chịu quả báo bị hãm hại, thậm chí bị giết hại hàng trăm nghìn lần dưới nhiều hình tướng khác nhau bởi chính những người khiến bạn khởi tâm thù hận. Như vậy thì khổ đau cứ lăn dài mà không bao giờ kết thúc. Ngược lại, khi trẻ tha thứ cho người đã gây tổn thương cho con, trẻ chắc chắn sẽ không còn muốn quay trở lại làm hại họ, hay bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng như bạn bè của trẻ. Công đức từ việc cứu mọi người thoát khỏi tác động từ chuỗi nghiệp bất thiện do chính trẻ tạo nên thật không thể nghĩ bàn!

Trên truyền hình Mỹ có chiếu một cuộc phỏng vấn với một người phụ nữ, mẹ của một em bé bị bắt cóc, sau đó bị cưỡng hiếp và giết hại. Cho dù bà không phải là một Phật tử, nhưng bà nói rằng bà hoàn toàn tha thứ cho kẻ bắt cóc và không muốn trả thù anh ta. Thật tuyệt vời khi chúng ta thấy xung quanh mình vẫn có những con người biết sống với trái tim nhân hậu. Một khách mời khác trong chương trình là một người đàn ông từng bị kẻ xấu dùng súng bắn trọng thương. Nhưng ông cũng nói rằng, ông không muốn bắn lại kẻ xấu kia, cũng không muốn anh ta phải vào tù. Mặc dù ông không phải là một Phật tử, nhưng có một tấm lòng vị tha thật đáng trân trọng. Những người như vậy chắc chắn sẽ luôn tìm thấy niềm hạnh phúc, an lạc trong tâm ngay tại cuộc đời ngũ trược này.

5. BIẾT SÁM HỐI

Nguyên tắc tiếp theo là biết sám hối, tức là biết lỗi và nhận lỗi khi trẻ làm điều tổn hại đến người khác, ví dụ như lăng mạ hay sỉ nhụcngười khác. Nếu trẻ nhỏ ngay lập tức nhận ra lỗi và nói lời xin lỗi,tâm trẻ sẽ bình an và năng lượng tích cực từ tâm bình an sẽ cảm ứng đến người bị trẻ làm tổn thương. Họ sẽ không còn ác cảm hay oán giận trẻ nữa. Họ sẽ mở rộng lòng mình hơn với trẻ và mối quan hệ giữa họ với  trẻ chắc chắn sẽ tốt lên.

Khi trẻ  biết thành tâm sám hối cũng là khi mọi hằn vết trong mối quan hệ giữa người gây tổn thương và người bị tổn thương được xóa bỏ. Năng lượng hòa bình sẽ lan tỏa từ người này sang người khác, đóng góp vào bầu không khí hòa bình chung của cả thế giới.

6. BIẾT TRI ÂN VÀ TRÂN TRỌNG

Một phẩm chất rất quan trọng đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ chính là lòng tri ân và biết trân trọng  với những gì mình đang có. Nhiều vấn đề trong xã hội hiện đại sinh do con người có quá nhiều ham muốn đến nỗi họ luôn mải mê chạy theo ham muốn đó, và khi không đạt được, họ lại thất vọng, bất mãn. Thậm chí rất nhiều tỷ phú, triệu phú sở hữu khối tài sản khổng lồ đủ để nuôi sống gia đình họ từ đời này qua đời khác. Ấy vậy mà họ vẫn vướng vào vòng lao lý khi cấu kết với người có tâm địa không trong sạch để biển thủ tiền của công ty, của nhà nước. Báo chí đăng rất nhiều tin bài về câu chuyện của con người tham lam đó. Những hành vi phạm tội của họ không chỉ khiến họ phải chịu tủi nhục, khổ đau mà còn mang đến bất hạnh cho biết bao người vô tội khác.

Đối với giới trẻ, khi họ không bằng lòng, không thỏa mãn với thực tại, họ thường tìm đến rượu và ma túy, hòng mong rằng những chất độc hại đó có thể giúp họ lấy lại sự cân bằng tâm lý. Khi rơi vào cảnh nghiện ngập, họ sẽ không thể quay lại sống một cuộc sống bình thường như trước. Họ có thể mất việc làm, bạn bè ruồng bỏ, người thân thất vọng. Làm sao họ có thể thực hành Pháp trong điều kiện như vậy? Cuộc sống của họ hoàn toàn sụp đổ.

Chính lòng tri ân và trân trọng với những gì đang có sẽ bảo vệ con trẻ trước những cám dỗ nguy hại có thể tàn phá cả cuộc đời trẻ. Cha mẹ hãy dạy con biết tri ân để sống có ích cho mọi người. Đó cũng là cách ngăn chặn tiềm ẩn khổ đau cho cả gia đình. Bởi việc dạy cho trẻ học cách xả ly và không bám chấp vào ham muốn, tham vọng vượt ngoài khả năng là vô cùng cần thiết, tạo hành trang cho trẻ bước vào đời một cách tự tại.

7. LÒNG DŨNG CẢM

Nguyên tắc cuối cùng chính là lòng dũng cảm. Rất nhiều người có xu hướng hạ thấp bản thân mình khi cho rằng: “Tôi không thể làm được. Tôi thấy hoàn toàn vô vọng!”. Nếu bạn không nhận ra phẩm chất tốt đẹp nào nơi bạn, bạn sẽ rất dễ bị trầm cảm và không thể làm được bất cứ điều gì tốt đẹp cho mọi người. Với lòng dũng cảm, hay chính là suy nghĩ cho rằng “Tôi có thể làm được!”, trẻ sẽ luôn giữ vững tinh thần cầu tiến, không ngại khó khăn để viên mãn các công việc thế gian và thực hành Phật pháp.

Lòng dũng cảm giúp trẻ có được sức mạnh nội tâm để trưởng dưỡng các phẩm chất tốt đẹp cần thiết trong cuộc sống và trên con đường giác ngộ; để duy trì niềm tin sâu sắc rằng trẻ có thể giúp đỡ những người khác và dẫn dắt họ cùng bước đi trên hành trình đạt đến hạnh phúc tối thượng. Lòng dũng cảm giúp trẻ đón nhận những khó khăn, chướng ngại với tâm vô ngã, vị tha. Điều này vô cùng quan trọng bởi trong cuộc sống hiện đại, khi trẻ lớn lên trong một môi trường đầy đủ về vật chất,  con trẻ thường thấy cuộc sống thật vô nghĩa, không có mục tiêu để phấn đấu. Ngày càng có nhiều trẻ bị trầm cảm, tự kỷ hay tự sát. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên chú trọng phát triển phẩm chất dũng cảm nơi trẻ.

Trên đây là 7 nguyên tắc dạy con trẻ biết sống Hạnh phúc và Bình an. Bản thân các bậc cha mẹ cũng nên sống theo các nguyên tắc này để làm gương cho con. Những nguyên tắc này tuy đơn giản nhưng lại giúp các bậc cha mẹ có định hướng rõ ràng trong việc nuôi dạy trẻ và giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn ở bên che chở, động viên nhưng trẻ phải tự bước đi trên con đường của mình. Khi trẻ hiểu được rằng thay vì làm tổn hại đến bản thân trẻ và những người khác, những loài khác, trẻ nên làm những việc lợi ích cho chính mình, cho gia đình mình, cho hàng xóm láng giềng và tất cả chúng sinh. 7 nguyên tắc sống Hạnh phúc và Bình an sẽ giúp trẻ tìm thấy nhiều niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống, mong cầu làm những điều thiện lành cho người khác. Như vậy, từng giây từng phút trẻ sẽ gieo trồng những nhân hạnh phúc cho đời sống tương lai. Thậm chí, nếu con bạn chỉ có thể thực hiện được một nguyên tắc là biết yêu thương, từ ái với mọi người, năng lượng tích cực của tình yêu thương ấy không chỉ có tác dụng với một mình con bạn mà có tác dụng lan tỏa diệu kỳ đến mọi người xung quanh.